Studio 54, hay "thánh địa" của những màn tiệc xa hoa và phù phiếm nhất thế giới
Vì một lý do nào đó, Beyonce đeo vô vàn kim cương và ngọc trai vào mùa hè này. Cô trở lại làng nhạc với album thứ 7, RENAISSANCE. Album đậm nỗi hoài niệm, gồm vài bài hát sử dụng sample của các bài hit ballroom và disco ngày xưa. Phần nhìn thì chẳng có nhiều ngoài hình ảnh Beyonce ngồi trên chú ngựa thuỷ tinh, thân mình nó âm ỉ những tia sét.
Xuyên thời gian, không gian, chú ngựa phi thẳng tới một bữa tiệc sinh nhật vào năm 1977 ở New York. Nhà mốt Halston nghe nói có một câu lạc bộ disco mới mở, tên là Studio 54. Thời đó nhạc disco đang lên ngôi, nhiều câu lạc bộ đã ra đời để phục vụ cho nhu cầu tiệc tùng của dân New York. Có nơi chỉ cho phép người đồng tính nam, con gái không được vào, và ngược lại. Ở Studio 54, Halston đãi tiệc sinh nhật hoành tráng cho nàng thơ của mình, Bianca Jagger. Đầu óc thiên tài nào đó trong bộ sậu Studio đã nghĩ ra ý tưởng mang một con ngựa trắng vào buổi tiệc. Bianca Jagger mặc chiếc đầm Halston trễ vai, đỏ au, cưỡi chú Bạch Mã may mắn ấy. Các nhiếp ảnh gia đổ xô tới chụp lại khoảnh khắc kì lạ vô tội vạ đó và đưa nó lên trang nhất. Cả thành phố New York biến thành những con thiêu thân đổ xô về Studio 54. Họ xếp hàng để được bước qua dàn cột chắn dây nhung, thâm nhập vào đám đông toàn những ngôi sao nhạc rock, người mẫu, diễn viên, nghệ sĩ đang lên và sắp lên. Từ nhà hát bị bỏ rơi, Studio 54 trở thành câu lạc bộ disco độc nhất vô nhị.
Trên lý thuyết, ai cũng được chào đón, nhưng chưa chắc. Ông chủ câu lạc bộ - Steve Rubell đang đứng sẵn trước cửa để ngăn bạn bước vào, anh ta nhìn từ đầu xuống chân bạn rồi đưa ra phán quyết như trời giáng: bạn mặc đồ xấu, hoặc, bạn chưa đủ đẹp. Chưa bao giờ dresscode lại trở nên rối rắm như thế. Không hiểu từ bao giờ các club có cái quy luật không được mang dép hở ngón, và nếu nó là từ Studio 54 thì tôi cũng không ngạc nhiên. Mà chẳng có công thức nào cụ thể cho dresscode ở đây, mặc blazer Cerruti và suit Armani cũng chưa chắc được vào. Bạn phải nổi tiếng, hoặc lộng lẫy, hoặc như người ta ưa nói - có thần thái (đẹp). Cái thứ mà có tiền cũng khó lòng mua. Hoặc đơn giản, bạn quay vào ô mất lượt. Vì quy luật tai quái này mà cả thành phố vừa yêu vừa ghét Studio. Họ tinh tuyển những gương mặt được xuất hiện trên cái sàn nhảy ấy, làm như chọn lựa những tác phẩm nghệ thuật được phép xuất hiện cùng nhau trong một căn phòng đặc biệt ở bảo tàng. Người trần mắt thịt trông ngóng dàn minh tinh sáng chói sà vào nhau ở Studio 54, như thể đang ngửa cổ chiêm ngưỡng bức hoạ Michelangelo lừng danh trên mái vòm nhà nguyện Sistine.
Có lẽ vì kiến trúc nguyên thuỷ là nhà hát, mà những gì diễn ra ở Studio 54 chẳng khác một vở kịch xa hoa. Các vị khách nổi tiếng xuất hiện trong quần là áo lượt, nhảy nhót mãi vào đêm khuya trên nền nhạc disco xập xình, ánh sáng đủ màu, văn nghệ tạp kỹ và không thể thiếu, những anh chàng phục vụ tươi mơn mởn chỉ mặc mỗi quần đùi. Vật chất quyết định ý thức, còn không gian thì định đoạt áo quần. Dàn ánh sáng đòi hỏi các khách mời phải chọn những chất liệu thật bắt sáng. Một luật bất thành văn được truyền miệng ở Studio 54: ‘Vải polyester sẽ tan chảy dưới ánh đèn!’ Đèn disco ở Studio nhấp nháy gọi mời, nhưng nó tỏa ra một sức nóng bỏng rát sẵn sàng thiêu đốt những kẻ không xứng tầm được với tới.
Dù gì đi nữa, Mặt Trời thì cũng chỉ là một vì sao. Bí quyết để tỏa sáng, chính là trở thành một vì sao sáng hơn cả Mặt Trời.
Thế nên, ngôi sao disco vụt sáng - Grace Jones luôn xuất hiện với sequin, kim tuyến và vàng. Dù chiếc hooded dress của Alaia sau này đã gắn liền với tên tuổi Grace Jones, bản thân cô đã là một biểu tượng thời trang. Jones biết cách thao túng phụ kiện để chúng tình nguyện làm đẹp cho mình: những chiếc mũ vành rộng, vòng tay to bản, găng tay lụa được cô phối với những bộ trang phục có cầu vai rộng nam tính, xẻ ngực sâu. Liza Minnelli và Bianca Jagger thì ưa diện đồ trắng tinh tươm - đối lập với không khí nhễ nhại tình dục và thác loạn khi tiệc lên cao trào. Bianca lúc ấy nổi lên như nữ hoàng trị vì Studio, hiển nhiên một phần vì cô là vợ Mick Jagger, thủ lĩnh khét tiếng của Rolling Stones.
Thói trăng hoa của Mick Jagger đưa tới Studio 54 một fashion icon khác: siêu mẫu Jerry Hall. Rất lâu trước khi Bella Hadid diện bộ catsuit ren Alexander Wang dự Met Gala, trong một buổi tiệc ở Paris, Jerry - cũng trong bộ catsuit xuyên thấu, tạo dáng trước ống kính như thể cô đang ở trong shoot hình editorial; tay dựng mái tóc dài lên cao, bờ môi đỏ, ánh mắt mê mải. Xuyên thấu là tuyên ngôn của tự do ở Studio, vì có người còn sẵn sàng cởi đồ giữa trời đông giá rét để được đi vào. Hoặc, nhã nhặn như công nương/nhà mốt Diane von Furstenberg, nàng khoe đôi chân dài khẳng khiu bằng đôi vớ lưới họa tiết mà Anthony Vaccarello ngày nay cũng khó thể chối từ.
Còn Bianca Jagger nào chịu an vị làm một cái bóng. Thoạt nhìn, Bianca không khác hoàng thất bằng xương bằng thịt: khi điệu đà với đầm ren trắng, lúc táo bạo với duy một chiếc dây chuyền ngọc trai che hờ hững bờ ngực trần. Liza Minnelli thời điểm đó cũng là vì sao sáng. Cách đó không lâu cô vừa đoạt giải Oscar cho hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhờ vai diễn trong bộ phim Cabaret của vị đạo diễn kiêm vũ công tài năng Bob Fosse. Liza nổi bật trong đám đông với đôi mắt to tròn vẽ eyeliner đậm, được nhấn nhá bằng bộ lông mi chải chuốt và mái tóc tém bất biến với thời gian, trông cô có gì đó hao hao Betty Boop.
Liza và Bianca đều là bạn thân kiêm nàng thơ vĩnh cửu của Halston, người đã định hình phong cách cho dân Mỹ thời đại mới. Không có gì thoải mái hơn nhảy nhót trong chiếc đầm lụa, quần ống loe của Halston, bởi ông ghét những chi tiết thừa. Bản thân Halston cũng là một người đàn ông bảnh bao, luôn luôn xuất hiện với mái đầu chải chuốt, thi thoảng đeo mắt kính đen, diện suit, đôi lúc choàng một chiếc khăn, và tay luôn kê điếu thuốc. Nói Halston (và, e hèm, Yves Saint Laurent) bước đi để trải thảm cho Tom Ford được chạy, cũng không ngoa. Song song với Halston, Yves Saint Laurent cũng từng ghé ngang Studio 54 và để vương lại một làn hương ngoại lai, kinh điển: nước hoa YSL Opium. Lao vào những cơ thể lạ lẫm, ướt đẫm trên sàn nhảy, nhiều dân chơi chọn Opium hòng lôi kéo bạn tình và để lại dấu ấn khó phai, hy vọng rằng ai đó hít vào một hơi là nghiện. Rồi họ kéo nhau lên những ban công lót cao su kín đáo mà đủ tai tiếng để mọi người biết bạn lên đó để làm gì. Nhưng chả sao, không ai đánh giá bạn cả. Không có giới hạn nào ở Studio 54. Nhiều người ví nó như thiên đường, bởi khi người phàm đã chịu đủ khổ hạnh, nên khi bước qua cánh cửa ấy, họ xứng đáng được sống không lề phép.
Đúng với câu rao của các rạp hát: “Chỉ một đêm duy nhất!”. Mỗi một bữa tiệc, các vị khách mặc một bộ đồ khác nhau, không bao giờ lặp lại. Bởi lẽ qua một đêm tiệc tùng ở Studio 54, là y rằng sáng hôm sau hình ảnh của họ đã được in trên các mặt báo. ‘Một người là bầu bạn, hai người là đám đông, ba người là tiệc tùng’, Andy Warhol, vị khách ruột của Studio từng nói.
Có lúc Warhol từng được xem là thua kém các nghệ sĩ Pop Art đương thời, điển hình như Roy Lichtenstein. Nhưng từ khi ông xuất hiện ở Studio 54 cùng với ba người bạn chí cốt Halston-Bianca-Liza, Warhol vụt sáng thành nghệ sĩ ngôi sao. Tôi nghĩ, trong triết lý nghệ thuật của Warhol hiện hữu một điểm tương đồng với cái cách mà Studio 54 tự ghi tên nó trong văn hóa đại chúng. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Warhol là về một ngôi sao khác, sáng hơn tất cả: Marilyn Monroe. Hình ảnh chân dung Marilyn được Warhol chia thành 50 bức nhỏ. Sắc thần của Marilyn trong bức tranh đó là hình ảnh mặc định về cô trong tiềm thức công chúng. Người ta chỉ nhìn thấy và nhớ về Marilyn qua vẻ mặt duy nhất đó, họ không biết và cũng chẳng quan tâm Marilyn Monroe thật sự là người như thế nào. Tương tự, ở Studio 54, thứ tồn đọng lại với công chúng về một ngôi sao là bộ trang phục đáng nhớ họ diện, in ngay ngắn trên trang đầu tiên.
Trên trần nhà của Studio có những tấm vải bạt giấu bóng bay, hoa giấy và kim tuyến, dùng để hạ màn kịch. Chỉ cần kéo một cái là rào rào làn mưa bóng bay rơi trên mái đầu những kẻ thiêu thân. Cái khoảnh khắc bóng bay và kim tuyến rơi rơi, chỉ những ai đã có mặt mới biết được nó diệu kỳ tới nhường nào. Có một nghịch lý về tiệc tùng rằng, khi bạn ở trong buổi tiệc, những tưởng nó là hội hè miên man; nhưng tiệc vui là tiệc ắt phải tàn. Studio 54 chỉ tồn tại trong 3 năm ngắn ngủi. Cũng ở New York, hư cấu nhưng lại rất thật, từng có anh chàng Gatsby dốc tâm tạo ra một bữa tiệc hoàn hảo. Quá hào nhoáng, quá bóng bẩy và không thể chạm đất, hóa ra anh ta chỉ gắng sửa lại một thời khắc đã xa mãi xa. Phân đoạn đắt giá của The Great Gatsby là khoảnh khắc Nick Carraway cuối cùng cũng chạm trán được Gatsby trong buổi tiệc, sau khi nghe hàng tá lời đồn thổi về anh. Nick bắt gặp được một cử chỉ tuyệt diệu: nụ cười lắng đọng lại những tinh túy tốt đẹp nhất nơi Gatsby. Qua rồi, người anh thấy được chỉ là gã giàu xổi ưa ra vẻ, kẻ mắc phải sai lầm bi đát. Những kẻ tiệc tùng dù bất cần đời, đến chơi từ đêm này qua đêm khác, họ chỉ vô vọng kiếm tìm lại một cử chỉ hiếm hoi, đẹp đẽ đã lạc mất trong làn mưa bong bóng bay bất tận. Beyonce đặt tên album của mình là Phục Hưng, và tổ chức buổi tiệc ra mắt mang phong cách Studio 54, như thể mong mỏi một cuộc khởi sinh. Cũng thật khó để đi xa, vì cô cưỡi ngựa thuỷ tinh, xem hoa tàn. Về phần Bianca Jagger, nay là một nhà nhân quyền, sốt sắng đính chính rằng ngày xưa cô chỉ ngồi lên chú ngựa trắng kia trong một giây phút nông nổi mà thôi!