Jean Schlumberger: Cuộc đời huyền thoại của NTK trang sức đại tài định hình Tiffany & Co.
Suốt cuộc đời, Jean Schlumberger đã gắn bó với nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng như Lucien Lelong và Schiaparelli, mở ra thương hiệu trang sức dành riêng cho giới tinh hoa tại Paris và New York, phục vụ trong quân đội suốt thế chiến thứ hai, nhưng điều làm nên tên tuổi và để lại di sản của ông nhiều nhất chính là quãng thời gian làm việc tại Tiffany & Co., khi ông tạc nên những kỳ quan nhỏ bé từ nhiên nhiên đa sắc.
Jean Schlumberger (1907–1987) đã mở ra một kỷ nguyên thiết kế trang sức chưa từng có khi ông bắt đầu mối hợp tác huyền thoại với Tiffany & Co. vào năm 1956. Lúc đó, Walter Hoving, chủ tịch của Tiffany & Co., đề nghị Schlumberger gia nhập công ty với tư cách là phó chủ tịch. Kể từ đó, trong studio thiết kế và phòng tiếp khách trên tầng lửng của cửa hàng flagship Tiffany & Co. tại Đại lộ số Năm, Schlumberger đã viết lại di sản của nhà kim hoàn đất Mỹ khi mang đến ghim cài áo Bird on a Rock, vòng tay tráng men paillonné, nhẫn màu nổi, vòng tay Cooper và chiếc nhẫn kim cương Sixteen Stone.
Từ chàng trai từ bỏ truyền thống gia tộc 5 thế kỷ
Sinh ra trong gia đình có truyền thống dệt may tại Mulhouse, Pháp, lúc này vẫn còn thuộc đất Alsace của Đức, Schlumberger cho thấy tài năng vẽ từ khi còn rất sớm. Gia tộc Schulumberger vốn có truyền thống dệt vải kéo dài 5 thế kỷ, thậm chí còn là chủ ngân hàng, sớm kỳ vọng đứa cháu trai theo học ngành Tài chính để kế nghiệp gia đình. Jean Schlumberger, lúc này nhen nhóm đam mê về thời trang và nghệ thuật, đã tự ý bỏ trường và chuyển đến Paris. Ông được nhận vào làm việc cho nhà thiết kế thời trang người Pháp, Lucien Lelong, sau đó làm việc tại một nhà xuất bản nghệ thuật.
Tại Paris, ông say sưa với chủ nghĩa thời đại sôi động và lập dị nơi đây, bị thu hút bởi sự độc đáo và mới lạ đã thấm đẫm cả nền văn hóa của những năm 30. Yêu thiết kế nhưng không có đủ tiền để mua nguyên vật liệu, vào những ngày cuối tuần, ông thường đi dạo qua Marche des Puces, khu chợ trời ở Paris, tìm kiếm những món đồ cổ thời Victoria. Một ngày nọ, Schlumberger tìm thấy những bông hoa sứ Meissen trang trí trên một chiếc đèn chùm cũ và biến chúng thành những chiếc ghim cài áo trang nhã dành cho nhóm bạn gồm các nghệ sĩ thân thiết và có mắt nghệ thuật. Những chiếc kẹp sứ của Schlumberger ngay lập tức gây được tiếng vang lớn. Đơn đặt hàng thiết kế gửi về ngày một nhiều, đủ để khiến ông quyết định bỏ việc và chuyên tâm vào thiết kế trang sức.
Mở một xưởng may trên rue de la Boetie, Jean Schlumberger nhanh chóng trở thành nhà cung cấp đồ trang sức được giới thượng lưu Paris đặc biệt săn đón. Những thiết kế của ông nhanh chóng lọt vào mắt xanh của nhà thiết kế Schiaparelli, để từ đó ấn định ông làm trưởng nhóm thiết kế cúc áo và trang sức cho trang phục của thương hiệu vào năm 1937.
Việc đầu quân cho thương hiệu của Schiaparelli, một nhà thiết kế thời trang đang lên nổi tiếng với những phụ kiện cách điệu, đã mang đến thành công ngay lập tức cho Schlumberger, không chỉ ở Paris, mà còn trên thế giới. Những chiếc cúc áo giàu trí tưởng tượng của Schlumberger trên bộ suit của Schiaparelli gợi lên những hình chạm nổi về động vật, vỏ sò, thiên thần, trái cây và côn trùng, những thứ sau này tiếp tục được trở lại ngoạn mục trong các thiết kế trang sức tại Tiffany & Co.. Ông trở thành một nhà thiết kế thành công theo đúng nghĩa, là cái tên đứng sau chiếc ghim cài mũ cho Madame Suzy, đôi dép quai ngang có gót cho Delman, được ca ngợi ở cả hai bờ Đại Tây Dương vì những sáng tạo đặc sắc chưa từng xuất hiện trước đây.
Trong Thế chiến Thứ hai, Jean Schlumberger phục vụ cho Quân đội Pháp. Ông sống sót sau Dunkirk, trận chiến thay đổi toàn bộ cục diện của cuộc chiến. Khi chiến tranh qua đi, Schlumberger chuyển đến New York, Mỹ. Tại Manhattan, ông tình cờ gặp người bạn thời thơ ấu, Nicolas Bongard, người đang thiết kế những chiếc cúc áo thủ công. Năm 1947, bộ đôi cùng nhau mở một tiệm nhỏ; và ngay sau đó, những chiếc cài áo mang hình các loài chim và sinh vật biển nạm ngọc của Schlumberger đã xuất hiện trên người những phụ nữ thời trang nhất bấy giờ.
Óc sáng tạo thiên tài của Jean Schlumberger làm nên những tác phẩm kỳ ảo. Ông mang vẻ đẹp của thiên nhiên vào từng thiết kế, biến trang sức trở nên sống động, rực rỡ sắc màu. Tại New York, chàng trai người Pháp chinh phục Walter Hoving, Chủ tịch Tiffany & Co.. Tán thưởng tài năng của ông, Hoving mời Schlumberger về làm việc cho Tiffany & Co. vào năm 1956. Trên xưởng thủ công và phòng tiếp khách tại tầng lửng cửa hàng biểu tượng của thương hiệu tại Đại lộ số Năm, Schlumberger đã phác thảo nên những sáng tạo kim hoàn mở ra kỷ nguyên hoàn toàn mới cho thương hiệu.
Đến những huyền thoại trang sức tái định hình tên tuổi của Tiffany & Co.
Schlumberger nổi tiếng với việc phác thảo tất cả các thiết kế trang sức trên bản vẽ, và điều ấn tượng nhất là ông không được đào tạo bài bản về nghệ thuật mà hoàn toàn tự học. Với giấy can siêu mịn, bút và mực Ấn Độ làm phương tiện, người nghệ sĩ đã áp dụng kỹ thuật bột màu với những đường nét liền mạch, uyển chuyển, tạo hình cho những hình dạng giàu trí tưởng tượng và họa tiết trang nhã, mang đậm tính điêu khắc.
Xem bản vẽ là mối liên kết duy nhất giữa bộ ba khách hàng, người sáng tạo và người thợ thủ công, đồng thời là phương tiện biểu đạt duy nhất mà ông có, Schlumberger thường tới Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan để vẽ. Nhà thiết kế đã phác thảo nên một số thiết kế nổi tiếng nhất của mình tại nhà riêng trên đảo Guadeloupe thuộc vùng Caribe, nơi ông lấy cảm hứng từ các chủ đề tự nhiên có thể quan sát ở khắp nơi. Đây cũng chính là nơi ông tạo nên chiếc ghim cài áo Oiseau de Paradis có hình một con chim thần thoại phát ra ánh sáng đủ màu như chiếc kính vạn hoa, với beryl vàng, thạch anh tím, ngọc lục bảo và ngọc bích, minh chứng cho khả năng truyền trí tưởng tượng vô song vào những hình ảnh thiên nhiên hiện hữu.
“Tôi cố gắng làm cho mọi thứ trông như thể nó đang phát triển, không đồng đều, ngẫu nhiên, hữu cơ, đang chuyển động.
—JEAN SCHLUMBERGER
Schlumberger thường khẳng định nguồn gốc các tác phẩm của mình là từ hệ động thực vật, kiến trúc và hồi ức về những chuyến du lịch đến những nơi xa lạ. Ông đã thu thập được nhiều kỷ niệm về biển từ những chuyến thăm thường xuyên đến Guadeloupe và những chuyến đi đến Indonesia và Antilles. Vẽ từ vỏ sò, sao biển, cá ngựa, ông biến chúng thành những “nhân vật” có chứa các yêu tố thần thoại, đến từ một thế giới không ngừng chuyển động: nụ hoa đang bung mình nở thành những bông hoa rực rỡ, nhựa sống chảy tràn trên cành cây, hay chú cá đang tung tăng bơi lội… Từ chối trang sức phẳng, “hai chiều”, Schlumberger yêu thích sự tròn trịa và phát hiện bất ngờ trong thiên nhiên, nắm bắt một cách đẹp đẽ sự độc đáo và năng động của thế giới tự nhiên trong thiết kế. Những sáng tạo tuyệt vời của Jean Schlumberger là biểu tượng trường cửu phản ánh cả sự khéo léo của người nghệ sĩ lẫn kỹ thuật điêu luyện trong tay nghề thủ công điêu luyện của Tiffany & Co..
Với khả năng độc đáo trong việc cân bằng giữa việc phô trương sự sang trọng và sự tiết chế đầy trang nhã, Schlumberger đã tạo ra những món trang sức siêu việt, những tác phẩm nghệ thuật có thể đeo trên người. Ngày nay, hàng loạt thiết kế của Schlumberger by Tiffany & Co. vẫn giữ nguyên giá trị bởi vẻ đẹp tinh tế, nơi mỗi tạo vật đều thể hiện sự đổi mới và trí tưởng tượng không giới hạn của ông. Di sản của Schlumberger vẫn tồn tại, chỉ ở Tiffany & Co.
Những sáng tạo kim hoàn kinh điển của Jean Schlumberger
Cài áo Bird on a Rock
Lấy cảm hứng từ thiên nhiên tươi đẹp và di sản kinh doanh vải của gia đình, Jean Schlumberger tạo nên chiếc trâm cài Bird on a Rock vào năm 1965. Chiếc trâm với hình ảnh chú chim đậu trên viên đá quý đã trở thành một biểu tượng đến tận ngày nay.
Nguyên bản, Bird on a Rock được thiết kế cho viên kim cương vàng; nhưng sau đó thương hiệu đã biến tấu thiết kế này với nhiều loại đá quý. Năm 1995, thương hiệu đã đặt viên kim cương vàng bản mệnh vào Bird on a Rock, như cách tri ân và tôn vinh những di sản thiết kế của ông.
Vòng Croisillon tráng men paillonné
Tài năng chế tác của Schlumberger còn hiển hiện qua chiếc vòng tay Croisillon tráng men paillonné. Men paillonné đòi hỏi kỹ thuật cực kỳ cao và là bảo chứng cho một thiết kế trang sức cao cấp. Kỹ thuật tráng men paillonné có giai đoạn gần thất truyền, vì quy trình chế tác siêu phức tạp, đòi hỏi tay nghề thượng thừa. Đây là kỹ thuật hoàn thiện bề mặt với men nền. Sau đó, nghệ nhân đặt các vân hoa vàng (gọi là paillons) lên lớp men nền. Sau đó, họ tiếp tục phủ một lớp men trong lên các paillons.
Trang sức vàng
Schlumberger được biết đến với việc sử dụng vàng hồng 18k một cách sáng tạo trong các thiết kế của mình. Được sắp đặt theo lối trữ tình và thơ mộng, các yếu tố vàng mang tính biểu tượng của Schlumberger tái hiện lại những sợi dây thừng, tua rua và ruy băng, nắm bắt được sự năng động có trong tự nhiên cũng như phản ánh di sản dệt may của gia đình.
Cho dù là những giọt vàng như mưa, hình chữ X bằng vàng giống như những đường khâu, hay thân, lá và nụ vàng gợi nhớ đến một khu vườn sống động, việc sử dụng vàng rộng rãi của Schlumberger đều bắt nguồn từ cả di sản gia đình và mối quan hệ của ông với thế giới tự nhiên.
Phối hợp nhiều đá quý
Tình yêu của Schlumberger dành cho những màu sắc tuyệt vời trong tự nhiên được thể hiện qua đồ kim loại màu vàng đậm, lớp tráng men sáng màu và việc sử dụng đá quý có màu sắc sống động. Tại Tiffany & Co., nghệ sĩ đã làm sống lại xu hướng của công chúng đối với bảng màu táo bạo hơn, sáng hơn, mạnh mẽ hơn bằng cách kết hợp nhiều loại đá quý màu. Schlumberger đã sử dụng sự kết hợp màu sắc đáng ngạc nhiên - màu vàng bên cạnh màu hồng, màu hoa cà được bao quanh bởi màu ngọc lam - một cách đa dạng đáng ngạc nhiên.
Điểm tài tình ở đây chính là có sự hài hòa trong thuật giả kim về sự tương phản của các loại đá truyền thống như thạch anh tím, Peridot và Topaz. Đan xen xung quanh và làm nổi bật những viên đá sống động, các chi tiết tua, dây leo, dây thừng và rèm bằng vàng hồng 18k đặc trưng của Schlumberger tăng thêm sự ấm áp cho bộ sưu tập màu sắc nổi bật của nghệ sĩ. Schlumberger đặc biệt bị thu hút bởi các loại đá quý như thạch anh tím, ngọc lam, ngọc bích, tourmaline màu hồng, ngọc lục bảo và aquamarine. Hài hòa hoàn hảo, sự lựa chọn độc đáo của ông về những đường cắt và màu sắc khác nhau chính là điều cần thiết để thể hiện gu thẩm mỹ đã làm nên tên tuổi của thương hiệu.
Kim cương
Khi Schlumberger bắt đầu nhiệm kỳ của mình tại Tiffany & Co. vào năm 1956, một trong những bước đi nghệ thuật đầu tiên của ông là gắn viên kim cương Tiffany nổi tiếng lên một thiết kế trang sức cao cấp. Tiffany & Co. đã giao cho nhà thiết kế trẻ chế tác viên kim cương Fancy Yellow nặng 128,54 carat—viên kim cương màu vàng lớn nhất và đẹp nhất thế giới vào thời điểm đó—một bước đi táo bạo nhằm củng cố vai trò nghệ thuật của Schlumberger thương hiệu.
Ban đầu, nhà thiết kế đề xuất 3 cách sắp xếp cho viên kim cương màu vàng huyền thoại: quấn các dải ruy băng kim cương thành một chiếc dây chuyền để làm nổi bật vị trí trung tâm, giữ kim cương bằng những đôi cánh đính kim cương thành một chiếc cài áo, hoặc đúng khung nó bằng những viên kim cương khác trên một chiếc vòng tay. Những bản phác thảo lưu trữ của những thiết kế này là bằng chứng cho thấy sự khéo léo và đẳng cấp mà tài năng mà ông đã thể hiện. Tuy nhiên, cuối cùng vào năm 1961, chiếc vòng cổ Ribbon Rosette mang tính biểu tượng của Jean Schlumberger đã trở thành thiết kế cuối cùng mà Tiffany ủy quyền cho việc tạo hình cho viên kim cương Tiffany.
Vào năm 1995, tại buổi tưởng niệm Jean Schlumberger của Musée des Arts Décoratifs ở Paris, viên kim cương đã được đính vào một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của ông – chiếc kẹp Bird on a Rock. Viên kim cương Tiffany còn sót - viên đá quý quan trọng nhất trên thế giới - đã tôn vinh tầm nhìn của Charles Lewis Tiffany và di sản thiết kế của Jean Schlumberger.
“Đối với tôi, nghệ thuật trang sức trước hết là một phương tiện thể hiện, mang lại vẻ đẹp thuần khiết và bền bỉ vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường của thời trang”. — JEAN SCHLUMBERGER