Gabrielle Chanel: Fashion Manifesto - Tuyên ngôn lẫy lừng của một nhà thiết kế
Gabrielle Chanel: Fashion Manifesto là triển lãm đầu tiên ở Úc tập trung tôn vinh những góp quan trọng của nhà thiết kế nổi tiếng người Pháp, Gabrielle Chanel, cho nền thời trang thế kỷ 20, diễn ra từ ngày 04/12/2021 đến hết ngày 25/4/2022 ở Melbourne, Úc.
Phần lớn các tác phẩm thiết kế được trưng bày trong triển lãm đều đến trực tiếp từ Palais Galliera, bảo tàng thời trang nổi tiếng của Paris, nơi đã tổ chức triển lãm premiere vào tháng 10 năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Danielle Whitfield, đại diện Phòng trưng bày Quốc gia Victoria ở Melbourne, nơi trưng bày triển lãm, một cơ hội tuyệt vời để tập hợp tất cả các thiết kế của Chanel với quy mô tầm cỡ như thế này là điều lần đầu tiên diễn ra ở Úc.
“Để có thể tổ chức một triển lãm toàn diện về mọi hoạt động khác nhau trong sự nghiệp của Chanel, bên cạnh những thiết kế biểu tượng và quen thuộc, để thực sự quan sát triết lý làm thời trang và kỹ thuật may đáng kinh ngạc của bà, cũng như sự khéo léo khi tiếp cận thời trang từ năm 1916 đến năm 1971, là một cơ hội thực sự tuyệt vời”, ông Whitfield cho biết.
Đây là triển lãm đầu tiên tổ chức tại Paris tập trung vào công việc của Chanel với tư cách là một nhà thiết kế hơn là câu chuyện về cuộc đời của một huyền thoại hay nhà mốt CHANEL đình đám.
Bộ sưu tập khổng lồ tôn vinh di sản và sự cống hiến của quý bà Chanel
Trong không gian của triển lãm, người xem như cảm thấy bà ấy đang ở đó, trong những bức chân dung đen trắng thấp thoáng giữa Phòng trưng bày Quốc gia Victoria. Sự tinh tế và gợi cảm của Chanel tỏa ra mạnh mẽ từ bóng dáng phóng khoáng của chiếc váy lụa ngà xếp nếp 95 năm tuổi, hay hành trình đầy ngưỡng mộ của những chiếc váy lụa đen những năm 1930 sau cuộc chiến. Tất cả, hơn 230 tác phẩm đều hiện diện như một BST tư nhân đồ sộ gây ấn tượng đến người có dịp thưởng lãm.
Một chiếc váy dạ hội từ năm 1939 với họa tiết lông vũ đính đá rực rỡ nằm riêng biệt trong tủ kính ở trên cao chính là tâm điểm của căn phòng mô phỏng lại quá trình Chanel làm việc ở xưởng may. Tại đây, người tham gia sẽ được xem một video tư liệu về quá trình Chanel tạo rập cho các thiết kế một cách tỉ mỉ và tinh tế đến thế nào, trong khi thợ may của bà sẽ đính thêm cho chúng những chiếc lông vũ. Chanel giắt kéo và vải sau gáy và bà đang kéo ra những miếng lông vũ trang trí. Đó chính là biểu hiện rõ ràng cho phương pháp tiếp cận “càng đơn giản càng tốt” của nhà thiết kế huyền thoại, bên cạnh việc bà luôn dành sự ủng hộ cho phong cách sang trọng hiện đại, vẻ đẹp tinh tế nhẹ nhàng, tránh xa sự xa hoa không cần thiết.
Ở một không gian khác được gạch màu trắng giống như một tủ đựng thuốc, bên trong chứa các sáng tạo archived từ dòng sản phẩm làm đẹp của Chanel. Từ hộp đựng xà phòng bằng gỗ, hộp đựng nước hoa, hộp đựng son có mùi thơm và thậm chí cả những chai dung dịch nhuộm da đã dùng hết từ bộ sưu tập Pour L’Été ra mắt vào năm 1932, được Chanel tạo ra để giúp người dùng có được làn da đồng màu.
Pièce de résistance là một đại sảnh chia làm hai khu vực. Một bên với các ma-nơ-canh xếp hàng như những người mẫu trên sàn diễn, khoác những bộ quần âu và jacket bằng vải len boucle sẫm màu hoặc những chiếc váy và áo ngắn màu hồng đào. Bộ trang phục màu hồng đầy sống động này tạo ra sự chú ý, vì đây là ví dụ cho phương pháp tiếp cận triệt để của Chanel với chất liệu. Bộ trang phục này được làm từ len lông cừu dệt, mô phỏng kết cấu của vải tweed nhưng với họa tiết hoa vân anh và quả mâm xôi sống động. Bộ trang phục thuộc về một khách hàng trung thành của CHANEL ở Melbourne, bà Mavis Powell, người đã lấp đầy ba tủ quần áo của mình bằng trang phục của Chanel hơn 40 năm qua.
Sự sáng tạo của Chanel được thể hiện trong chính phong cách sống của bà. Chanel là người tiên phong trong việc giải phóng cơ thể phụ nữ khỏi những quy tắc ràng buộc của thời trang đương thời và khuyến khích họ vận động thoải mái hơn. Ông Whitfield cho hay: “Khi bạn nhìn vào một số món đồ mà Chanel tạo ra, bạn sẽ thấy chúng được làm ra để khuyến khích con người hoạt động. Khi những người phụ nữ khoác lên những bộ trang phục này, họ có thể chống tay lên hông, họ chuyển động và dịch chuyển một cách dễ dàng. Bạn có thể xem cách Chanel tiếp thị ý tưởng. (Những bộ trang phục) không chỉ được tạo ra cho Chanel khi bà ở tuổi 70, mà chúng còn được làm ra để dành cho các ngôi sao Hollywood, các đệ nhất phu nhân và các ngôi sao điện ảnh của Pháp”.
Những phát hiện bất ngờ
Mặc dù Chanel có tình yêu rất lớn với các môn thể thao ngoài trời như bơi lội và quần vợt, được thể hiện qua các thiết kế đơn giản về chất liệu, với phom dáng thể thao, bà vẫn còn rất nhiều điều khác khiến cho những giám tuyển khi thực hiện triển lãm này phải ngạc nhiên.
Miren Arzalluz, Giám đốc của Palais Galliera và đồng quản lý triển lãm Gabrielle Chanel: Fashion Manifesto chia sẻ rằng quá trình tổ chức triển lãm là “một hành trình khám phá”. Cô mô tả Chanel là một con người cấp tiến, không thể bỏ qua và không thể thiếu cho lịch sử phát triển của thời trang. Nhưng ngay cả với tư cách là các sử gia thời trang, “chúng tôi đã mắc bẫy với sự đơn giản hóa quá mức của bà - những chiếc váy đen nhỏ,..." Nhưng kỳ thực, khi nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn vào kho lưu trữ lịch sử của Chanel, họ đã tìm thấy những thiết kế đầy bất ngờ, chẳng hạn như trang phục thường ngày hoặc váy với chất liệu cực kỳ nhẹ và họa tiết in hoa cùng bảng màu phấn tươi sáng. Và những thiết kế này đã có từ những năm 1930.
"Mọi thứ đều đã như vậy ngay từ đầu và điều đó thật phi thường"
Một vài thiết kế trong số này đã được trưng bày tại NGV, bao gồm ba chiếc váy hoa được làm từ lụa chiffon in họa tiết và đính kết. Một chiếc có tay áo cánh dơi và cổ tròn đơn giản, thắt lại ở eo và có độ dài đến gối với những lớp vải xù mềm mại. Nhìn thoáng qua sẽ tưởng chiếc váy có màu đen và in họa tiết hoa màu hồng, vàng và đỏ, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy đó thực chất là một kỹ thuật độc đáo giúp tạo hiệu ứng ba chiều cho những bông hoa, bằng cách cắt một vài chi tiết ra và đính lại để khiến cho cánh hoa và lá trở nên nổi bật.
Ba chiếc váy khác nhau về bảng màu trong họa tiết hoa cỏ: hồng nhạt, xanh lá nhạt và trắng, được sản xuất tại nhà máy dệt riêng của Chanel, nơi làm ra các loại vải lụa in họa tiết hoa tự nhiên. Một chiếc váy khác cũng được Chanel làm ra trong thời kỳ này là dạng váy quây dài đến sàn bằng lụa voile với họa tiết lông vũ lớn dát thành các vòng xoáy màu hồng, xanh lá, mù tạt và xanh lam. Phần lông mềm mại ở phía dưới được làm bằng kỹ thuật đính lông vũ như đã nói ở trên.
Katie Somerville, giám tuyển thời trang tại NGV cho biết những tác phẩm này khiến cô ngạc nhiên vì chúng thể hiện năng lực kỹ thuật của Chanel và bên cạnh đó, cho thấy bà cũng là một người rất yêu sự lãng mạn và vẻ ngoài nữ tính và đôi khi điều này thường bị người đời lãng quên khi nghĩ đến Chanel.
Ngoài ra, cô Arzalluz còn cho biết Chanel đã thường xuyên sử dụng trang sức và lông vũ trong suốt những sáng tạo của mình. Từ những bộ trang phục của những năm 1920 và 30, đến những bộ trang phục dạ hội của những năm 1950 và 60. Arzalluz nói: “Bạn sẽ thấy chính xác những chiếc áo được đính sequins cùng màu. Mọi thứ đều đã như vậy ngay từ đầu và điều đó thật phi thường."
Quá trình giám tuyển cũng tiết lộ tình yêu với màu đỏ đậm của Chanel. Cô Somerville cho biết: “Đỏ là màu yêu thích của Chanel, nó xuất hiện trong mỗi bộ sưu tập và nằm ngoài mật mã thiết kế của nhà mốt”. Chanel rõ ràng đã luôn bí mật đưa vào các thiết kế màu đỏ ở vị trí thứ năm trong mỗi buổi diễn, vì 5 là con số yêu thích của bà.
Trong số các thiết kế màu đỏ yêu thích của Chanel là một chiếc áo choàng dạ hội được làm từ nhung, vải crepe Georgette và marabou. Cô Harriette Richards tại Đại học Melbourne mô tả chiếc áo choàng này là “cực kỳ ngạc nhiên và hoàn toàn không phải những gì bạn nghĩ đến khi nghĩ về Chanel”. Trong khi đó, cô Arzalluz cho biết thêm một trong những lý do khiến triển lãm lấy tên là “manifesto” (tuyên ngôn) vì nhận thấy Chanel đã dùng một loạt những nguyên tắc tương tự nhau trong suốt cuộc đời thiết kế thời trang của mình. “Những gì chúng ta thấy trong tác phẩm đầu tiên, chúng ta thấy trong hầu hết mọi thứ bà làm sau đó”, Arzalluz nói.
Nguồn cảm hứng bất tận
Thật khó để tự hỏi quý bà Gabrielle Chanel sẽ nghĩ gì về nhà mốt do mình tạo ra vào thời điểm năm 2021 khi chứng kiến toàn bộ khối tài sản khổng lồ từ kho dự trữ lịch sử của bà, với sự đa dạng, khả năng kỹ thuật và chiều sâu trong từng thiết kế. Điểm nhấn nằm trong một loạt các thiết kế biểu tượng: túi xách 2.55, nước hoa Chanel No.5 và những đôi giày ba lê.
Cô Richards cho rằng mật mã của nhà mốt đã được phát triển mạnh mẽ nhờ Karl Lagerfeld. Dưới thời của mình, ông đã khiến cho Chanel trở nên phổ biến và dễ nhận biết với dòng sản phẩm phụ kiện và nước hoa, giúp cho thương hiệu CHANEL phát triển. Và chắc chắn, đó là những điều “dễ tái tạo hơn nhiều so với một chiếc áo choàng dạ hội đính lông vũ”, theo Richards.