Pop, Music & Film

Điện ảnh Việt nửa cuối 2023: Bối cảnh, Việt phục có tạo nên “hồn” phim Việt?

Xa hơn những cảnh flycam hút mắt, các nhà làm phim đã khai thác thế mạnh câu chuyện và bản sắc Việt như thế nào? 

person adult male man people clothing coat face head

Lướt qua các phòng chiếu trong những tháng cuối năm 2023, điểm chung của những phim Việt như “Đất rừng phương Nam”, “Người vợ cuối cùng” hay “Kẻ ăn hồn” là đưa khán giả xuyên không để trở về một xã hội cũ, còn vương vất những giá trị truyền thống của người Việt. Đức hy sinh, văn hóa làng xã,... là những giá trị nằm sâu trong tiềm thức người Việt từ xưa đến nay. Khi gầy dựng khung cảnh của một bộ phim cổ trang, dẫu những bình luận theo chiều hướng nào, các nhà làm phim cũng đã có tâm huyết riêng, mở ra những cuộc tranh luận thú vị về nét văn hóa Việt. Từ những luồng quan điểm của giới tri thức lẫn khán giả, có thể thấy, những giá trị xưa không mất đi, mà chỉ biến đổi và được bồi đắp cho phù hợp với tâm thức của người Việt trong cuộc sống hiện đại. 

Vì sao các nhà làm phim lại đồng thời tập trung vào yếu tố cổ trang? Đạo diễn Trần Hữu Tấn, người đã nhiều lần khai thác chất liệu bản địa trong các tác phẩm điện ảnh kinh dị, chia sẻ: “Khi quay xong loạt phim ‘Tết ở làng địa ngục’, tôi mới ý thức được mình đang làm phim cổ trang. Trong quá trình tìm kiếm kịch bản và quay phim, tôi chỉ chú tâm vào một mạch truyện hấp dẫn.” Mang tầm nhìn khác, đạo diễn Victor Vũ chia sẻ với L'OFFICIEL: “Đa số các bộ phim Mỹ làm về Việt Nam chỉ khai thác đề tài chiến tranh và các nhân vật người Việt thường được xây dựng mờ nhạt. Vì vậy, tôi muốn tạo ra những bộ phim đậm chất Việt để cả người Việt và người nước ngoài đều có thể thưởng thức.” 

Có thể nói, động lực để phản ánh bản sắc Việt có thể đến một cách tự nhiên, hoặc là chủ ý ban đầu của nhà làm phim. 

adult male man person wood pub hat indoors chair plywood
Cảnh trong "Người vợ cuối cùng".

Từ ống kính flycam tới bản sắc Việt trong phim   

Đáp lại các nhà làm phim, năm nay, những bộ phim cổ trang trở thành đề tài thu hút khán giả bàn tán, doanh thu đều trên mức trăm tỷ, chứ không “lặng lẽ rút khỏi rạp” như nhiều tựa báo đặt vài năm trước đây. Trong đó, không thể thiếu những ý kiến trái chiều xoay quanh tính bản địa, phần lớn thuộc một trong ba luồng tư tưởng: trung dung, bảo thủ và cấp tiến. Cũng từ những cuộc trò chuyện sôi nổi trên mạng xã hội, người ta rút ra được những chi tiết cần chú ý khi làm dòng phim cổ trang, dựa trên 5 tiêu chí chính. 

Bản sắc Việt được gọi tên dựa trên 5 yếu tố chính, đó là ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán, ẩm thực và kiến trúc. 

Lấy ví dụ từ loạt phim kinh dị cổ trang “Tết ở làng địa ngục”, bộ phim nhận được chú ý khi khai thác đề tài linh dị (tâm linh kinh dị). Có thể nói, nhà làm phim đã thuyết phục khán giả khi lấy bối cảnh ngôi làng Địa Ngục tại Hà Giang. Những câu hò vè, thông điệp về luật nhân quả được diễn ra xuyên suốt phim, đồng nhất với bầu không khí bao la và âm u khi sương xuống. Được biết, tác giả Thảo Trang và cố vấn văn hóa Phan Thanh Nam góp ý, nhờ đó, phim được đánh giá cao từ những chi tiết nhỏ, như cách xưng hô đến biểu tượng tâm linh là con rắn, khiến người ta liên tưởng đến những câu chuyện cổ tích quen thuộc của người  Việt như “Thạch Sanh Lý Thông", hay câu ca dao “Khẩu phật tâm xà”. Con rắn là một biểu tượng tâm linh, và một biểu tượng về cái ác tiềm ẩn. Nắm được tâm cơ, phần còn lại mà nhà làm phim cần là một cốt truyện hấp dẫn. Sắp tới, nhà làm phim tiếp tục phát triển “Vũ trụ làng địa ngục" trong bộ phim điện ảnh kinh dị “Kẻ ăn hồn” sẽ được công chiếu vào tháng 12, với phần hình ảnh poster được lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian nổi tiếng Đám cưới chuột. 

adult bride female person wedding woman dancing leisure activities face head
Tạo hình của Lan Phương trong vai Thập Nương, phim "Tết ở làng Địa Ngục".

Sang tới “Người vợ cuối cùng”, bộ phim được đánh giá cao ở vẻ ngoài (bối cảnh chỉn chu, những bộ Việt phục sát với lịch sử), tuy nhiên, nhận được phản ứng về câu chuyện cũng như cách phác họa người phụ nữ phong kiến có phần rập khuôn. Sự đặc sắc của Victor Vũ nằm ở phần hình ảnh, từ những cảnh flycam, góc máy rộng khoe thiên nhiên trù phú đến nhà tranh vách đất, và những bộ Việt phục gấm hoa. Tuy nhiên, như đã nói, hình tượng nhân vật còn rập khuôn cùng phương ngữ, lối ăn nói của các nhân vật khá hiện đại và chưa ăn nhập so với bối cảnh. Khung cảnh múa rối nước hay chợ làng cũng chỉ xuất hiện thoáng qua mà không có ẩn ý hay kết nối gì với phim. 

Bên cạnh đó, “Đất rừng phương Nam” nhận về phản ứng khắt khe, thậm chí bị quay lưng, dù khách quan mà nói, phim sở hữu phần kịch bản thu hút, và thông điệp nhân văn, phổ quát về tình cảm gia đình, sự đùm bọc giữa những người xa lạ gặp nhau trong cảnh binh chiến nhiễu nhương. Tính làng xã cũng thấp thoáng trong phim, tô đậm tinh thần phương Nam mến khách, đùm bọc. Phản ứng của khán giả về trang phục hay yếu tố chính trị trong “Đất rừng phương Nam” cũng là bài học mà các nhà làm phim lưu ý về sau. 

Khung cảnh miền Tây trong "Đất rừng phương Nam".

Thách thức trong việc tái hiện khung cảnh

Phải chăng, phim cổ trang sẽ trở thành cơn sốt trong thời gian tới? Thật khó nói, nhưng chắc chắn đây sẽ là thể loại có nhiều câu chuyện hậu trường độc đáo, đặc thù. Từ quá trình phục dựng bối cảnh, hay phải lên vùng xa xôi, thiếu điều kiện vật chất để quay phim. Với “Người vợ cuối cùng”, tổ thiết kế gồm 25 nhân sự đã ở lại Hồ Ba Bể để dựng làng quê xưa trong vòng một tháng. Kỳ công như vậy, bởi Victor Vũ quan niệm rằng “bối cảnh như là một nhân vật quan trọng trong phim. Tôi luôn muốn đưa những nét đẹp đất nước Việt Nam vào phim của mình". 

Đạo diễn Trần Hữu Tấn thì tâm sự, với nhiều bối cảnh không có sóng và Internet, đoàn phim hàng trăm người sẵn sàng “lọc bỏ” với mạng xã hội và gần như ngắt kết nối với bên ngoài trong nhiều ngày onset. Với “Đất rừng phương Nam”, phân cảnh chợ nổi với khoảng 70 thuyền và nhiều cân trái cây tươi là thử thách với nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn. Đoàn phim phối hợp 300-400 diễn viên quần chúng cho các bối cảnh, thực hiện gần 30 lần cho trường đoạn dài gần bốn phút.

1 / 3
Đạo diễn Trần Hữu Tấn
Đạo diễn Victor Vũ
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

“Phim cổ trang là một trong những thể loại tốn kém nhất, vì phải làm lại hoàn toàn về bối cảnh, phục trang, hay kỹ xảo. Bối cảnh phim cổ trang lại thường ở vùng xa xôi, điều kiện hạn chế, chi phí hậu cần, đi lại vì thế cũng độn lên nhiều", đạo diễn Trần Hữu Tấn kết luận. 

Trước sự đầu tư cả mồ hôi và chất xám dành cho điện ảnh, những bộ phim Việt dần định hình giá trị trong mắt khán giả. Bên cạnh sự cầu thị từ các nhà làm phim, những phản hồi từ người xem ngày một rõ ràng, mạnh mẽ hơn. Không chỉ coi điện ảnh là công cụ giải trí, ngày nay, khán giả đang mở rộng câu chuyện, ý thức về việc cảm thụ và bàn luận điện ảnh, từ đó tạo ra những cuộc luận bàn phong phú, xây dựng những tương tác tích cực giữa nhà làm phim và khán giả. 

“Văn hóa, lịch sử chỉ là cái nền để xây dựng một câu chuyện hư cấu”

Đó là chia sẻ từ đạo diễn Victor Vũ. Cũng chính vì vậy, anh quyết định phát triển kịch bản “Người vợ cuối cùng” theo thể loại tâm lý tình cảm thay vì tâm linh - trinh thám như tiểu thuyết gốc. Anh nói: “Tôi sớm nhận ra rằng, phần hồn của tiểu thuyết chính là về thân phận người phụ nữ làm lẽ trong thời phong kiến và mâu thuẫn bắt đầu diễn ra khi cô ấy gặp lại người mình yêu. Tôi muốn lột tả được tâm lý nhân vật một cách sâu sắc hơn.” Vậy nên ta cũng thấy, những cảnh văn hóa thoáng qua trong phim còn nhạt nhòa, những cảnh múa rối nước thoáng qua như một nhân vật cameo, chỉ đơn giản là phông nền để hai nhân vật chính gặp nhau.

lady person adult female woman art painting sword weapon
Cảnh trong "Người vợ cuối cùng".

Quả thực, các nhà làm phim thường ưu tiên kể câu chuyện hay trước khi truyền tải một thông điệp văn hóa, hay du lịch lớn lao nào. Đạo diễn Trần Hữu Tấn bày tỏ 2 tiêu chí trước khi làm phim: “Một là làm phim hay trước, tôi không đặt nặng doanh thu dù nó cũng là yếu tố quan trọng. Hai là, tôi muốn chắt lọc các yếu tố văn hóa dân gian tâm linh, lồng trong truyện để mang đến tác phẩm gần gũi và giàu bản sắc hơn.” 

Sau khi chinh phục thị trường nội địa, những tác phẩm điện ảnh Việt có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận khán giả quốc tế. “Các phim trên nền tảng Netflix có chất lượng khá tốt, chỉn chu từ cách quay phim đến ngôn ngữ điện ảnh. Hiện này, nhiều phim thậm chí còn xuất sắc hơn phim chiếu rạp”, Trần Hữu Tấn nhận định.

“Đất Rừng Phương Nam”, “Người vợ cuối cùng” được chiếu tại các nước như Mỹ, Úc, New Zealand, với cái tên “Song of the South” và “The last wife”. Bằng cách đó, cảnh sắc rừng tràm Trà Sư, hay hình ảnh cổ phục Việt, nón ba tầm đến với người xem toàn cầu. Đáng chú ý, sau khi công chiếu tại Việt Nam, phim điện ảnh “Kẻ ăn hồn” cũng sẽ được phân phối tới 9 quốc gia thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập CIS, gồm Armenia, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan và Uzbekistan, đồng thời được bán bản quyền và phân phối tại Bắc Mỹ, Úc, Nhật Bản và Đông Nam Á dưới tên tiếng Anh, “The Soul Reaper”. Từ đó, có thể thấy một tương lai mà câu chuyện, tinh thần người Việt vượt ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong bối cảnh điện ảnh thế giới ngày càng đa dạng, sự kết hợp giữa giao lưu văn hóa và bảo tồn bản sắc là cực kỳ cần thiết.

Recommended posts for you