“CITOPIA" của Phùng Khánh Linh: 10 xúc cảm yêu trong thành phố hoa lệ
Dễ cảm thụ, mà không chung chung. Trong album “CITOPIA", Phùng Khánh Linh đã “kiến trúc" nên những âm thanh thành thị, và những dư âm đa tầng trong không gian ấy. Lựa chọn thể loại City Pop, Phùng Khánh Linh khẳng định mong muốn dung hoà giữa sáng tạo, thể nghiệm trong âm nhạc với nhu cầu của khán giả.
Chất giọng nhẹ, cảm xúc của Linh khiến người ta gợi liên tưởng về một cô gái mong manh, cần được che chở, hợp với dòng nhạc Pop ballad. Nhưng Linh “quậy" hơn thế. Cô tạo nên những dấu ấn mới mẻ với Dance, Disco, R&B bên cạnh những âm hưởng rõ nét của nhạc điện tử, mà album đầu tay “yesteryear" với 13 bài nhạc đủ để khẳng định nhận định này.
Thử nghiệm với City Pop
Mặc dù đã có “hint" về một cô nàng Phùng Khánh Linh tự do, dám thử nghiệm, việc Linh ra một album city pop vẫn khiến người nghe bất ngờ. “CITOPIA" được ra mắt ngày 11.11, gồm 10 bài hát trong album chứa những mảnh cảm xúc của Phùng Khánh Linh. 10 thái độ cảm xúc và 10 đặc tả tình yêu hoàn toàn khác nhau. Hãy nhìn cách Linh chân thành trong câu chữ, lay động khán giả trong “Nói lời có giữ lời", cũng có khi buông mình, tinh nghịch mà quyến rũ trong “Căn gác mùa hè". Tựa đề album “CITOPIA", từ đó, có ý nghĩa gì?
Có thể nói, “City” có thể là cách Linh nhấn mạnh dòng nhạc City Pop chủ đạo trong album. City Pop ra đời từ thập niên 70, khi phụ nữ Nhật dần cởi mở với nghệ thuật và âm nhạc, thay vì lấy chồng sớm, ổn định gia đình theo lối truyền thống. “Chủ đề tình yêu thụ động, ngây thơ thường thấy ở âm nhạc truyền thống được thay thế bởi tiếng lòng và cảm xúc thật của những nữ ca sĩ như Junko Ohashi hay Mariya Takeuchi. Bài hát ‘Plastic Love’ là một ví dụ về thứ tình yêu chớp nhoáng và sự chủ động của người phụ nữ.” - Vọc Records đưa ra tổng kết.
Trong khi đó, “Opia” chỉ cảm xúc dữ dội, mãnh liệt khi chúng ta nhìn thẳng vào mắt nhau. Kết nối lại, "CITOPIA" không chỉ là một cái tên dễ nhớ, mà mang tinh thần chủ động của người con gái, có phần tự do và thả lỏng cho cảm xúc. "Quý cô say xỉn" chính là bài hát đại diện khá rõ cho tinh thần album này. Còn theo diễn giải của Phùng Khánh Linh, "CITOPIA" là một thành phố trong tưởng tượng, ở đó mọi thứ đều hoàn hảo ...
“Quý cô say xỉn" hay “quý cô tục ngữ"?
Những cảm xúc hỗn tạp trong không gian thành thị có thể khiến người nghe cần một chút thời gian để kết nối những câu chuyện trong album. Đằng sau những âm thanh lấp lánh, bắt mắt như chính ánh đèn trong thành phố, đó là những lớp cảm xúc mong manh, quyến rũ, dịu dàng.
Mở đầu album là "Căn gác mùa hè" - một bài hát tràn căng năng lượng sức trẻ, mô phỏng tình yêu thăng hoa quá đỗi hấp dẫn. Cô gái trẻ và tình yêu đầu yêu hết lòng, hết dạ. “CITOPIA" cũng như dòng tâm sự của Phùng Khánh Linh sau những va vấp từng trải, có cay mắt nhưng rồi vẫn là tình yêu, vẫn “neo đậu" trái tim ở thành phố lớn. Có lẽ đó là cách “Sài Gòn ôm lấy em” ra đời, đây cũng là bài hát gần cuối trong album.
"Sài Gòn ôm lấy chính em
Sài Gòn yêu tiếng hát em
Thương em tôi lẻ loi một mình”
Một nền công nghiệp âm nhạc đang phát triển, những chuỗi quy trình chính xác nằm một thành phố Sài Gòn có vẻ ngoài náo nhiệt, trù phú. Trong chuỗi kiến trúc đó, Phùng Khánh Linh lại có cách làm nhạc rất “organic", đưa cảm xúc chân thành, nguyên bản của mình vào từng bài hát. Đối diện với chính mình, với những cảm xúc mong manh, dễ tổn thương có thể ví như việc “bóc hành" cho cảm xúc, từng lớp một. Buồn day dứt, mà không bi lụy. Từng bài hát trong “CITOPIA" gần như đều hướng tới sự chân thành và sâu thẳm, bọc ở ngoài bởi lớp âm thanh ngọt ngào lấp lánh.
“Em tạm đi vắng khi anh thức giấc” mang tới bầu không khí nhẹ nhàng. Sự mong manh, dịu dàng trong giọng hát Phùng Khánh Linh hợp với bầu không khí thoáng buồn mà vỗ về trong bài hát. Trong rộn ràng của thành phố, “em tạm đi vắng khi anh thức giấc” như thể một đêm trăng dịu êm, đẹp đẽ và độc nhất trong album “CITOPIA".
"Chẳng phải ra đi mãi mãi
Chỉ là tạm đi vắng mà thôi…”
Bài hát “Quý cô say xỉn" trở thành “spotlight" sau sự kiện ra mắt album. Bài hát mang hình hài mới có phần khiêu khích, cũng là góc cạnh mà Linh ít bộc lộ. Đó là một thái độ yêu đầy chủ động của một cô gái với bối cảnh có chút men say. Tuy nhiên, nếu Linh tạo nên sắc thái đối lập rõ nét hơn giữa "quý cô say xỉn" và các trạng thái cảm xúc khác trong album, có lẽ người nghe sẽ dễ nhận được thông điệp của cô trọn vẹn hơn.
"Em say anh chứ không say rượu nồng
Kiếm cái cớ, lấy cái cách
Đưa anh về nhà"
Bên cạnh đó, cách kết nối câu chữ của Linh được thể hiện xuyên suốt, điểm những câu tục ngữ thú vị, rất Việt Nam. “Quý cô say xỉn" đưa ra nhận định: "Mây tầng nào gặp mây tầng đó". Vậy là ngay sau đó, chúng ta được nghe bài hát “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" mang nghĩa tương tự. Dù có vài điểm thiếu logic, suy cho cùng, đó là cảm xúc của một thiếu nữ trong tình yêu, ai lại đi rạch ròi đúng sai, tỉnh táo? Bên cạnh việc tả thực, những câu tục ngữ quen thuộc, giàu tính hình ảnh là cách Phùng Khánh Linh thể hiện chất riêng trong lối viết lời của mình.
Dưới ánh đèn rực rỡ là những người nghệ sĩ tìm sự tươi mới sáng tạo, những đêm cô đơn đằng sau. Sự rực rỡ, hào nhoáng hay kiêu kỳ "bọc lấy" những con người hoang hoải trong thành thị. Đó là câu chuyện riêng của Phùng Khánh Linh mà chiếu rọi tâm tư của trăm ngàn thị dân. Xin tạm kết bằng những hình ảnh rất đẹp trong thành phố "CITOPIA".
“mười hai giờ đêm của em là bữa tối
gạt đi giọt sương đọng trên mi mắt u sầu
…
nét ngài khuôn trăng sáng đầy vơi
tắt đèn buông câu hát lả lơi
đón ánh trăng ùa khắp căn phòng"
Hình ảnh: NVCC