#HIFF2024: Bật mí lời giải sau dresscode của GDST Alex Fox dành cho LHP Quốc tế TP.HCM
"Việt Nam Đương Đại" - The Modern Vietnam
Các thế hệ gần đây đã có tuổi thơ hiện đại hơn. Hiện tại, mọi thứ chỉ cần một cú nhấp chuột, ký ức trở nên dễ tiếp cận, và cụ thể về mặt hình ảnh, mà không phải trải nghiệm cảm giác lãng quên. Trong khi đó, trở về ngày tháng mà mọi nhu cầu vật chất thật đơn giản, những gì mất đi sẽ được lưu giữ lại thông qua ký ức. Những đoạn hồi ức mong manh thường được lý tưởng hóa và tái hiện vào phim ảnh, được điều chỉnh từng chút một để thích ứng với con người đương đại.
Tuy nhiên, những con người ở kỷ nguyên hiện thời dường như luôn tồn tại một nỗi hoài niệm quá khứ, ngay cả khi đó là một quá khứ họ chưa từng trải nghiệm. Những đoạn hồi ức vừa quen vừa lạ được tái hiện trong phim ảnh, mọi khắc hoạ về hạnh phúc bình dị, niềm khao khát về những ngày hoàng kim xưa cũ khiến quần áo cổ điển, phụ kiện vintage, đồ cổ,… trở thành nguồn cảm hứng cho xu hướng thời trang. Bởi lẽ như vậy, thời trang - điện ảnh luôn gắn kết. Từ sự giao thoa giữa hai lĩnh vực, chúng ta thấy được bức chân dung mang đậm tính thời đại của nền nghệ thuật - giải trí Việt Nam.
Những giải đáp từ người ra đề
Đến với sự kiện hợp tác với Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần này, Giám đốc Sáng tạo Alex Fox khao khát mở ra các cuộc đối thoại giữa điện ảnh và thời trang, và mong muốn chúng ta có những hình ảnh mới mẻ hơn truyền cảm hứng cho giới mộ điệu Việt.
Xin chào anh Alex Fox! Anh từng chia sẻ về quan điểm làm nghệ thuật dựa trên tinh thần, tiếng nói riêng biệt. Vậy tại sao với cương vị là người đầu tiên “ra đề” cho dress code thảm đỏ LHP Quốc tế TP.HCM, thì đề bài của anh lại khá dễ đoán như vậy?
Với vai trò là người đầu tiên ra đề cho chủ đề trang phục tại LHP Quốc tế TP. HCM (HIFF), đặc biệt là sự kiện mở màn cho chuỗi hoạt động thường niên, Alex muốn hướng về vùng đất nơi mà bản thân đang sinh sống. Đó là bản ngã của mình, đồng thời cũng là một người Việt Nam được nuôi dưỡng trong các yếu tố đương đại đầy sự mới mẻ. Qua chủ đề dress code này, Alex cũng muốn mang đến thông điệp về nền nghệ thuật nói chung và điện ảnh Việt nói riêng đang ngày càng phát triển mạnh hơn và tiếp cận đến được với quốc tế. Đó chính là lý do mà Alex có chủ đề Việt Nam đương đại.
Bên cạnh đó, anh cũng từng nói trong một buổi tọa đàm trước triển lãm Ô rằng: “Tôi tận dụng vốn văn hóa để tạo ra DNA sáng tạo của mình." Anh nghĩ sao về ranh giới giữa tôn vinh văn hóa và chiếm dụng văn hóa?
Đối với Alex, mình chỉ chiếm dụng văn hoá khi chưa mang lại bất kỳ giá trị nào để tôn vinh nền văn hoá mà mình đang vay mượn, đang lấy cảm hứng từ đó. Suy cho cùng, một giá trị thẩm mỹ, một cái đẹp nếu không được mang đến gần với công chúng thì đó là sự uổng phí.
Dựa trên quan sát của mình, anh có cho rằng thị trường thời trang, nơi tiếp thu các giá trị văn hóa và biến nó trở nên đương đại, có đang nhận được sự đồng cảm của thế hệ đi trước?
Sự tiến bộ nào cũng sẽ vấp phải sự phản kháng nhất định của cái cũ, của cái mà đang dần mất đi và dần bị thay thế. Đây là điều hiển nhiên vì những cái mới không quen thuộc sẽ gây ra những nỗi sợ về sự lạc hậu, khiến con người bị bỏ lại phía sau phải phản kháng về những gì họ không hiểu rõ, những nỗi sợ vô hình. Càng mất tự tin thì cơ chế phản vệ sẽ càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, cảm hứng thời trang nói riêng sẽ luôn là một sự cấp tiến, một sự đột phá điên rồ nằm bên trong những người trong giới thời trang. Đây sẽ là một chất nền xúc tác, như một mũi tên được căng dây để bắn xa nhất, giúp khai phá những giới hạn mới. Qua đây, chúng ta cần phải luôn luôn ủng hộ sự cấp tiến trong thời trang, dù người sáng tạo có thể lựa chọn điều mới mẻ hoặc không, nhưng không thể phủ nhận những sự đổi mới trong tư duy, vì thời trang là nghệ thuật vị cái đẹp.
“Nói đến yếu tố Việt Nam trong trang phục không có nghĩa là cứ phải Áo Dài, đứng đắn nghiêm trang.” Theo ý kiến cá nhân, anh có cho rằng nhận định này là một tư duy thẩm mỹ mới và cấp tiến?
Thực chất, nhận định này đã mô tả được khá khá dự định của Alex khi tham gia HIFF. Đó cũng là một phần lý do mà Alex lựa chọn chủ đề dễ đoán, vì mình muốn thử xem khi đứng trước một đề bài rộng như vậy. Trên lớp nền rất rộng mở, người đến dự họ vẫn tìm đến một chiếc Áo Dài truyền thống thì việc này sẽ thể hiện tư duy của người mặc hoặc người dress up cho ngôi sao đó chưa thực sự mới mẻ và thú vị mặc dù đã đúng với đề bài.
Bằng việc đưa ra dress code là: “Việt Nam Đương đại”, viễn cảnh của anh về thảm đỏ LHP Quốc tế tổ chức tại TP.HCM sẽ như thế nào?
Alex nghĩ rằng năm đầu tiên sẽ “hỗn loạn”, sẽ là sự khó khăn đối với những người tổ chức. Chính vì vậy, Alex sẽ không làm khó hơn với những đề bài “oái oăm” nữa! Alex không muốn biến nó thành thảm đỏ của Met Gala, bởi đây là thảm đỏ tôn vinh điện ảnh với sự thanh lịch, ngợi ca những giá trị trên màn ảnh và sau màn ảnh. Alex hy vọng sẽ nhìn thấy được những điều đẹp đẽ nhất, ý nghĩa nhất qua những bộ đồ mà các ngôi sao mặc lên người để hướng về niềm tự hào nền điện ảnh Việt Nam, hướng về những tác phẩm điện ảnh của Việt Nam.
Anh Alex đang gửi gắm những tâm tư gì ở lần đầu L'OFFICIEL giữ vai trò Co-host và giám tuyển thời trang tại Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM?
L’OFFICIEL luôn muốn hướng đến những giá trị thời trang, tôn vinh cái đẹp duy mỹ nhất, phong cách nhất cho tất cả mọi người. Giữa bối cảnh điện ảnh Việt Nam đang ngày một phát triển, tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân thì ở đâu đó vẫn còn sự lạc lối trong việc lựa chọn phục trang, định hướng trang phục cho diễn viên. Biết đâu, đến với sự tham gia với cương vị giám tuyển thời trang của L'OFFICIEL sẽ là điểm khởi đầu. Có thể, trong tương lai, L’OFFICIEL sẽ đồng hành trong một bộ phim điện ảnh về thời trang để mang đến một tác phẩm đậm đặc tinh thần thời trang dành cho khán giả Việt. Đây cũng chính là mong muốn và tham vọng của cá nhân Alex và L’OFFICIEL cho lần đầu tiên để mở ra nhiều cơ hội mới.
Khi nhắm đến thời trang thảm đỏ, dễ dàng có thể liên tưởng ngay đến những thiết kế hoành tráng,... Bên cạnh đó, trang phục truyền thống Việt Nam người ta thường bàn luận nhiều về tính thủ công, chất liệu, đôi khi là thuần phong mỹ tục… Như vậy, ở thảm đỏ lần này, anh muốn hướng người xem đến yếu tố nào?
Tất nhiên là sẽ bao gồm tất cả những yếu tố trên! Vì với Alex, thảm đỏ của mỗi sự kiện đều mang định hướng và tính chất khác nhau. Trong sự kiện lần này, thảm đỏ được đặt ra với mục đích để tôn vinh con người, cái đẹp và điện ảnh, các yếu tố đó bắt buộc phải song hành cùng với nhau. Và tất cả những giá trị thẩm mỹ đó, đều cần phục vụ cho người xem, cho công chúng vậy nên giá trị đó phải hướng về công chúng, về thuần phục mỹ tục, về tính nghệ thuật cũng như sự duy mỹ. Alex mong muốn mỗi ngôi sao sẽ như một đại sứ để cho công chúng trong nước và quốc tế thấy rằng Việt Nam đang phát triển không chỉ điện ảnh mà còn với những ngành nghệ thuật thủ công đặc sắc như vậy.
Xin cảm ơn anh Alex về những chia sẻ thú vị!
——