Năm mới, hiểu về động lực nội sinh và động lực ngoại sinh để cải thiện chất lượng sống
Có rất nhiều lí do để chúng ta làm một việc cụ thể nào đó. Những lí do này là động lực thúc đẩy chúng ta hoàn thành chúng. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng có hai kiểu động lực khác nhau ảnh hưởng lên hành vi và cách mà ta theo đuổi mục tiêu: động lực từ bên trong (động lực nội sinh) và động lực từ bên ngoài (động lực ngoại sinh).
Hiểu hơn về cơ chế hoạt động của hai kiểu động lực này sẽ giúp bạn cải thiện cuộc sống và tăng năng suất làm việc.
Động lực nội sinh là gì?
Chúng ta thường nhắc đến động lực nội sinh như những nhân tố tự nhiên khiến ta theo đuổi các hoạt động mang lại niềm vui, phấn khởi và hài lòng.
Những thúc đẩy căn bản nhất như cơn đói, cơn khát, giấc ngủ cũng thuộc kiểu động lực nội sinh để một người hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, một số người cũng theo đuổi nhiệm vụ cụ thể việc đơn giản vì mong muốn trải nghiệm mang tính yêu thích hay thẩm mỹ, ví dụ như sở thích, đam mê.
Những ví dụ về động lực nội sinh:
- Học tập bởi vì bạn tận hưởng quá trình tiếp thu kiến thức, thay đổi bản thân và mở rộng tầm nhìn chứ không phải vì điểm số hay bằng cấp.
- Theo đuổi một sở thích như vẽ tranh, đánh đàn piano, cắm trại, du lịch… đơn giản là để trải nghiệm niềm vui và tính thẩm mỹ.
- Làm việc thêm ngoài giờ, nhận thêm nhiệm vụ ngoài công việc chính được giao vì muốn cải thiện kĩ năng làm việc chứ không phải thu hút sự chú ý từ cấp trên.
Động lực ngoại sinh là gì?
Động lực ngoại sinh là khi một người được thúc đẩy tham gia vào một hoạt động vì họ muốn đạt được một phần thưởng hoặc muốn tránh bị phạt.
Bạn làm những việc này không phải vì bạn thích hay cảm thấy vui. Vì bạn cảm thấy không hứng thú nên bạn sẽ làm vì những phần thưởng. Tiền bạc, sự tán thưởng, và danh tiếng là ví dụ về những phần thưởng phổ biến sẽ tạo động lực lớn cho bạn.
Những ví dụ về động lực ngoại sinh:
- Tham gia lớp học đều đặn vì muốn đạt điểm chuyên cần cao
- Làm việc nhà để lấy lòng vợ trước khi ngỏ ý đi xem chung kết Euro 2021 với bạn bè qua đêm
- Làm công việc mà mình không thích để có thu nhập ổn định và trả tiền hoá đơn hàng tháng
Cải thiện năng suất làm việc thông qua thúc đẩy động lực
Trong công việc, không có động lực nào nổi bật và quan trọng hơn loại còn lại. Chúng ta cần cả hai để duy trì hiệu suất làm việc tốt. Dưới đây là một vài gợi ý để phát triển cả hai động lực ngay tại nơi làm việc.
Môi trường thúc đẩy nội tại
Loại động lực nội sinh được coi là khó để thực hiện hơn, bởi vì chúng cần xuất phát từ chính những khát khao bên trong của mỗi người và cần nhiều thời gian để khám phá, phát triển. Tuy nhiên theo Daniel Pink, tác giả cuốn sách bán chạy nhất “Drive” đã gợi ý rằng nên tập trung vào 3 đặc tính nội tại có ảnh hưởng lớn tới năng suất làm việc:
- Tự chủ (autonomy): là những mong muốn được làm chủ cuộc đời của mình
- Thành thục (mastery): là những mong muốn được cải thiện liên tục trong một lĩnh vực quan trọng với bản thân
- Mục đích (purpose): là những mong muốn được làm việc lớn hơn chính chúng ta
Một môi trường làm việc tập hợp cả 3 đặc tính trên cho phép và thúc đẩy quyền tự chủ của nhân viên, thúc đẩy học tập và phát triển của nhân viên, môi trường theo đuổi mục đích và ý nghĩa và đưa ra những phản hồi (feedback) giúp nhân viên cải thiện trong quá trình làm việc và phát triển sự nghiệp sẽ thúc đẩy năng suất làm việc cao hơn.
Bạn sẽ cần chủ động và lựa chọn một môi trường phù hợp với bản thân. Nhưng đồng thời hãy nghĩ về công việc và cách để cải thiện 3 đặc tính trên ngay tại nơi làm việc của bạn. Bạn cũng có thể trực tiếp trao đổi và yêu cầu những phản hồi tích cực từ những người sếp, đồng nghiệp để cải thiện chúng.
Các yếu tố ngoại sinh giúp khẳng định bản thân
Vậy khi phải đối diện với các nhiệm vụ mà bạn không thích thì sao? Chúng ta vẫn luôn phải làm hàng tá các công việc “bắt buộc” hàng ngày. Hoặc ngay cả khi bạn tìm được công việc mình yêu thích, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng biến mất trong cuộc sống của bạn. Cuộc sống là trò chơi cân bằng giữa những việc thích và không thích.
Khi này hãy nghĩ rộng hơn và điều chỉnh hành vi của mình. Bạn có thể chấp nhận rằng mình sẽ cần phải hoàn thành cả các công việc đó một cách tốt nhất. Hãy tìm ra lí do/ giá trị đổi lại bạn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đó mà không cảm thấy mất động lực. Trong thực tế, một số phần thưởng thậm chí còn giúp bạn tăng năng suất cao hơn cả những động lực nội sinh.
Một số cách bạn có thể thử đó là:
- Đề xuất được tăng lương, thăng chức khi kết quả làm việc của bạn thể hiện sự tiến bộ, xuất sắc
- Chủ động đề xuất được hưởng chế độ tốt hơn khi cảm thấy phù hợp
- Mạnh dạn đề nghị thời gian nghỉ ngơi hợp lý nhưng cũng giữ thái độ làm việc tích cực ngoài giờ khi công ty cần
- Cố gắng làm việc vì các phần thưởng nhưng cũng cần nghỉ ngơi hợp lý và có thời gian để khám phá các kỹ năng, hoạt động mà chỉ đơn thuần đem lại cảm giác hài lòng, thích thú cho bản thân