Tiết kiệm hơn, sống bền vững hơn qua 7 thói quen của thế hệ người Việt đi trước
Lối sống cần kiệm của người Việt Nam có truyền thống lâu đời và là một đức tính điển hình. Chẳng cần học đông học tây, chúng ta có thể học ngay từ chính phụ huynh của mình. Họ khuyên nhủ chúng ta nên tiết kiệm ngay khi có thể như “cần cù bù thông minh”, “năng nhặt chặt bị”, “tích cốc phòng cơ”, “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Hay những lời cảnh báo chi tiêu hoang phí, xa hoa như “vung tay quá trán”, “bóc ngắn cắn dài”… sẽ để lại hậu quả lâu dài. Họ tin rằng lối sống tiết kiệm sẽ giúp bạn sống tốt hơn trong tương lai.
Hãy cùng nhìn lại và học hỏi 7 thói quen tiết kiệm, sống bền vững của thế hệ phụ huynh chúng ta.
1. Ăn chắc mặc bền
Tư duy ăn chắc mặc bền dù xuất phát từ thời gian khó, tiền bạc không dư dả buộc mọi người phải cân nhắc kĩ lưỡng khi mua sắm, thậm chí lựa chọn đồ “nồi đồng cối đá”. Tuổi thọ thì có thể kéo dài tới 10 năm, 20 năm. Ăn chắc mặc bền không có nghĩa là chi tiêu hà tiện, mà ý nghĩa thực sự ở đây là bạn cần suy nghĩ thật kĩ về món đồ đó trước khi mua. Ví dụ như thế hệ phụ huynh chúng ta thích mua nội thất bằng gỗ thịt hơn là gỗ công nghiệp vì độ bền của chúng.
Ngày nay, mặc dù kinh tế dư dả hơn, nhưng lại kéo theo thói quen tiêu dùng quá nhanh chóng. Mua một chiếc máy hút bụi đắt tiền nhưng nếu chỉ dùng một hai lần trong năm cũng có thể bị coi là lãng phí, hoặc mua chiếc váy đẹp rẻ tiền, chất liệu kém chạy theo mốt thị trường nhưng vòng đời lại chỉ được vài tháng cũng là một sự hoang phí khác.
2. Không vung tay quá trán
Về thói quen chi tiêu, phụ huynh dặn dò chúng ta cần sống “vừa phải”, tiêu không nên vượt quá thu. Nếu vung tay quá trán một cách thường xuyên sẽ biến thành một thói quen xấu với tiền bạc, ham muốn trở nên vô tội vạ. Đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn, tâm lý dè sẻn trong chi tiêu cần được nâng cao vì những trường hợp bất ngờ có thể xảy như thất nghiệp hay người thân bị mất sức lao động. Hãy nghĩ tới những trường hợp xấu nhất khi bạn không kiếm được tiền trước khi vung tay quá trán.
3. Không bỏ sót đồ ăn thừa
Thế hệ trẻ chúng ta đã quá quen thuộc với những bữa cơm đầy đủ, muốn ăn gì có nấy, hàng Việt hàng nhập ngoại đều không thiếu. Thậm chí đồ ăn thừa bỏ đi cũng không tiếc. Cũng chính vì vậy mà chúng ta quên mất lối sống rất bền vững của thế hệ trước. Họ không bao giờ bỏ sót bất kì đồ thừa nào khi nấu ăn, từng cọng lá, vỏ cây, nước gạo thừa…. có thể dùng để chế biến phân bón hữu cơ cho cây cối. Với cách này, không chỉ tiết kiệm mà còn rất tốt cho cây cối, ít khi bạn phải dùng tới phân bón vô cơ.
Đồ ăn thừa sau bữa ăn có thể cho chó, mèo, lợn gà ăn. Chỉ mới hơn chục năm trước thôi, các gia đình Hà Nội vẫn thường hay có một thùng nước gạo. Đồ không ăn được người ta đổ vào thùng, rồi sẽ có người đến lấy chở đi nuôi lợn. Cái nếp tiết kiệm rất hay, rất đẹp.
4. Sử dụng lá để bọc thực phẩm
Gần đây, việc sử dụng những chiếc lá để bọc rau, bọc thịt đang trở thành xu hướng ở các chợ, các siêu thị. Nhưng lá bọc và gói thực phẩm đã có truyền thống lâu đời trong ẩm thực của người Việt.
Từ xưa, ông bà chúng ta đã gói thực phẩm bằng những chiếc lá tươi để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn giúp bảo vệ và đảm bảo an toàn thực phẩm. Rất nhiều món của Việt Nam được bọc bằng lá từ cốm tươi, các loại bánh truyền thống như bánh nếp, bánh tẻ, bánh bột lọc … cho tới những gói xôi được bọc cẩn thận bằng lá chuối.
Ngày nay, những chiếc lá tươi đẹp mắt hơn, thân thiện với môi trường hơn so với những chiếc túi ni lông tiếp tục trở thành xu hướng của lối sống bền vững.
5. Sử dụng túi thân thiện với môi trường để đi chợ
Đã có một thời mấy cô đi chợ, trên tay ai cũng xách chiếc giỏ đệm bằng cỏ bàng, lớn hay nhỏ tùy theo việc ra chợ mua đồ nhiều hay ít. Thói quen dần thay đổi với sự xuất hiện của những chiếc túi ni lông tiện dụng hay chiếc giỏ nhựa Trung Quốc. Chúng ta dần quen với việc mỗi lần mua hàng đều được cung cấp túi ni lông mà dần bỏ quên thói quen mang túi xách/ giỏ đi chợ.
Mang những chiếc túi làm từ chất liệu thiên nhiên như cỏ bàng, mây, tre… vừa thẩm mỹ lại vừa hạn chế được tiêu dùng quá nhiều túi ni lông.
6.Thói quen xài khăn tay
Sự tiện lợi của những chiếc khăn giấy đã làm lu mờ đi thói quen dùng khăn tay rất thanh lịch của người Việt, mà ngày xưa chúng ta vẫn hay gọi là khăn “mùi xoa”. Thửa xưa ai cũng có một chiếc khăn cho riêng mình, đặc biệt là chúng được các bà, các mẹ thêu tên hoặc một hình vẽ lên để đánh dấu đó là những “Chiếc khăn tay mẹ may cho em, trên cành hoa mẹ thêu con chim….”
Đặc biệt vào mùa hè, những chiếc khăn tay trở nên hữu ích hơn bao giờ hết ở xứ nóng như Việt Nam. Việc dùng khăn tay cũng hạn chế rác thải từ khăn giấy, ảnh hưởng tới môi trường. Tại Nhật, việc dùng khăn tay vẫn được duy trì như một nét đẹp văn hoá và khuyến khích tiết kiệm giấy tại các nơi công cộng.
7. Mạng vá quần áo
Mạng vá quần áo xưa kia được xem là một nghề truyền thống phổ biến của Hà thành. Khi những bộ quần áo bị rách hoặc sờn vải, mọi người sẽ nghĩ đến việc sửa chữa chúng chứ không bỏ đi. Người không có điều kiện thì sẽ may những miếng tích-kê đè lên chỗ rách, còn những người nhà giàu sẽ đem đi mạng quần áo. Thời xưa ai cũng ít nhất một lần mặc trên mình những bộ quần áo có miếng tích-kê và thế là bình thường.
Những bộ quần áo đắt tiền nếu bỏ đi chỉ vì một lỗi hỏng sẽ rất đáng tiếc, nhưng qua tay những nghệ nhân mạng vá quần áo điêu luyện, chúng sẽ trở lại như cũ. Hiện chỉ còn rất ít người làm nghề mạng vá quần áo, như gia đình bà Hồng tại phố cổ Hà Nội. Tuy vậy, tư duy “sửa chữa” đồ trước khi bỏ chúng đi vẫn là một thói quen tốt.