Valentine's Day: Những hình dung đa diện về ngày Lễ Tình Nhân
Ngày Lễ Tình Nhân, diễn ra vào ngày 14 tháng 2 hằng năm, là dịp bày tỏ tình yêu và sự trân trọng đối phương. Từ một ngày lễ nhằm tưởng nhớ vị thánh Kitô giáo, theo thời gian, Valentine đã vượt ra khỏi ý nghĩa ban đầu, trở thành một hiện tượng văn hóa đại chúng, ảnh hưởng sâu rộng trên toàn cầu.
Truy về gốc rễ
Nguồn gốc của Lễ Tình Nhân được dệt nên từ những huyền thoại và tư liệu lịch sử, kéo dài từ các nghi lễ La Mã cổ đại đến sự hy sinh của các vị thánh Kitô giáo. Nhiều học giả tin rằng ngày lễ này bắt nguồn từ lễ hội Lupercalia của người La Mã – một nghi thức mang tính phồn thực được tổ chức vào giữa tháng Hai để cầu mong mùa màng bội thu và sự sinh sôi nảy nở. Khi ấy, người La Mã thờ phụng hai vị thần quan trọng: Lupercus – thần bảo hộ gia súc và Juno – nữ thần hôn nhân. Nghi lễ Lupercalia kết hợp biểu tượng của hai vị thần này với các nghi lễ mai mối, khuyến khích nam giới xem phụ nữ như những người bạn đời tiềm năng thay vì là đối tượng theo đuổi.
Theo học giả Jack Oruch, đến thế kỷ thứ V, Giáo hoàng Gelasius I chính thức tuyên bố ngày 14 tháng 2 là ngày của Thánh Valentine – vị giám mục được cho là đã bí mật cử hành hôn lễ cho các cặp đôi theo đạo Kitô. Một trong những truyền thuyết phổ biến nhất cho rằng ông đã chống lại sắc lệnh cấm kết hôn của hoàng đế. Vào thế kỷ III sau Công nguyên, để đảm bảo có đủ quân lính phục vụ các cuộc chinh phạt, Hoàng đế Claudius II ban hành lệnh cấm nam thanh niên kết hôn, vì cho rằng những người có gia đình thường không muốn ra chiến trận. Bất chấp lệnh cấm, linh mục vẫn bí mật tổ chức hôn lễ cho các đôi uyên ương, dẫn đến việc ông bị bắt và tử đạo.
Qua nhiều thế kỷ, Ngày Lễ Tình Nhân dần vượt khỏi khuôn khổ tôn giáo, và gắn liền với tình yêu lãng mạn. Vào thế kỷ 14, nhà thơ Geoffrey Chaucer góp phần củng cố mối liên kết này qua tác phẩm Parliament of Fowls, trong đó ông mô tả ngày 14 tháng 2 là thời điểm các loài chim tìm kiếm bạn đời. Ảnh hưởng của văn học, kết hợp với sự phát triển của tình yêu kiểu cung đình thời Trung Cổ, đã định hình Ngày Lễ Tình Nhân như một biểu tượng của tình yêu đôi lứa. Đến thế kỷ 18, việc trao đổi thư tình và quà tặng trở thành một thông lệ phổ biến, phản ánh cách văn hóa, tôn giáo và văn học đan xen, góp phần định hình ngày lễ như chúng ta biết ngày nay.
Chuyển mình thành một hiện tượng đại chúng
Sự biến đổi của Ngày Valentine từ một nghi lễ mang tính lịch sử thành một sự kiện văn hóa đại chúng là kết quả của quá trình thương mại hóa, tác động mạnh mẽ từ quảng cáo và khát vọng biến ngày lễ này trở thành dịp dành cho mọi tầng lớp xã hội. John Storey (1993) từng định nghĩa văn hóa đại chúng là “nền văn hóa được nhiều người yêu thích và ưa chuộng, “văn hóa đại chúng” và “văn hóa bắt nguồn từ chính quần chúng”.
Sự phổ biến của Ngày Valentine cùng với sự gia tăng của các sản phẩm liên quan hoàn toàn phù hợp với định nghĩa trên. Việc các nhà kinh doanh sản xuất thiệp Valentine dành cho trẻ em và mở rộng đối tượng tham gia vào ngày lễ này cho thấy Valentine đã được tiếp thị như một sự kiện đại chúng. Dù thiệp Valentine thường được sản xuất hàng loạt, chúng vẫn mang dấu ấn cá nhân và sự khéo léo trong tay nghề: "Một tấm thiệp mua sẵn từ cửa hàng vẫn là kết tinh từ công sức lao động của ai đó… thể hiện rõ nét tính độc đáo và sự sáng tạo cá nhân” (Geiger 2007, 184). Điều này củng cố ý niệm rằng thiệp Valentine là sản phẩm “được tạo ra bởi người dân, và dành cho người dân”. Ngày Valentine có thể được xem là một phần của văn hóa đại chúng khi nó được đông đảo công chúng hưởng ứng, chủ yếu nhờ vào sức ảnh hưởng của các sản phẩm thương mại mang tính biểu tượng và gần gũi với cộng đồng.
Bên cạnh đó, sức hút của ngày Valentine gia tăng đáng kể nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của ngành quảng cáo và truyền thông. Tờ Public Ledger của Mỹ từng nhấn mạnh rằng con người cần “nhiều không gian để cảm xúc thăng hoa hơn là những bộn bề lý trí,” và Valentine chính là lời giải cho nhu cầu ấy.
Chiến lược marketing cũng góp phần mở rộng đối tượng tham gia vào Ngày Valentine. Nếu trước đây, ngày lễ này chủ yếu dành cho những đôi tình nhân trẻ, thì tại Mỹ, nhờ các chiến dịch marketing hướng đến cả người lớn tuổi và trẻ nhỏ, Valentine dần trở thành ngày lễ dành cho mọi lứa tuổi. Marketing còn giúp kéo dài thời gian diễn ra lễ hội. Khi các quảng cáo sản phẩm Valentine xuất hiện liên tục từ giữa tháng Một đến cuối tháng Hai, giá trị của những món quà Valentine như biểu tượng của sự quyến rũ, tinh tế, lãng mạn và phép màu được “thổi phồng”. Nhờ đó, Valentine trở thành động lực thúc đẩy tiêu dùng trên toàn cầu. Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Hoa Kỳ, chỉ riêng tại Mỹ, doanh thu từ Ngày Lễ Tình Nhân năm 2021 đã đạt khoảng 21,8 tỷ USD. Các mặt hàng như thiệp chúc mừng, socola, hoa tươi và trang sức luôn có sức mua tăng vọt trong dịp này.
Tuy nhiên, khía cạnh thương mại của Valentine cũng vấp phải nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng ngày lễ này đã mất đi ý nghĩa thuần túy, trở thành một dịp mang nặng tính tiêu dùng, thậm chí tạo áp lực tài chính cho nhiều người. Dù vậy, không thể phủ nhận Valentine đã trở thành một phần quan trọng của văn hóa đại chúng, góp phần duy trì và củng cố các giá trị về tình yêu, sự gắn kết và những cử chỉ quan tâm giữa con người với nhau.
Những góc nhìn đối lập
Cách nhìn nhận về ngày Valentine đa dạng như chính những người đón nhận nó. Với nhiều người, đây là dịp để bày tỏ tình yêu và sự biết ơn đối với người yêu, bạn bè, và gia đình. Tuy nhiên, không ít người lại xem Valentine như một ngày lễ đặt nặng giá trị vật chất hơn là cảm xúc chân thành. Những tranh luận cũng xoay quanh việc ngày lễ này quá ưu ái tình yêu đôi lứa, khiến những người độc thân hoặc không theo khuôn mẫu quan hệ truyền thống cảm thấy bị gạt ra ngoài lề. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngày Valentine có thể làm gia tăng cảm giác cô đơn và tách biệt.
Bên cạnh đó, cách mỗi nền văn hóa tiếp nhận ngày Valentine cũng rất khác nhau, phản ánh sự đa dạng trong văn hóa. Ở Nhật Bản, phụ nữ thường tặng socola cho nam giới vào ngày này, và một tháng sau, vào ngày White Day, nam giới sẽ đáp lại bằng quà tặng. Điều này cho thấy Valentine không mang một hình hài cố định mà luôn biến đổi để phù hợp với bối cảnh xã hội. Nhà tâm lý học Elizabeth Dunn cho rằng Valentine mang đến những trải nghiệm cảm xúc tích cực bằng cách khuyến khích mọi người bày tỏ tình cảm một cách cởi mở. Việc nhìn nhận những quan điểm đa chiều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tính đa diện của ngày lễ và cách nó mang ý nghĩa khác nhau trong từng nền văn hóa.
Tựu trung, Valentine không chỉ đơn thuần là một ngày kỷ niệm tình yêu mà còn phản ánh những chuyển động văn hóa và xã hội qua từng thời kỳ. Khởi nguồn từ những nghi lễ ngoại giáo và Kitô giáo, ngày lễ này đã dần biến đổi qua nhiều thế kỷ để trở thành một biểu tượng toàn cầu về tình yêu. Dù góp phần thúc đẩy kinh tế và khuyến khích sự gắn kết giữa con người, Valentine cũng bị chỉ trích vì tính thương mại hóa và những khuôn mẫu tình yêu mà nó củng cố. Những quan điểm đa chiều về ngày lễ này phản ánh sự khác biệt trong trải nghiệm của mỗi người, đồng thời cho thấy rằng tình yêu luôn là một khái niệm phức tạp, vượt xa mọi khuôn khổ. Khi tiếp tục đón nhận ngày lễ này, có lẽ điều quan trọng không nằm ở việc tuân theo một khuôn mẫu nhất định, mà là thấu hiểu và trân trọng những giá trị đa chiều mà nó mang lại.
Các thông tin trong bài viết được tham khảo từ công trình: Van Dyk. 2013. The Reconceptualization of Valentine’s Day in the United States: Valentine’s Day as a Phenomenon of Popular Culture. Bridges: An Undergraduate Journal of Contemporary Connections.