Pop, Music & Film

Nghệ sĩ trumpet Thiên Ân: “Tôi muốn khán giả coi kèn như một nhạc cụ chính thống”

Nguyễn Hoàng Thiên Ân là người sáng lập dàn nhạc kèn Saigon Winds, đồng thời là một nghệ sĩ độc tấu tự do, biểu diễn đa năng trong các thể loại âm nhạc.

person brass section horn musical instrument trumpet flugelhorn face head

Hình thức ban nhạc hòa tấu kèn - gõ phổ biến trên toàn thế giới từ lâu, nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Có thể nói, Saigon Winds đã đi tiên phong về dàn nhạc kèn ở Việt Nam thông qua các buổi diễn “cháy vé". Không rầm rộ trong khâu quảng bá, không tổ chức ở những nhà hát lớn nhất, Saigon Winds đến với khán giả bằng sự chân thành, mà giá trị cốt lõi là âm thanh. Phần nghe phải thật chỉn chu, rồi ban nhạc mới có điều kiện nâng cấp phần hình. Những buổi diễn đầu tiên được đặt tại khán phòng nhỏ dưới 200 người, khán giả ngồi ghế nhựa, đến đêm nhạc Disney mới nâng cấp thêm đèn,...

Là người thành lập nên Saigon Winds từ những ngày đầu, nghệ sĩ kèn trumpet Nguyễn Hoàng Thiên Ân có nhiều tâm sự với bộ môn nghệ thuật này. Anh có thể nói trơn tru và đầy tâm huyết về những gì dàn nhạc Saigon Winds đang làm, nhưng lại trầm tư một hồi trước câu hỏi về danh xưng cho chính mình. “Tôi không giới hạn mình trong danh xưng như ‘nhà sáng lập'. Điều tôi muốn chỉ là làm được gì đó cho ngành kèn ở Việt Nam."

"Việc chơi nhạc giống như vẽ một bức tranh bằng giai điệu"

Chào Thiên Ân! Bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân không? 

Tôi là Nguyễn Hoàng Thiên Ân, người sáng lập dàn nhạc kèn Saigon Winds, đồng thời là một nghệ sĩ độc tấu tự do, biểu diễn đa năng trong các thể loại âm nhạc.

Anh đã bắt đầu với kèn trumpet như thế nào? Dàn nhạc Saigon Winds được bắt đầu ra sao? 

Tôi đã rẽ hướng từ ngành công nghệ thông tin tới kèn trumpet và bắt đầu khá trễ, từ năm lớp 12. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ rằng, 2000 sinh viên công nghệ ra trường là quá nhiều, trong khi nếu chọn trumpet thì mình “một mình một cõi". Đúng là nếu kiên trì thì không thiếu việc, chỉ có khoảng 15 nghệ sĩ trumpet chuyên nghiệp tại Việt Nam. Tôi cảm thấy mình có thể “sống chết” với nghề. 

Tôi đã chờ đợi sự ra đời của một dàn nhạc kèn như Saigon Winds 14, 15 năm nay rồi, nhưng không có ai làm nó cả. Có lẽ do tôi cung Sư Tử, luôn ở vai trò dẫn dắt từ nhỏ tới lớn, xây dựng một dàn kèn từ một chục người đến hơn 60 thành viên. Ở vai trò dẫn dắt và phát triển dàn nhạc, tôi còn học thêm về mixing, sản xuất âm nhạc tới sáng tạo nội dung,... 

microphone glasses music musician performer person adult male man indoors

Vừa chỉ đạo dàn nhạc kèn cổ điển, vừa chơi trong các tác phẩm nhạc nhẹ, Pop của các nghệ sĩ như Vũ Cát Tường, ban nhạc Ngọt, anh có cảm thấy mình “phân thân" trong nhiều lĩnh vực? 

Tôi không phân biệt cổ điển hay nhạc nhẹ, mà muốn chơi kèn trumpet và phát huy tối đa nó tốt nhất ở mọi thể loại. Được đào tạo bài bản trong môi trường cổ điển nhưng tôi có tư duy của người chơi nhạc nhẹ, có thể diễn jazz, pop, thậm chí là dance, EDM. Âm nhạc là âm nhạc, thông qua sự hài hòa giữa nốt nhạc, giai điệu, bè phối,...  Vừa là người thổi đoạn kèn trong bản hit “Lần cuối", chơi “Frozen” theo phong cách Pop, tôi cũng đồng thời làm việc với nhiều band nhạc của nhạc sĩ Hoài Sa, Đức Trí hay Slim V. Bên cạnh việc biểu diễn, tôi cũng giảng dạy và giới thiệu về trumpet tới khán giả. 

Đúng là tôi có hơi “tham việc" thật. Bằng chứng là dù trước đám cưới khoảng 2 tuần, hiện tôi vẫn tất bật trong đêm nhạc lớn của Saigon Winds, đến vest cưới cũng chưa kịp đo. May mắn là tôi có một người vợ hiểu và thông cảm cho đam mê của mình. 

Anh đã mất nhiều thời gian để có được sự tự do trong tư duy âm nhạc? 

Đối với tôi, âm nhạc là cảm nhận, cảm được là chơi được. Tôi nghe nhạc ở mọi lúc, thể loại và mọi nhạc cụ, không “nghe chết” ở một dòng nhạc nào. Việc dược học nhạc bài bản không có nghĩa là phải cứng nhạc, vì thứ lớn nhất tôi học được là cách kiểm soát và thể hiện cảm xúc qua âm nhạc. Bạn là người có giọng hát tốt mà không biết các kiểm soát, gửi gắm cảm xúc qua âm nhạc thì không đa dạng hóa bản thân được. 

Đối với việc nghe nhạc cũng vậy, tôi trân trọng cảm nhận của mọi khán giả. Nhiều khi, một người không biết gì về nhạc lý lại đưa ra những cảm nhận chân thành nhất. Tôi đã từng chơi nhạc phim “Áo lụa Hà Đông" khiến những người chưa nghe và xem phim bao giờ cũng rất yêu thích. Họ “cảm" được giai điệu và tâm hồn bản nhạc là vậy. 

Đừng sợ và nói rằng, “tôi không biết cảm nhận của mình có đúng không". Đến chỉ huy dàn nhạc cũng có lúc sai mà. 

Video Player is loading.
Current Time 0:00
Duration 0:00
Loaded: 0%
Stream Type LIVE
Remaining Time 0:00
 
1x
Advertisement

Dù sao, “cảm” nhạc vẫn là một phạm trù mơ hồ và chủ quan. 

Tôi trân trọng cảm nhận của từng khán giả, vì suy cho cùng không có sai hoặc đúng, chỉ có hay hay dở mà thôi. Khi chơi những bản nhạc Giáng sinh, tôi muốn người nghe cảm thấy được càng chi tiết càng tốt. Flute bay bổng, nhẹ nhàng, trong khi trumpet hào hùng,... mỗi nhạc cụ đều có hình tượng và tạo sắc thái khác nhau. Việc chơi nhạc giống như vẽ một bức tranh bằng giai điệu.

Những cảm xúc từ nhạc cụ bộ hơi

Điều gì trở thành động lực để anh tạo nên Saigon Winds, sau 14 -15 năm không ai thực hiện nó? 

Khi nghe một bài nhạc, người ta thường chỉ nhắc đến ca sĩ, hoặc piano, guitar hoặc saxophone thôi, trong khi chúng ta có một kho tàng nhạc cụ rộng lớn, được cả thế giới công nhận. Có mấy người phân biệt được oboe, hay bassone? Qua Saigon Winds, tôi muốn nhạc cụ kèn được khán giả biết đến nhiều hơn. 

Ở Việt Nam có nhiều dàn nhạc giao hưởng, ban nhạc pop rock mà chưa có dàn nhạc kèn nào hoạt động tích cực. Khán giả ít biết đến vai trò của kèn thông qua các dàn nhạc giao hưởng, khi mà dàn dây thường kéo tới 90% thời lượng chương trình, còn các nhạc cụ hơi như flute, oboe chỉ để tô điểm. Suốt 45 phút, dàn kèn chỉ thổi 1-2 câu. Saigon Winds sinh ra để thể hiện sự trân trọng nhạc cụ kèn, khiến các nghệ sĩ được làm hết sức, được tỏa sáng. Họ vừa có cơ hội việc làm vừa được trau dồi kỹ năng. Bài toán tài chính để nghệ sĩ có thể sống được với đam mê vẫn còn nan giải. 

adult female person woman musical instrument piano concert male man glasses

Được biết, không nhiều nghệ sĩ có thể sống bằng nghề nhạc công, thậm chí họ phải làm song song nhiều công việc khác?

Ở Việt Nam, rất ít nhạc công sống được bằng nghề, khi làm việc cả tuần trời mà chỉ nhận được một vài triệu. Thu nhập của nhạc công thấp hơn nhiều so với ca sĩ, trong khi họ đều học ít nhất 8 năm mới chơi nhạc được. 

Tôi đã từng làm việc ở nước ngoài, họ trả lương nghệ sĩ rất cao. Công việc chính là tập nhóm, chơi nhạc và biểu diễn thôi, lương một tháng khoảng 4000 - 5000 USD. 

Từ đây, anh có quan sát gì về bối cảnh âm nhạc cổ điển ở nước ngoài? 

Ở nước ngoài, trẻ em được tiếp cận và biết đọc tên các nhạc cụ từ nhỏ. Khi tôi dạy ở trường quốc tế Mỹ tại Việt Nam, 400 học sinh đều biết chơi kèn và học cách hòa tấu. Bạn hãy tưởng tượng, khoảng 40 mảnh ghép để cho ra một bản nhạc đẹp nhất có thể. Nếu không biết làm việc nhóm thì rất dễ hỏng bài. 

Khi được thực hành hòa tấu, các em sẽ học được cách làm việc nhóm và tôn trọng kỷ luật tập thể. Bên cạnh đó, các em biết cách cảm thụ khi đi nghe hòa nhạc, hiểu được sự thú vị của nhạc cụ, đi thưởng thức nhạc sẽ biết tôn trọng nghệ sĩ. 

Tôi muốn khán giả thưởng thức kèn và coi nó như một nhạc cụ chính thống. 

Đời sống thoải mái như vậy, tại sao anh vẫn quyết định về Việt Nam? 

Tôi muốn nói tiếng mẹ đẻ, nhớ nhất những lúc thèm món Việt như bánh dày mà không tìm đâu thấy. Nước ngoài trả lương cao nhưng tôi vẫn về nước để thỏa đam mê với ngành kèn và âm nhạc Việt nói chung. Ở Việt Nam có quá ít sân chơi cho nhạc cụ kèn.

brass section horn musical instrument trumpet flugelhorn adult male man person microphone

Sau gần một năm hoạt động, đến giờ anh đã yên tâm với dàn nhạc chưa? 

Tôi vẫn sợ lỗ chứ. Nhân sự cũng là một vấn đề. Hiện tại SaiGon Winds vẫn chưa có nhà tài trợ, nếu không bán “cháy vé” thì xác định lỗ. Tôi đã quen biết với những nghệ sĩ ở Saigon Winds hơn 10 năm, và cũng chứng kiến nhiều người bỏ nghề. Saigon Winds là một sân chơi để nhạc cụ kèn được tỏa sáng, và tạo cơ hội cho các nghệ sĩ. 

Nếu phần lớn người Việt chưa có thói quen nghe nhạc cụ kèn, anh đã làm thế nào để âm nhạc tiếp cận khán giả? 

Kèn bị nhiều tai tiếng như thô thiển, “kèn đám ma”, nhức óc. Chỉ cần đến concert của Saigon Winds, khán giả sẽ hiểu. Có những bài rất khẽ, 40 người thổi mà vẫn êm ái. Kèn có nhiều sắc thái, dòng nhạc cổ điển pop rock jazz đều chơi được. Tất cả đều là hơi thở, bởi vì dải âm lượng của kèn rất rộng. Tôi làm mạch chương trình theo cảm xúc của khán giả, làm thế nào để họ cảm nhận được sắc thái của từng nhạc cụ. Từ tiếng flute sáng, trumpet hào hùng,.. để khán giả thấy âm sắc hòa quyện ra sao. 

stage lighting group performance person concert tie chair speaker musician singing

Anh có chiến lược như thế nào trong việc tiếp cận khán giả? 

Vừa qua, tôi và ekip sáng tạo những hoạt động cho khán giả như trải nghiệm chỉ huy dàn nhạc, hay mời khán giả trải nghiệm ngồi cùng các nhạc công, xem cảm giác chơi nhạc từ sân khấu sẽ như thế nào. Đó là những trải nghiệm có tính tương tác và “nhập vai" nhất, giúp khán giả không chỉ còn là một người nghe thụ động mà còn được hòa nhập vào bài nhạc, tiếp cận gần gũi hơn với nhạc cổ điển. 

Những dự định trong tương lai của anh là gì?  

Với Saigon Winds, giá trị cốt lõi là âm thanh. Phần nghe phải thật chỉn chu, rồi mới nâng cấp phần hình. Những buổi diễn đầu tiên được đặt tại khán phòng nhỏ dưới 200 người, khán giả ngồi ghế nhựa, đến đêm nhạc Disney mới nâng cấp thêm đèn,... Tôi ấp ủ nhiều dự án trong năm 2023, nếu có nhà tài trợ thì dàn nhạc có thể thoải mái sáng tạo hơn. Các nhà tài trợ như Morico chủ động đề nghị hỗ trợ vì họ đi nghe concert và yêu thích dàn nhạc. Đội ngũ Saigon Winds đều là nghệ sĩ, chưa ai có đủ kinh nghiệm để làm truyền thông lẫn khâu tổ chức nên phải vừa làm vừa học.

Bên cạnh đó, tôi muốn quảng bá Saigon Winds trên TikTok, bên cạnh đó, giới thiệu về trumpet. Về lâu dài, tôi muốn khán giả thưởng thức kèn và coi nó như một nhạc cụ chính thống.

Cảm ơn nghệ sĩ Thiên Ân về những chia sẻ giá trị. 

Hình ảnh: FBNV 

Recommended posts for you