L'ART: Bí ẩn thế giới trang sức của Diane Venet
Khi đề cập đến những nghệ sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20, người ta không thể không nhắc đến những nhân vật nổi bật như Pablo Picasso, Jeff Koons, Louise Bourgeois, Alexander Calder, Fernand Leger, Man Ray, Damien Hirst, và rất nhiều cái tên đình đám khác. Đây là những bậc thầy vĩ đại của nghệ thuật trừu tượng Hoa Kỳ, những thành viên nổi tiếng nhất của Hội nghệ sĩ trẻ người Anh, những huyền thoại của Chủ nghĩa Lập thể, những nhà lãnh đạo của Chủ nghĩa Siêu thực, những cái tên điển hình
của Chủ nghĩa Dada, những người tiên phong của nghệ thuật ảo và những người sáng lập Chủ nghĩa Vị lai. Mỗi người kiến tạo phương thức riêng, làm cho chúng tỏa sáng thông qua những bức tranh, tác phẩm điêu khắc và những bức hình của chính mình.
Những cái tên này một lần nữa là tâm điểm trong sự kiện hiếm hoi gần đây tại một salon ở giữa lòng Paris. Được vận chuyển trong một chiếc hộp có kích thước khiêm tốn, 200 tác phẩm từ hàng chục nghệ sĩ hàng đầu sẽ sớm được chuyển từ nơi dừng chân tạm thời (chúng thường được giữ tại ngân hàng để bảo quản) đến Luxembourg, và sau đó đến Monaco, nơi các cuộc triển lãm và trưng bày sẽ mang đến cho những người yêu mến nghệ thuật cơ hội thưởng lãm chúng. Những tác phẩm nghệ thuật này thường có kích thước khá nhỏ, hiếm khi vượt quá 12 inch và có thể đeo trên ngón tay, trước ngực hoặc thậm chí bao quanh cổ tay. Tất cả các tác phẩm này được xếp vào một thể loại: đồ trang sức nghệ thuật - một loại tác phẩm nghệ thuật bí ẩn mà Diane Venet là người dẫn đầu.
Tại căn hộ của Venet, những tác phẩm này được trưng bày một cách vô cùng trang nhã và đáng để trầm trồ, ngay cả khi chúng đơn giản được đặt trên chiếc hộp giấy hoặc trong những chiếc hộp đựng nhỏ: một chiếc trâm vàng của Georges Braque và được tạo hình bởi Heger de Löwenfeld bên cạnh chiếc đồng hồ do Andy Warhol hợp tác với Movado thiết kế. Đôi hoa tai có chữ ký của Man Ray và từng được Catherine Deneuve lộ ra đường cong thu hút bên cạnh những đường xoắn ốc bằng đồng của chiếc vòng cổ do Alexander Calder thiết kế. Được đặt trên sàn nhà, các sắc thái sống động của chất men Giacomo Balla càng làm nổi bật sự thống trị về màu sắc trên chiếc trâm cài áo Fernand Leger và bảng màu cơ bản trên mặt dây chuyền của Roy Lichtenstein. Ngay cạnh đó, chiếc vòng tay bằng vàng với những đường viền không đồng đều của nhà điêu khắc César gợi nhớ đến chiếc vòng tay nhôm xoắn của John Chamberlain, trong khi những đường nét thôi miên trên chiếc vòng tay bạc được tráng men và ngọc trai có chữ ký của Victor Vasarely dường như có một sự kết nối tinh tế với những khe hở ngang và đầy sức gợi của mẫu vòng cổ bằng vàng và từ tính mà Vassilakis Takis đã đúc trực tiếp trên cơ thể bạn gái ông.
Cùng với những tác phẩm của mình, Venet rời tới ngôi nhà thứ 2 ở Le Muy, Pháp, cũng chính là nơi làm việc của bà: một cơ ngơi tráng lệ ở Provence-Alpes-Côte d’Azur Var. Cùng với chồng mình - Bernar Venet - một nhà điêu khắc vĩ đại, bà muốn biến nơi này trở thành nền tảng đại diện cho nghệ thuật tối giản và vị niệm. Bộ sưu tập đồ trang sức nghệ thuật này chính là nhân chứng sống cho cuộc đời của Venet thông qua những mối tình lãng mạn mà bà đã trải qua, những người bạn, những mong muốn trong đời hay kể cả sự cứng đầu của bà khi còn trẻ.
Khi xem xét một tác phẩm, Venet phân biệt rất rõ ràng giữa nghệ nhân và thợ kim hoàn hay thợ thủ công, dù
người đó có điêu luyện đến đâu. “Không phải là tôi không thích nghệ thuật kim hoàn, ” bà nói. “Về phần mình, tôi sưu tập đồ trang sức do các nghệ sĩ sáng tạo ra. Không quan trọng kỹ thuật được sử dụng hay giá trị của vật liệu, điều quan trọng là chúng có thể phản ánh sự thay đổi chân thực của các giai cấp xã hội. Đây là những mặt hàng hiếm, nhạy cảm hoặc mang tính thách thức; hầu hết chúng là những sản phẩm chỉ có một trên đời hoặc có vài chục phiên bản là nhiều nhất.”
Mặc dù gắn liền với những cái tên nổi tiếng, trang sức nghệ thuật không được nhiều người biết đến. “Đó là bởi vì những đồ vật này phần lớn được tạo ra để dành tặng cho người thân của người chế tác,” Venet nói, “André Derain đã tạo ra các mô hình động vật hoang dã, đảo Crete, mặt nạ tặng cho vợ mình; Sol LeWitt thì làm ra những chiếc nhẫn cho con gái; Alexander Calder thiết kế đồ trang sức cho vợ; Harry Bertoia thì cho bạn bè. Do đó, những đồ vật này thường thuộc quyền sở hữu trong phạm vi gia đình”. Những tác phẩm độc đáo này được sáng tạo bởi những nhà chế tác theo lối nghệ thuật điển hình ở thế kỷ trước, và bởi những nghệ sĩ đương đại mà Venet đã quen biết từ lâu.
Cũng chính vì thế, để có thể sưu tập được chúng, bà hẳn phải có một sự quyết tâm và niềm đam mê rất lớn. Với mỗi tác phẩm, bà như trong vai nàng thơ của những nhà chế tác đã tạo ra chúng, và nghệ nhân đầu tiên của bộ sưu tập ấy chính là chồng bà. “Chúng tôi gặp nhau vào một ngày tháng bảy năm 1985,” bà nói, “Vào lễ Giáng sinh năm ấy, anh ấy tặng tôi một chiếc nhẫn, một thanh bạc được anh ấy quấn quanh hai ngón tay của tôi, nó là sự pha trộn giữa một tác phẩm điêu khắc và một món trang sức. Món quà sau đó là một tác phẩm của Arman - người bạn rất thân của anh ấy, và những tác phẩm khác của César cũng như Sergio Fontana. Những món quà ấy chính là hạt giống cho bộ sưu tập của tôi sau này.”
Nguyên tắc mà Venet tạo ra dung hoà cả sự gần gũi và nét độc đáo trong bộ sưu tập đồ sộ của bà. “Tôi chỉ mua và sẽ không bán đi thứ gì,” bà nói một cách tự tin, “Bộ sưu tập đối với tôi không phải là một khoản đầu tư. Khi tôi mang trên mình những trang sức này cũng là lúc tôi mang trên mình một phần của những người tôi yêu. Ý nghĩa của nghệ thuật vốn là để sẻ chia.” Và vì thế, bộ sưu tập của Venet một lần nữa như một lời gợi nhắc: nghệ thuật là người đồng hành tuyệt vời nhất.
Bài: HERVÉ DEWINTRE/ Chuyển ngữ: CHI LE