Những trang phục thảm đỏ sẽ đi về đâu sau khi sự kiện kết thúc?
Sẽ có những thiết kế được lưu giữ như một di sản, và cũng có những chiếc váy lặng lẽ biến mất khi tấm màn khép lại.
Dù là haute couture lộng lẫy, thiết kế cổ điển hay thậm chí là một thương hiệu bình dân, mỗi lựa chọn trên thảm đỏ đều phản ánh gu thẩm mỹ, câu chuyện cá nhân và định hướng hình ảnh của người mặc. Dưới sự tư vấn của các nhà tạo mẫu, người nổi tiếng không chỉ chọn váy áo, họ chọn cách họ muốn được nhớ đến. Nhưng sau khi ánh đèn sân khấu lịm dần, số phận của những bộ váy ấy sẽ ra sao? Không phải ai cũng như Cate Blanchett, nữ diễn viên nổi tiếng với triết lý tái sử dụng trang phục, từng nhiều lần diện lại cùng một bộ váy trước ống kính tại Venice và Cannes.
Số phận của những trang phục thảm đỏ
Mỗi bộ trang phục xuất hiện trên thảm đỏ danh giá như Oscar hay Liên hoan phim Venice đều mang theo một câu chuyện riêng, và hành trình của chúng không kết thúc khi ánh đèn sân khấu vụt tắt. Một số thiết kế may đo đặc biệt được lưu giữ trong tủ đồ của chính ngôi sao, số khác có thể được trưng bày tại các triển lãm thời trang danh tiếng như Met Gala. Với những bộ trang phục thuộc các bộ sưu tập gần đây, nhiều thiết kế được trả lại cho thương hiệu, trong khi một số khác tìm đường quay lại thị trường mua bán đồ xa xỉ.
Sự quan tâm của công chúng dành cho trang phục sân khấu và thảm đỏ đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, minh chứng qua sự bùng nổ của các cuộc đấu giá thời trang cao cấp trên toàn cầu. Nếu trước kia, váy áo của người nổi tiếng thường bị lãng quên, thậm chí bởi chính các thương hiệu, thì nay, mỗi thiết kế đều được hoạch định một lộ trình tỉ mỉ – từ khâu sáng tạo đến bảo tồn. Như Lucy Bishop, chuyên gia của Sotheby’s, từng khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với CNN, thời trang thảm đỏ giờ đây không chỉ là khoảnh khắc phù hoa thoáng qua, mà còn là những di sản được trân trọng và lưu giữ.
Hành trình bảo tồn
Khi một bộ trang phục đạt đến giá trị mang tính biểu tượng hoặc sở hữu mức giá đắt đỏ, nó thường rơi vào tay các nhà bảo tồn - những người duy nhất có đủ chuyên môn để làm sạch trang phục một cách hoàn hảo, đồng thời bảo vệ nó khỏi những tác nhân có thể gây hư hại như lớp trang điểm, nước hoa hay thậm chí là mồ hôi của người mặc.
Sau khi được xử lý cẩn thận, mỗi bộ trang phục bước vào quy trình phân loại và lưu trữ nghiêm ngặt, được các bảo tàng hoặc nhà sưu tập tư nhân quản lý. Xu hướng diện thời trang cổ điển trên thảm đỏ - như Ariana Grande và Anya Taylor-Joy tại Quả Cầu Vàng trong những thiết kế huyền thoại của Givenchy và Dior - đã khiến giới chuyên môn ngày càng chú trọng hơn đến việc bảo tồn, bởi những kiệt tác này hoàn toàn có thể được tái hiện trong những dịp đặc biệt. Dẫu vậy, trên thảm đỏ hay trong những bữa tiệc xa hoa, tai nạn luôn có thể xảy ra, khiến việc lưu giữ trở thành một bài toán nan giải.
Những số phận trái ngược
Không phải bộ váy nào cũng có một kết thúc huy hoàng. Lady Gaga từng bỏ quên chiếc váy của mình tại khách sạn sau Lễ trao giải Quả Cầu Vàng, để rồi nó bị thất lạc trong một chiếc hộp vô danh. Còn tại Met Gala, giám đốc sáng tạo của Balmain – Olivier Rousteing đã cắt bỏ một phần bộ váy của Tyla ngay trên thảm đỏ. Và điều đặc biệt là chiếc váy ấy được làm từ cát, khiến số phận phần còn lại của nó sau buổi tối trở thành một ẩn số.
Số phận của một bộ trang phục sau khi tỏa sáng trước hàng trăm ống kính không bao giờ giống nhau. Có những thiết kế được giữ gìn cẩn thận như chiếc váy Ralph Lauren màu hồng mà Gwyneth Paltrow mặc tại Oscar 1999, vẫn nằm trong tủ đồ của nữ diễn viên cho đến tận bây giờ. Trong một cuộc phỏng vấn với The Hollywood Reporter, cô tiết lộ có ý định để con gái mình mặc lại bộ váy này trong tương lai. “Có lẽ con bé sẽ diện nó trong buổi vũ hội, làm một điều gì đó mang phong cách Pretty in Pink – khâu lại hoặc cắt bớt một chút.”
Ảnh: Getty Images