L'HIT MAKER #15- MASEW: Cảm hứng âm nhạc bất tận từ văn hóa và vẻ đẹp Việt Nam
Sau "Túy Âm", Masew cho ra đời hàng loạt bản hit và ghi dấu như là một trong những nhà sản xuất âm nhạc tài năng và ăn khách nhất thị trường hiện tại. Bên cạnh đó, anh còn ấp ủ nhiều dự án quảng bá du lịch, tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt.
Năm 2018, hiện tượng “Túy Âm” từng làm rung chuyển các bảng xếp hạng nhạc Việt, giúp Masew trở thành cái tên được nhiều người chú ý. Rất nhanh sau đó, anh liên tục “nhúng tay” vào hàng loạt bản hit đình đám như “Buồn của anh”, “Ex's Hate Me”, “Truyền thái y”… để rồi ghi dấu như là một trong những nhà sản xuất âm nhạc tài năng và ăn khách nhất thị trường hiện tại.
2023 cũng là một năm đáng nhớ của Masew khi anh vinh dự trở thành producer Việt Nam đầu tiên vượt mốc 1 tỷ lượt xem trên YouTube. Anh còn làm nên thành công cho hai bản hit có số phận khác biệt: “Thị Mầu” vốn được ấp ủ từ nhiều năm trước, “À Lôi” lại là cú bắt tay bất ngờ với Double2T trong Rap Việt mùa 3.
Suốt cuộc thi, Masew đóng vai trò quan trọng trong việc nhào nặn nhiều bản phối hấp dẫn cho các thí sinh đội HLV B Ray. Quá trình đó tốn khá nhiều thời gian nhưng cũng mang đến cho anh nhiều thay đổi tích cực. “Sau Rap Việt, ra đường nhiều người nhận ra tôi hơn”, Masew tiết lộ.
Nhà sản xuất dần thay đổi tư duy làm việc, không còn ngồi đợi cảm hứng mà có kế hoạch rõ ràng cho các ý định sắp tới. Trong đó, có những dự án tâm huyết mà Masew ấp ủ từ lâu và rất háo hức muốn chia sẻ với khán giả.
Những dự án mang tính cộng đồng
Masew có thể giới thiệu một chút về sản phẩm mới nhất “Huyền Vi”?
Thực ra ban đầu “Huyền Vi” chỉ là demo một đoạn nhạc tôi làm cách đây khoảng 7 tháng nhưng chưa đặt tên. Khi đăng lên TikTok và hỏi ý kiến khán giả, tôi đọc được một bình luận có nhắc đến hai chữ “huyền vi” và thấy rất hay nên quyết định dùng nó làm tên bài.
Nhan đề này rất đặc biệt, có nghĩa là sự màu nhiệm của đất trời. Nếu tách ra, “huyền” chỉ sự huyền ảo của âm thanh, còn “vi” là vi hành, cũng như một cách di chuyển để chiêm ngưỡng các cảnh đẹp.
Trước đó, tôi có ra mắt MV “My Home” vào tháng 7, cũng là một sản phẩm tôn vinh cảnh quan Việt Nam nhưng nội dung còn mang tính khái quát chứ chưa thực sự đi vào cụ thể. Đến MV “Huyền Vi”, tôi muốn giới thiệu đến khán giả vẻ đẹp của đồng bằng miền xuôi và vùng núi, từ thiên nhiên, văn hóa cho đến con người.
"Huyền vi là sự màu nhiệm của đất trời"
Từ đâu bạn có ý tưởng thực hiện các sản phẩm này?
Tôi thấy nước mình có rất nhiều cảnh đẹp mà vẫn còn thiếu những công cụ giúp bạn bè quốc tế biết đến và tiếp cận. Thế nên tôi muốn dùng âm nhạc để có thể góp phần nào đó quảng bá du lịch Việt Nam.
Khi “Huyền Vi” chỉ mới là bản demo, ca khúc ít nhiều đã được chú ý. Nhưng tôi vẫn muốn dành thời gian để trau chuốt giai điệu, thực hiện MV theo đúng ý mình. Từng phân đoạn từ cảnh trẻ em chơi đá bóng cho đến đồng ruộng đều là những gì tuổi thơ tôi đã từng trải qua. Trước khi quay, tôi chia sẻ mọi ý tưởng để đạo diễn có thể lột tả rõ cảm xúc cũng như nội dung mình muốn truyền tải.
Bản thân tôi cũng là một người rất yêu thiên nhiên Việt Nam và thích dịch chuyển, từ nhỏ đã quen với việc nay đây mai đó. Suốt 10 ngày quay MV, tôi gần như chỉ ngồi trên xe và đi thôi nhưng cảm thấy được chữa lành khá nhiều.
“Huyền Vi” ra mắt khá muộn màng vào dịp cuối năm, phải chăng đây là mở đầu cho một dự án dài hơi hơn?
Tôi vẫn mong muốn có thể thực hiện nhiều hơn nữa các dự án gợi cảm hứng du lịch, không chỉ gói gọn ở một địa danh cụ thể mà có thể tôn vinh được vẻ đẹp nhiều tỉnh thành nước ta. Tuy nhiên tất cả vẫn đang ở kế hoạch vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Dự án cá nhân mà tôi đang ấp ủ là một album khắc họa nét đẹp văn hóa cổ truyền Việt Nam, trải dài ở cả ba miền Bắc Trung Nam. Sản phẩm sẽ đào sâu khai thác nhiều nhạc cụ dân tộc, thể hiện rõ ràng hơn những gì tôi theo đuổi bấy lâu nay. Nội dung đều là những câu chuyện rất quen thuộc như Ngưu Lang Chức Nữ, Thánh Gióng…
Khán giả có thể phần nào hình dung về album qua bài “Mời Trầu” nhưng tôi sẽ thực hiện bản phối mới để đưa vào sản phẩm chính thức.
Ngoài hai dự án trên, khán giả còn nhìn thấy một Masew khác lạ qua những bài có màu sắc tôn giáo như “Vô lượng” (trích “Chú Đại Bi”) hay “Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni”?
Khi thực hiện những dự án này tôi không suy nghĩ nhiều về mục đích. Tôi chỉ muốn “gieo duyên”, tạo ra một thứ âm nhạc mang tính chữa lành, giúp người nghe cảm thấy thoải mái về mặt tâm hồn, nhẹ nhõm và an tâm hơn.
Không phải đến hiện tại tôi mới quan tâm đến Phật giáo mà đã được tiếp cận từ khi còn bé. Ban đầu tôi cũng chỉ định thử nhưng càng làm càng thích. Suốt quá trình thực hiện, tôi dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu cũng như tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm. Ngoài những bài đã phát hành, tôi cũng đang ấp ủ một số bài khác nhưng cần phải thực hiện kỹ càng, không thể nào nhanh ẩu đoảng được.
Điều gì làm nên “dòng nhạc Masew”?
Trong rất nhiều phong cách, tại sao Masew lại chọn màu sắc dân gian đương đại để theo đuổi?
Trước đấy tôi cũng thử sức với rất nhiều thể loại, nhưng khi bắt tay vào thực hiện những sản phẩm mang âm hưởng dân gian thì cảm thấy đặc biệt hào hứng. Tôi cũng rất thích nghiên cứu các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam vì chúng luôn tạo cho mình cảm giác thân thuộc.
Có lẽ vì tôi ở vùng quê từ bé nên các chất liệu âm nhạc dân tộc đều là những thứ gần gũi với mình. Mỗi ngày đến hội làng tôi lại được nghe sáo, trống, hay thưởng thức các bộ môn nghệ thuật ngoài Bắc như chầu văn, xẩm, ca trù… Bây giờ khi mường tượng lại tôi vẫn có thể hình dung những hình ảnh ấy trong đầu.
Kết hợp truyền thống và hiện đại là câu chuyện có từ lâu rồi. Nhưng đâu phải cứ tìm cách trộn hai yếu tố này là sẽ thành công?
Tôi nghĩ người làm nhạc phải tạo ra được cái hồn cho bài nhạc, hoặc ít nhất là một cái gì đấy riêng. Cảm xúc vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Khi mọi người nghe và cảm nhận được điều đấy thì ca khúc sẽ dễ dàng tiếp cận đại chúng hơn.
Trên thị trường có nhiều bạn trẻ thử sức với hướng đi này. Nhưng khi nghe thử, tôi chỉ mới thấy những thứ bên ngoài chứ chưa thực sự cảm được bên trong.
Khi mới bắt đầu, tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn, thử dùng một số nhạc cụ nhưng không biết nhạc cụ ấy là của nước nào, lúc thì nghe giống Trung Quốc lúc lại giống Hàn. Sau này tôi phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu mới có thể hiểu rõ hơn về chúng.
Bạn nghĩ đâu là yếu tố giúp mình được yêu thích và có chỗ đứng trên thị trường, thậm chí có khán giả còn dán nhãn “dòng nhạc Masew”?
Trên mạng có nhiều khán giả nhận xét rằng nhạc của tôi khá ma mị, lôi cuốn. Tôi nghĩ đấy cũng là một chất riêng của mình mà nhiều khán giả nhận ra.
Khi làm nhạc, tôi lại không suy nghĩ quá nhiều về dòng nhạc này hay dòng nhạc kia. Tôi chỉ cố gắng làm mọi thứ đơn giản nhất có thể, để âm nhạc đi vào đầu người nghe một cách dễ dàng, tự nhiên nhất. Thế nên trong bài nhạc sẽ không có quá nhiều thứ, các âm thanh phải rõ ràng và không bị lộn xộn.
Tôi nghĩ đa phần khán giả sẽ không để ý hay hiểu được những kiến thức chuyên môn quá sâu xa nên hướng đến sự đơn giản. Những bài nhạc cầu kỳ, phô diễn nhiều kỹ thuật có lẽ sẽ phù hợp cho các cuộc thi hơn là sản phẩm dành cho đại chúng.
"Cảm xúc vẫn là yếu tố quan trọng nhất"
Trung thành với dòng nhạc dân gian đương đại có làm Masew thiếu sự đa dạng?
Thi thoảng tôi đọc được bình luận cho rằng Masew “một màu”, chỉ làm được mỗi cái này cái kia. Nhưng tôi nghĩ có những người mất bao nhiêu năm để đi tìm màu sắc riêng, còn mình đã tìm được thì tại sao lại lại bỏ đi và thay đổi những giá trị đã xây dựng.
Thay vì vậy, tôi có thể dành thời gian và công sức để nâng cấp nó lên, khiến nó tốt hơn. Thế nên hiện tại tôi vẫn muốn tập trung khai thác những gì đã giúp mọi người biết đến mình, đó là âm nhạc mang âm hưởng dân gian, dân tộc.
Vị thế của producer Việt và mục tiêu đưa nhạc Việt ra quốc tế
Masew có quan tâm đến những danh xưng mà khán giả dành tặng cho mình?
Trước đây cũng có người từng gọi tôi là “phù thủy âm nhạc” hay “phù thủy phối khí”. Nhưng thực ra tôi lại không thích những tên gọi như vậy. Tôi muốn mình đơn giản chỉ là người làm nhạc. Nghe gần gũi và quen thuộc hơn.
Thi thoảng, Masew vẫn được nhắc đến cùng với câu chuyện đưa nhạc Việt ra thế giới. Liệu đó có phải là một mục tiêu mà bạn hướng đến khi làm nhạc?
Tôi đã từng nghĩ đến việc phải làm thế nào để nhạc mình làm ra có thể tiếp cận đến với bạn bè quốc tế nhiều hơn. Chẳng hạn như kết hợp với nghệ sĩ nước ngoài hoặc phát hành sản phẩm ra thị trường quốc tế. Thậm chí, tôi cũng từng có cơ hội thực hiện điều đó nhưng không làm vì lúc đấy cảm thấy chưa mọi thứ vẫn chưa đủ và chưa đúng thời điểm lắm.
Bản thân các dự án về du lịch cũng phần nào hướng đến việc giới thiệu nhạc Việt ra thế giới. Nhưng trước mắt thì cứ phải làm nhạc cho hay cái đã. Khi người nghe thấy hay thì họ sẽ tự động tìm hiểu và biết đến âm nhạc của mình.
Bạn đánh giá thế nào về vị thế của producer ở thị trường Việt Nam hiện tại?
Bây giờ nghề producer đã được mọi người công nhận nhiều hơn. Họ đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm nên thành công cho một bài hát, đôi lúc tên tuổi còn được đặt ngang hàng hoặc trước cả ca sĩ. Đây là một tín hiệu tích cực, rất tốt cho những bạn trẻ đam mê âm nhạc và muốn theo đuổi nghề này trong tương lai.
Trên thế giới có những producer trở thành ngôi sao quốc tế, độ nổi tiếng và quyền lực không thua kém ca sĩ. Bạn nghĩ điều đó có thể xảy ra ở Việt Nam?
Tôi cho rằng đó chỉ là chuyện sớm muộn. Mọi người thường nghĩ producer phải ngồi chờ ca sĩ hoặc người khác đặt hàng làm nhạc. Nhưng thực tế, hiện nay producer hoàn toàn có thể đặt hàng ngược lại ca sĩ để họ góp giọng trong sản phẩm hoặc làm album cho mình. Chắc chắn trong thời gian tới, đó là chuyện rất bình thường.
Ảnh: NVCC.