Bones and All: Phim kinh dị tình cảm gây sốc nhất lịch sử LHP Venice?
Vừa chiếu suất đầu tiên trong khuôn khổ tranh giải Sư tử vàng lần thứ 79, phim arthouse của đạo diễn người Ý Luca Guadagnino và "chàng thơ" Timothée Chalamet đã khiến dân tình choáng ngợp trước nhiều hình ảnh "sốc" tái hiện lại cộng đồng cannibal (ăn thịt đồng loại) thu nhỏ giữa nước Mỹ thời Reggae 80s. Tuy nhiên, ngoài các cảnh quay bạo lực đẫm máu, “Bones and All” nhận về 9 phút vỗ tay cùng vô số lời tán dương từ các nhà phê bình uy tín. Liệu đây có phải là "cú hích" đầu tiên của điện ảnh 2022?
Trong suốt chiều dài hoạt động nghệ thuật, Luca chủ yếu làm phim tình cảm lãng mạn mà điển hình là “Call Me By Your Name”, bộ phim đưa ông đến với đài danh vọng bằng đề cử Oscar cho Phim hay nhất cùng hàng trăm giải thưởng lớn nhỏ. Nhưng từ sau thành tích đột phá này, đạo diễn 51 tuổi này lại tìm sự hào hứng ở thể loại kinh dị tâm lý như cách làm mới tác phẩm kinh điển “Suspiria” năm 2018, và bốn năm sau với “Bones and All” dựa theo tiểu thuyết cùng tên của tác giả Camille DeAngelis.
“Bones and All” đã được giải thưởng văn học Alex Award năm 2016. Bên cạnh yếu tố về mặt nội dung, đạo diễn Luca tiết lộ rằng ông bị hấp dẫn bởi nhân vật nữ chính trong câu chuyện. Ngoài ra, một chi tiết bên lề cũng khiến cho đạo diễn này nhanh chóng bắt tay vào làm phim này dù ông có khá nhiều dự án trước mắt. Đó là thông tin giật gân về tài tử Armie Hammer (đóng chung với Timothée Chalamet trong “Call My By Your Name”) tiết lộ sự thật về sở thích quái đản, từng có ý định... ăn thịt bạn gái!
Timothée Chalamet đứng trong hàng ngũ sản xuất “Bones and All”, càng củng cố thuyết âm mưu về bộ phim, rằng cả Luca và Timothée đều thật sự bị ảnh hưởng bởi không chỉ câu chuyện từ cuốn sách, mà còn từ "góc tối" trong cuộc sống riêng từ của đồng nghiệp - diễn viên mà họ rất mực yêu quý. Vì lẽ đó, ngay từ khi dự án đi vào sản xuất, “Bones and All” đã khiến giới mộ điệu trông ngóng, đặc biệt là những fans hâm mộ cuồng nhiệt của sao trẻ Timothée Chalamet.
Có gì sau 9 phút vỗ tay ở Venice?
Chính xác hơn là 8 phút rưỡi tràng vỗ tay đứng dành cho cho buổi chiếu phim hôm 2 tháng 9 vừa qua, theo ghi nhận từ các kênh Twitter thì không ít khán giả yếu tim đã phải rời khỏi rạp chiếu sau những hình ảnh sống động mà “Bones and All” lột tả. Nhiều cây bút chuyên lẫn không chuyên nhanh chóng chia sẻ vài từ khóa nóng hổi xoay quanh bộ phim, thế nhưng đây đều là các từ khóa làm tăng nặng tình tiết kinh dị cho phim. "Các cú máy cận, đặc tả rõ bộ phận cơ thể... phim cực kỳ bạo lực" - Keith Simanton.
"Một trong những phim ghê rợn nhất nhưng lại hết sức lãng mạn hiếm hoi của màn bạc. Không thể bỏ lỡ một phút nào, cả Timothée và Taylor đều mê hoặc..." - Wilson Kwong đăng bài tweet. Nhưng Wilson không phải khán giả duy nhất đánh giá cao tính rung cảm của phim, mà còn có các tờ báo hàng đầu của Mỹ như The Hollywood Reporter, Slashfilm, Time... và The Guardian của Anh. Tờ Discussing Film hào phóng chia sẻ rằng: "Trong khi hai kẻ thanh niên đấu tranh vì cơn thèm khát đồng loại thì chúng ta ở tư cách người xem, tự vấn mọi lý lẽ luân thường trên họ. Nhưng bộ phim này hấp dẫn vì đã khai thác nhân vật sâu sắc, khiến ta khó mà không thể đồng cảm cùng họ. “Bones and All” là chiến thắng đặc biệt, mở ra tác phẩm kinh điển thời đại mới...".
Cũng theo Discussing Fim, hai diễn viên chính là yếu tố xác thực cho sự "nặng ký" của phim: "Taylor như một người mặc khải, giữ mọi cảm xúc từng giây phút, chỉ riêng đôi mắt đã có khả năng thần bí truyền tải mọi cảm xúc. Còn Timothée, ngay từ lúc xuất hiện đã tạo ra sự mê đắm cao độ, khiến người xem quên đi mất một chàng thơ năm nào còn non nớt...".
Yếu tố kinh dị trong “Bones and All” tuy chi tiết nhưng khéo léo dẫn dụ vào mối tình giữa hai nhân vật chính là Maren (Taylor đóng) và Lee (Timothée đóng) trước khi họ phải tranh đấu cho tự do của chính mình. The Guardian mượn câu nói trong bài rao giảng Đức tin của Thiên chúa giáo: "Đây Mình Ta chính là của ăn, và Máu Ta thật là của uống" cho thông điệp mà tác giả Peter Bradshaw muốn truyền tải: "Bones And All là một bộ phim kinh dị rùng rợn, một cuộc phiêu lưu cảm xúc trong sự ghê tởm, một câu chuyện về tình yêu trẻ tuổi bị ngăn cấm, và một câu chuyện ngụ ngôn về ý nghĩ bí mật khủng khiếp, đáng sợ nhưng cũng đầy phấn khích...".
Dài đến 130 phút, lại ẩn chứa những cảnh quay giật gân đáng sợ, thế nhưng “Bones and All” có điểm "rating" khá cao từ hai kênh phê phim lớn nhất thế giới: 7.9 trên Rotten Tomatoes và 74 trên Metacritic. Phim đang được dự đoán có thể tạo cơn sốt nho nhỏ tại phòng vé, dựa vào sức hút khó cưỡng của Timothée Chalamet cùng chất lượng phim được kiểm chứng chi tiết. Hãng phát hành Warner Bros. Pictures sẽ đóng vai trò quan trọng đưa phim tới thị trường quốc tế vào tháng 11 tới.
Trước "Bones and All", LHP Venice đã có những phim gây "sốc" nào?
Là LHP Quốc tế lâu đời nhất thế giới, trải qua 79 mùa giải Sư tử vàng nhưng số lượng phim "hạng nặng" tới Venice chỉ đếm trên đầu ngón tay. So với sự hào nhoáng, ồn ào của Cannes thì Venice thanh lịch, giản dị hơn. So với độ "sốc", "sex", "bạo lực"... thì Venice thường ưu tiên chọn các phim tâm lý tình cảm có yếu tố... hướng thiện nhiều hơn là Cannes. Do đó, “Bones and All” là trường hợp hiếm trong lịch sử Venice, đặc biệt ở hạng mục tranh giải.
Năm 2019, phim chiến tranh “The Painted Bird” của Václav Marhoul có những cảnh tra tấn, cưỡng bức tàn bạo... làm nhiều phóng viên, nhà báo rời buổi chiếu. Tờ Daily Mail nhận định phim "sa đọa toàn cảnh", trong khi The Guardian chấm phim 5 sao nhưng vẫn nhắc nhở tác phẩm là "chuyến tham quan địa ngục kéo dài ba tiếng, cực kỳ man rợ". Tất nhiên, so với “Bones and All” chỉ đơn thuần là câu chuyện hư cấu (truyện kể trong trí tưởng tượng), thì “The Painted Bird” là những chi tiết góp nhặt từ cuộc thảm sát tàn khốc của Đức quốc xã.
Năm 2011, Venice chọn chiếu “Shame” của Steve McQueen, bộ phim dày đặc các cảnh ân ái lẫn khỏa thân của tài tử Michael Fassbender làm nhiều khán giả "sượng đỏ mặt". Với nhãn NC-17, Shame là phim hiếm hoi ẵm tới ba giải trong đó có giải Volpi Cup cho Nam diễn viên xuất sắc nhất (Michael Fassbender) - người thủ vai kẻ nghiện tình dục. Năm 2012, LHP Venice một lần nữa "liều" trao giải Sư tử vàng cho tác phẩm “Pietà” của đạo diễn Hàn quốc quá cố Kim Ki-duk. Phim tuy không có quá nhiều cú máy cận cảnh bạo lực hay tính dục, nhưng câu chuyện và tình tiết trong phim khiến người xem sởn da gà nghĩ về bóng tối bên trong tâm khảm con người: một kẻ cho vay nặng lãi phải trả giá đắt, khi tước đoạt dễ dàng sinh mạng của người khác. Một màn trả thù kinh điển đưa điện ảnh Hàn Quốc lên ngôi.
Phải nói rằng, các phim NC-17 hoặc những phim yếu tố tình dục và bạo lực, kinh dị cao độ thường bị AMPAS ngó lơ, bởi phần đông các thành viên của Hiệp hội này đều là những người "có tuổi", mặc dù những năm gần đây, dân tình đấu tranh để "trẻ hóa" AMPAS nhằm khiến giải Oscar có màu sắc mới mẻ, độc đáo hơn nhưng không ăn thua. Chỉ có 6 phim trong lịch sử Oscar từng được đề cử Phim hay nhất là The Exorcist (1973); Jaws (1975); The Silence of the Lambs (1991); The Sixth Sense (1999); Black Swan (2010) và Get Out (2017). Trong số này, chỉ The Exorcist (1973) và Jaws (1975) là thuần túy kinh dị với nhiều hình ảnh ghê rợn, các phim còn lại đều là phim kinh dị tâm lý, yếu tố kinh dị rất khiêm tốn.
Như thế để nói rằng, từ lâu Oscar rất khó khăn trong việc đánh giá thể loại phim bạo lực, kinh dị, tương tự như “Bones and All” - trường hợp hiện gây tranh cãi trên các diễn đàn về lí do liệu nó có lọt vào Top 10 Phim hay nhất hay không; ngoài ra phản ứng của khán giả khi phim chiếu tháng 11 tới đây có tác động nhiều đến cuộc tranh tài lớn nhất năm... May mắn là cũng như nhiều phim arthouse "nặng đô" khác, “Bones and All” đã có "sân chơi" như Venice để trưng trổ, và người hâm mộ lẫn nhà phê bình cho rằng phim sẽ ẵm giải như một cách tri ân các đạo diễn như Luca Guadagnino dù đã nổi danh nhưng không ngại các đề tài "hiểm".