Love & Life

Hội chứng "Golden Child" - Những đứa trẻ lớn lên trong sự kỳ vọng quá mức của bố mẹ

Khi được dạy dỗ để trở thành niềm tự hào của gia đình, những đứa trẻ mắc hội chứng "Golden Child" thường phải gồng mình giữ hình tượng, như thể sự yêu thương họ nhận được phụ thuộc hoàn toàn vào điều đó.

formal wear suit adult male man person dress hand face head

"Đứa trẻ vàng" (Golden child) thường được ví von như khái niệm đối lập của "Cừu đen" (Black sheep). Trái ngược với hình ảnh bị cho là dị biệt, bất truân của những chú cừu đen, những đứa trẻ vàng thường được ca ngợi và là niềm tự hào của cả gia đình. Bạn có thể dễ dàng liên hệ với nhân vật Yoo Jae Yi (do Hyeri thủ vai) trong bộ phim Friendly Rivalry đang gây sốt thời gian gần đây. Từ nhỏ, cô đã chịu kỳ vọng khắc nghiệt từ cha, luôn bị so sánh với chị gái dù có nhiều năng khiếu bẩm sinh. Và từ một đứa trẻ luôn bị coi thường, dè bỉu, cô đã lao vào học tập để trở thành "Golden child" trong gia đình, bất chấp những hệ lụy tổn thương tâm lý trong quá trình theo đuổi sự hoàn hảo.

Dưới đây là ba dấu hiệu dễ nhận thấy về những ai có hội chứng “đứa trẻ vàng”:

person student female girl teen adult woman suit face head

Mối quan hệ mâu thuẫn với anh chị em

Những “đứa trẻ vàng” có thể không nhận ra sự thiên vị của cha mẹ khi lớn lên, nhưng anh chị em của họ thì có. Cảm giác bị lép vế tích tụ thành sự oán giận, ganh đua, ngay cả khi họ chẳng hề cố ý. 

Một nghiên cứu được công bố trên The Family Journal cho thấy trẻ em có thể vô tình bị đẩy vào những vai trò khác nhau trong gia đình, chẳng hạn như “anh hùng”, “vật tế thần”, “đứa trẻ lạc lõng”, “linh vật”, “người chăm sóc” hoặc “kẻ chủ mưu”. Những vai trò này thường là hệ quả của sự bất ổn trong gia đình, và chúng có thể định hình mối quan hệ giữa anh chị em ngay cả khi họ đã trưởng thành.

Nếu bạn từng cảm thấy xa cách với anh chị em, có thể một phần do sự thiên vị trong gia đình. Họ có thể nghĩ bạn là con cưng, trong khi bạn lại phải gánh áp lực phải luôn hoàn hảo. Ví dụ, đứa trẻ bị xem là “vật tế thần” thường cảm thấy thua kém, luôn so sánh mình với anh chị em “hoàn hảo”. Ngược lại, “đứa trẻ vàng” đôi khi cũng bị cuốn theo góc nhìn của cha mẹ, trách móc “vật tế thần” vì những vấn đề trong gia đình. Cả hai đều bị đặt vào những vai trò không ai muốn, trong một câu chuyện mà chẳng ai thực sự thắng.

Nếu bạn lớn lên với áp lực phải hoàn hảo, có thể bạn đã vô thức xa cách anh chị em, sợ rằng cha mẹ sẽ thất vọng nếu mình yếu đuối hoặc gần gũi với người ít được yêu thương hơn. Và khi trưởng thành, những rạn nứt này có thể theo bạn suốt đời.

Tâm lí bắt buộc làm hài lòng người khác

Trái với suy nghĩ của nhiều người, làm “đứa trẻ vàng” không chỉ là một đặc quyền mà còn là một cơ chế sinh tồn. Những đứa trẻ này sớm hiểu rằng nếu đánh mất sự ưu ái của cha mẹ, chúng có thể dễ dàng bị đẩy vào vị trí “vật tế thần”.

Thoạt nhìn, điều này có vẻ ích kỷ, nhưng thực chất là một phản ứng tự vệ. Trong một gia đình không dễ thoát ra, trẻ em thường tìm cách duy trì sự yêu thương. Với “đứa trẻ vàng”, điều đó có nghĩa là luôn làm hài lòng cha mẹ, ngay cả khi chúng gây tổn hại đến bản thân. Lâu dài, thói quen làm hài lòng người khác hình thành, kéo dài đến tận khi trưởng thành. Những đứa trẻ này học được rằng tình yêu thương và sự chấp nhận đi kèm với điều kiện, buộc chúng phải liên tục đáp ứng kỳ vọng nếu muốn giữ vững vị trí của mình.

Về bản chất, “đứa trẻ vàng” chọn cách ít gây sóng gió nhất trong một gia đình đầy bất ổn. Nhưng việc kìm nén cảm xúc để đáp ứng kỳ vọng có thể dẫn đến sự ức chế, thậm chí là trầm cảm.

Nỗi sợ thất bại 

Hầu hết các chuyên gia nuôi dạy con đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự khích lệ trong việc xây dựng lòng tự trọng lành mạnh cho trẻ. Tuy nhiên, ngay cả điều tích cực cũng có thể phản tác dụng nếu thực hiện quá đà. Khi một đứa trẻ được đặt lên bệ đỡ với những kỳ vọng không thực tế, áp lực sẽ thay thế cho sự tự tin.

Việc khen ngợi thành tựu của con là cần thiết, nhưng dạy chúng chấp nhận thất bại cũng quan trọng không kém. Những bậc cha mẹ xem thất bại là điều đáng xấu hổ vô tình khiến con cái phát triển một tư duy cố định - nơi mà chúng phải chiến thắng bằng mọi giá. 

Khi trở thành tiêu chuẩn vàng trong gia đình, bạn sẽ không có nhiều chỗ cho sự thất bại - và theo đó, cũng không có nhiều không gian để phát triển. Không có đứa trẻ nào là hoàn hảo, nhưng đứa trẻ vàng lại lớn lên với niềm tin rằng mình phải như vậy, vì đó là kỳ vọng đã được áp đặt lên chúng. Khi cuộc sống không diễn ra như kế hoạch, tư duy này có thể khiến chúng cảm thấy mất phương hướng và suy sụp.

Nếu bạn thấy mình liên hệ với những trải nghiệm này - và quan trọng hơn, với danh hiệu “đứa trẻ vàng” - hãy nhớ rằng không điều gì trong số này là lỗi của bạn. Bạn chưa bao giờ yêu cầu được đặt lên bệ đỡ, và những nhãn mác được gán cho bạn không phải trách nhiệm của bạn. Ngoài ra, nếu những động lực này đã ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bạn với anh chị em ruột hay các thành viên khác trong gia đình, việc hàn gắn cần đến sự trung thực, thấu hiểu và thời gian.

Quan trọng nhất, thoát khỏi danh hiệu “đứa con vàng” không có nghĩa là từ bỏ bản thân, mà là định nghĩa lại giá trị của bạn ngoài những thành tựu và sự công nhận từ người khác. Khi trưởng thành, bạn có quyền bước xuống khỏi bệ đỡ đó và tìm ra chính mình - một cách chân thực, với lòng trắc ẩn và cảm giác tự do mà bạn xứng đáng có được.

Ảnh: Allure

Recommended posts for you