Búp bê, thời trang và văn hóa: Những đôi bàn tay biết kể chuyện
Bất cứ ai, đều khó có thể không trầm trồ, không bị cuốn hút bởi những cô búp bê trong trang phục thu nhỏ của nhà sản xuất deMuse hay Mattel. Đơn giản vì dù bạn quan tâm hay không quan tâm tới thời trang, yêu hay không yêu búp bê thì thứ đồ chơi này sẽ vẫn chinh phục bạn bằng sự tinh tế, mức độ cầu kỳ và những đường nét tinh xảo trên trang phục cũng như khuôn mặt hút hồn tựa như các minh tinh nổi tiếng nhất.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, người yêu thời trang và trẻ em nhà giàu, đặc biệt là những cô tiểu thư nhỏ đã bị mê hoặc bởi búp bê thời trang mang tên Barbie do nữ doanh nhân người Mỹ Ruth Handler tạo nên. Khoảng 1 thập kỷ sau đó, Barbie trở nên nổi tiếng và được bán với số lượng khổng lồ trên khắp thế giới. Không ai có thể ngờ rằng loại búp bê này sẽ tạo nên một làn sóng toàn cầu, mang về cho Mattel những con số doanh thu ấn tượng cũng như mức tăng trưởng cao chưa từng thấy. Khác với mẫu búp bê “em bé” đã từng rất nổi tiếng, Barbie được xây dựng như một người trưởng thành. Các bậc phụ huynh phương Tây cho rằng việc chơi cũng “em bé” mỗi ngày khiến con cái của họ có những lầm tưởng về việc nuôi dạy và nhiệm vụ chăm sóc trẻ em sơ sinh. Trong khi đó, Barbie là một cô gái độc lập, yêu thích thời trang, thậm chí có nghề nghiệp và những nhóm bạn riêng. Đối với những cô bé lúc bấy giờ, một người bạn và hình mẫu như Barbie, nghiễm nhiên sẽ tốt hơn một “em bé” để bồng bế trong các khung giờ giải trí.
Bên cạnh việc sản xuất búp bê, Mattel cũng kiếm được khối lợi nhuận khổng lồ từ việc sản xuất quần áo cho búp bê. Những bộ đồ tí hon có giá giao động từ vài chục cho tới vài trăm đô Mỹ. Với sự phát triển của thời trang, việc sắm cho người bạn của mình một tủ đồ hoàn thiện, phù hợp với mọi sự kiện trở thành niềm vui của rất nhiều cô bé. Thậm chí, những mẫu đầm tiệc mô phỏng thiết kế của các nhà mốt haute couture cũng xuất hiện và được mua bán rộng rãi. Barbie đã góp phần đưa Mattel đứng vào hàng ngũ các doanh nghiệp lớn của Mỹ lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, nếu so về lịch sử làm búp bê dày dặn, sẽ không một dân tộc nào sánh được với người Nhật Bản. Văn hoá làm búp bê tại đất nước này đã có từ thời Jomon vào khoảng năm 8000 đến năm 200 trước công nguyên, lúc này, đối với người dân Nhật Bản, búp bê có tâm hồn là một niềm tin vô cùng vững chắc. Không khó để hiểu vì sao đến tận thời điểm hiện tại búp bê vẫn rất thịnh hành ở các nước Đông Bắc Á. Món đồ chơi này hấp dẫn nhờ tất cả những giá trị chúng có thể gánh tải: từ tâm hồn, trí tuệ, bàn tay, khối óc và quan niệm sống của những người nghệ nhân, búp bê cũng là món đồ đặc biệt mê hoặc với những người muốn lưu giữ ký ức và truyền thống, bên cạnh đó, vẻ đẹp được nói đến nhiều nhất có lẽ là trang phục của những loại “búp bê văn hóa” này.
Ở Việt Nam, cộng đồng chơi búp bê thời trang đã từng biết đến những cái tên như Thân Nguyễn An Kha, Bùi Đa Thịnh với những thiết kế công phu, tinh xảo có thể nói là khá hoàn hảo ở góc độ trang phục thu nhỏ.
Đến thời điểm hiện tại, ở nước ta, các nghệ nhân làm búp bê thường chú trọng đến việc thu nhỏ phục trang cho một mẫu búp bê giống nhau, cùng một tư thế. Bên cạnh việc mô phỏng và thu nhỏ trang phục, người nghệ nhân cũng sẽ tập trung nhấn mạnh, làm rõ nét một số yếu tố đặc sắc trên phục trang đặc trưng của từng vùng miền. Họ cũng sẽ có những sáng tạo nhất định để đạt yêu cầu mỹ thuật và thẩm mỹ, tuy nhiên, đứng trước một dự án cần hàng chục mẫu búp bê xếp cạnh nhau, không chỉ đẹp về trang phục, sự đa dạng về thông điệp các dân tộc là một thử thách hoàn toàn khác.
Gần đây, một nhóm nghệ sỹ, nghệ nhân Việt có cơ duyên thử sức trong dự án sáng tạo búp bê mang trang phục dân tộc gắn với tiểu cảnh văn hoá đặc trưng của các vùng miền, BST được trưng bày trong triển lãm Expo Dubai 2020 tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Vạn sự khởi đầu nan, những mẫu búp bê bé nhỏ này thành công đặt chân tới Dubai, mang trong mình nhiều giá trị và có thể mở ra một cách tiếp cận mới, sống động hơn, mang nhiều thông điệp hơn.
Ông Trần Nhất Hoàng - Phó Tổng Đại diện Việt Nam tại Expo Dubai 2020 cho biết: “Trên một bức tường hoàn toàn bằng tre được thiết kế theo hình chữ S như hình lãnh thổ nước ta, điều chúng tôi mong muốn là những mẫu búp bê phải đủ hoàn thiện để đại diện cho nét đẹp đặc trưng của từng vùng miền tiêu biểu, trải dài theo vị trí địa lý tương đối của đất nước từ Bắc tới Nam. Chúng cũng phải phản ánh được nét đẹp đặc trưng vô cùng phong phú của trang phục các dân tộc, bên cạnh đó, theo gợi ý của nghệ sỹ Ella Phan – người điều phối dự án, ngoài trang phục, búp bê phải gắn với một tiểu cảnh văn hoá đặc trưng của dân tộc đại diện. Ví dụ như người Chăm Pa gắn với nghề làm làm Gốm, Người Thái đen gắn với khung dệt vải, Người H’Mông và khung cảnh múa khèn giao duyên v.v… các nghệ sỹ còn có tham vọng muốn mỗi mẫu búp bê phải mang một nét mặt, thái độ và biểu cảm riêng. Rất khó để đạt được tất cả những điều này trong một khoảng thời gian ngắn, tuy nhiên, đây là một ‘concept’ tốt không nên bỏ qua.”
Để có được các tư thế đa dạng, đội ngũ nghệ nhân, nghệ sỹ đã sử dụng cốt thép phủ “wax clay” để dựng hình búp bê theo mẫu được phác thảo. Bên cạnh việc đảm bảo tạo hình chính xác, sự mềm mại của cơ thể búp bê cũng là điều cần lưu ý khi chất liệu đất sét và độ cứng sẽ gây cản trở trong quá trình mặc quần áo.
Sau 3 tháng vận hành triển lãm, ông Trần Nhất Hoàng cho biết: “Quan sát thời gian trưng bày và sự đón nhận của khách thăm quan, 2 thành công lớn nhất mà nhóm thực hiện đã làm được bao gồm: Các bộ trang phục được làm thủ công, từng nét hoa văn thu nhỏ xuất hiện với tỷ lệ ¼ chính xác. Tiếp đó, búp bê gắn với tiểu cảnh mang tính văn hóa là điều thật sự gây bất ngờ, mang nhiều ý nghĩa hơn so với việc trưng bày đơn thuần thường thấy. Hy vọng rằng chúng ta sẽ có nhiều hơn những mô hình triển lãm này. Sau cùng, đây là cách thức hiệu quả góp phần quảng bá nét đẹp văn hoá, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.”
Bài: Ghi theo lời kể của Nhà thiết kế Ella Phan