“No phone zone": Không gian “không điện thoại" cứu cánh cho cơn nghiện thời đại số?
Câu chuyện từ chiếc điện thoại tới bàn ăn
Tôi có hẹn với người bạn cũ tại quán cà phê. Tôi có những bữa ăn hàng tối bên gia đình, đó là thời gian duy nhất trong ngày mà cả gia đình ngồi xuống cùng nhau, “tám” chuyện trong ngày và kết thúc với đĩa hoa quả là lời kết cho buổi tối ấm cúng. Thời những năm 2000, điện thoại chỉ là chiếc máy nghe - gọi được bỏ xó cho đến khi có cuộc gọi phải khẩn thiết lắm. Nó nằm ở một vị trí nào đó mà tôi chẳng để ý, với tất cả ưu tiên cho cuộc đối thoại trên bàn của chúng tôi và những món ngon trước mặt.
Nếu để so sánh, điện thoại thông minh là một thứ viễn tưởng như cánh cửa đi xuyên thời gian và không gian, xuất hiện trong đời thường và dần trở thành bình thường. Từ đó, trên bàn, thay vì trò chuyện như mục đích ban đầu, thì chúng tôi có thêm sự xuất hiện của một thành viên nữa, là chiếc điện thoại thông minh, cho phép tôi trò chuyện với bất cứ ai tôi muốn, cập nhật thông báo mới từ mạng xã hội,.. Trên mạng xã hội, cuộc sống của tôi thật sôi động, đầy ắp thông báo mới. Nó chỉ lặng im trên chiếc bàn ăn.
Hệ luỵ từ “người bạn" thông minh
Sự cúi đầu, im lặng và những tương tác ảo. Càng dành thời gian bên chiếc điện thoại, tôi nhận ra càng ít cuộc trò chuyện thật sự, tiếng nói mà tôi nghe bên tai càng ít đi. Điều này trở thành xu hướng bởi tại không gian công cộng, trên đường hay trong quán xá, thay vì nhìn đường hay đối diện để trò chuyện với nhau, mọi người cũng nhìn chằm chằm vào điện thoại của mình. Cụm từ “cắm mặt" vào điện thoại trong tiếng Việt, thì cũng đã xuất hiện từ lâu thuật ngữ “text neck" tiếng Anh, hệ quả đau nhức cổ khi hành động “cúi đầu lướt điện thoại” trở nên lâu dài và phổ biến toàn cầu.
Vì thế, câu hỏi được đặt ra là: Việc sử dụng điện thoại thông minh có tác động đến tương tác xã hội như thế nào? Mọi người đang tận hưởng khoảng thời gian “thực" với nhau ra sao, bên cạnh những hấp dẫn “ảo” trên mạng?
Lời giải đáp chỉ mất có 0.8 giây để hiện ra cùng với những thí nghiệm thú vị, đó là lúc tôi cần cảm ơn chiếc điện thoại thông minh này:
Đặt smartphone trên bàn khi giao tiếp dễ gây mất tập trung, từ đó giảm nỗ lực giao tiếp xã hội.
“Điện thoại tạo ra sự khác biệt. Sự khác biệt đó đủ nhỏ để bạn bỏ qua và không nhận ra cách nó đang thay đổi, chi phối trải nghiệm của bạn một cách tinh vi trong các tương tác xã hội". - nhà nghiên cứu tâm lý Elizabeth Dunn đúc kết xu hướng này trong một công bố khoa học của cô. Cũng trong công bố khoa học này của Dunn, trong một thí nghiệm với 300 người về sự có mặt của thiết bị công nghệ trên bàn ăn, những người có điện thoại sẽ ít thích trò chuyện, tương tác mặt đối mặt hơn so với những người không cầm điện thoại.
Lướt ngón tay trên điện thoại trở thành thói quen dễ nghiện.
Sự cập nhật và các thông báo từ mạng xã hội khiến mọi người có xu hướng xem nhiều, đọc lướt. Sự thôi thúc lướt thông tin cùng những cử động quen thuộc của tay, mắt khiến việc điện thoại như một kiểu nghiện thời đại số và việc dẹp bỏ cơn nghiện này kèm theo những cám dỗ là không dễ. Cảm giác bứt rứt, khó chịu thực sự sẽ diễn ra khi bạn đã quen lướt smartphone, và rồi không có nó. Ngay trong khi Dunn tiến hành nghiên cứu, chính cô cũng bị cám dỗ để trả lời tin nhắn ngay tại bàn, điều làm đứt “mạch" một cuộc giao tiếp.
Gợi ý “công thức" dùng điện thoại trên bàn ăn
-
Tạo thói quen về giờ giấc khi sử dụng điện thoại thông minh.
Bạn hãy tự đặt khoảng thời gian thích hợp được phép sử dụng smartphone, bằng cách dùng chức năng giới hạn thời gian (nếu có trên máy), và đặc biệt không vi phạm vào thời gian chia sẻ trên bàn ăn, nếu bạn tôn trọng người đối diện. Việc giao tiếp, chia sẻ thực cũng giúp bạn hiểu mọi người xung quanh và hiểu chính mình hơn, tăng cảm giác hạnh phúc và tạo nên tiền đề cho một thói quen tốt.
-
Nâng cao trải nghiệm xã hội nhờ hiệu ứng domino.
“Sử dụng điện thoại thông minh là một hành động có tính lây lan". Nghĩa là, mọi người có xu hướng cầm điện thoại lên nếu người xung quanh họ cũng đang làm như vậy. “Bằng cách cất điện thoại đi, bạn đang tạo một hiệu ứng domino tích cực tới không gian xung quanh mình”.