Không chỉ là loại gia vị đi kèm với sushi, Wasabi còn sở hữu nhiều lợi ích sức khỏe
Khi chọn mua wasabi, hãy kiểm tra tỷ lệ thành phần wasabi thật cũng như tránh các sản phẩm có phẩm màu hoặc hương liệu nhân tạo. Nếu hàm lượng wasabi dưới 10%, bạn sẽ khó cảm nhận được trọn vẹn hương vị cũng như công dụng của nó!
Wasabi – loại gia vị xanh cay nồng gắn liền với ẩm thực Nhật Bản – không chỉ là một món ăn kèm đậm vị cho sushi và sashimi. Được làm từ một loại cải ngựa hiếm mọc hoang ở Nhật Bản, wasabi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng có một sự thật thú vị, loại wasabi phổ biến ở phương Tây thực chất chỉ là cải ngựa pha với phẩm màu xanh mà thôi.
Không chỉ xuất hiện trong các món truyền thống như soba hay udon, wasabi còn được dùng để tạo hương vị cho các món ăn vặt như đậu phộng tẩm wasabi hay đậu xanh nướng. Thậm chí, nhiều người còn sử dụng wasabi như một thực phẩm bổ sung sức khỏe dưới dạng viên nang. Vậy điều gì khiến loại gia vị này trở nên đặc biệt đến vậy?
Wasabi là gì?
Wasabi, hay còn gọi là cải ngựa Nhật Bản, được chiết xuất từ cây Wasabia japonica, thuộc họ Cải (Brassicaceae). Loài cây này phát triển mạnh mẽ dọc theo các con sông ở vùng thung lũng núi của Nhật Bản, chủ yếu được trồng tại tỉnh Shizuoka. Ngày nay, nghề trồng wasabi đã mở rộng sang nhiều quốc gia khác như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand và một số vùng ở châu Âu, bao gồm Iceland, Hungary và Anh. Phần thân rễ của cây được mài nhuyễn để tạo thành bột wasabi nguyên chất, nhưng do yêu cầu khắt khe về đất, nước và khí hậu, việc trồng wasabi khá khó khăn, dẫn đến giá thành cao.
Điều thú vị là phần lớn hỗn hợp màu xanh thường được phục vụ cùng sushi thực chất không phải wasabi thật. Các sản phẩm giá rẻ thường chỉ chứa 1–10% Wasabia japonica, phần còn lại chủ yếu là cải ngựa châu Âu, bột bắp, dầu thực vật, mù tạt, hương liệu nhân tạo và phẩm màu xanh để tạo ra hương vị và màu sắc giống wasabi thật.
Lợi ích sức khỏe tiềm tàng của wasabi
Hương vị cay nồng đặc trưng của wasabi đến từ một hợp chất tự nhiên có tên isothiocyanate (ITC). Nhưng bạn có biết rằng thành phần này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe?
- Kháng khuẩn, giúp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm: ITC có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, như E. coli hay Staphylococcus. Vì vậy, khi ăn thực phẩm sống, dùng kèm với wasabi có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Chống oxy hóa mạnh mẽ: ITC giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do stress oxy hóa, từ đó hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Mùi cay nồng của wasabi kích thích hệ thần kinh và thúc đẩy nhu động ruột, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra suôn sẻ hơn. Đặc biệt, khi ăn wasabi cùng các món nhiều dầu mỡ như thịt nướng, bạn sẽ cảm thấy bớt ngấy và dễ chịu hơn.
- Cải thiện trí nhớ: Một nghiên cứu từ Đại học Tohoku (Nhật Bản) đã chỉ ra rằng wasabi có thể giúp tăng cường chức năng nhận thức. Trong nghiên cứu, 72 người cao tuổi (từ 60 - 80 tuổi) được chia thành hai nhóm: một nhóm uống viên nén wasabi và nhóm còn lại dùng giả dược trong 12 tuần. Kết quả cho thấy nhóm dùng wasabi có sự cải thiện rõ rệt về trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Các nhà nghiên cứu cho rằng thành phần 6-Methylsulfinyl Hexyl Isothiocyanate (6-MSITC) trong wasabi là yếu tố chính giúp tăng cường trí nhớ.
Cách kết hợp wasabi vào bữa ăn
Ngoài việc ăn kèm với sushi hay sashimi, wasabi còn có thể được dùng để biến tấu nhiều món ăn khác. Bí quyết nằm ở một chút sáng tạo!
- Trộn một ít wasabi vào khoai tây nghiền để tạo ra món salad khoai tây béo mịn nhưng có vị cay nhẹ đầy thú vị.
- Thêm một chút wasabi vào các loại súp kem như bí đỏ, khoai lang hay súp súp lơ để tăng vị cay nhẹ, giúp món ăn trở nên độc đáo hơn.
- Dùng làm nước sốt cho salad: trộn wasabi với giấm (vinaigrette) hoặc sốt mayonnaise để tạo nên hương vị mới lạ.
- Khi ướp thịt hoặc cá, hãy kết hợp wasabi với nước tương, nước cốt chanh/lime và gừng. Không chỉ giúp khử mùi tanh mà còn làm nổi bật vị cay the the đặc trưng của wasabi.
Khi chọn mua wasabi, hãy kiểm tra tỷ lệ thành phần wasabi thật cũng như tránh các sản phẩm có phẩm màu hoặc hương liệu nhân tạo. Nếu hàm lượng wasabi dưới 10%, bạn sẽ khó cảm nhận được trọn vẹn hương vị cũng như công dụng của nó!
Ảnh: toraikc, ayllulondon, aishapotter