Digital Fashion (kỳ 3) I Virtual influencer và cuộc tranh luận Hậu Hậu-hiện đại
Đây là kỷ nguyên digital fashion - Cái gọi là thời trang kỹ thuật số mà chúng ta khởi động trong suốt thập niên qua và mơ mộng từ hơn nửa thế kỷ trước. Nó đã diễn ra và ngành công nghiệp thời trang Việt Nam đang sắp sửa bước vào. L'OFFICIEL Vietnam bắt đầu thực hiện series này cùng cây bút XU, với sự hợp tác của FACE - The Fashion Design Academy và SR Fashion Business School. Mời bạn đọc cùng theo dõi chuyên đề.
"Ranh giới giữa khoa học viễn tưởng và thực tế xã hội là một ảo ảnh quang học", đây là điều mà giáo sư Donna J. Haraway [*1] đã đề cập đến trong bài luận nổi tiếng “A Cyborg Manifesto" (tạm dịch "Tuyên Ngôn Sinh Học Bán Cơ Khí") xuất bản vào năm 1985 của bà. Bà đã viết về những tương lai có thể có cho nữ quyền và cách công nghệ khiến xã hội gắn kết hơn về mặt đạo đức trong khi tăng cường hơn về mặt tình cảm và trí tuệ. Nội dung chính trong bản tuyên ngôn này của bà đã bác bỏ các ranh giới cứng nhắc, bàn về các vấn đề với nguyên lý gia trưởng phương Tây, thuyết sinh học bán cơ khí và chỉ trích chủ nghĩa nữ quyền truyền thống. Cyborg, hay sinh học bán cơ khí (hoặc sinh vật cơ khí hóa, sinh vật điều khiển học…), được định nghĩa là một sự tồn tại bao gồm cả phần sinh học và nhân tạo (như điện tử, cơ khí hay robot), và virtual human có lẽ cũng là một sự tồn tại như vậy trong khái niệm Cyborg.
Thật phi thường khi đó chỉ mới là năm 1985, mặc dù robot đã có mặt, social media đã xuất hiện và AI cũng đã được coi như một môn học thuật từ những năm 50, nhưng liệu bà đã hình dung về sức ảnh hưởng của virtual human như hôm nay? Các dự đoán của giáo sư Donna đã gần chính xác với hiện thực như thế nào? Thời đại của thế hệ bản địa kỹ thuật số đã bắt đầu. Chúng ta đã quen thuộc với các Chatbot làm nhiệm vụ tư vấn và giải đáp thắc mắc thay thế cho con người. AI dường như sẵn sàng tham gia vào mọi lĩnh vực. Rất nhiều người lựa chọn trợ lý ảo, người yêu ảo, bạn bè ảo (hay thậm chí chỉ cần “ai đó” không thật). Có phải chúng ta đang ngày càng thoải mái hơn với sự tồn tại của virtual human, thậm chí tôn trọng và lắng nghe, thích tương tác cũng như thảo luận với các nhân vật ảo về bất cứ chủ đề nào từ phong cách thời trang, quan điểm, tình cảm cho đến chính trị, triết học, nghệ thuật và mọi dạng thức của nhân quyền.
Thế giới của chúng ta ngày càng có nhiều người mẫu thời trang kỹ thuật số. Có không ít virtual influencer sở hữu tài khoản social media hàng trăm ngàn, hàng triệu followers. Các nhà thời trang Avant Garde và các nhà bán lẻ cũng không muốn bỏ lỡ thời điểm lướt trên đợt sóng đầu tiên của một xu hướng công nghệ tiến vào tương lai này. Nhưng liệu những hình ảnh 2D, 3D hay VR này có phải là robot hay AI không, liệu những người đứng sau điều khiển avatar kỹ thuật số của họ hay điều khiển chúng ta? Phải chăng, tại thời gian thực, nếu có những điều gì chúng ta đang bàn tới, thì đó là những gì chúng ta đang làm; những gì chúng ta đang bắt đầu nghi ngờ, thì đó cũng là những gì đang xảy ra?
Các cuộc đối thoại về sự đa dạng và tính đại diện trong ngành công nghiệp thời trang vốn đã như một cơn sốt âm ỉ. Và sự nổi lên của một loạt các virtual influencer trên khắp thế giới - lâu đời nhất như Lu do Magalu từ năm 2009, hay gần đây, từ 2018 đến 2020, là sự xuất hiện của các NTK thời trang ảo như Aliona Pola (Nga) hay Lila Ziyagil (Thổ Nhĩ Kỳ) - càng làm cho các quan điểm trở nên phức tạp hơn.
Điều này cũng đưa chúng ta đến những tranh cãi về “vẻ đẹp giả” của những virtual influencer. Họ là những người phụ nữ hoàn hảo về thể chất được tạo nên từ những pixel, đại diện cho những người phụ nữ từ lâu luôn bị áp lực đẹp - trẻ - khoẻ. Nhưng The Diigitals của Wilson không chỉ có mỗi Shudu là virtual model, họ cũng tạo ra người mẫu ảo plus size và các màu da khác. Trên instagram của mình, Zoe Dvir - một người ảo Israel nổi tiếng, không chỉ ủng hộ ăn chay trường, theo đuổi tính bền vững và kêu gọi quyền động vật, cô cũng đưa ra sự thảo luận về việc tôn trọng vẻ đẹp hình thể của phụ nữ. Bản thân Lil Miquela cũng tranh luận về chủ đề này, đại loại là khi cô đặt câu hỏi cho “nhà lý thuyết âm mưu” YouTuber Shane Dawson để phản hồi câu hỏi của Shane về hình ảnh được tạo ra bằng kỹ thuật số của cô, rằng: "Bạn có thể kể tên một người trên Instagram không chỉnh sửa ảnh của họ không?".
Cán cân đạo đức chông chênh
Khi trở nên nổi tiếng, không ai có thể thoát khỏi sự chỉ trích đa chiều trên mạng xã hội. Shudu không ngoại lệ. Và sự viral của Shudu cũng kéo theo những chỉ trích khắc nghiệt dành cho Wilson, người tạo ra cô. Nhiều người cho rằng siêu mẫu kỹ thuật số này lấy đi cơ hội của những người mẫu ngoài đời thật. Nhiều người khác chỉ trích việc một người mẫu ảo da đen được tạo ra bởi một người đàn ông da trắng. Cũng có luồng ý kiến phê phán Wilson đang kiếm được tiền thật thông qua thương mại hoá người da màu ảo, như một loại chiếm đoạt danh tính của cộng đồng người da màu thực sự.
Sự tranh cãi khá nặng nề tính đạo đức khi cho là một nhân vật 3D được “tô” màu da đen để chiếm chỗ trong một ngành công nghiệp, nơi mà những người phụ nữ da đen thực sự đã phải vật lộn và tranh đấu suốt chiều dài lịch sử để tìm kiếm được chỗ đứng. Tuy nhiên, đối với Wilson, bản chất của việc tạo ra Shudu (và hiện nay là sự nghiệp gắn liền với công ty The Diigitals do anh thành lập) xuất phát từ mong muốn tôn vinh vẻ đẹp da màu trong thời trang và thể hiện sự đa dạng trong thế giới 3D.
Rất nhiều người mẫu thật trong giới thời trang đã làm việc cật lực để những câu chuyện và trải nghiệm chân thực của họ được lắng nghe, được xem xét. Các thế hệ người mẫu thời trang cũng đã chiến đấu để thay đổi nhận thức của rất nhiều người bên trong lẫn bên ngoài ngành công nghiệp phù hoa này. Trong quá khứ, xã hội đã từng cho rằng các người mẫu chỉ là những hình thể có số đo hấp dẫn để "minh hoạ" cho quần áo, thậm chí dẫn đến vấn nạn siêu mẫu size 0. Khi các người mẫu đoàn kết thành các tổ chức để kêu gọi và ủng hộ những vấn đề xã hội, không ít trường hợp phải đối mặt với bản án "khai trừ" từ các thương hiệu bảo thủ. Nhưng giờ đây, các digital model nghiễm nhiên tiếp quản thành quả và có thể chiếm dụng luôn công việc mà các người mẫu thật đã từng phải đặt cược để đem lại sự thay đổi.
Câu hỏi vẫn tiếp tục được đặt ra rằng vì sao chỉ người thật của cộng đồng đó mới có thể đại diện cho cộng đồng đó? Vì sao Shudu không được chấp nhận như một virtual influencer ủng hộ cộng đồng người da màu? Vì sao công việc của Wilson không được xem là một tiếng nói góp thêm sự ủng hộ? Khi bị liệt vào tội trục lợi vì anh ấy kiếm được tiền thật từ câu chuyện của cộng đồng, của nền văn hoá mà anh ấy thực sự ngưỡng mộ, điều này có công bằng không? Có cách nào để cam kết trong các vấn đề đạo đức không? Wilson cần phải trao trả những gì cho cộng đồng da màu khi anh sử dụng virtual model làm hình tượng đại diện cho tư duy, tài năng và cảm xúc của mình?
Trong quan điểm của Wilson, anh cho rằng Shudu không tranh giành vai trò mà những người mẫu da đen đáng lý được thuê làm việc: "Khi các thương hiệu tìm đến Shudu, họ không lựa chọn giữa cô ấy và một người mẫu thực sự nào. Họ tìm Shudu vì cô ấy là virtual model và họ muốn khơi mào cho một cuộc thảo luận về công nghệ trong thời trang". Trong tương lai hoặc đâu đó ở hiện tại, việc so sánh và cân đo giữa người thật hay người ảo sẽ hoặc đang xảy ra, đây một vấn đề đạo đức và công bằng thương mại phức tạp, nhưng trong bối cảnh mới nổi như hiện nay, các thương hiệu chỉ đang thử nghiệm và tham gia vào một sân chơi mới.
Chia sẻ với Elle.vn trong một bài phỏng vấn (7/2019), Wilson cho biết anh rất vui vì Shudu đã mở ra một cuộc trò chuyện xoay quanh những vấn đề mà người da đen gặp phải trong ngành thời trang. "Tôi nghĩ rằng tất cả các tác phẩm nghệ thuật chân chính đều truyền cảm hứng cho cuộc tranh luận, tôi rất vui vì nó khiến mọi người nói về việc trả công bằng cho phụ nữ da đen trong ngành công nghiệp người mẫu, và có bao nhiêu cơ hội cho phụ nữ da đen".
Khi ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang tìm đến virtual model và virtual influencer cho các campaign của họ, liệu Wilson có còn giữ quan điểm như hiện tại, trách nhiệm thuộc về ai và khi nào mới cần phải nghĩ đến? Wilson có hình dung được một tương lai nơi người mẫu ảo chiếm phần lớn các billboards và magazine ads, liệu công nghệ virtual sẽ phát triển lý tưởng đến mức những công ty như The Diigitals của anh vẫn cần người thật để đóng vai "cơ thể" cho các virtual influencer. Trong tương lai đó, có còn sót lại những công việc nào cho các người mẫu thật được tham gia để kiếm sống, để theo đuổi đam mê thời trang của họ?
Năm 2019, Wilson cho rằng "Tại thời điểm này, tôi không nghĩ rằng có sự cạnh tranh giữa virtual model và real model”. Nhưng hiện tại thì sao, tương lai thì sao? Anh đã có chuẩn bị gì? Nếu các “nạn nhân” lên tiếng, Wilson có chịu trách nhiệm về những hệ luỵ cạnh tranh mà anh đã góp phần gây ra cho những người mẫu thật, và cả những cộng đồng mà anh đang dùng virtual model để đại diện?
Xoá nhoà ranh giới ảo-thực giả-thật
Và Brud, ngôi nhà của bộ 3 virtual influencer đình đám Miquela - Bermuda - Blawko, cũng đón nhận những cơn bão dư luận và cuồng phong chỉ trích. Sau tất cả những mập mờ mà truyền thông đào bới từ tiểu sử cũng như các tin tức PR xoay quanh Brud, đội ngũ sáng tạo phía sau các virtual influencer đôi khi có phần “tai tiếng” này bị cho là đang diễn một show truyền hình thực tế đầy kịch tính với nhiều âm mưu, song lại có phần phô trương và vụng về.
Trong các phân cảnh gây khó chịu để sắp xếp cho sự nổi lên của “Drama Queen” Bermuda (kể từ cuối 2017 và kéo dài đến tháng 4/2018) - một “nữ hoàng robot tự xưng” khẳng định đến từ Cain Intelligence và không liên quan gì đến Brud.fyi, nhưng Cain chỉ là một website không có gì ngoài một “tuyên bố” không rõ thật hay giả. Các nhà phân tích drama cho rằng Brud vừa thủ vai “quần chúng” vô can, sau lại coi mình như một “người cha” có nhiều nỗi khổ.
Ngày 20 tháng 4 năm 2018, Lil Miquela đăng một status đầy đau khổ vì sự lừa dối của Brud - những người mà cô gọi là “gia đình”. Ngày hôm sau, Brud đã công khai giải thích với công chúng: “...Vào năm 2015, chúng tôi đã được công ty tư vấn AI bí ẩn khét tiếng Cain Intelligence tiếp cận để làm việc trong dự án cuối cùng của họ: AI tiên tiến nhất thế giới, có khả năng cảm nhận và giao tiếp vô song”.
Nhưng rốt cuộc, Brud không đề cập cụ thể hơn nữa và các khán giả của vở diễn hack tài khoản không biết chính xác “sự thật” là gì. Truyền thông không yêu cầu được câu trả lời, bởi vở kịch của Brud không có kế hoạch hạ màn. Cốt truyện chỉ tập trung vào sự đồng cảm triệt để và khả năng tha thứ vô hạn của khán giả, nhằm truyền bá niềm tin rằng “công nghệ có thể giúp mang lại một thế giới đồng cảm hơn và một tương lai khoan dung hơn”. Đây đúng là một thế giới mà cộng đồng mạng đôi khi rất đỗi "anh hùng", khi thì đa cảm và đãng trí. Mọi người, và rõ ràng hơn nữa là các thế hệ trẻ, yêu quý bạn bè trên social media cũng giống như yêu quý các thương hiệu, rất thích quan tâm, thật dễ giận dữ nhưng cũng sẵn sàng “xí xoá” khi “kẻ chủ mưu” biết tỏ ra hối lỗi.
Đến nay, năng lực và tầm nhìn của Brud vẫn khá mập mờ (khi tự nhận là “một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại LA chuyên về trí tuệ nhân tạo và người máy”), nhưng dự án mà Brud đang theo đuổi rõ ràng là kinh doanh mức độ ảnh hưởng của các nhân vật ảo mà họ tạo ra. Thế giới câu chuyện “tự viết” bởi các virtual influencer của nhà Brud có thể được xem là một parody phản ánh sự "giả tạo" của ngành công nghiệp giải trí "Authentic", bằng cách các nhân vật celebrity "Fake" phải sống ảo “một cách trung thực” - Thật thú vị! Thật hậu hậu-hiện đại!
Tác giả Christopher Morency của Business of Fashion đã chỉ ra trong một bài báo (tháng 2/2018), rằng những người nổi tiếng ảo cũng không hẳn là mới. Chúng ta đã trải qua hơn hai thập niên kể từ ngày thành lập ban nhạc ảo Gorillaz [*2] và 14 năm đã trôi qua kể từ giải Grammy đầu tiên của họ. Ngôi sao nhạc pop ảo Hatsune Miku [*3] đã thực hiện nhiều chuyến lưu diễn nội địa và khắp thế giới, tham gia đấu trường âm nhạc quốc tế và trình diễn trong trang phục của NTK nổi tiếng, như Marc Jacobs, Louis Vuitton, Givenchy…Thương hiệu Louis Vuitton cũng đã thuê một nhân vật trong game Final Fantasy cho chiến dịch quảng cáo năm 2016. Lil Miquela về mặt kỹ thuật phức tạp hơn những nhân vật đó, nhưng không nhiều, và càng chưa đủ thuyết phục để khẳng định "virtual influencer" là tương lai của quảng cáo thời trang kỹ thuật số.
Thao túng ảo tưởng công lý xã hội
Thế giới câu chuyện của các virtual influencer được xây dựng từ kết quả của quá trình nghiên cứu sâu sắc về hành vi và tâm lý của đối tượng khán thính giả mục tiêu; và kết hợp với các sự kiện xã hội, đặc trưng thế hệ, guideline quảng cáo, hợp đồng thỏa thuận…Dựa trên bio và hình tượng thương hiệu cá nhân mà các virtual influencer hướng đến, những phát ngôn thể hiện chính kiến và tư tưởng được đưa ra để thảo luận như một chiến lược chinh phục cảm tình của người hâm mộ.
Các chủ đề kêu gọi hay bình luận về công lý xã hội (thậm chí mang màu sắc chính trị) đã trở thành xu hướng không chỉ của các “chuyên gia sống ảo” người thật, mà còn được các virtual influencer áp dụng để bộc lộ cá tính và kích thích ý thức xã hội giả tạo. Sự ảo tưởng sức mạnh công lý và theo đuổi tâm lý đám đông dễ khiến giá trị cộng đồng bị hạ thấp, trở nên thiếu kiên định, không bền vững, dễ bị điều khiển bởi những người có ảnh hưởng - dù chỉ là ảo.
Ngoài khả năng cách ly các thương hiệu khỏi “văn hoá tẩy chay" (cancel culture), một virtual influencer như Miquela có thể thúc đẩy lòng bao dung và sự đồng cảm để đem lại “công bằng lợi nhuận” cho cho các tổ chức tư bản. Trong một bài đăng mà Miquela ngồi trên bộ hai máy giặt và máy sấy mà cô vừa tặng cho một nơi trú ẩn dành cho phụ nữ, thể hiện cam kết sử dụng số tiền thu được từ việc bán hàng hoá của mình. “Người viết” đã sử dụng một loại văn phong sách vở về chủ nghĩa tài trợ từ thiện (philanthrocapitalism) - quyên góp một phần lợi nhuận của một người cho mục tiêu công lý-xã hội-không thể chối cãi, như một cách gia nhập vào mô hình lớn hơn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Điều đó cũng diễn ra tương tự như trong bài đăng quảng cáo cho một công ty thiết kế áo phông và tổ chức phi lợi nhuận về quyền nhập cư, RAICES Texas. Đó là những ô cửa sổ mở ra giấc mơ công bằng xã hội của doanh nghiệp, khi đó lòng nhân ái và động cơ lợi nhuận kết hợp với nhau, giúp duy trì vòng lặp tư bản và thỏa mãn thị hiếu công lý của khán thính giả.
Miquela thường đăng status và comment như thể cô ấy là một người có cảm xúc. Hình tượng cá nhân của Miquela được xây dựng như một nhà hoạt động xã hội và "change seeker" (người tìm kiếm sự thay đổi). Qua các status của mình, Miquela đã nêu ra các vấn đề mà phụ nữ vô gia cư và di cư phải đối mặt, cũng như liên quan đến cộng đồng người da màu, LGBTQ, quyền bỏ phiếu và khủng hoảng thanh thiếu niên. Trong khi đó, Brud không quên khẳng định địa vị xã hội và "khả năng độc đáo" của Miquela bằng một nhân cách ảo đáng mến, một ca sĩ kiêm nhạc sĩ "có khả năng truyền cảm hứng cho một thế hệ giải trí mới".
Theo Internet Matter - một chiến dịch an toàn trực tuyến được tạo ra bởi các nhà cung cấp dịch vụ internet và các công ty social media, sự gia tăng của các virtual influencer cùng hành vi, nhận thức giả tạo dựa theo kịch bản sẵn có, đã cho phép các công ty thương mại “thao túng” người tiêu dùng trẻ tuổi. Tiến sĩ tâm lý học Linda Papadopoulos, đại sứ của chiến dịch Internet Matter chia sẻ với The Guardian rằng: “...Các virtual influencer không có thật và không tạo ra gì ngoài việc tìm kiếm sự chú ý. Họ đang thu hút sự chú ý và để làm gì? Họ không ở đó để giáo dục và trao quyền cho cộng đồng [những người trẻ tuổi, và phần lớn là thế hệ Z] của họ: họ ở đó để thuộc về cộng đồng và điều đó được thực hiện bằng cách khiến cho cộng đồng của họ cảm thấy sợ hãi, tức giận và bất an…”
Có quá nhiều khía cạnh cần tư duy. Một trong số đó, vấn đề thực sự là vấn đề, thuộc về tính minh bạch và tính xác thực. Từ quan điểm, nhận thức đến cảm xúc mà các virtual influencer thể hiện, thực ra không hoàn toàn do AI, hay thuộc về suy nghĩ của các nhân vật ảo đó, hầu như đều là những thông điệp được điều phối bởi đội ngũ sáng tạo đứng sau. Đầy tài năng, trí tuệ và tham vọng, các nhà sáng tạo đã đưa những luồng chính kiến đại diện cho "tệp" cộng đồng mà họ hướng tới, như cộng đồng người da màu, LGBTQ, tư tưởng chính trị, lối sống bền vững...
Nhưng rốt cuộc, dù là các nhân vật ảo hay đội ngũ sáng tạo, họ có thực sự thuộc về cộng đồng mà họ đang nhập vai, họ có trải nghiệm thực sự để có quyền đưa ra những tuyên bố mang tính đại diện đó không? Đây có phải cũng là vấn đề căng thẳng mà thời trang đang quan tâm trong những năm qua? - vấn đề chiếm đoạt văn hoá. Liệu đây có phải là một hình thức chiếm đoạt văn hóa mới của AI robot đối với con người, nhưng không thực sự bởi AI robot (theo cách tự xưng của đại gia đình Brud), mà là bởi trí tuệ con người - những con người sáng tạo phía sau bức màn nhung, trang bị cho các digital avatar của họ một bối cảnh cá nhân, một ý thức hệ và những câu chuyện trải nghiệm mà họ sưu tầm tổng hợp.
Drama không cần hồi kết
Trong suốt quá trình phát triển tính cách của Miquela (từ 2016 đến 2018), đội ngũ Brud hẳn đã dự liệu được sự mâu thuẫn trong nhận thức của followers về việc "is-it-real or not-real", “is this person actually a robot”; hay xoắn não phản tư hậu hiện đại kiểu "amazing and scary at the same time" trước một viễn cảnh công nghệ quá xa cách đối với mặt bằng tư duy của họ. Brud càng thấu hiểu rằng sự mâu thuẫn này rồi cũng dễ bị “skip this” nếu không liên tục gây chú ý bởi các drama căng thẳng đầy kịch tính, hay những status tâm trạng chênh vênh lạc lối tìm kiếm sự đồng cảm.
Những người sáng lập của Brud - những người sống trong thế giới của các drama thực thụ, hoàn toàn nắm bắt được điều này. Và các "scandal" phức tạp không ngừng tạo ra xung đột trong nhận thức của những người vừa hào hứng về AI, về robot, về virtual influencer; vừa mơ hồ e sợ các kịch bản sci-fi sẽ không chỉ được diễn trong phim ảnh nữa.
Trên kênh YouTube của Lil Miquela, có rất nhiều chỉ trích gay gắt về việc thật - giả của cô, nhưng cũng có rất nhiều bình luận kiểu như “cô ấy là thật và tất cả chúng ta là robot” hay “...Tôi hy vọng❤ Tôi hy vọng Miquela sẽ được biết đến nhiều hơn trên toàn thế giới. Cô ấy xứng đáng”. Và các bình luận như thế cũng nhận được rất nhiều sự đồng tình.
Sau khi các tập phim được lập trình bằng một kịch bản công phu "trình chiếu" hồi tháng 4/2018, kết quả khán giả theo dõi Miquela tăng hơn một triệu người, và lượng người ủng hộ (hoặc tò mò) về Bermuda cũng tăng lên hàng chục ngàn người. Bằng cách nào đó, Bermuda trở thành cạ cứng của Miquela và một “người bạn” của gia đình Brud. Tiếp theo đó là mối tính của cô và Blawko, mặc dù không rõ thông điệp mà các nhà sáng tạo phía sau cả hai muốn “kể” là gì khi phô diễn tình yêu chóng vánh của các “robot”. Nhưng cũng chỉ đến thế, các màn kịch nối tiếp nhau bằng kết thúc mở vì không có ai diễn xuất trong hồi kết.
Dù vậy, lần lượt các chiến dịch drama thành công của Brud đã dẫn Miquela bước vào thế giới của những người nổi tiếng thực sự, nhưng cũng từ đó đưa cô ấy đến với nhiều sự chỉ trích hơn về sự mạo danh. Tháng 5/2019, Calvin Klein đã triển khai chiến dịch #MYTRUTH, trong đó có sự góp mặt của những người nổi tiếng thật sự như Troye Sivan, Billie Eilish và rapper A$AP Rocky.
Tham gia chiến dịch này, Miquela và siêu mẫu Bella Hadid đã cùng nhau thực hiện một nụ hôn đồng giới, dẫn đến vô số người dùng mạng xã hội và các ấn phẩm trực tuyến bắt được cú phốt để buộc tội thương hiệu Calvin Klein có hành vi lừa dối. Calvin Klein buộc phải xin lỗi, còn Hadid bị chỉ trích vì chiếm đoạt danh tính queer. Thực thể duy nhất xuất hiện mà không bị tổn hại là Brud, vì vốn đã dán nhãn cho nhân vật đại diện của mình là một CGI lưỡng tính - Quả thật tiện lợi!
Vòng tranh luận vẫn chưa khép lại
Hơn hai năm qua, truyền thông nhiều lần cảnh báo về sự nổi lên của các AI virtual influencer. Nhưng có thật trí tuệ nhân tạo đã phát triển đến mức này? Chúng ta không thể biết được điều gì đang diễn ra. Công nghệ đang phát triển đến mức nào ở thời gian thực. Cho đến hiện tại, Miquela cũng như Shudu, chỉ là những CGI, không phải là AI, hay có thể nói không hoàn toàn đạt đến lý tưởng đó. Bài viết của tác giả Sinead Bovell đăng trên Vogue.com (21/7/2020) đã lý giải rằng Miquela và Shudu thực sự không thể tự mình làm bất cứ điều gì. Họ không thể suy nghĩ, học hỏi hoặc đưa ra các cách tạo dáng một cách độc lập. Nhưng, điều dẫn chúng ta đến các cuộc tranh luận không phải họ có là AI thật hay không, mà là: bao lâu nữa? Và thì sao?
Chú thích
[*1] Donna J. Haraway: là giáo sư danh dự người Mỹ tại Khoa Lịch sử Ý thức và Khoa Nghiên Cứu Nữ Quyền, đại học California. Bà là một học giả nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ, được mô tả vào đầu những năm 1990 như một "nhà nữ quyền và hậu hiện đại". Bài luận “A Cyborg Manifesto" của bà được đánh giá là một trong những cột mốc quan trọng trong sự phát triển của thuyết hậu nhân văn nữ quyền (feminist posthumanist theory).
[*2] Gorillaz: được biết đến là một ban nhạc ảo (gồm 4 thành viên hoạt hình), hay đúng hơn là một dự án về âm nhạc và hình ảnh được thành lập năm 1998 tại Anh, bởi Damon Albarn và Jamie Hewlett. Dự án bao gồm âm nhạc của chính Gorillaz và một vũ trụ hư cấu miêu tả một "ban nhạc ảo" của các nhân vật hoạt hình. Album đầu tay vào năm 2001 của ban nhạc đã bán được hơn 7 triệu bản, chính thức điền tên họ vào Sách Kỷ Lục Guinness như một "Ban nhạc ảo thành công nhất"
[*3] Hatsune Miku: một nữ ca sĩ ảo, hay trên thực tế là một chương trình tổng hợp giọng hát, được phát triển bởi công ty truyền thông Nhật Bản Crypton Future Media, sử dụng kết hợp với chương trình Vocaloid 2 của công ty công nghiệp Yamaha Corporation. Cái tên Hatsune Miku được tạo ra bằng cách ghép các từ tiếng Nhật là đầu tiên (初 hatsu), âm thanh (音 ne), và tương lai (ミク miku), tượng trưng cho mong muốn của nhà sáng tạo Crypton rằng cô sẽ là "âm thanh đầu tiên đến từ tương lai".
Ảnh bìa:
Gucci A/W 2018 show (Milan), ảnh bìa của slideshow “Đây là kỷ nguyên post-human, theo Giám Đốc Sáng Tạo của Gucci, Alessandro Michele” - xuất bản trên Officialbespoke.com ngày 2/11/2018, với lời dẫn: “...Alessandro Michele kết hợp quá khứ, hiện tại và tương lai trong bộ sưu tập lấy cảm hứng từ “A Cyborg Manifesto”, một bài luận năm 1985 của Donna Haraway bác bỏ ranh giới cứng nhắc ngăn cách con người với động vật và con người với máy móc”
Nguồn:
Dazeddigital.com, Collabary.com, Fashion.telegraph.co.uk, Theguardian.com, Brud.fyi, Cainintelligence.com, Techcrunch.com, Talkinginfluence.com, Bloomberg.com, En.wikipedia.org…
Thực hiện: Xu