"Founderitis": Hội chứng có thể giết chết các công ty khởi nghiệp trên đà tăng trưởng
Founderitis hay "hội chứng nhà sáng lập", bắt nguồn từ xu hướng những người sáng lập cho phép cái tôi và đích đến về di sản lấn át sự thịnh vượng của công ty cũng như hạnh phúc và năng suất của nhân viên.
Vấn đề này thường phát sinh trong môi trường khởi nghiệp, đặc biệt là sau khi một công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Những người sáng lập là những người ban đầu không thể thiếu trong mọi quyết định và quy trình, tuy nhiên, khi công ty ngày càng phát triển, họ thường phải đấu tranh để từ bỏ quyền lực và điều chỉnh các quy trình, hệ thống phân cấp và mục tiêu tổ chức của họ cho phù hợp với điều kiện mới.
Có nhiều biểu hiện của hội chứng này, một trong số đó bao gồm việc ra quyết định chuyên quyền, quản lý vi mô đầy ám ảnh, hoang tưởng, chủ nghĩa thân hữu (hành vi thiên lệch trong việc giao công việc và các lợi thế khác cho bạn bè hoặc đồng nghiệp đáng tin cậy) không thể tin tưởng các chuyên gia được thuê nếu ý kiến của họ mâu thuẫn với ý kiến của người sáng lập, thậm chí ngay cả khi người sáng lập thiếu chuyên môn trong lĩnh vực đó.
Hội chứng người sáng lập là một thuật ngữ phổ biến chỉ những khó khăn mà các tổ chức phải đối mặt khi người sáng lập duy trì quyền lực và những ảnh hưởng không cân xứng...
Mặc dù đây là hội chứng đã nổi lên như một vấn đề ở mọi loại hình công ty, nhưng các trường hợp này đặc biệt phổ biến trong thế giới của các tổ chức phi lợi nhuận, nơi những người sáng lập bắt đầu coi mình là... nhân vật cứu tinh. Khi một cá nhân xuất hiện để làm lu mờ hình ảnh công chúng của người sáng lập và đe dọa chiếm đoạt vai trò được coi là “vị cứu tinh” của họ, phản ứng của người sáng lập là tìm cách làm suy yếu hoặc loại bỏ người này.
Một nghiên cứu tiết lộ rằng 70% số người được hỏi cho rằng những người sáng lập có quyền sở hữu quá mức đối với tổ chức của họ. Một ví dụ đáng chú ý là người đồng sáng lập WeWork và cựu Giám đốc điều hành Adam Neumann, người đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì quyền kiểm soát mất cân bằng của mình.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng chỉ 45,6% công ty do người sáng lập lãnh đạo tổ chức các cuộc họp hàng tháng, so với 60,3% ở các công ty do người không phải là người sáng lập lãnh đạo, cho thấy khả năng thiếu minh bạch và hợp tác trong các tổ chức do người sáng lập lãnh đạo.
Tiến sĩ Noam Wasserman, giáo sư lâu năm của Trường ĐH Harvard, cho rằng vấn đề nan giải mà các nhà sáng lập phải đối mặt là trở nên “giàu có” và chứng kiến công ty phát triển thịnh vượng, hay nói cách khác là trở thành “vua” và duy trì quyền kiểm soát tuyệt đối. Ông tin rằng những điều này hoàn toàn trái ngược nhau. Có những lãnh đạo trẻ luôn nói những điều như, “Tôi sẵn sàng trao quyền kiểm soát cho đúng người vào đúng thời điểm”. Tuy nhiên, thực tế là “đúng người” không tồn tại và “đúng thời điểm” không bao giờ đến.