Đồng phục đã ảnh hưởng đến thời trang như thế nào?
Đồng phục học sinh đã bất ngờ tạo nên xu hướng mới trong thời gian gần đây. Từng bị coi là ngột ngạt và hạn chế trong quy tắc ăn mặc, kiểu trang phục này một lần nữa trở thành xu hướng thông qua các bộ sưu tập trên sàn diễn của các nhà thiết kế, xuất hiện cùng phong cách nổi bật và trong văn hóa đại chúng. Với mùa thu sắp tới, hãy cùng nhìn lại lịch sử đằng sau bộ trang phục gây tranh cãi của giáo dục và cách mà nó được lãng mạn hoá như ngày nay nhé.
Ý tưởng về đồng phục học sinh có thể bắt nguồn từ nước Anh thế kỷ 13 nhưng phải đến thế kỷ 16, nguyên mẫu cho đồng phục hiện đại mới được hình thành. Những bộ trang phục hồi ấy có khá nhiều khác biệt so với ngày nay (với áo choàng màu xanh giống giáo sĩ và đôi tất màu vàng), tuy nhiên, nó thể hiện ý tưởng về sự đồng nhất đặc trưng cho loại trang phục này. Những bộ đồng phục sau đó biến thành quần, áo gilê và mũ đội đầu và trở thành biểu tượng của sự giàu có và địa vị. Ở Hoa Kỳ, đồng phục đã bắt đầu có ở các trường tư thục và giáo xứ vào những năm 1900, sau đó đến các trường công lập vào những năm 1980, tuy nhiên, phong cách liên tục thay đổi theo thời gian.
Tuy nhiên, giống như bất kỳ loại trang phục khác, đã có nhiều cuộc tranh luận và các ý kiến trái chiều về đồng phục. Đa phần, người ta đều đồng ý rằng đồng phục đã duy trì một hàm ý lâu đời về sự đoàn kết, kỷ luật và cấp bậc. Tuy vậy, nó cũng được coi là một biểu hiện và là chất xúc tác của phân biệt giới tính. Những ý kiến trái chiều của xã hội quanh đồng phục học sinh cũng đã khiến nó trở thành một chủ đề gây tranh cãi, nó trở thành chuyện của chính phủ ở nhiều quốc gia, bao gồm cả các vụ việc đã lên tới Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.
Bất chấp các vấn đề liên quan, văn hóa đại chúng và thời trang ở khắp phương Đông và phương Tây đã xoay sở để biến đồng phục học sinh thành một món đồ hợp thời trang. Trong các bộ phim và truyền hình Mỹ, nó thường được nhắc lại như những định nghĩa thông thường nhưng vẫn rất đáng chú ý.
Trong các bộ phim như "Nhật ký công chúa" (The Princess Diaries), "Trò đùa tình ái" (Cruel Intentions) hay "Bà tám xứ Mỹ" (Gossip Girl), đồng phục học sinh được phác hoạ như một lựa chọn phù hợp với khuôn mẫu trường tư thục tinh hoa, sành điệu, đã phá vỡ thành công những kỳ vọng xã hội đặt ra đối với quần áo của giai cấp tư sản (nhờ vào tủ quần áo kết hợp với váy kẻ sọc, áo khoác lửng và cà vạt). Điều thú vị là bộ phim Gossip Girl phiên bản đầu đầu tiên có dàn diễn viên đi theo xu hướng đầu những năm 2000 như băng đô có hoa văn và thắt lưng; trong khi phiên bản năm nay đã thay đổi nhiều chi tiết của bộ đồng phục. Quần biker thay thế chân váy, túi đeo hông thay vì ba lô và không còn có sự xuất hiện của những chiếc chân váy bút chì cổ điển hay chân váy ngắn, thay vào đó là những trang phục thoải mái hơn. Trong các bộ phim khác như "Tuổi nổi loạn" (Lady Bird) hay "Trinh nữ tự sát" (The Virgin Suicides), đồng phục mang tính thẩm mỹ nghiêm ngặt, chính thống và thực tế hơn.
Ở khía cạnh giải trí khác, đồng phục học sinh xuất hiện trong các video ca nhạc thường là dấu hiệu của hành vi sai trái. "... Baby One More Time" của Britney Spears là một ví dụ điển hình. Đĩa đơn không chỉ tồn tại hàng thập kỷ nhờ vào sự thành công của bài hát mà còn vì trang phục nữ sinh mặc trong video âm nhạc. Trang phục kỳ lạ (hay ái vật hoá, tùy thuộc vào cách nhìn) nhưng lại hoàn toàn phù hợp với phong cách của những năm 90 và xu hướng quyến rũ đến từ những năm 2000, váy mini xếp li, áo sơ mi buộc dây, giày đế bệt và tất nhiên là dây buộc tóc màu hồng mở ra một loại đồng phục mới trong văn hóa đại chúng. Trong khi đó, The Spice Girls cũng đã mặc đồng phục trong quảng cáo máy ảnh Polaroid.
Ở châu Á, đồng phục học sinh cũng được đưa vào các bộ phim, nhưng nếu có một lĩnh vực giải trí mà nó thường xuyên xuất hiện nhất, thì đó chính là K-Pop. Khi nói đến việc truyền tải những lỗi lầm đầy mơ mộng hay sự ngây thơ và trong sáng, K-Pop đã trở thành nơi lãng mạn hoá những bộ trang phục lấy cảm hứng từ trường học cho dù các nhóm nhạc này có ở độ tuổi học sinh hay không. Từ quan niệm vốn có của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, các nhóm đã thử sử dụng "khái niệm trường học" để đem đến hình ảnh ngây thơ và dễ thương. Bởi vì tầm ảnh hưởng của nó đã kéo dài từ những năm 90 đến giữa những năm 2000 và cho đến tận ngày nay, việc K-Pop sử dụng ý tưởng này cũng đã đánh dấu sự phát triển của loại trang phục này.
Không giống như những năm 90, khi những nhóm nhạc như H.O.T. với những bộ quần áo biểu diễn không thực sự phù hợp với thực tế hay phong cách nam tính và đơn giản của Fin.K.L, những năm 2010 đã mang đến một làn sóng ngoại hình mang thái độ của những "học sinh nổi loạn". Những video âm nhạc như "Growl" của EXO hay "Boy in Luv" của BTS đều có sự góp mặt của những chiếc áo sơ mi không cài cúc, thắt cà vạt, đôi khi là áo vest cộc tay để tỏa ra năng lượng 'bad boy' đốn tim. Đối với các cô gái, "Mr.Chu" của Apink, "Rum Pum Pum Pum" của f(x), "OOH-AHH (OHH-AHH)" của Twice và "As If It's Your Last" của BlackPink là những ví dụ rút ngắn độ dài chân váy, đường cut-out triệt để, sự kết hợp phụ kiện và lựa chọn giày cao gót mang tính "mạo hiểm" hơn. Các khái niệm trường học ngày nay được làm nổi bật hơn và phổ biến một cách đáng ngạc nhiên vì cách các mẫu đồng phục như áo len và váy xếp ly đã đi đầu xu hướng - các nhóm tân binh như Tomorrow X Together và Itzy cũng xuất hiện trong bộ đồ này trong các phiên bản hiện đại.
Trên thực tế, đồng phục cũng đã phổ biến trên các đường phố thời trang của Nhật Bản, đặc biệt được thấy với tiểu văn hóa Kogyaru hoặc Kogal thường được bắt gặp ở các quận Harajuku và Shibuya của Tokyo. Mặc dù thuật ngữ này bao gồm một phong cách đã được khai sinh và thay đổi nhiều lần từ những năm 1900, nhưng sự đồng thuận của phong cách này là sự từ chối có chủ ý của quy chuẩn và bao gồm váy mini, tất rộng, các phụ kiện dễ thương hoặc "kawaii" như gấu bông hoặc các nhân vật hoạt hình bằng bông và các kiểu tóc và trang điểm quá đà.
Thời trang xa xỉ cũng nhận thấy sự nổi bật của đồng phục học sinh và đã mô phỏng lại nó theo cả cách mỉa mai và thực tế. Một trong những nhà thiết kế nổi bật ủng hộ khái niệm đó chính là là Thom Browne, người xây dựng thương hiệu tập trung vào đồng phục theo cả hai nghĩa của từ này. Màu sắc đơn giản (đặc biệt là chủ yếu là xám than hoặc xám thạch anh), được tô điểm bằng các họa tiết trang phục học sinh (ví dụ như quần đùi và váy xếp ly kẻ sọc mặc với tất cao đến đầu gối và áo khoác sơ mi nguyên sơ được xếp trên áo sơ mi và cà vạt cài cúc rõ nét), và trên cùng là ba sọc đặc trưng. Thiết kế đồng phục unisex của Browne được tập trung cho thế giới thời trang của người trưởng thành. Và tuyệt vời hơn nữa, vào đầu năm nay, anh đã ra mắt bộ sưu tập quần áo trẻ em đã được diễn viên Minari Alan Kim mặc trên thảm đỏ lễ trao giải Oscar và làm mẫu cho các chiến dịch.
Bộ suit thực dụng không chỉ thể hiện kỹ năng may đo và xây dựng thương hiệu của anh, mà còn là một quyết định có chủ đích. Trong thế giới của Browne, tính đồng nhất và sự phù hợp (hai thuật ngữ tương phản với thần chú thể hiện bản thân điển hình của thời trang) là mục tiêu của chủ nghĩa cá nhân.
Mặc dù không có nhiều nhà thiết kế quan tâm đến chủ đề nhà trường giống như Browne, không có nghĩa là bộ trang phục học sinh không xuất hiện trên những sàn diễn khác. Đồng phục học sinh được đưa vào Dior Fall 2020 với hình thức áo blazer được thiết kế riêng, quần short xếp li, áo len cổ chữ V và áo sơ mi có cổ với cà vạt, tất cả đều được tô điểm thêm một chút grunge (bộ sưu tập là sự phản ánh từ "nhật ký tuổi teen" của Giám đốc Sáng tạo Grazia Chiuri).
Bộ sưu tập Thu/Đông 2020 của Preen by Thorton Bregazzi cũng khai thác cà vạt và cúc áo (mặc dù có cổ áo cắt vuông) với các sọc màu nâu và xám truyền thống trong khi Balenciaga kết hợp phong cách đường phố với lớp học bằng những chiếc áo khoác cộc tay phóng đại và áo sơ mi oversize, in họa tiết cho mùa Thu/Đông 2016. Bộ sưu tập Moschino Thu/Đông 2013 đã giới thiệu những bộ váy kẻ tartan lấy cảm hứng từ đồng phục học sinh Nhật Bản xuống sàn diễn trong khi show diễn Versace Thu/Đông 2018 có một số bộ đồng phục kẻ sọc lấy cảm hứng từ Cher Horowitz với thời trang thập niên 90.
Đó là một phong trào ảnh hưởng tới thời trang và nhanh chóng được thương mại hóa, đặc biệt là sự thu hút của giới thời trang đối với váy kẻ sọc và kẻ tartan. Trong thời kỳ hoàng kim của tiểu văn hóa Tumblr grunge, cụ thể là đến năm 2014 (hiện đã được hồi sinh trên TikTok khi người dùng hồi tưởng lại những ngày tốt đẹp của thời kỳ trước), hình ảnh trang phục xuất hiện tràn lan và là nguồn thu chính của trang web này, đồng thời phổ biến chiếc váy quần vợt khét tiếng của American Apparel. Vài năm sau, cùng một món đồ, cùng với các mẫu đồng phục khác đang tạo nên sự hồi sinh thời trang, và những người nổi tiếng như Rosé, Dua Lipa, Olivia Rodrigo hay Willow Smith cũng không nằm ngoại lệ khi đưa xu hướng thời trang này một lần nữa trở thành chủ đề hot nhất trên các diễn đàn và mạng xã hội.
Chi Le | Theo crfashionbook