#ProudlyVietnamese: Ký ức Việt Nam trên mẩu bưu hoa
L’OFFICIEL Vietnam có dịp trò chuyện cùng Bưu Hoa - dự án lưu giữ thiết kế và những câu chuyện từ tem-thư Việt Nam. "Bưu hoa" là tên gọi khác của con tem, ví tem đẹp như hoa khiến ai cũng thích ngắm nghía và sở hữu.
“Làm thơ giấy trắng, em gắn con cò xanh
Gửi về thăm bạn có tên anh trong này"
Câu ca dao thời Nam Kỳ Lục Tỉnh có nhắc đến "con cò," tức nói hình ảnh chim đại bàng trên loại tem sử dụng tại thuộc địa Pháp trong giai đoạn 1859 - 1865.
Từ khi bưu cục đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động tại Sài Gòn năm 1859, tem đã là một phần không thể thiếu trong liêc lạc thư tín. Bưu Hoa kể: “Ngày xưa, tem được sử dụng để gửi thư, tuyên truyền người dân biết có sự kiện gì đã xảy ra, hay đất nước đã đạt được những gì. Đan xen là những mẫu tem về con người, động vật, thiên nhiên…”
Đến giờ, tuy không còn mấy ai viết thư tay, con tem vẫn thực hiện đầy đủ vai trò thư tín của nó, đi khắp nơi trên tay người sưu tầm, trên các mạng truyền thông để lan tỏa hình ảnh của một quốc gia. Tem trở thành một loại hình sáng tạo – Mỗi bộ tem, con tem là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ.
Hành trình của Bưu Hoa bắt đầu khi một người bác thân yêu ở quê gửi tặng một quyển sổ dán tem “với niềm đam mê khi còn trẻ.” Vốn làm việc trong ngành thiết kế, chủ nhân Bưu Hoa nhận thấy những hiểu lầm trong hình vẽ minh họa tem về bố cục và quy cách, từ đó cảm thấy bản thân cần học hỏi thêm để cùng mọi người tìm hiểu về tem Việt Nam.
“Những con tem đầu tiên mà Bưu Hoa đăng tải thuộc về các bác trong câu lạc bộ sưu tầm tem tại thành phố Hồ Chí Minh. Có những thắc mắc của người theo dõi, mà mình không biết trả lời, cũng đem đến hỏi các bác ấy,” Bưu Hoa kể về những ngày đầu mở tài khoản Instagram @buuhoavietnam.
Một nhà sưu tầm tem có thể tự lựa chọn chủ đề cho bộ sưu tập của mình, và Bưu Hoa trung thành với bốn từ “Bưu chính Việt Nam.” Trong tay Bưu Hoa là những con tem vẽ theo tranh dân gian Đông Hồ, về cảnh quan thiên nhiên đất nước hay một nhân vật lịch sử.
Hình chữ nhật bé tí ấy chứa đựng cuộc sống Việt Nam vào thời điểm phát hành tem, đến nay như một chiếc ống nhòm cho ta nhìn vào một phần quá khứ.
Biến mất cùng thói quen viết thư tay là hàng loạt các thuật ngữ liên quan đến tem. Ví dụ, “tem sống” là tem còn lưu hành nhưng chưa được sử dụng, “tem chết” đã được đóng dấu và không còn giá trị bưu chính; còn có tem sự vụ, tem lộn đầu, dấu kỷ niệm… Các định nghĩa, quy chuẩn về răng tem, thông tin từng con tem đều được Bưu Hoa cẩn thận thu thập, sắp xếp và trình bày đẹp mắt đến người xem.
Đặc biệt hơn, ít có danh mục sưu tầm nào dành nhiều sự quan tâm đến sản phẩm bị lỗi như tem. Năm 1992, Bưu Điện cho phát hành mẫu tem duy nhất trong bộ 'Kỷ niệm 700 năm ngày mất của Chu Văn An,' nhưng sau 2 tháng đã bị đình chỉ lưu hành do:
• Năm 1992 kỷ niệm 700 năm ngày sinh chứ không phải ngày mất của cụ Chu Văn An.
• Trên tem vẽ thầy giáo Chu đeo cặp kính mà vào thời đó chưa được sản xuất.
Những con tem bị thu hồi như thế này rất có giá trong giới sưu tập.
(Nguồn: Đỗ Đa Sỹ, Tìm hiểu Văn Hoá Cổ Truyền Trên Tem Bưu Chính Việt Nam. Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, năm 2009.)
Sau 3 năm hoạt động, Bưu Hoa không chỉ nói về tem mà còn mở rộng sang những lá thư, bài thơ mà người xưa tặng nhau. Theo “Hòm thư Bưu Hoa,” Gen Z chia sẻ chính những bài đăng này đã khuyến khích các bạn hỏi thăm về quá khứ của ba mẹ, về cách người xưa liên lạc rồi sau đó gửi tặng Bưu Hoa những câu chữ các bạn gom nhặt được từ quá khứ. Chủ nhân Bưu Hoa lại mau mắn gửi tặng các bạn những con tem phù hợp, không ngại tặng cả con tem mà bạn yêu thích nhất bộ sưu tập.
Nói về tem Việt Nam hiện đại, Bưu Hoa bảo: “Đăng hết tem xưa thì mình sẽ đăng tem nay!”
Theo Bưu Hoa, khi vẽ minh họa cho một địa danh nào đó, các họa sĩ ngày xưa phải đi thực địa, đến tận nơi ngắm nghía, hưởng nắng chịu gió mới được thiết kế nên con tem. Những mẫu tem hiện nay vẽ thì ít mà sử dụng nhiều hiệu ứng cắt ghép thì nhiều. “Chịu thôi. Mình cũng mong muốn có một cuộc thi vẽ tem để các bạn trẻ có thể đăng ký tham gia, nhưng xem chừng phức tạp lắm,” Bưu Hoa cười trừ.
Có vẻ điều khiến Bưu Hoa lo lắng nhất là thiết kế của “tem nay.” Tính ra cũng hợp lý: Tem ngày nay vốn đã ít chức năng bưu chính, nếu không có vẻ ngoài đẹp mắt, không có lý do để sưu tầm. Những thiết kế do Bưu Hoa chia sẻ, tuy cũ kỹ, lại được lòng thị hiếu hiện tại hơn.
“Đến cuối cùng, Bưu Hoa là nơi để kết nối mọi người. Với mình đó là điều quan trọng nhất.”
Hình ảnh và ghi chú: Bưu Hoa