14 Casper và Bon Nghiêm: Từ start-up, phá sản đến tìm thấy bình yên
Cuộc trò chuyện giữa L’OFFICIEL Vietnam và cặp đôi nghệ sĩ trẻ 14 Casper và Bon Nghiêm lần này như dịp thổ lộ quá trình làm nhạc, bóc tách thách thức mà họ gặp phải cũng như mục đích “tối thượng” không chỉ phát sáng một lần rồi gục ngã.
14 Casper (Nguyễn Mạnh Cường) có thể khiến cho bất cứ một ai quan tâm đến âm nhạc của anh bị cuốn vào cuộc trò chuyện. Không chỉ nhiệt huyết đến từ sức trẻ (nghệ sĩ sinh năm 1999), mà còn là bởi một tình yêu lớn, muốn cháy hết mình trong chính âm nhạc mà mình tạo ra.
Album đầu tay “SỐ KHÔNG” ra mắt đầu tháng 3 chính là “quả ngọt” mới nhất của anh cùng với Bon Nghiêm – một người đã từng “vô diện” thế nhưng giờ đây lại là mảnh ghép không thể thiếu vắng. Viết nhạc cho những người trẻ từ chính trải nghiệm của bản thân mình, chắc hẳn ai nghe đĩa nhạc cũng đều muốn có “chiếc lò vi sóng” nếu không là người, thì cũng là những giai điệu vô cùng êm dịu.
14 Casper và Bon Nghiêm đã gặp gỡ nhau như thế nào?
Vào giữa năm 2019, 14 Casper ấp ủ phát hành một bài hát tên là “có ai ở đây không?” nhưng chưa tìm được người thể hiện ưng ý. Bài hát đánh dấu một bước chuyển rất lớn trong tư duy âm nhạc của mình nên sự lựa chọn ca sĩ kĩ càng là điều cần thiết. Lúc đầu mình đã gửi gắm bài hát này tới 5 giọng ca và 2 ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng đều không được như ưng ý.
Nhờ sự giới thiệu của 2 người bạn thì mình biết đến Bon Nghiêm qua một video cover thậm chí còn không có mặt người hát. Mình nhắn tin cho Bon Nghiêm qua Facebook, gặp nhau cafe, và đã thu âm bài đó.
Bước đầu hẳn nhiên luôn là khó khăn. Album “SỐ KHÔNG” đã được khởi phát ra sao?
Dự án này được nhen nhóm sau khi chúng mình phát hành “bao tiền một mớ bình yên?” được 4 ngày. Lúc đầu ý tưởng Bon Nghiêm đã “dụ dỗ” mình chỉ là EP từ 3 cho đến 4 bài. Nhưng phải tới gần 1 năm sau khi phát hành ca khúc nói trên thì chúng mình mới thực sự bắt tay vào thực hiện dự án này, vì không thể ngờ “bao tiền một mớ bình yên?” lại thành công tới vậy. Cộng thêm với những kế hoạch phát sinh khác đã khiến dự án phải delay rất nhiều trong khâu sản xuất cho tới phát hành.
Thay đổi EP theo từng số lượng bài hát. Vậy khoảnh khắc nào khiến các bạn cảm thấy mình phải ra một album, và đến khi nào thì album đó đủ chất lượng để ra mắt khán giả?
Thực sự rất khó để có thể ngồi xuống và giải thích cho mọi người biết là khoảnh khắc nào. Vì vốn dĩ con người sẽ luôn thấy không hài lòng với bản thân mình. Chúng mình cũng vậy. Đơn giản là chúng mình muốn hoàn thiện mạch cảm xúc của tổng thể album, đưa thêm bài hát tiềm năng vào để cải thiện chất lượng tổng thể của các bài nhạc.
Ví dụ bài hát thứ 2 trong album là “nửa đêm về nhà” chỉ được viết ra trước khi “đóng gói” album có 1 tháng thôi. Bởi lẽ, mình luôn thấy album còn thiếu một mắt xích về câu chuyện, còn thiếu một bài nào đó có đủ tiềm năng để trở thành “hit”, nên đã cố gắng ngồi xuống, viết một bài hát thật hay, thật đặc biệt để hoàn thiện “SỐ KHÔNG”, dù đến những công đoạn cuối thì đã rất mệt và cạn kiệt chất xám rồi.
Và bằng chứng là “nửa đêm về nhà” là track đang được khán giả đón nhận nhiệt tình nhất trong số các bài hát mới trong album này. Đồng thời, số lượng bài từ 9-10 cũng là một số lượng thường thấy để là một full album thực sự. Chúng mình mong muốn phải làm cho tới một khi đã làm, chứ không thể làm một cách giữa chừng. Cho đến hiện tại khi ngồi nghe lại, bọn mình vẫn thấy 9 bài là còn ít đấy chứ. (Cười). Nếu có thể làm tốt hơn thì mình đã tạo ra 10-12 bài rồi.
Thế nhưng vì sao lại là “SỐ KHÔNG”?
“SỐ KHÔNG” là con số đại diện cho sự cân bằng của mỗi một người. Chúng ta dù có làm gì, ở đâu, sống như thế nào... thì cũng đều có 1 đích hướng về là “điểm cân bằng”, là “chốn bình yên” của mình. Nói một cách vui vẻ ở khía cạnh toán học và vật lý thì một vật có biên độ dao động càng thấp thì tần số dao động càng lớn. Khi một đồng xu rơi xuống và nằm yên, liệu nó có đang nằm yên hay đang dao động ở một tần số cực đại? Điều đó muốn nói rằng liệu chúng ta phải làm rất nhiều điều để hướng tới bình yên, hay thực sự chỉ là “không làm gì cả”?
Bình yên sẽ chỉ đến khi chúng ta biết đủ và biết trân trọng. Album này như là một màn recap về cuộc đời của mỗi con người. Xin phép trích một đoạn trong lá thư tay mà chúng mình gửi tới các bạn nghe nhạc trong đĩa CD:
“SỐ KHÔNG sẽ đưa các bạn tới thật nhiều điểm dừng đặc biệt, những nơi có thể xuất hiện trong cuộc đời của bất kỳ ai: từ nơi tột cùng thăng hoa của tình yêu, cho tới những nỗi mất mát, nhớ thương; sự luyến tiếc, lạc lõng của tuổi trẻ và cả sự ngây ngô, khờ dại của tuổi thơ. Chỉ cần nhớ rằng, dù cho đó có là trải nghiệm nào, hãy để những cảm xúc của bạn được tỏ bày theo cách của riêng mình, và chúng ta hãy cùng nhau mang sự “bình yên” này đi theo nhé!”
Một nửa của vô cực, hoàn hảo, những gì đẹp đẽ cũng là số không. Hai bạn có phải chính là hai nửa của điều nói trên?
Thực ra ban đầu ý tưởng chúng mình xây dựng nên visual concept cho album cũng dựa trên dấu vô cực. Như ý nghĩa mà mình đã nói bên trên, liệu có phải chúng ta cần tất cả mọi thứ, hay chỉ đơn giản là không cần gì để thấy bình yên?
Dấu vô cực được tạo nên từ hai số 0, và có thể là hàng vạn hàng triệu số không khác. Sự to lớn, hạnh phúc vô biên của cuộc đời này được tạo nên từ sự bình yên của mỗi người. Chúng mình cũng chỉ là 2 trong số 7 tỉ số không trên cuộc đời này, và mong những gì chúng mình làm tốt nhất (là âm nhạc) có thể khiến cho cuộc đời của mọi người thêm phần rực rỡ và yên lành!
Các bạn có thể nói thêm đâu là giai đoạn hứng thú và khó khăn nhất trong cả quá trình tạo nên album không?
Giai đoạn khó khăn nhất chắc chắn phải là sáng tác và thu âm. Không thể phủ nhận rằng thời gian đó mệt mỏi và nản chí vô cùng. Trong vòng 1 năm 3 tháng sản xuất album, có nhiều sự kiện đã làm thay đổi tư duy và suy nghĩ làm nghề của bọn mình rất nhiều: đó là startup và phá sản chỉ trong vài tháng. Thời điểm đó, bọn mình như ở đáy của sự nghiệp. Đến hy vọng cũng chẳng dám nữa vì sợ sẽ tự làm cho bản thân thất vọng. Nhưng mọi thứ rồi cũng đã chuyển biến vô cùng tích cực trong quý 4 năm 2022.
Giai đoạn hứng thú nhất có lẽ là công đoạn mix-master mỗi bài hát và khi được nhìn thấy thiết kế phác thảo của chiếc CD Album. Giây phút đó mình nhận ra được rằng những gì ấp ủ trong đầu mình, từ những ý tưởng rất đỗi mơ hồ đã thành hiện thực. Được cống hiến cho khán giả đã là một sự biết ơn vô cùng to lớn của chúng mình rồi!
Làm 1 album có thể đã khó khăn rồi, giờ đây còn là 1 nhóm duo. Điều gì gắn kết và giúp các bạn tạo ra một thể thống nhất?
Giai đoạn đầu tiên khi anh em quen nhau cũng chỉ để làm nhạc như những người đối tác. Nhưng sau nhiều thành công không ngờ tới thì chúng mình đã phải đồng hành với nhau nhiều hơn, là những người bạn, người anh em chí cốt trong cuộc sống, giúp đỡ nhau trong mọi thứ...
Triết lý của hai đứa mình là teamwork chỉ hiệu quả khi công-tư phân minh. Chúng mình luôn rõ ràng và minh bạch trong thu nhập nhưng cũng rất thoải mái trong vấn đề chia sẻ quan điểm cá nhân. Tóm gọn lại là có cả lý và tình trong mọi vấn đề. Đồng thời cũng phải biết lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau. Bon Nghiêm không can dự vào phần sản xuất, và 14 Casper cũng không có ý kiến gì về phong cách khi cả hai đi trình diễn. Mỗi người giỏi ở một khoản, ai giỏi phần nào thì góp ý cho người kia trở nên tốt hơn chứ tuyệt đối không phạm vào cái tôi nghệ sĩ.
Là album đầu tay với các bài hát touching, dễ chạm đến được cảm xúc người nghe. Liệu đây là quyết định đến gần hơn với khán giả, hay đây chính là âm nhạc trong hướng đi và phong cách của hai bạn?
Đây cũng là câu hỏi mà chúng mình nhận được rất nhiều trong các bài phỏng vấn. Có lẽ câu trả lời thỏa đáng nhất sẽ là: chúng mình chỉ đang làm những gì mà chúng mình làm tốt nhất và phù hợp nhất với hình ảnh, tư duy âm nhạc, tính cách con người của chúng mình mà thôi!
Còn đối với riêng 14 Casper thì chỉ muốn giúp đỡ và chữa lành cho càng nhiều người càng tốt, vì mình cũng đã từng cần sự chữa lành nhưng không thể tự mình làm điều đó, nên mình muốn giúp người khác.
Từng được Hoàng Dũng khuyến khích giữ lại bài hát cho riêng mình. Các bạn phân định bài hát cho mình và cho những nghệ sĩ khác ra sao? Giờ đây các bạn thấy lời “tiên tri” mà Hoàng Dũng nói đã đúng được bao phần?
Thực ra mọi người đã hiểu lầm rồi. (Cười). “Lời tiên tri” của anh Hoàng Dũng chỉ là một trò đùa mà anh ấy nghĩ ra để “đáp lại” chiếc video “kể tội” của tôi đăng trên TikTok cá nhân. Tôi đã từng gửi demo “bao tiền một mớ bình yên?” cho anh Dũng vào tháng 10/2020 nhưng chưa từng nhận được lời hồi đáp. Sau này khi tôi kể lại thì anh Dũng có nói rằng anh đã đọc được nhưng thời gian đó anh khá bận rộn với album 25 nên đã bỏ lỡ chiếc email đó. Anh có nói đùa với tôi là mọi bản hit đều bị từ chối bởi ít nhất 1 người. Nên may mắn là anh Dũng từ chối thì tôi mới có hit lớn như bây giờ. Tôi có chia sẻ lại câu chuyện này lên TikTok thì vài ngày sau đó các báo đưa tin và khá viral. Anh Dũng mới giả vờ viết một cái email đáp lại để bù đắp cho việc ngày xưa anh ấy “bỏ lơ” email của tôi.
Còn về cách phân định bài hát dành cho ai thì có lẽ cũng đơn giản thôi. Dù cùng là âm nhạc nhưng âm nhạc của những nghệ sĩ indie và những nghệ sĩ mainstream có tinh thần và “hơi thở vô hình” khác biệt khá rõ rệt. Mình thường sẽ gửi gắm những ca khúc đậm chất 14 Casper nhất cho Bon Nghiêm, vì chúng mình thích là làm, chẳng phải cân nhắc quá nhiều tới yếu tố hit hay là viral. Có thể nói rằng âm nhạc chúng mình tạo ra chính là đại diện rõ ràng nhất cho cá tính và tâm hồn của 14 Casper. Còn những ca khúc để gửi tới các ca sĩ khác thì có lẽ cần phải tỉ mỉ và teamwork nhiều hơn, đóng góp có ảnh hưởng hơn từ phía ca sĩ, có thể cần có yếu tố đại chúng, nội dung phải đặc biệt, có chất liệu để viral.
Âm nhạc của nghệ sĩ mainstream thường phải nhắm tới khán giả nhiều hơn, để phục vụ cho tinh thần của họ. Còn âm nhạc của nghệ sĩ indie thì tập trung vào cá tính của nghệ sĩ, khán giả nào cảm thấy phù hợp thì sẽ yêu mến. Cá nhân mình vẫn đang trong quá trình trau dồi và cân bằng giữa hai trường phái này. Và cả hai đều là những trải nghiệm hết sức thú vị.
Nổi tiếng từ mạng xã hội. Các bạn có thấy đây là xu hướng thuộc về tương lai, và có sợ “sớm nở chóng tàn” như những hiện tượng thường thấy?
Chắc chắn chúng mình có e ngại tới vấn đề này. Mạng xã hội luôn là con dao hai lưỡi, nó có thể biến bạn trở thành ngôi sao sau một đêm nhưng cũng có thể đẩy bạn xuống đáy cuộc đời. Chúng mình may mắn được khán giả yêu mến nhờ ca khúc “bao tiền một mớ bình yên?” và cho tới tận bây giờ, họ chỉ biết tới ca khúc này chứ cũng không biết bọn mình là ai, nên chúng mình cũng chưa tới được “độ nở” để phải quá lo sợ ngày tàn. Chúng mình chỉ đang sống với âm nhạc và cống hiến cho khán giả để chờ một ngày được đông đảo công chúng biết tới hơn.
Vậy để thực hiện điều đó thì những dự định sắp tới của các bạn là gì?
Trong năm nay, chúng mình vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy quảng bá cho album này để mang âm nhạc tới nhiều với khán giả hơn, có thể là bằng những buổi diễn thương mại, liveshow, fansign... Bên cạnh đó, 14 Casper cũng vẫn sẽ thử sức trong những sản phẩm âm nhạc với các nghệ sĩ khác, có một dự án rất đáng hứa hẹn nhưng mình chưa thể bật mí ngay bây giờ.
Bon Nghiêm cũng sẽ có một bài hát đánh dấu lần đầu tiên hợp tác với một cây viết khác ngoài 14 Casper. Bạn nhạc sĩ này cũng có bản hit lớn trong năm 2022 vừa qua, đứng top trending này kia, nên tôi cũng mong cho sự hợp tác này được thuận lợi và là trải nghiệm đáng nhớ cho riêng Bon Nghiêm.