4 người phụ nữ quyền lực đằng sau những biểu tượng trang sức của Cartier
Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam vào tháng 10, Cartier tôn vinh những người phụ nữ đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhà kim hoàn trong suốt chiều dài lịch sử cho đến tận hôm nay.
Jeanne Toussaint, hay “The Panther”
Nhắc đến Cartier, không thể không nói về Jeanne Toussaint (1887-1976). Vừa là người tiên phong trong xã hội do nam giới thống trị vào đầu thế kỷ 20 vừa là nhân vật cách mạng trong ngành trang sức hiện đại, Toussaint được Louis Cartier (1875-1942, hậu duệ đời thứ 3 của Cartier) bổ nhiệm làm Giám đốc sáng tạo nữ đầu tiên của thương hiệu vào năm 1933 .
Với dáng người nhỏ nhắn, gu thẩm mỹ hoàn hảo đi cùng nét tinh tế đặc trưng của nước Pháp, Jeanne Toussaint đã thống trị thế giới trang sức. Jeanne có gu, và thích kết hợp các thế giới khác biệt với nhau, quấn mình trong chiếc khăn turban và chuỗi ngọc trai dài có móc cài lạ mắt, đi bốt Nga, chỉ mặc đồ xanh navy vào ban ngày và mặc đồ ngủ hoặc sườn xám vào buổi tối. Bà toát lên vẻ cổ điển pha chút xa hoa thuộc về tính cách. Bà sớm chuyển năng lượng của mình vào các sáng tạo tại Cartier, nơi bà giành được sự tôn trọng nhờ tông màu tươi mới và "Toussaint Taste".
Một tinh thần sáng tạo tự do và lạ kỳ, hào quang, vẻ đẹp và tính cách độc lập của bà đã mang lại cho bà biệt danh "Báo đen". Loài động vật này đã định hình số phận của bà, khi mà vài năm sau đó, bà trở thành nguồn gốc của bộ sưu tập Panthère ngoạn mục nhất của Cartier. Từ một chiếc áo khoác lông hổ, hộp phấn đến bao thuốc lá và hộp đựng đồ trang điểm sọc đen-vàng và một con báo đen, Jeanne đã biến con báo thành thời trang thông qua một loạt các phụ kiện cá nhân góp phần tạo nên hình ảnh đặc trưng của bà.
Chiếc trâm cài áo Panthère do bà thiết kế vào năm 1949 và được Nữ công tước xứ Windsor (1896-1986) mua lại đã tái định nghĩa sức hấp dẫn của trang sức đối với phụ nữ - Và đây chỉ là một ví dụ về di sản của bà. Là biểu tượng của sự táo bạo, độc lập và quyền lực, con báo đã trở thành họa tiết đặc trưng của Cartier. Toussaint không chỉ ủng hộ quyền năng của phụ nữ thông qua các món nữ trang thiết kế, mà còn khuyến khích thái độ tự do mới, đánh dấu bằng sự nữ tính, phóng khoáng và độc lập. Tác phẩm của bà đưa đồ trang sức vượt lên trên việc tôn vinh vẻ đẹp bên ngoài để tiết lộ về tính cách và tinh thần người dùng.
Nữ công tước xứ Windsor và Bộ sưu tập Cartier huyền thoại
Nữ công tước xứ Windsor (1896-1986), Wallis Simpson, được tôn kính như một biểu tượng của sự thanh lịch tinh tế và phong cách vượt thời gian, với bộ sưu tập trang sức Cartier làm minh chứng cho tầm ảnh hưởng của bà. Cùng với Công tước xứ Windsor, Nữ công tước đã tuyển lựa được một trong những bộ sưu tập nổi tiếng nhất lịch sử, giới thiệu những kiệt tác mang tính nức tiếng nhất của Cartier. Đồ trang sức và đồ vật quý giá, từ những thứ lộng lẫy nhất đến cá nhân nhất, đều thể hiện sự gần gũi, chu đáo, nuôi dưỡng những cử chỉ yêu thương mà cặp đôi dành cho nhau.
Trong số những báu vật này có Vòng cổ Cartier Bib nổi tiếng, một sáng tạo tinh xảo được trang trí bằng thạch anh tím và ngọc lam, phản ánh gu thẩm mỹ táo bạo và tinh tế của Nữ công tước. Cũng quyến rũ không kém là Trâm cài áo Flamingo, được Công tước đặt hàng vào năm 1940, một biểu hiện sống động về niềm đam mê của họ đối với những thiết kế độc đáo và sang trọng.
Thông qua mối quan hệ với Cartier, Nữ công tước xứ Windsor đã nâng cao uy tín của thương hiệu trong giới hoàng gia châu Âu và giới thượng lưu toàn cầu. Ngày nay, bộ sưu tập của bà vẫn là biểu tượng của sự xa hoa, với những tác phẩm được chọn có giá kỷ lục tại các cuộc đấu giá, củng cố thêm di sản của bà như một biểu tượng trường tồn của sự sang trọng và phong cách.
Grace Kelly - Mối liên hệ hoàng gia của Cartier
Grace Kelly (1929-1982) là một công chúa thời hiện đại nhưng mang vẻ cổ điển vượt thời gian, người đã trở thành biểu tượng phong cách. Sự giản dị và trong sáng của bà được phản ánh trong tính cách chân thực và gu thẩm mỹ cá nhân.
Là một nữ diễn viên người Mỹ được Alfred Hitchcock phát hiện, bà là biểu tượng của sự hoàn hảo tinh tế, và ví thế, sở hữu mối gắn kết tự nhiên với trang sức Cartier. Mối quan hệ này, bắt nguồn từ sự thanh lịch và uy tín, bắt đầu vào tháng 1 năm 1956, vào ngày Hoàng tử Rainier III cầu hôn nữ diễn viên bằng chiếc nhẫn Cartier bạch kim gắn viên kim cương giác cắt emerald 10,47 carat.
Vào thời điểm diễn ra lễ cưới vào tháng 4 năm 1956, Công nương Grace xuất hiện với vương miện bạch kim Cartier đính kim cương tròn và cắt kiểu baguette, tô điểm thêm ba họa tiết hoa - Mỗi họa tiết nở rộ với một viên hồng ngọc cabochon: một "tấm mạng" trang sức tinh tế có thể tháo rời, tạo thành các trâm cài áo mà Công nương thường xuyên sử dụng sau này.
Vai trò của Cartier trong cuộc đời Grace Kelly không chỉ nằm ở đám cưới. Nhà kim hoàn đã tạo ra một số sản phẩm cho bộ sưu tập cá nhân của bà, mỗi sản phẩm đều thể hiện phong cách riêng
Mối quan hệ của Grace Kelly với Cartier không chỉ đơn thuần là trang sức - mà còn phản ánh sự trân trọng sâu sắc của bà đối với vẻ đẹp, tay nghề khéo léo và lịch sử thương hiệu. Bộ sưu tập đặc biệt của bà tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ sau, với những sáng tạo của Cartier mãi mãi gắn liền với di sản thời trang và phong cách của bà.
María Félix: Một biểu tượng Cartier vĩ đại
Nữ diễn viên huyền thoại người Mexico María Félix (1914-2002), còn được gọi là "La Doña", vẫn là biểu tượng trường tồn của sắc đẹp, sức mạnh và sức lôi cuốn. Bên cạnh sự nghiệp chói lọi trên màn ảnh, mối quan hệ độc đáo và nồng nhiệt của Félix với Cartier là minh chứng cho gu thẩm mỹ tinh tế và sự hiện diện đầy uy quyền của bà trong thế giới xa xỉ.
María Félix không chỉ là một khách hàng; bà còn là nàng thơ của Cartier, truyền cảm hứng cho một số sáng tạo phi thường nhất của thương hiệu. Mối quan hệ hợp tác này bắt đầu vào những năm 1940 và tiếp tục trong nhiều thập kỷ, tạo ra những tác phẩm phản ánh phong cách đặc biệt và tính cách phóng khoáng của bà. Được biết đến với góc nhìn táo bạo và không sợ hãi với thời trang, Félix ưu ái các thiết kế trang sức kỳ lạ và ấn tượng, điều mà Cartier đã nắm bắt một cách hoàn hảo.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong bộ sưu tập của bà là Vòng cổ Cartier Crocodile. Félix bước vào cửa hàng Cartier’s Rue de la Paix, Paris, với một chú cá sấu con trong bể cá và yêu cầu thợ kim hoàn tái tạo con vật dưới dạng một chiếc vòng cổ. Qua nhiều nghiên cứu và phác thảo cẩn thận, những nghệ nhân tài ba của Cartier đã khéo léo thực hiện một chiếc vòng cổ gồm hai con cá sấu khớp nối ôm sát cổ, thậm chí còn có thể đeo riêng như trâm cài áo.
Hai con cá sấu tạo nên chiếc vòng cổ bao gồm một con được chế tác bằng vàng kim 18 karat và được đính tỉ mỉ hơn 1.000 viên kim cương vàng giác cắt brillant, nặng 60,02 carat. Con cá sấu thứ hai được điêu khắc bằng vàng trắng 18 karat, đính 1.060 viên ngọc lục bảo với tổng trọng lượng 66,86 carat. Một con cá sấu được đính hồng ngọc trên mắt, con còn lại đính ngọc lục bảo.
Ngày nay, ảnh hưởng của María Félix vẫn tiếp tục tỏa sáng qua các kho lưu trữ và triển lãm của Cartier, nơi những tác phẩm được đặt hàng của bà bao gồm Vòng cổ kim cương hình rắn năm 1968 vẫn được những người đam mê trang sức trên toàn thế giới ngưỡng mộ.