Cashmere – Biểu tượng xa xỉ hay gánh nặng sinh thái?
Trước đây, cashmere là một mặt hàng xa xỉ đắt đỏ, nhưng hiện nay, nó xuất hiện khắp nơi, từ các thương hiệu cao cấp đến thời trang nhanh. Điều này giúp nhiều người có thể tiếp cận cashmere hơn, nhưng đồng thời cũng khiến nhu cầu tăng vọt, vượt quá khả năng sản xuất bền vững.
Thời trang bước vào kỷ nguyên mới, nơi mỗi lựa chọn mua sắm đều cần cân nhắc kỹ lưỡng về tác động môi trường. Trong bối cảnh đó, cashmere đang là một chủ đề gây ra nhiều tranh cãi.
Một mặt, cashmere là sợi tự nhiên, không giống như polyester hay nylon, nên không gặp vấn đề về khả năng phân hủy. Tuy nhiên, giống như mọi sản phẩm có nguồn gốc động vật, ngành công nghiệp cashmere vẫn để lại dấu chân carbon. Hơn nữa, trước nhu cầu ngày càng lớn, quá trình sản xuất cashmere không ít lần dẫn đến sự phá hủy môi trường sống tự nhiên.
Những vấn đề đang được đặt ra
Cashmere là một chất liệu cao cấp được làm từ lông của dê cashmere, nổi tiếng với độ mềm mại và giữ ấm tốt. Thị trường cashmere đang phát triển mạnh mẽ vì ngày càng có nhiều người sẵn sàng đầu tư vào các sản phẩm chất lượng cao, đặc biệt là thời trang xa xỉ.
Ví dụ, thương hiệu Extreme Cashmere tại Hà Lan có doanh thu trung bình từ 8-10 triệu euro/năm và có mặt tại 300 cửa hàng danh tiếng như Selfridges, Net-a-Porter và Mytheresa. Arch4, một thương hiệu khác, cũng tăng trưởng nhanh, hiện được bán tại Matchesfashion, Nordstrom và Saks, đạt doanh thu 5 triệu bảng vào năm 2022, tăng 40% so với năm 2021. Ngoài ra, thương hiệu Naked Cashmere (ra mắt năm 2016 tại Mỹ) cũng gặt hái thành công lớn, đến mức công ty mẹ của nó, 360Sweater, vừa được một quỹ đầu tư châu Âu mua lại.
Tuy nhiên, cơn sốt cashmere kéo theo hệ lụy môi trường, khi nhu cầu tăng cao gây áp lực lên đồng cỏ Nội Mông – vùng sản xuất chính. Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (United Nations Development Programme - UNDP), 90% diện tích đất tại Mông Cổ là vùng khô cằn và đang đối mặt với nguy cơ sa mạc hóa. Trong khi đó, Trung Quốc cũng chứng kiến sự biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Điều này khiến môi trường chăn thả dê trở nên khắc nghiệt hơn, làm cho quá trình sản xuất cashmere thêm khó khăn ngay cả trước khi tính đến sự gia tăng nhu cầu. Nói cách khác, khí hậu ngày càng bất ổn không phải là điều kiện lý tưởng để phát triển ngành cashmere bền vững.
Thực tế, chăn thả quá mức và biến đổi khí hậu đã khiến khoảng 70% đồng cỏ ở Mông Cổ – nơi cung cấp phần lớn cashmere trên thế giới – bị suy thoái. Riêng tại Reformation, cashmere nguyên sinh chiếm gần 40% lượng khí thải carbon từ nguyên liệu trong năm 2023, dù chỉ chiếm chưa đến 1% tổng số vải mà thương hiệu này sử dụng.
“Cashmere là một trong những chất liệu ấm áp nhất, nhưng cũng là một trong những chất liệu gây nhiều vấn đề nhất,” Kathleen Talbot – Giám đốc Bền vững và Phó chủ tịch vận hành của Reformation chia sẻ với Vogue. “Việc sản xuất cashmere tiêu tốn rất nhiều tài nguyên. Cần đến nhiều con dê để lấy đủ sợi cho một chiếc áo len. Hơn nữa, cashmere chỉ có thể được sản xuất ở một số vùng nhất định, và nhu cầu quá lớn tại các khu vực này đang gây ra tình trạng suy thoái đất, chăn thả quá mức và nhiều hệ lụy môi trường khác.”
Giải pháp bền vững hơn cho cashmere
Đó là lý do thương hiệu thời trang Reformation dần chuyển sang sử dụng cashmere tái chế, ra mắt dòng sản phẩm chứa 70% cashmere tái chế từ năm 2019. Dù nhiều người lo ngại về chất lượng sợi tái chế, Talbot cho biết công nghệ đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây. Nhờ đó, vào cuối năm 2024, Reformation đã giới thiệu bộ sưu tập cashmere tái chế đầu tiên với tỷ lệ lên đến 95%.
Hiện nay, phần lớn cashmere tái chế trên thị trường là loại tái chế trước tiêu dùng (pre-consumer recycled cashmere), tức là sợi được tận dụng từ phần dư thừa trong quá trình sản xuất, thay vì từ các sản phẩm đã qua sử dụng. “Dù tái chế trước hay sau tiêu dùng, tác động của chúng so với cashmere nguyên sinh vẫn giảm đáng kể,” Talbot nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, về khía cạnh xã hội, cashmere vẫn là nguồn thu nhập chính của nhiều người chăn dê ở Mông Cổ. Oyuna Tserendorj, người sáng lập thương hiệu Oyuna từ năm 2002, cho rằng: “Trong ngành công nghiệp cashmere, những người bảo vệ đất đai chính là các du mục. Cashmere là nguồn sống quan trọng của họ, nên chúng ta không thể dừng sản xuất hoàn toàn". Tuy nhiên, Tserendorj cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm tốc độ khai thác. Việc lai tạo dê để tăng sản lượng đã khiến chất lượng cashmere suy giảm trong những năm gần đây. “Để cashmere trở nên bền vững, chúng ta cần quay lại cách làm truyền thống – khi chưa có sự tiêu dùng quá mức, khi con người tôn trọng thiên nhiên và văn hóa,” cô nói thêm.
Vì vậy, Oyuna đã hợp tác với Sustainable Fibre Alliance - một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp cashmere bền vững để đảm bảo cashmere của họ được thu mua từ những người chăn nuôi áp dụng phương pháp thân thiện với môi trường và đạo đức. Tiêu chuẩn Cashmere bền vững của tổ chức phi lợi nhuận này tập trung vào năm yếu tố chính: nâng cao phúc lợi động vật, bảo vệ đa dạng sinh học và sử dụng đất hợp lý, đảm bảo điều kiện lao động tốt cho người chăn nuôi, duy trì chất lượng sợi, và quản lý hiệu quả toàn bộ quy trình.
Nhằm giảm áp lực lên ngành cashmere, một số nhà thiết kế đang tìm đến các chất liệu khác, trong đó có len merino. Loại len này mang lại thành phẩm có đặc tính gần giống cashmere nhưng có sản lượng cao hơn đáng kể.
Theo nhà thiết kế bền vững Maggie Marilyn, len merino kinh tế và thân thiện với môi trường hơn so với cashmere. “Với cashmere, cần số lượng dê và diện tích đất gấp bốn lần để tạo ra cùng một sản lượng.” Trung bình, một con cừu merino có thể cung cấp đủ len cho 8-10 chiếc áo len, trong khi phải mất 3-5 con dê cashmere mới tạo ra được một chiếc áo.
Merino cũng phù hợp với điều kiện chăn thả ở New Zealand, nơi đất đai khô cằn không thể canh tác nông nghiệp. Đặc tính của merino gần giống cashmere, nhưng nhẹ hơn, mềm hơn và có khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tự nhiên, giúp giữ ấm mà không gây nặng nề.
Ảnh: extreme.cashmere