Pop, Music & Film

Phim Việt 2023: Chưa thể lấy niềm tin khán giả!

Doanh thu phim Việt trong năm 2023 hiện đã vượt qua con số 1,000 tỷ đồng, nhưng điều này không có nghĩa điện ảnh Việt đang đi đúng hướng. Không năm nào phim Việt không gây tranh cãi, và chính tranh luận tiêu cực, thậm chí dẫn tới yếu tố thù ghét, đã khiến không ít nhà sản xuất phim Việt dè dặt hơn khi sáng tạo và lựa chọn đề tài.

head person face adult male man portrait collage bride woman

Phim "trăm tỷ" nhưng chưa trọn vẹn

Nếu dùng thước đo doanh số - cột mốc 100 tỷ doanh thu, thì đây liệu có được xem như phần thưởng khán giả (gọi mỹ miều bằng cụm từ "Audience Award") hay không? Dịp Tết vừa qua, có đến hai phim cán mốc doanh thu kỷ lục là "Chị Chị Em Em 2" của Vũ Ngọc Đãng và "Nhà Bà Nữ" của Trấn Thành nhưng đều hao tốn giấy mực truyền thông và cả cộng đồng mạng. "Chị Chị Em Em 2" bị chỉ trích vì sử dụng hình ảnh gợi cảm quá mức, có phần hạ thấp người phụ nữ trong khi bối cảnh, phục trang gây tranh cãi bởi chưa thật sự hào nhoáng, đẹp mắt như quảng cáo của nhà sản xuất. Trong khi lời thoại có phần "đời" rõ rệt, không ít khán giả đánh giá phim mang ngôn từ nặng nề và hiện đại so với lịch sử trong phim dù là hư cấu. "Nhà Bà Nữ" cũng không khá hơn, tuy doanh thu thuộc hàng ăn khách nhất lịch sử phim Việt nhưng bộ phận "tẩy chay" phim cũng mạnh mẽ không kém. Rất nhiều cây bút nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp đã chỉ ra lỗ hổng kịch bản cùng yếu tố "độc hại" mà Trấn Thành cài cắm vào bộ phim thông qua hình tượng những người phụ nữ như bà Nữ, hay các cô con gái trong ngôi nhà của bà. Người ủng hộ tác phẩm đạt hơn 400 tỷ đồng ca ngợi chủ đề sang chấn thế hệ, còn khán giả thuộc phe ngược lại thì phê bình phim "ồn ào" nhưng "trống rỗng". Điểm cộng đáng giá nhất của cả hai chính là mạch phim, đều khá hấp dẫn với nhiều tình tiết. 

meal dancing person adult female woman restaurant collage face portrait
"Chị Chị Em Em 2" (trên) và "Nhà Bà Nữ" (dưới)

Tưởng chừng những con số là minh chứng cho việc khán giả "tin yêu" phim Việt, thì sự xuất hiện của "Đất Rừng Phương Nam" nửa cuối năm lại cho thấy mặt trái của ngành công nghiệp điện ảnh nội địa. Bộ phim từng được dự báo tạo thành tích lớn không kém "Nhà Bà Nữ" lại vướng những điều tiếng đáng suy ngẫm. Ban đầu, những tín hiệu tiêu cực từ suất chiếu phim sớm chỉ là phản hồi về việc dùng trang phục, đài từ sai với bối cảnh lịch sử, sau dần trở thành công kích cá nhân đạo diễn và cả ekip làm phim, quy chụp và gắn mác cho tác phẩm này khi chưa có bất kỳ khẳng định nào từ Hội đồng duyệt phim hoặc những người có thẩm quyền. Làn sóng phẫn nộ mỗi lúc lớn dần kéo theo hiệu ứng "đánh hội đồng", dẫn tới kết cục khá éo le dành cho "Đất Rừng Phương Nam". Bộ phim vượt qua doanh thu 140 tỷ đồng một cách trầy trật, thể hiện rõ sự phân cực của bộ phận yêu - ghét phim; giới làm phim nghệ thuật nhiệt liệt ủng hộ tinh thần sáng tạo và đầu tư chỉn chu của phim nhưng phe phản biện vẫn tìm mọi cách "cào cấu" tác phẩm từ ngoài rạp cho đến cả Liên hoan phim. Xét về tổng thể, "Đất Rừng Phương Nam" nhỉnh hơn mặt bằng chung phim Việt, vừa có hiệu ứng hình ảnh vừa có yếu tố nhân văn, chỉ đáng tiếc rằng việc xem nhẹ tiểu tiết đã khiến tác phẩm rời rạp ngậm ngùi. Bài học cho tất cả những nhà làm phim là, dù phim lịch sử hay phim tài liệu hoặc chỉ vay mượn yếu tố lịch sử, hãy thật thận trọng để tránh mọi tình huống xảy ra.

"Đất Rừng Phương Nam"

Tính đến thời điểm hiện tại, có thêm ba tác phẩm cán mốc 100 tỷ là "Người Vợ Cuối Cùng" của Victor Vũ, "Lật Mặt 6" của Lý Hải và "Siêu lừa gặp siêu lầy" của Võ Thanh Hòa. Nổi bật nhất có lẽ là "Người Vợ Cuối Cùng", cũng là phim ráng trụ lại rạp giữa mùa thấp điểm, lay lắt vượt qua con số 100 tỷ. Thực tế, những dòng phim như "Người Vợ Cuối Cùng" không dễ dàng thu hút khán giả đến rạp. Yếu tố duy nhất đưa tác phẩm của Victor Vũ về đích chính là mùa phim thấp điểm, cộng với việc khán giả ra sức "tẩy chay" phim "Đất Rừng Phương Nam" chiếu trước đó hai tuần bằng cách... xem "Người Vợ Cuối Cùng"!

Trong khi đó, "Lật Mặt 6" của Lý Hải và "Siêu lừa gặp siêu lầy" của Võ Thanh Hòa không tạo được truyền thông như kì vọng; series "Lật Mặt" vốn đã quen thuộc với khán giả yêu thích phim hành động nhiều năm qua song bộ phim vẫn thể hiện khả năng kể chuyện gần với web drama - thiếu tính điện ảnh, ý tưởng về tấm vé số có phần giống một phim hài ăn khách trước đó của Hàn, bù lại yếu tố "nam nhi" và cách đặt vấn đề dễ hiểu khiến phim vẫn có khán giả riêng. Bí hiểm nhất là "Siêu lừa gặp siêu lầy", bộ phim từng dời lịch chiếu dịp Tết để "đáp cánh" an toàn dịp lễ 30-4 và dù không gây được tiếng vang nào, phim hành động hài này vẫn có doanh thu ấn tượng một cách khó hiểu, khi hiệu ứng khán giả cho phim gần như bằng 0. 

person romantic adult female woman kissing cuddling
"Người Vợ Cuối Cùng" là phim Việt cuối cùng trong năm 2023 đạt 100 tỷ?

Phim có doanh thu thấp nhất năm là Phim dở nhất năm?

Ngoại trừ "Đêm Tối Rực Rỡ" và "Tro Tàn Rực Rỡ" (doanh thu xấp xỉ 20 tỷ và 4 tỷ), thì phim art-house ra mắt năm nay có thể bị xem là thất bại phòng vé, bao gồm "Thành Phố Ngủ Gật" của Lương Đình Dũng mang về 230 triệu đồng và "Bên Trong Vỏ Kén Vàng" của Phạm Thiên Ân thu về gần 1,5 tỷ đồng. Điểm chung của hai tác phẩm này là đều dự thi hoặc tham gia các LHP quốc tế trước khi công chiếu trong nước. "Thành Phố Ngủ Gật" hoàn thành vào năm 2019 nhưng mãi tới tháng 10 năm nay mới có lịch phát hành, đáng nói là phim chiếu ở thời điểm "Đất Rừng Phương Nam" gần như phủ sóng, khiến khán giả có muốn ủng hộ một phim được quảng cáo là "đen tối nhất Việt Nam" như "Thành Phố Ngủ Gật" cũng loay hoay tìm suất chiếu phù hợp. Thế nhưng ngay cả khi bàn đến chất lượng phim, thì "Thành Phố Ngủ Gật" cũng không là tác phẩm sáng giá và mới mẻ, bởi bạo lực hay cảnh nóng đều đang bị lạm dụng quá đà trong các mác phim art-house Việt. Chưa kể những phát ngôn giật gân của đạo diễn họ Lương cũng khiến người xem ái ngại thay vì ủng hộ, cổ vũ tác phẩm của anh. 

adult female person woman face head male man
"Thành Phố Ngủ Gật"

Riêng "Bên Trong Vỏ Kén Vàng" tuy cũng chẳng "kiếm tiền" giỏi hơn là bao, song lại là điểm sáng của phim Việt trong vài năm trở lại đây. Tác phẩm được Phạm Thiên Ân "thai nghén" từ khi còn là phim ngắn, sau đó chuyển thành phim truyện dài dưới sự tài trợ của các Quỹ điện ảnh ở châu Âu, đặc biệt là Pháp - nơi tác phẩm sau đó giành được giải Phim đầu tay hay nhất - Caméra d'Or ở LHP Cannes lần thứ 76, nối gót Trần Anh Hùng sau 30 năm giành chiến thắng (với "Mùi Đu Đủ Xanh").

Điều gây tiếc nuối cho "Bên Trong Vỏ Kén Vàng" chính là thời lượng phim quá dài - 178 phút, con số thách thức với cả các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao Hollywood, vì khán giả xem rạp thường trụ lại chỉ khoảng hai giờ, và với một phim phải có kịch tính, cao trào liên tục, ví như các phim hành động. Ngay cả một phim toàn sao quốc tế như "Killers of the Flower Moon" cũng nhanh chóng rời rạp Việt vì suất chiếu hẩm hiu, vắng khách... dù có yếu tố hình sự, tội phạm thì những phim tâm lý xã hội pha màu sắc liêu trai như "Bên Trong Vỏ Kén Vàng" sao có thể thành công phòng vé?

Nói đi thì phải nói lại, dẫu chỉ mang về 4 tỷ nhưng người yêu điện ảnh vẫn sẽ kỳ vọng rằng Phạm Thiên Ân ở thì tương lai gần sẽ tiếp tục đem đến các tác phẩm có ngôn ngữ riêng, hòa vào dòng phim art-house châu Á. Tuy doanh thu không nói lên chất lượng phim, song có một điều con số không thể nói dối: khán giả thật sự không mặn mà với phong cách độc đáo, họ quan tâm chính vẫn là câu chuyện. Nói một cách khách quan, câu chuyện của cả "Thành Phố Ngủ Gật" và "Bên Trong Vỏ Kén Vàng" thật ra chưa đủ hay!

head person face sad adult female woman crying photography portrait
"Bên Trong Vỏ Kén Vàng"

Nếu "Thành Phố Ngủ Gật" và "Bên Trong Vỏ Kén Vàng" có phần dẫn dắt bù lại cho cốt truyện, thì các phim dưới đây rất đáng quên: vừa kém về hình thức vừa tệ về nội dung. Đó là "Fanti", "Live: Phát Trực Tiếp", "Cù lao xác sống", "Khi Ta Hai Lăm", "Biệt Đội Rất Ổn"... Điểm chung của các phim này là dàn diễn viên không đồng đều, phần lớn xuất thân là diễn viên hài, sân khấu kịch... nên không đủ khả năng mang chất lượng điện ảnh vào trong vai diễn, tác phẩm. Đấy là chưa kể, kịch bản của những phim này hầu hết đều ngô nghê, vụng về, mang tính chắp vá và tay nghề đạo diễn quá non để lèo lái bộ phim đến phút cuối cùng.

Cụ thể, "Fanti" của Andy Nguyễn có đề tài báo thù, tranh giành quyền lực trong giới giải trí khá nặng dose nhưng kịch bản lẫn diễn xuất và chỉ đạo lại chưa đủ tầm. "Live: Phát Trực Tiếp" của diễn viên Khương Ngọc lộ rõ yếu điểm khi bưng bê quá nhiều tình huống, khai thác các hình ảnh giật gân cùng dàn diễn viên kém chất lượng; "Cù lao xác sống" dù nỗ lực chuộc lỗi so với phần đầu "thảm họa" chiếu năm ngoái nhưng vẫn không thể vượt ra khỏi vỏ bọc phim ăn theo. Hai phim còn lại cũng vấp phải cùng vết xe đổ khi có tuyến nhân vật lộn xộn, tình tiết hỗn loạn, để cuối cùng bị đánh giá như một nồi lẩu thập cẩm không rõ mùi vị. Các phim khác như "Giao lộ 8675" hay "Chạm Vào Hạnh Phúc" dù mang ý tứ nhất định nhưng đều làm không tới, nhạt nhòa và thậm chí nhiều khán giả còn không tin phim đã ra rạp trong năm qua. 

urban adult female person woman pub lamp hat necklace mobile phone
"Mặt nạ Fanti"

Nỗ lực nhưng chưa đủ?

face head person photography portrait adult male man undershirt neck
"Con Nhót Mót Chồng"

Năm qua phim Việt vẫn có một số tác phẩm sở hữu nhiều ưu điểm nhưng vẫn không thể chạm mốc doanh thu đỉnh cao. Trong số này có "Con Nhót Mót Chồng" của Vũ Ngọc Đãng là nổi bật nhất với câu chuyện dung dị, cùng diễn xuất chăm chút của Thái Hòa và Thu Trang. Tác phẩm được đánh giá có dấu ấn riêng, song có lẽ việc ra rạp quá sớm - chỉ sau dịp Tết vài tháng, khiến khán giả chưa kịp hưởng ứng. Ngoài ra, phim còn đụng độ với tác phẩm "Lật Mặt 6" nên chỉ dừng lại ở doanh thu 75 tỷ đồng và là một trong những tác phẩm hay nhất năm của phim Việt. Diễn viên Thái Hòa cũng nhờ vai diễn trong phim mà giành hai giải diễn xuất ở cả Cánh Diều Vàng và Bông Sen Vàng. 

person face head body part mouth
"Người Mặt Trời"

Có thể thấy, khán giả Việt dường như chẳng mặn mà với dòng phim "thriller" cụ thể là "Chiếm Đoạt", khi phim có số phận thậm chí bi đát hơn cả "Cô Gái Từ Quá Khứ" năm ngoái dù pha thêm chất liệu "erotic" để hút khách. "Chiếm Đoạt" có những trồi sụt thất thường trong cách triển khai, xây dựng và kết thúc nhưng điểm sáng rõ nhất của phim nằm ở chỗ đạo diễn Thắng Vũ cố hết sức tạo ra cái kết tới nơi tới chốn chứ không nhập nhằng, lẩn quẩn. Nếu được biên kịch, biên tập lại và thay đổi một vài diễn viên thì có lẽ tác phẩm này sẽ có chất lượng khá khẩm hơn.

Hai phim cùng lấy đề tài hành động là "Kẻ Ẩn Danh" và "Người Mặt Trời" tuy chưa phải những tác phẩm hay song cũng nên ghi nhận ekip làm phim đã đặt chất xám vào đúng chỗ. Các pha hành động của cả hai phim đều ở mức hợp nhãn, kết hợp dàn diễn viên có yếu tố hình thức, xây dựng hình tượng nhân vật tốt. "Người Mặt Trời" có kỹ xảo chấp nhận được song phim vẫn chịu cảnh câu chuyện "đầu voi đuôi chuột", ôm đồm nhiều ý tưởng nhưng không thực hiện hết, dẫn tới các tình tiết, mạch tâm lý nhân vật bị rút gọn, gây khó hiểu, khó đồng cảm. Nhưng ở các phim thuần giải trí thế này, việc làm tốt thể loại chính - hành động đã là đáng ghi nhận.

book publication adult male man person bag handbag candle face
"Kẻ Ăn Hồn" lỗi hẹn!

Dự án "Kẻ Ăn Hồn" đang trong tầm thế hừng hực ra rạp sau hiệu ứng "Tết Ở Làng Địa Ngục" tạo sức hút trên mạng xã hội thì đột ngột bị dời lịch chiếu đến 14 tháng 12, kéo theo số phận phim kinh dị còn lại trong tháng 12 là "Quỷ Cẩu" cũng phải dè chừng. Như vậy, mùa phim Việt 2023 xem như đã đến hồi kết thúc với 6 phim đạt trên 100 tỷ đồng nhưng chỉ vài đầu phim có chất lượng thật sự đáng khen. Khán giả lại phải chờ đến 2024 để kì vọng vào một số dự án mới mẻ hơn!

Recommended posts for you