#TheArtOfCopying: Thời trang đã "copy" nghệ thuật như thế nào?
Một vài người có thể phủ nhận quan điểm coi những sáng tạo nhằm mục đích kinh doanh là nghệ thuật chân chính, tuy nhiên, thực tế không thể chối bỏ chính là những bộ trang phục phức tạp đến từ các nhà làm couture dù có giá trị thương mại vẫn đủ khả năng gợi ra loạt phản ứng như với các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc tương tự. Như vậy, trong thế giới của những tờ tạp chí thời trang, chúng tôi luôn suy nghĩ với quan điểm thời trang và nghệ thuật là một.
Được thành lập tại Paris vào năm 1921, L’OFFICIEL may mắn trở nên nổi tiếng ngay trong những giai đoạn then chốt của dòng chảy thời trang thế giới, nhận được sự quan tâm của hàng loạt thương hiệu và ảnh hưởng của các phong trào nghệ thuật lên thời trang đồng thời trở nên thịnh hành cùng những nhà thiết kế couture như Paul Poiret và Elsa Schiaparelli.
Định hướng bản thân là một “độc bản” trong thế giới tạp chí, L’OFFICIEL chưa bao giờ ngừng bổ sung những chủ đề về nghệ thuật và các nghệ sĩ vào mỗi ấn phẩm. Tính tới nửa sau của thế kỉ 20, nghệ thuật đã trở thành một phần không thể thiếu của tờ tạp chí.
L’OFFICIEL trở thành “tiếng nói” của các phong trào nghệ thuật đang lên cùng hàng loạt nghệ sĩ từ Tsuguharu Foujita, Marc Chagall tới Jean Cocteau. Đồng thời, với sự phát triển không ngừng nghỉ của nghệ thuật và thời trang trong thế kỉ 20, sự kết nối của L’OFFICIEL đối với thế giới nghệ sĩ đa lĩnh vực trở nên sâu sắc hơn, vượt lên trên cả những buổi triển lãm và bài báo giới thiệu nghệ sĩ, L’OFFICIEL thực hiện những bộ ảnh thời trang dưới góc nhìn của người làm nghệ thuật.
Lúc này, bảo tàng nói riêng trở thành “phông nền” phù hợp cho trưng bày nghệ thuật từ những năm 1950 cho tới thập niên 60. Những người phụ nữ của thời đại này cho thấy một tinh thần phóng khoáng và bạo dạn với những set đồ suit tỉ mỉ, đặc biệt nổi tiếng phải kể đến Nina Ricci và Maggy Rouff cùng những bộ đồ đẹp không tì vết mỗi lần họ xuất hiện trong các buổi triển lãm tại phòng trưng bày Denise René. Bảo tàng từ đó trở thành điểm đến quen thuộc cho những người phụ nữ đương đại với vẻ đẹp mặn mà cùng phong cách sang trọng. Chính bản thân người phụ nữ cũng trở thành một tác phẩm nghệ thuật trên những khung hình của không gian triển lãm.
Trong sự trỗi dậy của Pop Art (nghệ thuật Đại Chúng) vào nửa sau của thế kỉ 20, sự kết nối của nghệ thuật và thời trang phát triển thêm những tầng nghĩa mới: trang phục trở thành tác phẩm nghệ thuật và những nghệ nhân couture, những stylist trở thành người nghệ sĩ. L’OFFICIEL từ đó không chỉ bao quát nghệ thuật mà còn hơn thế nữa, kiến tạo nghệ thuật khi “lắp ghép” những xu hướng thời trang đang lên vào những hình ảnh được chỉnh sửa cẩn thận. Tạp chí thời trang từ đó ít đi những tập trung vào trang phục vật lý mà sự chú ý được chia đều cho phần hình ảnh, câu chuyện và khả năng “giao tiếp” của hình ảnh qua từng trang báo.
Những năm 1990 chứng kiến thời trang trong sự xoay chuyển của những phong trào văn hoá. Sự xa hoa, những rào cản và quan điểm về sự quyến rũ, tất cả mọi thứ được gói gọn trong trang báo và thời trang trở thành công cụ hình ảnh dễ tiếp cận công chúng nhất. Một điều tất yếu, thời trang trở thành một khái niệm tách biệt trong nghệ thuật đại chúng, được thể hiện trong những trang báo của L’OFFICIEL với những trang phục đương đại, sự hợp tác từ phía nghệ thuật và hình ảnh người mẫu xoay cơ thể họ theo những bức tượng điêu khắc hay thậm chí những trang báo đôi khi tràn đầy hình ảnh vảy sơn trên nền trắng. Những trang phục được mang đến với ý tưởng gợi nhắc về loạt tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và cấu trúc trang phục cũng hợp nhất với tài năng và cảm quan nghệ thuật của người nghệ sĩ truyền cảm hứng.
Năm 2012, “trái tim” của thế giới thời trang Pháp – tập đoàn Jalou Media cho ra mắt ấn phẩm tạp chí nghệ thuật đương đại với tên gọi L’OFFICIEL Art. Trong số báo mở màn, tổng biên tập Jérôme Sans đã nói lên quan điểm rõ ràng về sự kết nối của thời trang đối với thế giới rộng lớn của nghệ thuật, đồng hành cùng những lĩnh vực khác như nghệ thuật thị giác, nghệ thuật biểu diễn và thậm chí cả ẩm thực. Tất cả đều cùng chung một mục đích bao trùm ý tưởng về một cuộc sống ngập tràn “hơi thở” và vẻ đẹp của cảm thụ nghệ thuật.
Và không kém phần quan trọng, đối với la Parisienne (những cô gái Pháp) – nhân vật chính của L’OFFICIEL, thời trang và nghệ thuật đã luôn là trung tâm cuộc sống của nàng. Sau tất cả, nàng “mang” trong mình cả thành phố Paris, thủ đô của cả hai lĩnh vực mà nàng luôn luôn để tâm tới. Những kiến thức nghệ thuật chạm đến mọi góc nhỏ trong cuộc sống, đan xen với cách nàng xuất hiện hay những lựa chọn thời trang mang tính giáo dục và hơn tất cả, chúng thu hút nàng tới với văn hoá. Để trở thành la Parisienne, một người cần phải quen thuộc với tất cả những khái niệm từ thời trang đến ngôn ngữ nghệ thuật và luôn giữ những mối quan tâm từ các bài học lịch sử xa xưa với niềm tin chúng sẽ không bao giờ xa rời xu hướng đương đại.
Thực hiện: PIPER McDONALD & TORI NERGAARD
Biên dịch: Minh Nhật
Bài viết thuộc ấn phẩm L'OFFICIEL Vietnam số tháng 5/2021 - The Imitation Game