Đạo diễn Đặng Nhật Minh và cái nhìn mới về Hà Nội
Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng nói, “tôi mong những người làm điện ảnh trẻ sẽ có nhiều hơn nữa những bộ phim về thân phận con người, về dân tộc để có sức hấp dẫn lớn hơn." Phim của ông đã đang điền tiếp vào những khoảng trống tâm tư, những thắc mắc về căn tính người Việt, gửi gắm tới nhiều thế hệ trẻ.
Ký ức tập thể của người Việt gói trong những mất mát chiến tranh, tiếp nối bằng những đứt gãy văn hóa, lạc lõng, tái cấu trúc, và rồi hội nhập. Tất cả những cảm giác ấy đều có trong phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Trong chuỗi chiếu phim “Bây giờ đã đến tháng Mười” vừa diễn ra tại TP.HCM, người viết được chứng kiến những mảng ký ức nối dài giữa các thế hệ. Rạp kín khán giả trẻ, và cũng không ít các cô, các bác mặc áo dài là lượt xúng xính xem phim, kể về sự nhớ nhung, hoài niệm vui vẻ từ lúc ra rạp mái đầu còn xanh, tới nay vài dấu vết thời gian đã tỏ trên gương mặt họ. Có mặt tại buổi chiếu, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chia sẻ đã xem những bộ phim này cách đây gần 40 năm, từ thời ông học ngành đạo diễn ở Hà Nội.
Vẻ hồi cố hiện trên gương mặt đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ông nói, “tôi nhìn thấy trong căn phòng này các diễn viên đã từng giúp tôi trong một số bộ phim, như Hà Xuyên (phim ‘Cô gái trên sông’ (1987), ‘Trở về’ (1994), Ngô Quang Hải (phim ‘Hà Nội mùa đông năm 46’).”
Những tác phẩm điện ảnh nổi bật của đạo diễn Đặng Nhật Minh trải dài từ những năm 80 đến đầu những năm 2000. Rất nhiều khán giả đã đến xem phim, lấp kín một tới nhiều rạp, họ ngồi tràn tới đường đi, ngồi bệt xuống đất để nghe đạo diễn chia sẻ trong buổi chiếu phim “Hoa nhài”. Đó là những cảnh đã lâu tôi không thấy, chỉ nằm trong hồi tưởng từ những ngày xa xưa, khi người ta còn “đói” kiến thức. Một lớp học “chiếu bóng thiên đường”, mang bầu không khí gợi cảm giác về bộ phim cùng tên của đạo diễn người Ý Giuseppe Tornatore năm 1988.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh không lên lớp ai, nhưng tôi cũng như nhiều người trẻ kính nể ông bằng ánh nhìn hướng thượng. Không nghi ngờ gì, ông là đạo diễn huyền thoại của điện ảnh Việt.
Thứ nhất, ông đã chứng kiến những giai đoạn lịch sử, phản ánh chúng qua điện ảnh bằng góc nhìn cảm thông, chính trực và giàu tính phản biện. “Dân ta phải biết sử ta”, và câu chuyện điện ảnh của Đặng Nhật Minh phản ánh tinh thần của lớp dân Việt - đó là những thân phận, bản sắc mà sử sách khó lòng chạm đến, không kể người làng xã hay thị dân. Trong thời kỳ Đổi mới, phim Đặng Nhật Minh soi tỏ, cảm thông nhiều hơn là chất vấn. Xem phim ông vì thế, tái hiện thời hậu chiến nhưng không căng nặng mà thấm thía, trữ tình và đau đáu trong lòng.
Ví dụ trong “Thương nhớ đồng quê” (1995), ông tái hiện sự chênh lệch giữa thành phố và làng quê từ những năm 1990: trai tráng lên thành thị lập nghiệp, bỏ làng lại cho phụ nữ, trẻ nhỏ và những người già. Ám ảnh người xem là khung cảnh ngôi làng vừa thân thuộc vừa tiêu điều khi người dân rời bỏ đồng quê mà hướng về nơi phố thị.
Cảm hứng đồng quê-đô thị được nối dài từ "Thương nhớ đồng quê" tới “Hoa nhài" (2022), sau 27 năm. Không còn gợi nhắc mất mát và lung lạc như bộ phim của non 3 thập kỷ trước, ngược lại, "Hoa nhài" toát lên sự bảo bọc nhân văn từ câu chuyện người làng quê lên phố lập nghiệp, người phố lại về quê để hưởng già, mưu sinh bình dị bằng những công việc như bán hàng xén, cắt tóc. Những khoảng cách dần mất đi, khái niệm "quê nhà" vì thế rộng mà mờ hơn, chẳng gói gọn trong nơi ta chôn rau cắt rốn.
Ông cũng là đạo diễn hiếm hoi tại Việt Nam vẫn tiếp tục làm phim ở lứa tuổi 80. Để có mặt tại buổi giao lưu tại TP.HCM, ông bay ngàn cây số từ Bắc vào Nam. Trong buổi giao lưu, đạo diễn xin phép được ngồi để trò chuyện cùng mọi người. Ông cẩn thận đọc bài chia sẻ từ tờ giấy đã chuẩn bị trước, rành mạch từng câu chữ. Trong chuỗi 9 buổi chiếu phim, BTC bỏ nhiều công sức, tiền bạc để có được những bản phim nhựa hiếm hoi được bảo quản sau hàng chục năm vẫn đáp ứng chất lượng chiếu rạp. Trước những thước phim nhựa 35mm được bảo quản đặc biệt tại Viện phim Fukuoka của Nhật, ông ngẫm: “Tôi nghĩ hóa ra, đời sống của một bộ phim còn lâu hơn đời sống của một con người. Và, cái cảm giác hạnh phúc khi nghĩ rằng mình sau này sẽ không còn trên cõi đời này, nhưng phim của mình vẫn còn tiếp tục đến 400 năm nữa. Đó là một cảm giác kỳ lạ, khi tự nhiên mình nhận ra một điều đơn giản như thế.”
Sau buổi chiếu và giao lưu một vài ngày, người viết nhìn lại, và không có mục đích gì cao siêu, hoa mỹ hơn việc trung thực ghi chép lại nguyên văn chia sẻ hôm 29/10 của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Tôi đi mấy nghìn cây số vào đây (TP.HCM) là để được nghe các bạn nói. Tôi nói thế là đủ rồi, dốc hết bầu tâm sự rồi.
Khán giả: Cháu là học trò của bác. Cháu nhận thấy sự ra đi - trở về trong nhiều phim của bác. Vậy việc sử dụng bài “Nụ cười" (nhạc Nga lời Việt) trong phim “Hoa nhài" có phải là cách bác bỏ ngỏ sự trở về với điểm xuất phát, khi bác từng dịch và lồng tiếng cho các phim Nga trước khi trở thành đạo diễn?
Bạn đã chú ý xem rất kỹ, nhưng các bài hát xuất hiện trong phim là tình cờ thôi. Tôi nhờ dàn đồng ca Hy vọng của nhạc sĩ Tôn Thất Triêm, ông huấn luyện các em hát một số bài trong đó có “Nụ cười”. Bản thân ông Triêm cũng học ở Nga về. Trước khi viết kịch bản, tôi chỉ biết các em hát, hát bài gì cũng thế. Cái này nằm trong repertoire của dàn đồng ca, không thể bắt họ làm khác.
Chỉ có một bài duy nhất là “Người Hà Nội” thì tôi yêu cầu. Bài đó không có trong danh sách của dàn đồng ca, các em phải tập riêng rất vất vả.
Khán giả: Em cũng là học trò của thầy. “Hoa nhài" làm em ấn tượng và nhớ “Tokyo story” của Ozu. Trong góc máy cận và gần gũi, em cảm thấy không khí Hà Nội. Em thắc mắc màu phim không tươi rực, trữ tình như “Thương nhớ đồng quê”, nên em muốn hỏi thầy về dụng ý tạo màu trong phim lần này?
Ở đây có anh Martino là người định màu trong phim. Tôi là đạo diễn, cảm giác về màu rất kém. (cười) Không có Martino thì không thể làm bộ phim này, vì khi tôi làm xong phim thì hết tiền. Không có tiền để làm, tình cờ anh Linh dựng phim ngồi cafe ở quán nước tại Hà Nội, hỏi chuyện Martino mới biết Martino đang làm colorista ở Sài Gòn, thế là mời luôn. Anh xem phim của tôi, rồi chúng tôi gặp nhau và anh bảo, “tôi sẵn sàng giúp ông mà không lấy một đồng thu lao nào". Tôi hết tiền rồi. (cười)
Khán giả: Con cũng là học trò của thầy. Con thích phim “Hoa nhài” vì phim có phong cách khác biệt. Bác nói phim là người, và con thấy điều đó rõ trong “Hoa nhài”. Con thích những cú máy trên cao, hoài niệm của phim. Con nghĩ bác muốn nhân vật Đức 17 tuổi nhìn về khoảng thời gian trước đó, tự nhiên nhìn những cú máy đó con rất xúc động. Dù bác nói “Hoa nhài" là phim cuối cùng trong sự nghiệp, nhưng đây là phim đầu tiên bác dùng công nghệ kỹ thuật số. Lần đầu làm phim kỹ thuật số, bác có gặp khó khăn gì không?
Thú thật đây là lần đầu tôi làm phim kỹ thuật số, trước đó quen làm phim nhựa, cả quá trình mới này tôi phải học hỏi, có cố vấn chuyên môn là anh Linh.
Linh: Theo nghề này, mình có may mắn khi được làm việc với nghệ sĩ gạo cội như bác, đó là điều cực kỳ vinh dự. Mình học nghề đạo diễn, ở thế hệ sau cũng không biết nhiều về phim nhựa. Thông thường, công thức của các đạo diễn là hướng cho dựng phim làm theo ý mình, nhưng bác Minh lại trao cho mình cơ hội, “cháu có gì hay cháu cứ làm đi rồi cho bác xem lại. Bác cho mình tự do khi làm việc, sau đó mới soát lại - đó là cái mình được vinh dự khi được nghệ sĩ gạo cội trao cơ hội như vậy. Qua cách làm việc đó, mình học hỏi được rất nhiều.
Người ta nói về Hà Nội xấu quá, nào là cháo chửi, bún mắng. Chẳng lẽ làm phim phải tìm ra những cái gay cấn, kịch tính, mặt xấu mặt trái thì mới là điện ảnh?
Con thích phim “Hoa nhài”, trong đó gần cuối phim có câu thoại, đại loại là: “Người Hà Nội xưa nề nếp, tử tế". Con nghĩ đó là thông điệp chính bác muốn gửi gắm trong phim này, qua phim con cảm thấy bác đưa ra hình ảnh người Hà Nội rất tử tế và nhân văn, xin bác có ý kiến thêm về câu thoại này?
Từ trước đến nay, tôi thấy rất nhiều phim, bài báo nói về người Hà Nội xấu quá. tôi phải làm một phim nói về người Hà Nội tốt, cuộc đời có mặt này mặt kia. Nào là Hà Nội cháo chửi, bún mắng, đừng ra Hà Nội, từ nông thôn ra Hà Nội là hang hùm nọc rắn này. Thiên hạ làm thế, trong khi bản thân tôi ra đường, xung quanh tôi người tốt nhiều thì tại sao tất cả những cái tốt đó không thành một bộ phim? Chẳng lẽ làm phim phải tìm ra những cái gay cấn, kịch tính, mặt xấu mặt trái thì mới là điện ảnh? Tôi làm ngược lại, quan điểm của tôi là vậy.
Với tư cách là người Hà Nội xa quê, con cảm ơn bác. Con nghĩ ở đây nhiều người có cảm xúc giống con khi xem phim, nhìn lại những hình ảnh đã từng là Hà Nội nhưng giờ không còn nữa. Con tò mò rằng sao đến tận bây giờ bác mới làm câu chuyện này chứ không phải trước đây. Có khoảng thời gian dài bác không làm phim nữa, đến giờ làm phim tri ân mảnh đất Hà Nội, bác đã chuẩn bị cho ý tưởng kịch bản này trong bao lâu? Con nghĩ bác là nghệ sĩ duy nhất tại Việt Nam làm phim ở tuổi ngoài 80, ở tuổi đó bác có thử thách gì trong quá trình làm bộ phim này? Con cảm ơn bác.
Tôi sinh ở Huế, gốc Huế, 12 tuổi rời Huế theo gia đình lên Việt Bắc. Năm 1987 tôi mới về và sống ở Hà Nội từ đó đến nay. Giờ tôi không tách biệt đâu là người Huế đâu là Hà Nội, hai cái đó trộn vào nhau. Khi làm phim “Hoa nhài", tôi muốn trả ơn trả nghĩa mảnh đất tôi đã lớn lên, đã trưởng thành. Tôi in sách “Hoa nhài” đơn giản, không đâu xa ngoài những chuyện trong cuộc sống. Làm phim này, tôi tâm niệm là nói ra điều mình tâm huyết, tình yêu của mình với Hà Nội.
Hà Nội có tầng lớp bình dân, có cả quan chức và những người giàu có. Từ ông thợ cắt tóc, bà hàng nước, họ là những người chiếm đa số, tôi sống gần họ hàng ngày. Khi về già, tôi muốn nói những gì mình tâm huyết, bình tĩnh mà làm. Tôi làm phim này không áp lực gì hết, không đòi hỏi thu lời, nhà sản xuất cũng chỉ mong tôi làm phim theo ý mình. Không gì hạnh phúc bằng được làm những gì mình muốn, không nghĩ gì về khán giả, chỉ nghĩ về tôi và tình cảm của tôi với Hà Nội. Tôi tham gì nữa, doanh thu trăm tỷ chẳng để làm gì, cuối cùng, làm được điều mình muốn nó sướng.
Chân, Thiện, Mỹ là cốt lõi của nghệ thuật.
Cách bác làm việc với diễn viên qua ứng tác hay phải diễn đúng như kịch bản? Bác có thể chia sẻ thách thức của việc sản xuất phim tại Việt Nam?
Phim này không có nhiều ngôi sao showbiz, chỉ có những người bình dân. Khi làm việc với diễn viên, tôi không bao giờ thị phạm để người ta bắt chước, chỉ gợi cho họ cái hồn, tính cách bên trong nhân vật. Tự họ phải làm đến khi đúng thì ok, không thì phải chỉnh lại, trong kịch bản tôi đã mô tả kỹ tinh thần, cảm xúc rồi.
Thách thức của việc làm phim tự túc thì quá khủng khiếp vì tôi không phải đại gia, có đến đâu làm đến đấy nên phim kéo dài đến 3 năm, tính cả thời gian covid nữa. Từ khi bước vào điện ảnh, tôi đã ý thức là không phải vào điện ảnh để kiếm tiền, làm giàu, mà là để được tâm sự, chia sẻ với người xem điều mình băn khoăn trong cuộc sống, vậy thôi.
Tôi tâm sự thế thôi, các bạn trẻ đừng bắt chước tôi. Mình kiếm tiền để nuôi gia đình con cái nữa chứ.
“Hoa nhài" làm con nhớ tới truyện “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng, Hà Nội với con là thế - đậm chất thơ văn. Con muốn hỏi rằng hình ảnh hoa nhài cho bác câu chuyện gì, tạo ra kết nối con người như thế nào?
Tôi làm phim lấy cảm xúc từ 2 câu ca dao:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"
2 câu khẳng định vẻ đẹp người Hà Nội còn lưu giữ đâu đó trong mọi tầng lớp. Trong phim này, họ cưu mang, giúp đỡ, đùm bọc nhau: người nông thôn lên thành phố được giúp đỡ, sau này người thành phố cơ nhỡ lại về nông thôn. Đó là quan điểm của tôi khi làm phim này.
Có anh họa sĩ nói phim này như những mảnh ghép, lát cắt không rời rạc, như tấm vải có những đường khâu chìm không ai nhận ra. Anh bảo tôi rằng, phim của chú mạnh nhất là kịch bản, tưởng lơ mơ mà khéo, không cần có kịch tính, xung đột ghê gớm gì.
Chưa chắc có người thứ hai làm được phim Việt nhân văn như bác. Bác đi nhiều, tầm nhìn rộng, bác có thể cho giới trẻ lời khuyên không?
Bạn có nhắc đến vấn đề cốt lõi của nghệ thuật là Chân, Thiện, Mỹ. Chân là chân thật, thiện là tính nhân văn, hướng thiện và mỹ là vẻ đẹp, đẹp từ tâm hồn toát ra ngoài. Đó là 3 khái niệm tôi luôn hướng về. Các bạn xem tất cả tiểu thuyết, phim hay đều có tính nhân văn đầy ắp. Hấp dẫn mà không có tính nhân văn thì không có nghệ thuật. Cái này không ai dạy, tôi tự học tự nghiệm.
Có lần tôi giao lưu với sinh viên đại học Hoa Sen, các em hỏi tôi làm thế nào để biết phim này nghệ thuật hay không. Đọc báo thấy loạn hết cả. Tôi bảo, các em cứ đơn giản, xem phim gì thấy cảm động thì đó là phim nghệ thuật. Chỉ nghệ thuật mới làm người ta cảm động.