#Y2K - Một thời để nhớ
Những đứa trẻ lớn lên trong giai đoạn 2000 có thể là những người đầu tiên được tận hưởng sự hiện đại của công nghệ, nhưng nói gì thì nói, máy nghe nhạc thời thượng lúc bấy giờ như Walkman hay iPod vẫn không thể nào sánh ngang với điện thoại thông minh hay công nghệ VR như bây giờ. Tuy vậy, so với Y2K bây giờ, Y2K ngày ấy cũng không thiếu những trào lưu sáng tạo và những dấu ấn có một không hai.
Với thế hệ 9X đời đầu, việc sở hữu điện thoại di động riêng đã là một món quà quý báu, thoát khỏi cái thời của 8X suốt ngày phải sốt ruột vì nhà chỉ có một chiếc điện thoại để bàn mà ai cũng tám chuyện hàng giờ, hay lo lắng những cuộc nói chuyện bí mật sẽ bị bật mí bởi tiền cước điện thoại gửi về để phụ huynh thanh toán cuối tháng. Điện thoại ngày ấy tuy đơn giản nhưng lại ươm mầm cho những tài năng sáng tạo vô biên, với những đoạn tin nhắn kỳ công. (Ảnh: Unsplash)
Hay còn gọi là máy “brick game” hoặc máy chơi game bốn nút. Cấu tạo chỉ với bốn nút chức năng, bốn nút di chuyển và một màn hình pixel nhỏ xíu với điểm ảnh to cộm trắng đen tưởng hết sức nhàm chán nhưng lại cuốn hút và làm say mê không biết bao đứa trẻ con thời ấy, từ game xếp hình, đến rắn săn mồi, đua xe,... Sau này, khi máy tính phát triển và Internet bắt đầu phổ biến rộng rãi hơn, giới trẻ lại bị hớp hồn bởi một trào lưu khác mà ai không biết có thể coi như là lạc hậu lắm: những đấu trường Audition, hay những màn Boom Online “sặc nước” tạo nên một làn sóng càn quét cả một thời tuổi thơ, và những tiệm net ngày ấy chẳng khác nào thiên đường. (Ảnh: St)
Ngày xưa mỗi nhà một chiếc tivi, quanh đi quẩn lại được vài kênh truyền hình quốc gia là hết, chứ không có vài trăm kênh khác nhau như bây giờ. Những chiếc tivi ngày ấy cũng không được màn hình mỏng dính với công nghệ LED hiện đại, mà là một hộp tivi to sụ với hai “râu” ăng-ten. Mỗi lần chuyển kênh là một lần chỉnh ăng-ten. Ám ảnh nhất là mỗi khi trái gió trở trời, xoay ăng-ten mãi cũng không ăn thua, màn hình cứ thế là mờ câm, đầy sọc và âm thanh thì rè rè tiếng được tiếng mất. Ấy thế mà vẫn vui, những chiếc ăng-ten ngày ấy là phát minh thần kỳ nhất mang lại niềm vui cho những đứa trẻ thơ. (Ảnh: St)
Ngày xưa không có những siêu anh hùng Marvel hay thế giới Hollywood hoành tráng, nhưng không vì thế mà đời sống tinh thần của giới trẻ trở nên nhàm chán. Những bộ phim nổi tiếng như “Lộc Đỉnh Ký”, “Bao thanh thiên”, “Đắc Kỷ Trụ Vương”,... đều nằm trong danh sách xem đến nằm lòng của Y2K ngày ấy. Mà thời đó phim không chiếu đi chiếu lại nhiều lần, cũng không được Internet phát hành rộng rãi, thích bộ nào đều phải đi mướn phim, xếp hàng đợi “sang băng” cho đủ phần, đủ tập về xem mới sướng. Về sau, khi phim truyền hình nở rộ, giới trẻ 9X lại đâm ra “thần tượng” những nam thanh nữ tú đến từ truyền hình xứ Hàn, với những bộ phim đã trở thành biểu tượng như “Chuyện tình Harvard”, “Ngôi nhà hạnh phúc”,... Đây cũng là nguồn lan tỏa mạnh mẽ nhất cho trào lưu thời trang áo cánh ngắn hoặc áo sơ-mi buộc vạt, quần áo màu sắc lollipop về sau. (Ảnh: St)
Không phải đến bây giờ, khi Facebook hay Messenger phát triển thì giới trẻ mới thổn thức vì những chấm sáng xanh vàng đặt cạnh nick chat của một ai đó. Hầu như ai cũng có ít nhất một nick Yahoo để thức thâu đêm tám chuyện cùng bạn bè hay “người ấy”, với những tiếng “Buzz” giật bắn và nhiều tính năng cũng hiện đại không kém gì ngày nay, như thả tim, icon, gửi hình ảnh, gọi điện trực tiếp,... Mọi người còn có thể sáng tạo tên mình bằng ký tự teen code và những câu quote “so deep”. (Ảnh: St)
8X và 9X có lẽ không bao giờ quên được những bài tập thủ công. Chúng có thể là những giờ sáng tạo vô cùng vui vẻ với một số người nhưng cũng có thể là “ác mộng kinh hoàng” với nhiều người khác. Nhưng dù gì đi nữa, chúng vẫn để lại một mảng ký ức đầy màu sắc cho tuổi thơ của những Y2K đời đầu. Những chiếc máy bay, tàu thủy đầy màu sắc, hay những bông hoa, cánh bướm sáng tạo này hoàn toàn có thể trở thành niềm cảm hứng đơm mầm cho các tài năng về thời trang và nghệ thuật của tương lai đấy. (Ảnh: St)
Ngày xưa, các tòa soạn báo không ra bài dày như bây giờ. Mỗi tạp chí xuất bản tối đa chỉ 2-3 tờ một tuần, nếu không ra theo tháng. Vậy nên mỗi một lần ra báo là một lần ngóng đợi của độc giả, sạp báo bao giờ cũng có các cô cậu thiếu niên hay lui tới đến quen cả mặt. Trong khi những tờ báo luôn được đọc đi đọc lại đến khi nhàu nát mới thôi. Ngày xưa cũng chẳng có cách nào để lưu lại bài báo yêu thích ngoài việc cắt chúng ra rồi xếp cẩn thận vào một chiếc hộp quý báu, hay sắp xếp và trình bày chúng vào một quyển sổ tay riêng đầy sáng tạo. (Ảnh: St)
Và rất nhiều những ký ức và dấu ấn khác khiến cho những năm 2000 trở thành khoảng thời gian không thể nào quên với biết bao thế hệ. Cho dù tân thời hay xưa cũ, thì thế hệ Y2K ngày ấy và bây giờ cũng đều có những tư duy đổi mới, độc và lạ, cùng những trào lưu sáng tạo để định hình nên thời đại vã xã hội mà họ đang sống
---
Bài viết trên ấn phẩm L'OFFICIEL tháng 9 - The Y2K Issue