L'Dictionary: [Ballet Flat] - Từ sân khấu đến thời trang đường phố
Slippers và sneakers được dịp quay trở lại trong quãng thời gian lockdown bởi chúng đề cao tính tiện dụng và thoải mái. Theo đó, các tín đồ “nhạy” với xu hướng cũng sẽ nhận ra sự hồi sinh âm thầm của kiểu giày bị lãng quên suốt nhiều năm qua: Giày ballet đế thấp.
Còn nhớ khoảnh khắc Kate Moss diện chiếc quần skinny jeans phối cùng blazer Saint Laurent, và đi kèm với nó là đôi giày đế bệt vào thập niên 90, khi mà Primrose Hill set trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết. Đó cũng là lúc đôi giày classic của Repetto, giày ballet đế bệt mũi tròn được ưa chuộng trong những năm 00’s. Hay phiên bản cực kì nổi tiếng của đôi two-tone ballet be mũi đen mà Coco Chanel đã giới thiệu vào năm 57, với chủ đích tạo hiệu ứng tương phản cho đôi chân thon dài và thanh lịch hơn. Khi đó, cả Jane Birkin, Kate Moss, Alexa Chung đến diễn viên nổi tiếng Sienna Miller cũng đều trở nên “phát cuồng”. Họ mang chúng cả ngày và đến cả những bữa tiệc thâu đêm cùng quần jeans bó, quần vớ lấp lánh hoặc tất lưới bởi đặc tính êm chân, thoải mái, dễ dàng hoạt động không bất tiện như những đôi giày gót nhọn khác.
Trở lại vào thời kì Phục Hưng ở những năm 1600, nơi mà tất cả đàn ông và phụ nữ quý tộc đều diện kiểu giày đế bệt mũi nhọn với quan niệm mũi càng nhọn thì càng chứng tỏ được địa vị của mình. Tuy nhiên, vào lễ cưới của Nữ hoàng Catherine, bà đã chọn đôi giày cao gót để trở nên thanh lịch hơn. Từ đó, đôi giày ballet cao gót đầu tiên xuất hiện vào năm 1680, trở thành đôi giày chính thống trong suốt bảy thập kỷ tiếp theo.
Sau khi nhận ra gót cao sẽ dễ dàng khiến các động tác lẫn kỹ thuật phức tạp của vũ công không được phô diễn nhiều, thậm chí còn gây khó khăn cho người diện. Nữ vũ công người Pháp Marie Camargo đã mang đến một cuộc cách mạng mới khi trở thành vũ công đầu tiên trình diễn tiết mục của mình bằng đôi giày đế bệt. Và đây là lúc những đôi giày đế bệt phát huy hết tác dụng của mình qua sự thoải mái và tiện dụng của chúng. Sau đó, người thợ đóng giày là Salvatore Capezio đã dành nhiều năm bảo dưỡng những đôi giày múa trong cửa hàng đối diện nhà hát Metropolitan Opera House, đã phát triển nên loại giày đặc biệt để chúng ít bị hư hơn, loại giày này nhanh chóng đến gần với đại chúng và Capezio được biết đến như một biểu tượng của ballet.
Một trong những cái tên có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử giày ballet chính là Rose Repetto. Cô đã tự thiết kế cho con trai mình, khi đó là vũ công, một đôi giày ballet. Sau đó, Juliette trong “And God Created Woman” do nữ diễn viên người Pháp Brigette Bardot thủ vai, đã trở thành một biểu tượng thời trang nhờ vào đôi giày flat đỏ mà cô yêu cầu Repetto thiết kế cho mình một phiên bản tương tự. Vào những năm 1900, đôi giày này ra mắt lần đầu trong BST của NTK Claire McCardell, đánh dấu bước chuyển mình từ đôi giày múa đến với thời trang và được phổ biến rộng rãi hơn. Brigitte Bardot, Audrey Hepburn và nhiều nữ diễn viên khác đều ưa chuộng kiểu giày này. Bằng chứng là sự đổ bộ của chúng trong “Et Dieu crea la femme,” “Cinderella in Paris,” và “Breakfast at Tiffany’s.”
Sau khi không còn được ưa chuộng bởi các It girl, giày ballet dần bị bỏ quên cho đến năm 2010. Lúc này, thời đại của những chiếc quần jeans skinny, áo blazer oversize, và tất nhiên là có cả giày đế bằng một lần nữa lên ngôi. Sáu năm sau, Miu Miu ra mắt phiên bản giày ballet và đã trở nên hấp dẫn các tín đồ thời trang. Nhiều ngôi sao từ Taylor Swift đến Rihanna đều bắt đầu yêu thích diện những phiên bản giày này.
Đầu năm nay, đôi giày đế bệt một lần nữa nhen nhóm xuất hiện trong các bản phối thời thượng của các tín đồ thời trang tại Paris Fashion Week đến cả Copenhagen Fashion Week mới đây. Mùa Thu Đông 22, Miu Miu bất ngờ đưa item tưởng chừng như đã quên lãng trở lại trên sàn diễn của mình. Thiết kế nơ trắng, vải satin cùng quai giày thun thêu logo từ cảm hứng của các vũ công múa ballet phối cùng tất cao cổ, váy xếp li, quần shorts da, váy siêu ngắn,… khẳng định một trào lưu thú vị đang lên ngôi - Balletcore. Mặc dù xu hướng này đã gây nên nhiều tranh cãi trước đó với các khái niệm nặng nề như “chiếm đoạt văn hóa”, nhưng trong bối cảnh thời trang hiện đại, điều này lại trở thành tuyên ngôn phá bỏ những khuôn mẫu và như một làn gió đổi mới cho các định kiến không mấy tốt đẹp.