Đồ cũ trên thảm đỏ: Mới nhất không đồng nghĩa với tốt nhất
Mùa mốt này, những xu hướng hợp thời nhất đều đến từ kho lưu trữ.
Chỉ 10 năm trước, việc ăn vận bất cứ thiết kế nào từ những mùa mốt trước còn bị đánh giá là fashion faux pas, nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán của các tờ báo lá cải và ngay lập tức đảm bảo cho chủ nhân một vị trí trong danh sách "Trang phục xấu nhất." Ngày nay, thời trang lưu trữ (archive fashion) lại chiếm ưu thế trên thảm đỏ, từ chiếc váy Gucci thời Tom Ford của Bella Hadid tại Liên hoan phim Cannes 2022, đến trang phục Valentino của Zendaya tại buổi ra mắt phim Euphoria. Nhiều người cho rằng sự nổi lên "đột ngột" này là xu hướng nhất thời, trong khi ý kiến khác cho rằng chúng ta sẽ còn trông thấy archive fashion nhiều năm nữa.
Johnny Valencia, chủ cửa hàng Pechuga Vintage ở Los Angeles, đã mang đến những món đồ cũ, vintage cho tín đồ thời trang trong nhiều năm. Gần như "ngồi ở hàng ghế đầu" với hiện tượng này, anh xem sự trỗi dậy của đồ cũ đang phản ánh cuộc sống hàng ngày: "Để thực sự đi sâu vào bất kỳ xu hướng nào, trước tiên chúng ta phải nhìn vào đường phố."
Gần đây nhất, khi theo dõi thảm đỏ Oscar lần thứ 95 vừa qua, các tín đồ thời trang sẽ ngay lập tức nhận ra một số thiết kế archive của các nhà mốt danh giá nhất: Cate Blanchett xuất hiện trong chiếc váy hai mảnh từ kho lưu trữ của Louis Vuitton, Vanessa Hudgens mặc bộ váy Chanel vintage, bộ váy của Winnie Harlow đến từ BST Giorgio Armani Privé 2005... Tại bữa tiệc after-party, Kendall Jenner diện chiếc váy vảy cá màu vàng và đồng của Jean Paul Gaultier từ năm 2008.
Bên ngoài thế giới của người nổi tiếng, cuộc thảo luận về tính bền vững trong thời trang đã được nung nấu qua nhiều năm. Nhiều nhà thiết kế và thương hiệu tận dụng các loại vải và kỹ thuật bền vững và quy trình, còn người tiêu dùng có ý thức môi trường đã dần chuyển sang hình thức mua bán đồ cũ. Báo cáo năm 2022 của Vestiaire Collective cho biết hơn 33 triệu người đã mua món đồ cũ đầu tiên vào năm 2020, và ngành bán liệu được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh gấp 11 lần so với ngành sản xuất quần áo mới.
Mimi Cuttrel, stylist của Gigi Hadid, Maude Apatow và Madelyn Cline, luôn xem "vintage" là trọng tâm trong công việc. Đối với cô, sự thay đổi này "phản ánh ý thức về môi trường của toàn ngành công nghiệp" và thể hiện "sự hợp tác giữa khách hàng và stylist để chuyển đổi sang cách ăn mặc bền vững hơn."
Như Valencia giải thích, thay đổi văn hóa đi cùng thay đổi trong thói quen tiêu dùng. “Bây giờ, càng cũ càng tốt. Đó là nghịch lý của đồ cổ: cũ thì tốt và mới thì dở.” Nhu cầu của người tiêu dùng đã tạo ra một không gian nơi quần áo “cũ” được bình thường hóa và thậm chí được tôn vinh. Ngọn lửa có thể được thắp bởi tính bền vững, nhưng sự độc đáo của đồ cũ đã khiến thế giới "bùng cháy".
“Thay vì mặc chiếc váy mới nhất lấy cảm hứng từ một bộ sưu tập 30 năm trước, tại sao không mặc thiết kế nguyên bản?”
Năm 2011, Julie Ann Clauss thành lập The Wardrobe, một cơ sở cho phép các khách hàng như Tom Ford cất giữa và bảo quản quần áo của thương hiệu trong điều kiện như-bảo-tàng. Là nhà cung cấp các bộ sưu tập lưu trữ trong hơn một thập kỷ, cô nhận thấy tính thực tiễn của đồ cũ: "Ngày nay các cửa hàng trên khắp thế giới sẽ lưu kho cùng một mẫu mã, vì vậy đồ cũ là một trong những cách duy nhất giúp ta nổi bật."
Brynn Jones, chủ cửa hàng Aralda Vintage tại LA đánh giá: “Một bộ sưu tập mới chỉ cho ta chừng đó lựa chọn thôi, còn nếu đi sâu vào kho lưu trữ, bạn sẽ thấy hàng thập kỷ và thập kỷ những tác phẩm tuyệt vời. Tôi cho rằng, một khi đã mở cánh cửa đó, mọi người sẽ nhận ra thiết kế mới nhất không có nghĩa là thiết kế tốt nhất."
Chính nỗ lực trở nên độc đáo này - điều được Valencia, Jones, Clauss và cả internet đồng ý - đã mang lại cuộc đời mới cho đồ cũ, đặc biệt khi các bộ sưu tập mới trong suốt 50 năm qua đều mang tính "tự liên hệ" (self-referential), theo ý kiến của Clauss. Valencia cũng có suy nghĩ tương tự: "Mọi thứ đã tồn tại rồi, tại sao phải phức tạp hóa cuộc sống?" Mặc đồ cũ không chỉ mang đến vẻ nổi bật mà còn thể hiện mức độ am hiểu và trân trọng lịch sử thời trang, hay như Valencia gọi là "gu thời trang" của bạn.
Thay vì mặc chiếc váy mới nhất lấy cảm hứng từ một bộ sưu tập 30 năm trước, vốn đã lấy cảm hứng từ một nhà thiết kế từ 25 trước đó nữa, tại sao không mặc thiết kế nguyên bản? Câu hỏi cho thấy sự chuyển hướng sang đồ cũ không chỉ là xu hướng, mà là thay đổi thực sự lâu dài trong hành vi tiêu dùng. Mặc dù có dữ liệu chứng minh cho giả thuyết này, Clauss vẫn nghi ngại. "Con lắc luôn thay đổi và tôi chắc chắn sẽ đến lúc mọi người quan tâm đến những bộ quần áo 'mới' và 'hiện tại' - nhưng tôi nghĩ để khơi dậy hứng thú đó, thời trang cần phải thú vị hơn và gắn liền với một khoảnh khắc tiêu biểu trong quá khứ," Clauss chia sẻ, nhắc đến phong cách Vũ trụ từ thập niên 60 của Courrèges , Paco Rabanne và Pierre Cardin.
Tuy nhiên, Valencia và Jones lại lạc quan hơn. Tiến triển chậm của đồ vintage, đối với Jones, là dấu hiệu của sự tồn tại dài lâu. Còn với Valencia, điều này không phải là xu hướng, và không nên là xu hướng. "Điều này vượt qua bộ quần áo mà bạn và tôi mặc, hoặc người chúng ta chú ý là ai. Đây là nỗ lực cộng bắt nguồn từ đầu đến cuối và ngược lại."
Theo Alyssa Kelly | L'OFFICIEL USA