Documentary

L'DOCUMENTARY: Phản đề thời trang – Quần soóc bó mặc trong đầm xòe

Hè 1995, một năm trước cuộc li dị Hoàng gia Anh đình đám và tai ương, các tay săn ảnh tung ra một tấm ảnh đắt giá: Công nương Diana rời phòng tập thể dục Chelsea Harbour Club trong áo nỉ rộng in hình cô gái trẻ bay lượn trên nền biển biếc và quần soóc đạp xe màu hồng cam. Sau đó cả phần tư thế kỷ, Hailey Baldwin Bieber tái hiện bộ cánh thường dân từ-phòng-tập-ra-phố năng động và tự do ấy trong loạt hình quảng bá phong cách Athleisure - trào lưu thời trang thiên niên kỷ mới.
shoe footwear clothing person sleeve long sleeve pants pedestrian coat overcoat

Mặc theo cách ta sống

 

stella1-e1416580276779.jpg

Có thể tạm dịch thuật ngữ ghép Athleisure là “tập mà chơi” - sự pha trộn (hybrid) kỳ lạ giữa đồ thể thao và đồ diện thường nhật ở nhà, ngoài đường hay nơi làm việc, rồi bay chạy nhảy bơi lên rừng hay xuống biển. Sang thiên niên kỷ mới, con người gần với thiên nhiên và ăn mặc lành mạnh hơn, nhờ thế những món như quần soóc bó “vừa dụng vừa diện” của nàng công nương sắp giã từ cung điện mặc ngày nào đã từ một hình ảnh (look) trở thành xu hướng (trend) rồi đến trào lưu (movement) và cuối cùng trở thành cuộc cách mạng thời trang (fashion revolution) kéo dài suốt thập niên 2010 và có thể đến nhiều năm sau.

Chiếc áo nỉ trong bức ảnh nổi tiếng do chủ hãng Virgil Atlantic là Richard Branson tặng cho Diana và sau đó đến tay huấn luyện viên riêng của nàng là Jenni Rivett đã được bán đấu giá 53,532 USD vào tháng Bảy năm 2019. Song chiếc quần soóc đạp xe không tên tuổi kia lại có vẻ nổi trội hơn và trở nên vô giá. Chiếc quần không phải thiết kế mới này nhờ Diana mà trở thành điểm nhấn quan trọng khơi gợi cảm hứng cho trào lưu Athleisure đương đại.

Diana shorts 2.jpg

Từ cuối thế kỷ 19, quần soóc đạp xe đã được mặc trong giải Tour de France hay quanh phố quanh làng. Phụ nữ mặc quần soóc bó trong váy phồng để có cử động thoải mái. Ban đầu, nó được may bằng len rồi các loại vải dệt spandex co giãn hay cotton, có lớp độn đũng êm ái. Sau này quần soóc bó nữ còn được may bằng lụa, nhung hay ren, song hầu hết chỉ để đạp xe hay dắt xe mà thôi. Phải đến cuối thế kỷ 20, quần soóc hay đồ thể thao mới dần đi vào đời thường.

Trước Diana vào thập niên 1980 đã có rất nhiều nhân vật mặc quần soóc bó như Jane Fonda, Madonna hay Sarah Jessica Parker. Ngay từ 1968, Mia Farrow cá tính trong phim The Great Gatsby hay Rosemary’s Baby đã chụp tấm poster với quần soóc bó áo chẽn đồng bộ kẻ sọc ngang, giày tất trắng toát. Demi Moore mặc bộ soóc bó viền ren áo chẽn đi dự giải Oscar năm 1989, một trong kha khá các trang phục không được hoan nghênh của cô. Ngày nay nếu rộng lượng hơn sẽ thấy chiếc quần soóc bó gợi cảm cô mặc từ thời đó quả là đi trước thời đại. 

Mia Farrow.jpg

Sau khi Diana qua đời năm 1997, quần soóc bó cũng dần rơi vào quên lãng; để rồi trở về sống động hơn xưa trong loạt ảnh của Hailey Baldwin Bieber. Quần soóc bó của Diana và Hailey đậm chất Athleisure – năng động nhưng thoải mái, giản dị nhưng đỏm dáng, và quan trọng hơn không tôn thân (body conscious) quá mức. Athleisure nói cho cùng chú trọng lối sống của từng cá nhân, nên các món thường không phân biệt hình dáng tuổi tác nghề nghiệp hay đẳng cấp xã hội. Nếu dáng đẹp do bẩm sinh hay tập luyện thì mặc bó hơn; nếu muốn dễ thở không trau chuốt thì mặc đồ thoáng rộng. Giới trẻ sành Athleisure cũng sẵn sàng chi cho một món khá tiền nhưng không quá mắc như thời trang cao cấp.

Athleisure là cách mạng thực sự khi thời trang không còn “dịp nào mặc đồ đó”, “sáng mặc đồ đi làm tối mặc đồ đi tiệc”, mà hướng tới lối sống linh hoạt thân thiện. Có thể diện Athleisure dù là ai làm gì ở đâu, công nương sắp từ bỏ hoàng gia hay thiếu nữ sắp rời ghế nhà trường. Khác với những cuộc cách mạng thời trang trước đây (Swinging, London calling của thập niên 1960; Hippy, Disco của thập niên 1970; Yuppies, Deconstruction của thập niên 1980; Grunge, Minimalsim của thập niên 1990 và Streetwears của thập niên 2000); Athleisure không tạo ra thiết kế hay chất liệu mới (như cắt ngắn váy lên trên đầu gối thành minijupe thời 1960 hay tạo những đường may cắt bất đối xứng deconstruction và mặc đồ dạ tiệc nhung lụa ren vào ban ngày).  Athleisure nhằm vào cách mặc và phối đồ sao cho thoải mái nhưng phong cách, vừa có công năng vừa hợp mốt; và không gắn với tên một nhà thiết kế, có chăng chỉ với một thương gia.

Dụng không dụng, diện không diện

 

Chanel 1991.jpg

Vào năm Công nương Diana qua đời 1997, một người Canada ở Vancouver, Chip Wilson, đi tập Yoga chữa đau lưng, rồi mê dáng quần tập mềm mại dẻo dai mà thành lập cả một thương hiệu sản xuất đồ tập yoga và thể thao mang tên Lululemon. Thời đó Yoga và gym bắt đầu thịnh, nhiều người quan tâm đến sức khỏe và hình thể, thích vẻ đẹp tự nhiên hơn đóng hộp. Cuộc làm ăn thành công nhanh chóng, những chiếc quần boogie và rất nhiều món chất liệu may cắt tinh tế tiện dụng của Lululemon bán chạy như tôm tươi. Ngoài ra còn có váy áo đủ loại dùng để đi tập và đi chơi, cả áo choàng áo khoác giá trên ngàn đô la. Nghe đâu quần Boogie đang sắp được trưng bày ở bào tàng MoMA New York sánh ngang bộ váy áo New Look 1947 của Christian Dior.

Các cô gái trẻ, dù là dân tập hay không, vẫn dành dụm tiền để mua những món đồ Athleisure giá hơi cao chút ít. Trong mấy thập niên qua, số người trẻ tập gym và yoga giảm xuống vì bận đi làm và chăm sóc gia đình, nhưng doanh thu của Lululemon vẫn tăng chóng mặt, tổng giá trị công ty hiện nay lên tới 44 tỷ đô la. Cuộc cách mạng thời trang của các hãng sản xuất quần áo Athleisure số lượng lớn (không phải các nhà mốt xa xỉ) đã tạo ra một phản đề thời trang: Đồ tập không mặc để tập - dụng mà không dụng, đồ đi chơi không chỉ để chơi (diện mà không diện). Những đôi giày tennis Athleisure cũng không để đánh tennis. Tennis ở Mỹ không còn nhiều người chơi như xưa nhưng giày tennis vẫn ngày một hot.

Bạn có thể băn khoăn rằng những bộ trang phục “dress down”, những nhãn hiệu phong cách tiện dụng làm sao có thể diện? Chính nhờ sự tự tin của người mặc chúng. Khách hàng của các hãng làm đồ Athleisure thường là những phụ nữ trẻ trung (không nhất thiết trẻ tuổi, như Jennifer Lopez mặc đồ Athleisure nóng bỏng ở tuổi ngũ tuần); những phụ nữ đi nhiều làm nhiều, có giáo dục, cởi mở và tràn đầy năng lượng. 

Cơn lốc hoàn hảo

 

Diot shorts 2019.jpg
Fendi summer 2019.jpg
Isaac Mizrahi SpringSummer 2009.jpg

Trong khi thời trang hạng trung (contemporary) và cao cấp (high fashion) đang gặp nhiều khó khăn vì đại dịch và vì sự xâm lấn tràn lan của hàng chợ online, Athleisure vẫn phát triển không ngừng. Cuộc cách mạng “sáng tạo vì cuộc sống’” như một cơn lốc hoàn hảo đưa thời trang đường phố vào các nhà mốt cao cấp như Chanel, Gucci, Fendi, Prada, với những mẫu thiết kế Athleisure. Sẽ không ngạc nhiên nếu Lululemon một ngày nào đó thành một nhà mốt thực thụ. Những thương hiệu như Under Amour, Off-White, Supreme, Vetement, S&S Activewear và rất nhiều nhãn hiệu của các nghệ sĩ nổi tiếng nhờ truyền thông online tràn vào mọi ngóc ngách đời sống và chiếm lĩnh mọi thị trường. Đó là chưa kể đến sự hợp tác giữa các nhãn hiệu thể thao và các biểu tượng thời trang như Adidas hợp tác với Kanye West, Pharrell Williams and Stella McCartney.  Nếu đi dạo trên những đường phố Bắc Mỹ hay Canada vào những ngày này, bạn sẽ thấy toàn những người mặc Athleisure và chỉ Athleisure mà thôi. 

Bella Hadid.jpg

Các cô gái tự tin sành điệu chẳng kém chị em nhà Hadid hay Kim Kardashian. Giới trẻ có học thức vốn trọng chất lượng và sự bền bỉ của trang phục hơn là vẻ hào nhoáng nhất thời, hơn nữa Athleisure tôn thêm nét trẻ khỏe của họ. Còn phụ nữ trung niên như tôi thì ngắm Heidi Klum, Kimora Lee Simons hay Jennifer Aniston mà hi vọng. Athleisure giúp xóa nhòa ranh giới chủng tộc và giai cấp. Nhiều nhà thiết kế da màu vốn chỉ quen với thời trang đường phố đã được mời làm giám đốc sáng tạo cho các nhà mốt cao cấp, như trường hợp của Virgil Abloh của nhà Louis Vuitton.

Những kẻ phản kháng và các nạn nhân

 

81a0ff1415c706b7b4025ef117ebc0dd.jpg
LLLxRoksanda_12-e1578692618597.jpg
roksanda-lululemon-1571744752.jpg

Cuộc cách mạng nào cũng có những kẻ phản kháng và các nạn nhân. Phụ nữ châu Âu trước đây dè dặt với Athleisure, cho rằng mặc quần tập gym bó sát thiếu nữ tính và có phần quê kệch. Giờ đây họ cởi mở hơn và diện đồ Athleisure nhiều hơn. Không thể phản kháng mãi vì cơn lốc quá mạnh, tràn ngập mạng xã hội và ngoài đời. Trong thời đại dịch hàng ngày chỉ quanh quẩn chợ búa hay dắt chó đi dạo mà ăn mặc cầu kỳ cũng thật vô duyên, nên từ từ tủ quần áo dần thay đổi.

Tôi nghĩ mình hơi giống phụ nữ châu Âu, chưa mua một món Lululemon nào. Chỉ khi tập luyện hay leo núi mới mặc đồ thể thao, ngoài ra rất ngại phải diện những thứ ấy ngoài đường phố. Nếu có chắc sẽ khoác lên một áo vét rộng như Kylie Jenner mặc vét hồng của nhà Jacquemus ra ngoài soóc bó và áo thun bó. Có lẽ lối sống của tôi chưa đủ năng động và giản dị để hợp với đồ Athleisure, nên trở thành “nạn nhân” miễn cưỡng của Athleisure. Giải pháp duy nhất là pha trộn thêm đồ diện, vừa đủ để thấy thoải mái. Tôi thích một mẫu khá đặc biệt của Isaac Mizrahi trên Runway 2009: đầm phồng nhiều lớp xẻ cao khoe quần soóc bó; hay một mẫu haute couture của nhà Dior 2019: quần soóc bó lấp ló sau lớp váy voile. Nếu được là mình thì tôi thích sự thoải mái như vậy, như lúc mặc đầm dài đi giày thể thao trên bãi biển. Hay tốt hơn là một ngày nào đó sẽ thử mặc một nón của Lululemon hay Juicy Couture ra phố.

Thực hiện: Lã Hoa

Tags

Recommended posts for you