Giải mã sức hấp dẫn của quân phục (P2): Những đôi bốt da nổi tiếng nhất
Có thể nhiều người trong số chúng ta cho rằng những thiết kế giày dép lấy cảm hứng từ quân đội là một phát minh hiện đại, tuy nhiên, trên thực tế, những đôi bốt quân ngũ đã sớm xuất hiện từ thời kì hưng thịnh của đế quốc La Mã. Tuy lúc này, nhưng đôi “bốt” của họ có cấu tạo đơn giản bao gồm rất nhiều sợi dây da cuốn quanh bàn chân, nhưng những đôi giày đó đã được coi là vô cùng chắc chắn và phù hợp với binh lính La Mã. Những đôi giày quen thuộc với chúng ta ở thời điểm hiện tại là kết quả của sự cải tiến cũng như đổi mới không ngừng của phụ kiện giày dép bắt đầu từ chiến tranh thế giới thứ I.
Phong cách của người lính đã xâm nhập vào thời trang nhờ những cửa hàng bán đồ vintage, những người sưu tầm thời trang archive và cộng đồng người mua yêu thích thời trang quân đội. Giày bốt quân đội xâm chiếm những tiểu văn hoá đường phố và dần dần, tràn vào thời trang đại chúng và vẫn rất được yêu thích cho tới hiện tại.
Trench Boots
Trong những năm đầu tiên của chiến tranh thế giới thứ I, binh lính Mỹ quen thuộc với những đôi “Russet Marching Shoe” với thân giày bốt dài ngang mắt cá chân được làm hoàng toàn bằng da bê, đế gỗ mỏng, gót thấp và có dây buộc phía trước. Vào tháng 1 năm 1918, tướng John Pershing của quân đội Mỹ đồng ý thay thế những đôi “Russet Marching Shoe” cổ điển với những mẫu “Trench Boot” quen thuộc với chúng ta ngày nay. Mặc dù thiết kế bề ngoài không có nhiều thay đổi, song những đôi giày “Trench Boot” được làm với chất liệu da dày và cứng hơn, phần đế chắc chắn hơn với lớp gỗ dày gấp 3 lần thiết kế cũ và đặc biệt, những đôi “Trench Boot” quân đội đều có khả năng chống nước.
Ngoài những đôi “Trench Boot” phù hợp với hoàn cảnh tập luyện và chiến đấu, binh lính được cũng cấp những đôi “Service Shoe” với thiết kế giống hệt “Trench Boot” nhưng thoải mái hơn và phù hợp với hoạt động thường ngày. Tới năm 1940 và 1941, khi quân đội và chính phủ Mỹ bắt đầu nhen nhóm ý định can thiệp vào chiến tranh thế giới thứ II, những đôi “Service Shoe” đã từng phổ biến không còn đáp ứng được nhu cầu sử dụng đến từ phía binh lính: với cường độ sử dụng cao, chúng rất nhanh xuống cấp và không đảm bảo được sự an toàn cho đôi chân.
Là một hệ quả tất yếu, quân đội Mỹ thay thế đôi giày “Service Shoe” bằng thiết kế “Type II Service Shoe” với những thay đổi cần thiết khiến đôi giày trở nên chắc chắn hơn, kéo dài tuổi thọ với sự xuất hiện của những chi tiết kim loại và cao su cao cấp. Tuy rất nhiều thay đổi cần thiết khác được thực hiện khi chiến tranh thực sự bắt đầu, nhưng “Type II Service Shoe” vẫn là lựa chọn tối ưu tại thời điểm nước Mỹ đang gặp khó khăn với nguồn tài nguyên và vật liệu khan hiếm.
Tới năm 1943, “Type II Service Shoe” được cải tiến lần đầu tiên với phiên bản “Type III” chống nước tốt hơn. Đôi giày “Type III” được sử dụng rộng rãi trong suốt những năm cuối của chiến tranh thế giới thứ II và đây cũng là phiên bản gần nhất với đôi bốt nam chúng ta thường thấy trong tủ đồ hiện đại.
Combat Boots
Những đôi giày “chiến đấu” có lẽ là phiên bản giày dép quân đội được những người yêu thời trang và phong cách punk, rock đặc trưng yêu thích nhất. Đôi “Combat Boots” cũng là một phát minh bùng nổ của quân đội Mỹ vào thời điểm chiến tranh thế giới thứ II trở nên khắc nghiệt.
Vào tháng 11 năm 1943, quân đội Mỹ giới thiệu những đôi giày “M1943” với chất liệu da lộn, phần đế cao su dày và cổ giày rất cao được làm từ hai mảnh da riêng biệt nối với nhau bằng lưỡi giày và dây buộc dài vừa phải. Mặc dù được thiết kế vào năm 1943, nhưng phải tới năm 1945, những đôi “M1943” mới trở nên phổ biến đối với binh lính và được sử dụng rộng rãi hơn. Tuy vậy, tuổi thọ của “M1943” trong quân đội rất ngắn ngủi khi chỉ 5 năm sau đó, chúng đã bị thay thế bởi phiên bản “M1948 Russet Combat Boot”. Được đặt tên theo màu sắc đỏ nâu đậm đặc trưng của đôi giày, phiên bản 1948 có phần cổ rất cao với 11 nút dây buộc, mũi giày được bọc da riêng biệt và đế cao su chắc chắn hơn. Đôi giày rất được binh lính ưa chuộng vào những năm 60 mặc dù chúng đã có dấu hiệu bị thay thế vào năm 1954 bởi những đôi “Black Leather Combat Boot” thời thượng.
Đôi giày được lĩnh Mỹ yêu thích nhất không gì khác chính là những đôi “Combat” với da thuộc màu đen. Binh lính bắt đầu không quá phụ thuộc vào quân đội và chủ động hơn trong vấn đề ăn mặc. Họ tự mua cho bản thân những đôi “Black Leather Combat Boot” phù hợp với những hoàn cảnh và mục đích sử dụng khác nhau. Mặc dù là một đôi giày chiến đấu đặc trưng, những đôi “Combat Boot” còn là giày dép thường ngày của người lính và đáp ứng được rất nhiều nhu cầu đời thường của họ.
Với việc quân đội ra mắt rất nhiều phiên bản “Combat Boot” cũng như sự chủ động tìm mua và nhu cầu sở hữu giày của binh lính, việc thời trang đại chúng và những người thợ đóng giày bình dân bắt đầu sản xuất “Combat Boot” không phải điều khó đoán. Đôi giày “Combat” đã nổi tiếng tới mức ngày nay, chúng có thể được tìm thấy ở bất kì cửa hàng thời trang nhanh nào cũng như xuất hiện liên tiếp trong BST của những NTK tên tuổi từ Ann Demeulemeester, Jil Sander, Julius, Junya Watanabe, Prada và Rick Owens.
Jungle Boots
“Jungle” chính là đôi giày xuất hiện bên cạnh người lính Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam nổi tiếng. Những đôi “Jungle Boot” nhẹ, bền và khô rất nhanh, khác với những đôi “Combat Boot” được làm 100% từ da thuộc, “Jungle” có mũi da và cổ giày làm từ vải kaki cứng. Những đặc điểm của đôi “Jungle Boot” được cải tiến vào thập niêm 1950 khi quân Mỹ bắt đầu tràn vào Việt Nam, lúc này đôi giày được biết đến với tên gọi “Okinawa Boot”.
Khi phía chính phủ Mỹ bắt đầu mạnh tay hơn với chiến trường Việt Nam, chủ lực quân đội gửi những đôi “Jungle Boot” đến để tiếp tế cho binh lính vì “sự thể hiện nghèo nàn” của mẫu giày này đối với địa hình và khí hậu Việt Nam. Năm 1962, quân đội giới thiệu tới binh lính Mỹ những đôi giày “Jungle” mới sử dụng công nghệ “Direct Moled Sole” (đế giày được đóng trực tiếp vào phần thân giày từ khuôn cao su) phát triển bởi đối tác lâu năm của quân đội Mỹ, công ty Wellco. Với phát minh mới này, những đôi “Jungle” ghi nhận kỷ lục sản xuất lúc bấy giờ với 5000 đôi được hoàn thành chỉ trong một ngày ngắn ngủi.
Năm 1965, phiên bản nâng cấp tiếp theo của “Jungle” tiếp tục được ra đời với những công năng hữu dụng hơn bảo vệ binh lính Mỹ khỏi những nguy hiểm tiềm tàng trong môi trường chiến đấu ở khu vực Đông Nam Á. Phiên bản “Jungle” này đã giải quyết được những vấn đề cũ và được sử dụng lâu dài ngay cả khi chiến tranh Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc.