Moriko: "Những đứa con của rừng" và sợi linen bền vững
Với niềm tin và sự kiên định dành cho sản phẩm, bên cạnh tinh thần quả quyết làm theo cách riêng, Moriko đang từng bước chậm mà chắc, hình thành nên chỗ đứng trong lòng những người yêu lối sống tối giản, thích vải linen và những họa tiết thêu tay hình hoa mộc mạc, giản dị mà giàu sức sống như những "khu rừng" tự nhiên kia vậy.
“Be myself là một điều mình luôn nhắc nhở bản thân từ khi mới ra trường. Mình là duy nhất và không cần giống người khác. Tất nhiên lúc đó không chín chắn như bây giờ, cũng có nhiều hoang mang và hay so sánh. Bây giờ mình thay đổi nhiều rồi. Hình như ai cũng sẽ trải qua những giai đoạn như vậy. Từ từ rồi sẽ qua thôi”, đó là lời bộc bạch giản dị mà chân thành từ chị Hoàng An, người chủ và đồng sáng lập của thương hiệu Moriko.
Thái độ dịu dàng và tinh thần lạc quan từ tốn đó cũng là cách mà chị đã bước vào thời trang và xây dựng nên thương hiệu Moriko, một điều mà chị tự hào đã "tìm thấy" và phát triển đúng với tính cách và chất riêng của mình.
Chị đến với thời trang linen như thế nào?
Cách đây 4 năm, mình có mở một thương hiệu áo cưới cùng một người bạn. Chúng mình hoạt động khá hiệu quả thời gian đầu nhưng càng về sau, sự khác biệt trong phong cách sống của hai người dẫn đến hai định hướng khác nhau cho doanh nghiệp nên mình quyết định dừng lại. Đối với mình, làm thời trang áo cưới có gì đó hơi fancy (hào nhoáng) không giống tính cách bản thân lắm nên mình đi tìm cái riêng. Và mình tìm thấy linen. Từ đó đến nay, mình chỉ tập trung vào phát triển thời trang linen.
Và thương hiệu Moriko đã ra đời sau đó?
Đúng vậy. Lúc mình vừa nghỉ làm áo cưới thì tình cờ gặp lại một người bạn cũng có tình yêu với thời trang. Bạn ấy là mẹ đơn thân nên mình quyết định rủ bạn mở một thương hiệu thời trang, bắt đầu với quần áo em bé. Thời đó, thời trang cho bé bằng cotton xuất khẩu rất nhiều. Nhắm thấy khó cạnh tranh nên mình gợi ý bạn thử chất liệu linen. Kết hợp với khả năng thêu thùa của mình, chúng mình tạo ra những bộ trang phục rất khác so với thị trường mà không mất quá nhiều thời gian sản xuát. Sản phẩm bắt đầu được đón nhận nhưng lạ thay, người ta lại thích trang phục người lớn hơn là em bé. *cười*
Phong cách của Moriko trong trẻo và xinh xắn, gợi nhớ đến những bộ phim hoạt hình Ghibli Studio của Nhật Bản. Đó có phải là điều chị hướng đến?
Đúng vậy. Tên gọi "Moriko" cũng được lấy cảm hứng từ đó. "Moriko" có nghĩa là "những đứa con của rừng". Mình vốn rất yêu những khu rừng nên chọn nó làm tên cho thương hiệu. Bên cạnh đó, phong cách trang phục của Moriko cũng nhẹ nhàng, tươi mát giống như những khu rừng vậy. Lấy chất liệu chủ đạo là linen, toàn bộ những sản phẩm của Moriko đều được sản xuất thủ công, thân thiện với môi trường. Cả thiết kế của cửa hàng cũng hoàn toàn được làm bằng các vật liệu tự nhiên. Phía trước cửa hàng, chúng mình có trưng bày những cuộn chỉ linen từ tự nhiên đến khi đã qua các công đoạn xử lý. Điều đó giúp khách hàng hiểu hơn về chất liệu sản phẩm.
Dòng sản phẩm của Moriko đang đáp ứng cho những ai?
Moriko hướng đến những khách hàng có gu, yêu thích thủ công và yêu thích những chất liệu tự nhiên. Vì đồ thủ công giá sẽ cao hơn đồ sản xuất hàng loạt công nghiệp nên khách hàng của Mo cũng là nhóm khách có thu nhập. Tuy nhiên giá đồ của Mo so với thị trường vẫn rất dễ chịu cho cả những bạn đang là sinh viên hoặc mới ra trường, vì Mo muốn mọi người đều có thể tiếp cận với đồ thủ công chứ không chỉ những người có tiền.
Quá trình khởi nghiệp Moriko buộc chị đối mặt với những thử thách gì?
Mới bắt đầu sẽ luôn có khó khăn, từ việc chọn vật liệu sao cho chất lượng đến tuyển chọn thợ vì mình vốn là người siêu cầu toàn - luôn muốn khách hàng được hài lòng như bản thân mình khi đi mua một món đồ vậy. Có những lúc mình và bạn đồng hành phải tự tay làm mọi thứ từ lên mẫu, thêu, chụp hình, chạy quảng cáo,... Sau này, để hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp hơn, mình mới bắt đầu làm việc với các người mẫu và nhiếp ảnh gia và đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện sản phẩm bằng cách mở rộng thành các nhóm thợ may, thợ thêu. Mo dần định hướng hình ảnh tốt hơn và chất lượng sản phẩm cũng ổn định hơn trong quá trình phát triển.
Điểm tạo nên khác biệt cho thương hiệu Moriko là gì?
Chúng mình muốn đi theo hướng doanh nghiệp bền vững không chỉ về chất liệu mà còn trong cách kinh doanh. Chúng mình thường mời những người có hoàn cảnh khó khăn về làm thợ. Chặng hạn, thợ thêu chính của mình là một người phụ nữ bị chồng bạo hành và đang đơn thân nuôi hai con nhỏ. Chúng mình cũng kết hợp với những đồng bào dân tộc thiểu số, mua túi vải sản xuất thủ công của họ với giá tốt và giúp họ tiêu thụ sản phẩm.
Điều gì khiến chị lựa chọn linen, một chất liệu thô ráp và rất khó xử lý?
Đúng, linen là một chất liệu khá khó xử lý, bởi chúng không đủ mềm mại như lụa, không đủ màu sắc như các chất vải khác và cũng không co giãn tốt nên đòi hỏi cao hơn về mặt kỹ thuật. Nhưng mình đã thích linen từ lâu lắm mà không có lý do nào cụ thể, hoặc có lẽ vì sự mộc mạc, đơn giản của nó.
Khi có cơ hội lên vùng Tây Bắc và chạm tay vào những tấm vải linen, mình cảm nhận được những sợi chỉ xô lệch, không đều nhau, tạo nên vẻ lồi lõm rất tự nhiên, màu sắc sợi khi nhuộm tự nhiên bằng chàm, củ nâu,... trông cũng rất thú vị. Khi xem những bộ phim Hy Lạp ngày xưa, rất nhiều trang phục của thời ấy đều là linen đã khiến mình thấy rất hứng thú về sự có mặt rộng rãi và lâu đời của sợi lanh. Hay khi đi ra nước ngoài, mình thấy những người đàn ông và phụ nữ mặc linen đều trông rất phóng khoáng và khỏe khoắn.
Chị có nghĩ linen sẽ tiếp tục là xu thế của tương lai? Và tại sao chị lại lựa chọn làm thời trang bền vững?
Khi môi trường đang trở nên ô nhiễm hơn, biến đổi khí hậu trầm trọng hơn và chính nền công nghiệp thời trang đang góp phần lớn trong đó, con người dần có xu hướng sống chậm và lựa chọn những gì tự nhiên hơn. Có một điều mình chắc chắn rằng sợi tự nhiên được sản xuất hữu cơ, tốn ít nước và không dùng hoá chất trong quá trình canh tác sẽ là xu hướng chung mà thời trang thế giới hướng đến. Khi tất cả các nhãn hàng đều quan tâm đến điều này thì khách hàng cũng sẽ qua đó ý thức hơn về thói quen mua sắm của mình và có những lựa chọn đúng đắn.
Cách đây hai năm, khi mình và bạn đồng hành mới bắt đầu làm linen, người ta đã biết đến chất liệu này rồi. Chúng mình dự đoán nếu kiên trì một thời gian thì vài năm nữa, linen sẽ trở thành xu hướng thôi, và đúng như thế thật. Bây giờ mọi người rất quan tâm đến lối sống tối giản và thời trang bền vững. Cho nên, mình nghĩ chúng mình đang đi đúng hướng.
Ngày trước linen là một chất liệu mới. Nhưng hiện tại đã có rất nhiều thương hiệu làm về linen. Làm thế nào để chị cạnh tranh với thị trường?
Thật lòng mà nói, mỗi lần vào các nhóm chia sẻ về thời trang may thêu, mình đều cảm thấy rất thất vọng về cách làm việc và tư duy của đa số thành viên trong các nhóm, từ chủ shop nhỏ đến thợ may, thợ thêu. Có nhiều người sẵn sàng bắt chước mẫu của người khác từ màu sắc đến kiểu dáng, thậm chí có thể lấy mẫu của thương hiệu khác và hỏi một cách hồn nhiên "Có ai may được mẫu này không?" hoặc "Có ai nhận thêu mẫu này không?".
Chúng mình đã vài lần nói chuyện thẳng thắn với những shop nhỏ như vậy, nhưng số người xin lỗi thì ít, mà đa số mọi người đều lý luận ngược lại rằng Moriko không đăng ký bản quyền nên không có quyền ngăn họ sử dụng mẫu, và họ vẫn ngang nhiên lấy mẫu của mình để sản xuất và bán cho khách hàng với giá rẻ hơn. Nhận ra vấn đề phổ biến này, mình đành tiếp tục con đường riêng và mặc kệ những người muốn bắt chước, vì chúng mình tin rằng chỉ cần chăm chỉ làm ra những thứ của riêng mình thì họ sẽ luôn luôn đi sau mình.
Có khi nào chị cảm thấy bị hối thúc bởi thị trường và các đối thủ cạnh tranh không?
Mình nghĩ "chậm mà chắc" là cách của mình. Cứ từ từ mà đi thôi, đường của mình đâu có ai giành. Vả lại, chúng mình cũng có những nhóm khách hàng riêng trung thành - những người bạn, người quen, học viên mình từng đứng lớp,...
Có thể chiến lược PR của Moriko chưa thực sự phát huy hết mức, nhưng mình cứ làm theo cách của mình, không cần so sánh với ai hết. Mình nghĩ mỗi người có một tốc độ khác nhau. Mình quan sát điều đó rất rõ trong workshop thêu của mình. Có bạn ngay buổi đầu tiên đã thêu rất nhanh và đẹp. Có người cả buổi chỉ thêu được một cái lá. Nhưng như vậy mới là con người. Người này chậm hơn người kia đâu phải là điều gì ghê gớm. Nếu chỉ cố gắng chạy theo người khác thì sẽ khiến cho mình mệt mỏi và luôn không tin vào khả năng của mình, cho dù mình có đang ngang hàng với người ta đi chăng nữa.
Làm kinh doanh bền vững, làm thế nào để chị cân bằng giữa chi phí và lợi nhuận?
Về mặt chi phí, khi yêu cầu càng cao và khi muốn mở rộng phát triển, chi phí sẽ càng nhiều. Vải linen có nguồn gốc tự nhiên luôn khiến giá thành sản phẩm tăng cao. Nhiều khách hàng thắc mắc, mình phải kiên nhẫn giải thích rằng đó là định hướng kinh doanh của Moriko, chúng mình tăng tiền để chất lượng sản phẩm tốt hơn và để trả lương nhân viên cao hơn,... Khi mình cho khách hàng cơ hội để hiểu thì từ từ mình sẽ thuyết phục được họ. Bởi những khách hàng đã đến với Moriko thì tư duy và lối sống chắc chắn phải có phần giống với Moriko, và họ sẽ hiểu giá trị mình đang tạo ra.
Chúng mình cũng cố gắng giới hạn giá ở một mức độ chấp nhận được. Ví dụ giá một bộ quần áo sản xuất công nghiệp thường từ khoảng 500.000 đến 700.000 VND thì một bộ trang phục bằng vải lanh của Moriko sẽ có giá mắc hơn một chút. Chúng mình bán với giá cao cũng một phần để hướng dẫn lại tư duy mua sắm của khách hàng - thay vì mua rẻ và mua nhiều thì hãy mua mắc hơn nhưng có thể dùng được nhiều lần và lâu hơn.
Các "khách hàng thượng đế" vốn đã quen với lối sống nhanh chóng và sự tiện lợi. Làm thế nào để chị thuyết phục họ chuyển sang lối sống chậm và bền vững?
Mình nghĩ sẽ rất khó để thay đổi người khác nếu như bản thân mình không là người làm gương kiên trì. Chỉ cần mình thực hành trước; người khác thấy một, hai lần và nếu họ để tâm, họ sẽ làm theo. Chẳng hạn như việc đi chợ không dùng túi nilon thì người bên cạnh dù có muốn cũng sẽ dần tiết chế lại. Bên cạnh đó, mình nghĩ thay đổi còn là vấn đề của thế hệ nữa. Những thế hệ sau này thích ứng và học hỏi nhanh hơn vì họ thấy rõ tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Còn các thế hệ trước đây chắc có lẽ cần nhiều thời gian hơn. Riêng linen có một đặc điểm là: ai đã thích thì sẽ thích, còn những ai vốn đã quen với sự tiện lợi, chỉ với tay lấy đồ mặc vào người và lao nhanh ra đường thì chắc chắn sẽ không thích linen.
Có kỷ niệm nào vui hay ấn tượng trong quá trình chị làm Moriko không?
Ấn tượng với mình về sợi lanh là khi lên vùng Tây Bắc, biết được lịch sử lâu đời của sợi lanh gắn liền với đời sống văn hoá các đồng bào dân tộc, nhất là các chị em phụ nữ. Việc dệt vải lanh còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ mà bất cứ phụ nữ trưởng thành nào cũng đều phải thành thạo, đó là một trong những tiêu chí để chọn vợ của các chàng trai dân tộc H'Mông. Các cô gái có thể tự tay dệt và thêu xong một bộ váy truyền thống của dân tộc mình sẽ là đã đủ tiêu chuẩn lấy chồng.
Còn kỷ niệm vui là khi chúng mình kiên quyết không sử dụng thêm bất kỳ chất liệu nilon nào để đóng gói sản phẩm mà thay bằng dây xơ dừa và hộp giấy, khiến quần áo đôi khi bị bung ra trong quá trình giao hàng đi xa mặc dù bọn mình đã cố gắng gấp gọn và buộc chặt hết sức. Không ít lần chúng mình phải giải thích với khách hàng, may mà khách thương nên hiểu và thông cảm; nhiều lần cũng được khách nhận ra tâm ý đó mà khen ngợi và ủng hộ khiến chúng mình rất vui.
Cho đến hiện tại, đếm từ 1 đến 10, chị hài lòng bao nhiêu so với những gì mình đã làm được?
Mình chưa bao giờ thấy đủ với những gì mình đang làm. Như mình chia sẻ, vì bản thân là một người rất cầu toàn, luôn kỹ càng đến từng đường kim mũi chỉ và mong muốn khách hàng có những trải nghiệm tốt với sản phẩm nên dù chỉ một cọng chỉ thừa cũng làm mình thấy chưa đủ. Nhưng mình không thể lúc nào cũng tự tay làm hết tất cả mọi khâu nên chấp nhận chia sẻ công việc với nhân viên. Mặc dù không có gì hoàn hảo nhưng với sự cố gắng hết sức của các thành viên trong team Moriko, mình tạm thấy có thể hài lòng với mức 7 đến 8 điểm.
Tương lai của chị dành cho Moriko là gì?
Mình vẫn sẽ tìm cách phát triển thương hiệu mà không từ bỏ giá trị mà mình đã và đang theo đuổi. Trong tương lai, mình muốn ưu tiên dùng nguồn vật liệu được sản xuất ở Việt Nam có giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ đầy đủ. Vì mình muốn bền vững không chỉ ở chất liệu mà còn chú trọng đến con người, tạo ra công ăn việc làm và phục vụ tiêu dùng sản xuất trong nước.
Ngoài ra, chúng mình cũng đang cố gắng tạo ra những phong cách đặc biệt hơn, phục vụ cho những khách hàng có mục đích sử dụng khác nhau. Mình dự định sẽ tách Moriko thành hai mảng: một vẫn theo đuổi phân khúc hiện tại và một chuyên thiết kế thời trang cao cấp, chẳng hạn như thiết kế dành cho những buổi tiệc hoặc đầm cưới bằng vải lanh.
Cuối cùng, mình cũng muốn nghiên cứu thêm những loại sợi tự nhiên khác, ví dụ như sợi bông tự nhiên hay sợi tre,… nhưng trước mắt, mình muốn làm chủ được linen trước khi tìm kiếm những chất liệu độc đáo hơn.
Chị nghĩ yếu tố cần thiết để một local brand có thể tồn tại lâu dài trên thị trường là gì?
Có một quy luật chung trong làm thương hiệu: đó là nhận diện tốt về mặt hình ảnh và nội dung sẽ giúp thu hút khách hàng và sản phẩm tốt thì khách hàng quay lại.
Hình ảnh chỉn chu và nội dung phù hợp sẽ quyết định liệu khách hàng có muốn đến xem và mua hàng của mình hay không. Bản thân mình luôn cố gắng xây dựng hình ảnh tốt dù là đôi khi tự tay mình chụp hình các bạn nhân viên mặc đồ nhưng hình ảnh luôn ở mức tốt. Bên cạnh đó sản phẩm cũng phải chất lượng, độc đáo và form dáng đẹp mới là yếu tố quyết định cho việc khách hàng có quay trở lại mua lần 2, lần 3... hay không.
Để có thể tồn tại, không thể thiếu các yếu tố trên vì nó bổ trợ lẫn nhau. Không thể chụp một tấm hình sản phẩm thật đẹp nhưng chất lượng kém, hoặc khách hàng sẽ không chú ý đến mình nếu mình làm thương hiệu không tốt vì cho dù sản phẩm tốt cũng chẳng ai biết đến.
Nếu chị có một lời khuyên cho những người muốn kinh doanh thời trang nội địa, đó sẽ là gì?
Hãy luôn có bản sắc riêng cho mình và không ngừng sáng tạo.
Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội sẽ giúp cho các bạn dễ dàng tiếp cận với khách hàng tiềm năng. Các bạn trẻ bây giờ rất nhạy bén với điều đó. Do đó, cái các bạn cần đào sâu vào là việc sáng tạo nên sự mới mẻ và độc đáo của riêng của mình. Trong hàng ngàn những thương hiệu giống nhau, hãy tìm ra một điểm riêng duy nhất và đi sâu vào nó. Hãy sáng tạo và sáng tạo nhiều hơn nữa để cho ra những sản phẩm độc đáo thay vì chỉ làm theo hay bắt chước người khác. Bên cạnh đó, cũng cần phải đảm bảo về chất lượng và giá cả, nếu không sẽ khó cạnh tranh với thị trường khi mà con người ta có hàng ngàn lựa chọn để so sánh.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
Ảnh: Moriko