Tương lai của ngành dệt vải và sự can thiệp của công nghệ
Vải là một trong những vật liệu cần thiết nhất trong quá trình hình thành sản phẩm may mặc. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ sinh học, ngày nay, những lại vải sợi hữu cơ đã ra đời và luôn có khả năng trở nên phổ biến. Bên cạnh đó, những loại chất liệu nền quen thuộc như lụa, sợi bông cotton, len, linen, polyester và rất nhiều chất liệu nhân tạo khác đều đang phát triển song song với sự can thiệp bành trướng của công nghệ. Vậy, giới hạn của công nghệ trong ngành dệt may nằm ở đâu và trong tương lai, hai lĩnh vực này sẽ kết hợp phát triển như thế nào?
Là một cộng đồng thành viên có trả phí (membership community), PI Apparel hỗ trợ các cá nhân có hứng thú với may mặc và giày dép tìm kiếm cũng như mở rộng mạng lưới kinh doanh. Hàng năm, PI Apparel sẽ tổ chức những buổi họp mặt, triển lãm xoay quanh ngành công nghiệp thời trang với một chủ đề nhất định. Với năm 2021, buổi gặp mặt được diễn ra với đề tài chính vô cùng hấp dẫn: Digitalizing Materials (công nghệ hoá chất liệu). Tham gia sự kiện là những đại diện đến từ những công ty hàng đầu về sản xuất chất liệu và công nghệ AR như Browzwear, CLO, Optitex, Vizoo, Substance by Adobe, Seddi, swatchbook, Studio Lupas và Tong Hong Tannery. Bên cạnh đó, sự tham gia của một vài thương hiệu quen thuộc như Nike, Ralph Lauren, Old Navy, Perry Ellis, New Balance và Target cũng thu hút số lượng lớn người xem cùng sự tò mò về dự án công nghệ hoá chất liệu vải.
Mặc dù cụm từ “virtual materials” (chất liệu ảo) nghe vô cùng bất khả thi, nhưng trên thực tế, các công ty với nguồn lực tài chính mạnh như Browzwear, CLO và Optitex đã bắt đầu có những bước nghiên cứu và nuôi dưỡng mong muốn sử dụng công nghệ 3D để phát minh ra những sản phẩm có khả năng “mô phỏng” sợi vải vật lí bằng công nghệ thực tế ảo.
Cả hai khía cạnh hình ảnh ảo và thể chất thực đều phải hoà hợp để những vật liệu ảo có khả năng tái hiện chất liệu thông thường một cách hoàn hảo nhất. Để thử thách những mẫu vải “virtual” đầu tiên, rất nhiều nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp truyền thống của thiết kế thời trang: draping (tạm dịch: xếp vải). Tấm vải vật lí sẽ được quấn quanh một trái bóng và đặt bên trong một chiếc hộp sáng, quá trình quan sát diễn ra song song với chất liệu ảo được mô phỏng trong điều kiện ánh sáng tương tự, từ đó các thí nghiệm so sánh chất lượng vải được thực hiện dựa trên khả năng co dãn, tạo nếp gấp và những đặc điểm thông thường khác của một chất liệu vải mềm. Phương pháp thử này giúp NTK có được hình ảnh trực quan về độ rủ và khả năng xếp của vải trong một thiết kế nhất định trên phần mềm dựng mẫu 3D.
Bên cạnh đó, một trong những cách thức nhanh và hiệu quả nhất để có được chất liệu ảo dựa trên vải sợi thông thường chính là sử dụng máy quét (scanning machine). Tuy nhiên, chiếc máy quét có giới hạn khi không thể tự làm rõ được hệ thống các chi tiết nhỏ xuất hiện trên vải. Việc “scan” có thể đạt được yêu cầu từ vừa đủ cho NTK sử dụng như một bản tham khảo cho tới độ chi tiết gần sát nguyên mẫu. Chi tiết càng rõ nét, những định dạng tệp máy quét cần phải đọc càng nhiều và điều này gây cản trở cho quá trình nghiên cứu khi thời gian vẫn còn là “nguồn lực” vô cùng hạn hẹp.
Những thông tin một tệp quét có thể chứa bao gồm đặc điểm bề mặt vải (textures), màu sắc dựa trên độ khuếch tán, độ cứng, độ trong, và trạng thái vải khi người mặc đứng yên và di chuyển. Máy quét hoặc phần mềm quét sẽ “giải mã” những thông tin chúng có khả năng đọc được. Cho đến thời điểm hiện tại, rất nhiều thí nghiệm đã được thực hiện xoay quanh nỗ lực số hoá chất liệu, tuy nhiên, một số loại vải vẫn có đặc điểm quá khó đối với khả năng có giới hạn của chiếc máy “scan” bao gồm: vải sợi huỳnh quang, những loại vải bóng với khả năng phản chiếu ngược và những chất liệu lông, nhung dày.
Thử thách tiếp theo khoa học phải đối mặt chính là hệ thống ghi chép, lưu trữ những đặc điểm của từng chất vải nền để tạo dữ liệu cho chiếc máy quét 3D. Việc chia sẻ dữ liệu trong môi trường thươmg mại yêu cầu các lưu ý chung như: tên chất liệu, giá thành, nguồn gốc xuất xứ, miêu tả tổng quát, số lượng đặt hàng, BST (nếu có) và hệ thống màu sắc. Đồng thời, những yêu cầu về sự đảm bảo sợi vải không chứa các loại hoá chất bị hạn chế có thể sẽ được thêm vào với mục đích xanh hoá sản phẩm nghiên cứu cuối cùng.
Như vậy, việc có một chiếc máy quét (scanner) đủ điều kiện là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển chất liệu công nghệ. Công ty nghiên cứu, sản xuất chất liệu Tong Hong Tannery tiết lộ hai chiếc máy quét đang được ưa chuộng hiện nay là Vizoo và X-Rite Tac7, hỗ trợ bởi phần mềm thiết kế 3D: Substance by Adobe và swatchbook.
Cả 2 chiếc máy quét đều có những lợi thế riêng biệt tuỳ thuộc vào mục đích của người sử dụng và bản thân chất liệu vải. Chiếc Vizoo mang tới tốc độ quét rất nhanh tuy nhiên điều này đồng nghĩa với việc chi tiết vải không được mô phỏng kỹ càng. Ngược lại, X-Rite Tac7 có khả năng làm việc với những loại vải với cấu trúc phức tạp song song với quãng thời gian “scan” có thể lên tới 24 giờ.
Bắt đầu với chất liệu vật lý, phiên bản trên máy quét sẽ bao gồm 3 lớp: kết cấu (textures), độ lên màu (pigments) và quy trình “scan” (processes). Qua đó, việc chỉ quét vải với 2 màu đen trắng giúp quá trình hình thành các lớp quét trở nên dễ dàng hơn. Nhờ vậy, màu của chất liệu sẽ được thêm vào sản phẩm cuối cùng một cách đơn giản, thậm chí thay đổi từ màu vải gốc qua một gam màu khác cũng hoàn toàn không phải trở ngại lớn. Sản phẩm cuối cùng sẽ được chỉnh sửa thông qua hai phần mềm AR: Octane Render hoặc Modo.
Việc sản phẩm thời trang bắt đầu trở nên độc lập khỏi chất liệu vật lí dường như đang trở nên khả thi hơn. Hiểu về chất liệu kỹ thuật số dường là con đường đưa thời trang tiến một bước rất xa so với hiện tại khi chúng ta đều đang cố gắng hết mình cho một ngành công nghiệp ít phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sản xuất mẫu thử, tối thiểu hoá lượng chất thải và tiết kiệm thời gian.