Love & Life

Yêu bản thân thế nào cho đúng và đủ?

Chưa bao giờ người ta nói nhiều như vậy về khái niệm “self-love” hay “self-care” như thời điểm đại dịch toàn cầu khi âu lo, căng thẳng, mất cân bằng trở thành phần xấu xí quen thuộc của cuộc sống thường ngày; nhưng bạn có chắc mình đang thực hành nó đúng và đủ?

Bạn chỉ có một cơ thể và một tâm hồn để yêu thương

Vào thời điểm giữa tháng 5 năm 2020, khi cơn đại dịch đang trên đà càn quét đến từng ngóc ngách thế giới, Google công bố từ khóa được quan tâm nhất không gì khác chính là “self-care”. Ở thời đại khi người ta tìm đến google cho mọi câu hỏi, mọi cuộc tìm kiếm, một từ khóa được lặp đi lặp lại hàng tỉ lần trên mạng internet nói lên rất nhiều về sự đổi hướng trong suy nghĩ của phần đông dân số thế giới: không phải sự thành công trong công việc, không phải những tin tức ngôi sao này đi ăn gì, ngôi sao kia đi nghỉ mát ở bãi tắm nào, càng không phải những thông số ngày càng chứng minh COVID chính là một trong những cơn đại dịch tàn khốc nhất lịch sử nhân loại; mà là cách để ta yêu thương chính mình.

Self-Care.jpg

Sức khỏe tinh thần và thể chất thường là hai phạm trù tách rời, nhưng trên thực tế, chúng đều là phần cấu thành nên con người, chúng có sự liên kết tinh vi đến mức, đối diện với một cơn stress kinh niên có thể khiến bạn trải nghiệm những triệu chứng thể chất như đau lưng hay đau dạ dày. Và chỉ đến khi mắc kẹt trong bốn bức tường ngày này qua tháng khác thay vì những tiếng ồn ào của một đời sống đô thị vận hành bình thường, khi những kết nối với con người giới hạn đến phạm vi chiếc máy tính nối mạng và tín hiệu chập chờn thay vì những cuộc giao thiệp xã hội liên tục, khi sức khỏe là tâm điểm và mối lo của bất cứ ai… người ta mới nhận ra ai cũng chỉ có một cơ thể và một tâm hồn để sống cùng và yêu thương. Nhưng không ngẫu nhiên, khái niệm “self-love” và “self-care”đã được nhắc đến từ rất lâu trước đó, thậm chí trở thành một cuộc vận động lan khắp phương tiện thông tin từ ấn phẩm cho đến mạng xã hội.

Những lầm tưởng về “self-care”

Theo tổ chức y tế thế giới WHO, “self-care” là “khả năng của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần và ngăn chặn bệnh tật.” Khả năng tự chăm sóc chính mình là yếu tố quan trọng nhất giúp mỗi người chống lại những yếu tố căng thẳng không tránh khỏi, đáng tiếc là trên thực tế, khái niệm này đang ngày càng biến thiên đến mức nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng rất nhiều người lầm tưởng về tính hiêu quả cũng như cách thực hành nó. Harris Poll chỉ ra 44% người tin rằng self-care là thứ gì đó xa xỉ chỉ những người có đủ thời gian mới có thể áp dụng, trong khi 35% khẳng định chỉ người có điều kiện tài chính mới chi trả được cho hoạt động tự chăm sóc chính mình.

selfcar.jpg

Lầm tưởng phổ biến thứ hai về self-care đến từ suy nghĩ mình cần phải “sửa chữa” bản thân thành thực thể hoàn hảo, ở đó không có chỗ cho sự lười biếng, thụ động hay trì hoãn, tất nhiên người được hưởng lợi từ suy nghĩ này không phải bạn mà là cả ngành công nghiệp từ thực phẩm giảm cân cho đến ứng dụng điện thoại giúp tăng hiệu quả làm việc, từ công cụ luyện tập thể dục cho đến những chuyến nghỉ dưỡng xa xỉ.

(Mindful.org)
(Mindful.org)

Hoặc trái ngược, nhiều người coi trọng tâm của self-care là chính bản thân, làm thế nào để mình thư giãn nhất, vui vẻ nhất thay vì hướng đến kiến tạo một cuộc sống cân bằng giữa sự tương tác của bạn với xã hội vận động xung quanh, hay thúc ép bản thân đến mức căng thẳng để cuối cùng cũng có thể gạch khỏi danh sách những việc bạn nhất định phải làm để khiến mình cảm thấy tốt hơn: phải đi tập yoga, phải học một điều gì đó mới, phải đặt bản thân lên hàng đầu…

Yêu bản thân thế nào cho đúng và đủ?

Tạm quên những thay đổi lớn lao, chính những thói quen nhỏ bé được thực hiện đều đặn mới là chìa khóa mang lại sự cân bằng và tích cực. Hiểu được bản thân là tổng thể cấu thành của thể chất, tinh thần và tương tác xã hội chính là bước tiền đề cho một một kế hoạch “self-care” phù hợp.

Chăm sóc bản thân về mặt thể chất bao gồm cách bạn lựa chọn thực phẩm hàng ngày, lượng thời gian cho giấc ngủ, hoạt động thể chất nào phù hợp với thể trạng và khả năng của bạn cũng như chú tâm đến việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát.

Self-Care-Habits-Happy-Women-6.jpg
(The Glitter Guide)

Sức khỏe tinh thần chỉ được cải thiện khi bạn hình thành thói quen lành mạnh để đối phó với những cảm xúc tiêu cực hàng ngày như giận dữ, âu lo và buồn bã, điều này đòi hỏi khoảng thời gian bạn thực sự kết nối với cảm xúc bản thân, hoặc thông qua ghi chép nhật kí, hoặc trò chuyện với bạn bè, người đáng tin cẩn.

(Maia Boakye)
(Maia Boakye)

Tương tác xã hội được các nhà khoa học chứng minh chính là chìa khóa của self-care, bởi những mối liên kết thân cận có thể tác động không ngờ đến sức khỏe thể chất và tinh thần, dù đó là mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp hay người thân trong gia đình. Mối quan hệ xã hội tuy quan trọng nhưng lại thường bị bỏ bê bởi sự bận rộn và thụ động, vì thế việc nhìn nhận mình cần những mối quan hệ xã hội nào và dành thời gian củng cố chúng thay vì ưu tiên vào quá nhiều những mối quan hệ xã giao chính là bước khởi đầu.

Vân Anh

Tags

Recommended posts for you