Áo crop-top: Phong cách thời trang linh hoạt giới tính
Sau rất nhiều cố gắng cũng như những phong trào bình đẳng diễn ra liên tiếp, cuối cùng khái niệm thời trang linh hoạt giới (gender fluid fashion) cũng đã dần trở nên phổ biến hơn. Giờ đây, thông qua Instagram, Twitter hay rất nhiều phương tiện truyền thông đại chúng khác, việc nam giới đi giày cao gót hay phối những chiếc chân váy vào bộ trang phục thường ngày đã không còn xa lạ. Những khái niệm như nữ mặc váy và nam mặc quần đã trở nên quá mức cổ hủ và lạc hậu, một dấu hiệu thật đáng mừng khi thời trang đã có những bước đầu xoá mờ khoảng cách giới tính. Ở thời điểm hiện tại, không ít người sẽ phải nghĩ lại khi khẳng định giày cao gót và crop-top chỉ dành cho nữ hay vest và suits chỉ dành cho nam.
Hãy cùng nhìn vào dòng chảy lịch sử của thời trang trên màn ảnh rộng, năm 1984, Johnny Depp xuất hiện trong bộ phim “Nightmare on Elm Street”, đây cũng là lần đầu tiên nam diễn viên xuất hiện trước công chúng, mặc một chiếc áo phông thể thao cắt ngắn. 5 năm sau đó, vào tháng 2 năm 1989, với bộ phim “Bill and Ted’s Excellent Adventure”, hình ảnh nhân vật Bill và chiếc áo cắt trên rốn chắc hẳn đã gây nên loạt ấn tượng không nhỏ.
Đến với sân khấu âm nhạc, giới mộ điệu có Prince Rogers Nelson hay còn được biết đến với nghệ danh Prince - một ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công đa nhạc cụ, nhà sản xuất âm nhạc và diễn viên người Mỹ.
Prince nổi tiếng là một người tiên phong cách tân trong âm nhạc, với các tác phẩm chiết trung, quãng giọng rộng và đặc biệt là hình tượng thời trang biểu diễn rực rỡ. Ca sĩ đã xuất hiện vô số lần với đa dạng các kiểu áo crop-top cắt ngắn, ôm sát cơ thể hay thậm chí nổi bật hơn cả khi những chiếc áo được trang trí với phần cổ ren hoặc chiffon. Prince đã đập tan mọi định kiến về sự nam tính độc hại khi liên tục xuất hiện trong những trang phục gây tranh cãi. Chiếc crop-top bó sát xuất hiện cùng nam ca sĩ trên bìa album Parade (1986) và thậm chí trước đông đảo khán giả nước Anh trong concert solo tại Wembley Arena với sức chứa lên tới 12,500 người.
Rất nổi tiếng với nam giới trong những năm 70 và 80, tuy nhiên, chiếc crop-top lúc này gắn liền với những từ khoá: giới tính, đồng tính, tình dục, tình dục đồng giới, người nổi tiếng và thời trang, hoàn toàn không thể trở thành một item “bình thường” trong nhận thức của phần đông khán giả. Cho tới tận những năm 90 và gần đây, việc xem crop-top cho nam là item gắn liền với cộng đồng LGBTQ+ vẫn là câu chuyện rất bình thường và cũng phần nào khiến số đông có những lầm tưởng về cộng đồng này.
Có lẽ vì vậy, phần đông nam giới dị tính thậm chí ở ngay thời điểm hiện tại, ngay 2021 với tư tưởng cởi mở, vẫn luôn có một “nỗi sợ” với chiếc crop-top. Mặc cho chiếc áo đã từng phổ biến với nam giới như một phần của thời trang thể thao nam, thậm chí Nike cũng ra mắt hàng loạt thiết kế crop-top của mình vào những năm 80 và 90 như một item thiết yếu, xu hướng nam giới mặc crop-top biến mất do một vấn nạn vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay: sự nam tính độc hại. Vô tình, thời trang trở thành công cụ khẳng định giới tính trong khi việc chọn lựa quần áo chỉ nên phụ thuộc hoàn toàn vào sở thích, nhu cầu cá nhân, bất kể bạn là nam hay nữ hay bất kì ai.
Tuy nhiên, đó là những vấn đề xảy ra ở xã hội hiện đại phương Tây. Đến với châu Á, bức tranh toàn cảnh về khái niệm nam tính đã dần thay đổi từ rất lâu, nhất là ở Hàn Quốc – nơi dẫn đầu cả khu vực về những trào lưu nhạc pop và làm đẹp. Các nam thần tượng Hàn Quốc trang điểm, làm tóc cầu kì và xuất hiện trên hàng loạt chương trình âm nhạc và phim ảnh. Được đón nhận bởi rất nhiều thanh thiếu niên trong độ tuổi học sinh, nhất là nữ sinh, các thần tượng xuất hiện thường xuyên với đa dạng trào lưu như trang điểm kĩ càng, tóc dài, những bộ đồ lưới, chất liệu latex và dĩ nhiên, crop-top.
Mặc dù mất rất nhiều thời gian để nam giới nói chung tại Hàn Quốc làm quen với những xu hướng ảnh hưởng bởi thần tượng, ngày nay, việc nam giới trang điểm hay chăm sóc da và tóc kỹ càng đã trở thành một điều quá phổ biến tại xứ sở kim chi. Song song với cách ăn mặc cũng trở nên phóng khoáng hơn, những “quy tắc” không nguồn gốc về việc item hay màu sắc nào dành cho giới tính nào dần bị loại bỏ, thậm chí tẩy chay. Sân khấu âm nhạc K-pop chắc chắn không còn thiếu vắng hình bóng những chiếc crop-top. Item cũng dần trở nên phổ biến hơn đồng thời mạnh mẽ chống lại khái niệm “thời trang dị tính” hay “ăn mặc sao cho nam tính” – những nhận thức sai lầm đáng ra đã phải bị loại bỏ từ lâu.
Sự lớn mạnh không ngờ tới của nhạc pop Hàn Quốc chắn chắn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới văn hoá phương Tây và đã phần nào cổ vũ cộng đồng Mỹ, Châu Âu cởi mở hơn với crop-top nói riêng và những item linh hoạt giới nói chung để giờ đây, mỗi lần Harry Styles xuất hiện, giới mộ điệu lại được một phen mãn nhãn với thời trang phi giới tính hay thế hệ nghệ sĩ Gen-Z cùng Jaden Smith và thậm chí cả cộng đồng rapper – những người tưởng chừng rất bảo thủ với “quy tắc” nam tính kiểu cũ cũng dần thay đổi khi Kid Cudi mang crop-top lên sân khấu Coachella 2014. Thị trường nội địa chắc chắn sẽ không nằm ngoài trào lưu khi chúng ta chứng kiến rapper trẻ đang lên Wean Lê chăm chỉ diện crop-top trên những bài đăng Instagram mới nhất.
Chiếc crop-top – item đã từng mang gánh nặng về giới tính hay “bị mặc” như một công cụ gây cười của diễn viên nam trên các chương trình truyền hình thực tế đang dần “mở đường” cho thời trang linh hoạt giới với mong muốn thời trang dành cho thế hệ mới sẽ không chỉ dừng lại ở câu chuyện nam hay nữ mà trở về với mục đích nguyên thuỷ hơn: phục vụ cuộc sống. Chắc chắn sau sự trở lại của crop-top sẽ còn nhiều hơn nữa những item được xếp vào danh sách linh hoạt giới khi người mua hiện nay: Gen-Z đang tích cực loại bỏ yếu tố phân biệt giới tính khỏi thời trang.