Những cuộc cách tân của thời trang - Kỳ 2: Dapper Dan
Dapper Dan là người đàn ông đã tạo dựng nên phong cách “gangster" sang trọng. Đến từ Đại lộ Lexington ở Thành phố New York, ông là con của một trong những khu phố khét tiếng nhất nước Mỹ - Harlem. Vào những năm 80 tại thành phố Harlem, New York, đường phố là ngôi nhà của tệ nạn, những bản Mixtape đầu tiên của Rap, của sự khởi đầu khó khăn. Nơi đây trỗi dậy một cửa hàng thời trang cao cấp với danh tiếng “ăn cắp” từ Fendi, Gucci và ngay cả Louis Vuitton - kết hợp giữa sự sang trọng và vênh váo.
Dan được biết đến với tư cách là người thợ may và là người đã tạo ra phong cách nhạc rap của những năm Cocaine 80. Câu chuyện của ông là một ví dụ điển hình của “giấc mơ Mỹ”, từ một tên lừa bịp, một thợ may bị truy tố bởi Fendi, Louis Vuitton và MCM, và đến ngày hôm nay là một biểu tượng của thời trang, sánh bước cùng nhà mốt Gucci để tạo nên những kiệt tác để đời.
Một khởi đầu khó khăn nhưng đầy Tham Vọng
Daniel Day, hay còn gọi là Dapper Dan, được những ông to mặt lớn của đường phố Harlem đặt cho cái tên là “vua của đạo nhái”. Ông đã tạo nên tên tuổi của mình vào cuối những năm 80 và đầu 90 với tư cách là người thợ may đã tạo ra phong cách Rap bắt nguồn cảm hứng từ xã hội đen của thành phố New York.
Câu chuyện bắt đầu từ rất lâu - trước khi Day là một biểu tượng thời trang, nhưng rõ ràng, phong cách đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của ông ngay từ thời thơ ấu.
Từ việc quan sát những “ông trùm” điều hành cảnh cờ bạc của Harlem trong những năm 1950 và 60, ông nhận ra rằng họ ăn mặc rất đẹp, toát ra sự lịch lãm và đàn ông. Ông kể trong một cuộc phỏng vấn với Vogue rằng, ”Tôi lớn lên trong nghèo khó, nên thứ mà tôi biết là mặt xấu của xã hội, và tôi đã trở thành một tay cờ bạc. Và để trở thành một tay đánh bạc giỏi, tôi phải trở thành một tên lừa bịp chuyên nghiệp.” Những gì ông học được từ tuổi thơ biến thành nền tảng phong cách của ông. “Tôi biết rằng, nếu như tôi muốn thành công trên đường phố của Harlem, tôi cần phải ăn mặc thật đẹp, tiền lúc nào cũng phải đầy túi.”
Dan bỏ học và dấn thân vào những băng đảng tội phạm, nhưng ông không phải là một đứa trẻ muốn từ bỏ tương lai. Ông đăng ký vào một chương trình giáo dục do Đại học Columbia tài trợ, nhờ vào đấy ông có cơ hội đến Châu Phi. Chuyến đi đó cho ông thấy được những sự khổ đau mà người da màu phải gánh chịu không chỉ ở tại Mỹ mà toàn thế giới. Vào năm 1974, ông quay lại Harlem với một ước mơ, ông muốn lấy những thứ xa xỉ của giới nhà giàu Châu Âu và làm lại nó cho cộng đồng người da màu tại Mỹ.
Ông mở nên cửa hàng thời trang cao cấp đầu tiên tại Harlem. Vào khoảng thời gian đầu, những khách hàng của ông là những tội phạm khét tiếng, những tay buôn thuốc phiện, đơn giản là vì họ là những người duy nhất tại Harlem vào thời bấy giờ có tiền để mua những mặt hàng của Dan. “Tôi thích những thứ đắt tiền, như lụa và da cá sấu, tôi phục vụ cho những người mà tôi biết, những thành phần trong băng đảng, những tội phạm.”
Ông không phải là một nhà thiết kế, mà là một nhà may mặc với bộ óc sáng tạo. Những bộ trang phục mang danh vọng và tiền tài đến cho ông đều được làm từ những thước da giả mà ông đã làm ra - ông sử dụng thiết kế hoạ tiết nổi tiếng của những thương hiệu hàng đầu như Gucci và MCM, và làm lại chúng trong hình ảnh của đường phố. Những sản phẩm của ông đã được ưa chuộng và yếu mới bởi hàng loạt nghệ sĩ hip-hop mới nổi, vận động viên, những cái tên khét tiếng giang hồ, và những ngôi sao như LL Cool J, James Jackson và Floyd Mayweather.
Danh tiếng và Những chiếc áo khoác “làm lại”
Jack Jackson là một ông trùm buôn bán thuốc phiện, và là một vị khách quen của cửa hàng Dapper Dan. Jackson hay đến cửa hàng để mua những chiếc áo khoác lông chồn đắt tiền, và trong một lần ghé thăm, ông ấy cầm một chiếc ví từ Thương Hiệu Louis Vuitton. Vào khoảng thời gian bấy giờ, để thấy được một người da đen cầm những món đồ xa xỉ như vậy là một điều hiếm có, nên chiếc ví trên tay Jack Jackson đã làm cả tiệm đồ của Dan phải kinh ngạc.
Dan chia sẻ: “Tôi không hiểu tại sao chiếc ví đấy lại đặc biệt đến vậy, đối với tôi nó chỉ đáng giá 10 đô la.” Nhưng khi ngẫm lại, ông nhận ra rằng, chiếc ví đó không đặc biệt, cái mà làm cho nó đáng vài nghìn đô chính là những ký hiệu mang tên Louis Vuitton. Ông nghĩ ra một sáng kiến, đó là nếu như ông lấy những ký hiệu đó và đưa nó vào trong quần áo của mình, ông sẽ cực kỳ thành công.
Ông là người ngoại đạo trong thế giới thời trang - không được đào tạo chính quy. Không có nhiều sinh viên thời trang da màu hoặc các nhà máy sản xuất hàng xa xỉ thuộc sở hữu của người da màu vào thời điểm đó để ông học hỏi và làm việc cùng. Nhưng Day đã nhìn thấy cơ hội để phục vụ cho một nhóm khách hàng mà thế giới thời trang cao cấp độc quyền luôn coi thường: "những ông chủ, ông trùm và những người trong cộng đồng của ông."
Day đã nghiên cứu lịch sử của các thương hiệu di sản như Gucci và Fendi để tìm hiểu cách các biểu tượng này đã phát triển thành biểu tượng địa vị, và là cốt lõi sức mạnh của một thương hiệu.
Ông tự dạy bản thân kỹ thuật in dệt, và phát triển thương hiệu của ông thành một nơi bán những chiếc áo khoác “hàng hiệu” mà những nghệ sĩ Hip-Hop đều muốn mặc. Ông bắt đầu làm ra những chiếc áo khoác có thể đảo ngược ( Reversible Coat), một mặt được làm từ những thứ lông đắt tiền, mặt còn lại là những hoạ tiết nổi tiếng của những hãng thời trang như Gucci, Fendi, Louis Vuitton, và MCM. Từ đó sự thành công và danh tiếng bắt đầu đến với ông.
“ Đã có rất nhiều lời rap viết về tôi, nhưng khi hip hop mới bắt đầu, các rapper không có tiền. Họ đến cửa hàng của tôi nhưng không có đủ tiền để mua.” Nền nhạc Rap bắt đầu có những triển vọng, văn hoá của Harlem bắt đầu được chia sẻ một cách rộng rãi. “ Mọi người đều muốn giống như Harlem.” Nhờ vào sự bùng nổ của nhạc Rap mà Dapper Dan dẫn trở thành một tiệm may đông nghẹt người.
Yo MTV, một chương hình truyền hình về Rap và văn hoá cộng đồng người da màu tại Harlem bắt đầu có những thiết kế của Dapper Dan xuất hiện trên màn ảnh nhỏ của cả quốc gia, được mặc bởi những nghệ sĩ hip-hop và các ngôi sao da màu như LL Cool J, Salt-N-Pepa, Mike Tyson, Eric B. & Rakim. Tưởng chừng như đây là cơ hội để Dan trở thành một nhà thiết kế da màu lừng danh, nhưng hóa ra lại là cột mốc cho sự biệt tích của ông.
Những cuộc chiến để tồn tại
Khi tay quyền anh cư khôi Mike Tyson mặc chiếc áo khoác “Fendi” của Dan trong một bài báo viết về cuộc đụng độ của ông và Mike Green với bối cảnh là đường phố trước cửa tiệm Dapper Dan, cả ngành thời trang xa xỉ bấy giờ mới để ý đến những thiết kế mà họ coi là “ ăn cắp” của Dan.
Một giây phút trầm lặng nhớ lại, Dan kể “ Đó là khi họ bắt đầu lấy hết chúng đi, MCM, Louis Vuitton, Fendi; Gucci thì không, chỉ 3 hãng kia thôi. Họ vào trong tiệm của tôi với Lệnh Đình Chỉ. Có nghĩa là họ có quyền lấy đi tất cả mặt hàng của tôi có logo của họ.”
Trong khi các thương hiệu cao cấp chú ý đến các họa tiết logo được làm lại của Dan, ông phải đối mặt với các vụ kiện vi phạm bản quyền của thương hiệu, và đến năm 1992, sau một cuộc khảo sát cửa hàng của Dan do Fendi lãnh đạo, ông đã cảm thấy quá đủ và buộc phải đóng cửa hàng. “Sonia Sotomayor, đúng, chính là Phó Thư pháp của toà án tối cao Hoa Kỳ - vào thời điểm ấy, cô ấy vẫn là một luật sư cho Fendi, cô ấy bước vào tiệm của tôi để thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong tiệm bấy giờ tôi mới làm xong một cái áo khoác cho Big Daddy Kane, Sotomayor nhìn qua và không thể nào ngờ được tài năng của tôi.” Dapper Dan kể lại cho các phóng viên.
Dapper Dan là một người đàn ông không sợ khó khăn thử thách, lý do để ông phải tiếp tục bước đi là vì ông cần chu cấp cho gia đình của mình. Sau những lần tưởng chừng như là sự đánh đổ từ những thương hiệu lớn, Dan thu nhỏ việc kinh doanh của mình lại. Mở một tiệm ngầm, và làm việc kín tiếng hơn. Ông bắt đầu mang những thiết kế của mình đi khắp nước Mỹ, điểm đến của ông là những thành phố lớn có nhiều cộng đồng người da màu sinh sống. Bây giờ không còn sự hào nhoáng của ngày trước, ông phải làm chui để tránh đi con mắt của các hãng thời trang, tất cả bây giờ chỉ còn là miệng truyền miệng.
“Tôi vẫn còn nhớ những chuyến đi, tôi tống tất cả vào xe hơi của mình và lái nó đến những thành phố lớn. Từ New York đến Chicago, rồi đến cả Atlanta. Và đó là cách tôi đã nuôi sự nghiệp của mình trong 20 năm.” - “Tôi với tôi, quá khứ nghèo khó đã cho tôi nghị lực để gầy dựng lại tất cả, việc phải bắt đầu lại không làm tôi nản lòng.”
Dapper Dan và sử trở lại đầy hào nhoáng với GUCCI
Diane Dixon - Vận động viên Olympic người Mỹ với chiếc áo khoác “Gucci" tay phồng mà Dapper Dan đã làm cách đây 30 năm - là lý do giúp ông trở thành một biểu tượng của ngành thời trang. “Diane luôn là một gái khác biệt, cô ấy luôn biết mình muốn gì - Trong một lần đến cửa hàng, cô ấy bày tỏ rằng cô muốn trông thật 'High Fashion' và một ý tưởng đến với tôi.”
Sử dụng kiến thức thời trang tự học của mình, Dan lấy ống tay phồng của những chiếc đầm dạ hội thịnh hành thời bấy giờ với kỹ thuật thổi phồng, dùng chất liệu lông chồn kết hợp với loại da mềm của Louis Vuitton. Ông làm ra một chiếc áo khoác mà ông cũng không thể ngờ rằng sẽ thay đổi cuộc đời của ông 30 năm sau.
Vào năm 2018, trong bộ sưu tập của Gucci Cruise - nhà thiết kế Alessandro Michele đã tái sử dụng lại chiếc áo khoác của Diane Dixon. Và đúng như phong cách của mạng xã hội, Gucci đã bị cộng đồng mạng tấn công vì họ cho rằng, Dapper Dan đã thiết kế ra bộ trang phục này và giờ nó được đạo nhái lại, “thay vì là Louis Vuitton thì bây giờ nó là Gucci”.
“Tôi không đặt chú thích vì nó quá rõ ràng. Tôi muốn mọi người nhận ra Dapper trên sàn catwalk. Đó không phải là sự chiếm đoạt, đối với tôi đó là một sự tôn kính." - Alessandro Michele chia sẻ khi được hỏi về vụ việc.
Điều mà Dapper Dan không ngờ đến - thay vì ông phải đối mặt với pháp luật một lần nữa, thì lần này chính thương hiệu mà ông đã đạo nhái gần 30 năm ngỏ lời hợp tác với ông. “Con trai tôi đã nói với tôi rằng, Gucci muốn làm việc cùng tôi, tôi cười và trả lời rằng - Nếu họ thực sự muốn làm việc cùng tôi, thì hãy nói họ bước chân đến Harlem.”
Alessandro Michele đại diện Gucci đến Harlem để tiến hành mối hợp tác giữa hai thế giới không thể nào khác hơn. Với một điều kiện là Dan phải thực hiện tất cả các thiết kế của ông sử dụng chất liệu đến từ nhà mốt Gucci, và phải độc quyền hoá thương hiệu Dapper Dan để trở thành Dapper Dan for Gucci.
“Khi họ gõ cửa nhà tôi, rất nhiều người bạn của tôi cho rằng Gucci chỉ đang đến để phá đi những gì mà tôi đã gầy dựng, họ bảo tôi không được hợp tác với Gucci. Nhưng tuổi thơ của những ngày nhìn thấy sự đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da màu đã dạy tôi một thứ quan trọng. Nếu như người da màu muốn phát triển ở bất cứ đâu, điều đầu tiên là chung tôi phải có mặt và phải là một phần quan trọng của nó.” Dan chia sẻ với tạp chí Vogue. “ Gucci cho tôi cơ hội để cho thế giới thấy tài năng của người da màu trong lĩnh vực thời trang."
Ngày nay, Gucci hợp tác với Dan trong một bộ sưu tập capsule lấy cảm hứng từ kho lưu trữ của ông, phát hành một cuốn sách phiên bản giới hạn “Dapper Dan’s Harlem” và đưa Dan trở thành gương mặt đại diện cho chiến dịch #GucciTailoring. Cả thế giới sẽ biết đến Dapper Dan.
Bài: Brian Pham