[Our Voice] Cú ngã ngựa của Hà Linh và bài học về "quyền lực ảo" trong thời đại số
Khi gõ cụm từ “Hà Linh” trên thanh tìm kiếm Facebook, sau lượt hiển thị đầu tiên thuộc về trang cá nhân chính chủ, bạn sẽ nhìn thấy sự xuất hiện của hàng loạt hội nhóm anti, tẩy chay đang viral với tốc độ chóng mặt. Sự kiện giữa "Chiến thần review" Hà Linh và dược phẩm Hoa Linh vẫn đang thu hút sự quan tâm và bàn tán đông đảo những ngày qua trên mọi mặt trận. Cú sốc về giá cả từ livestream đã gây ra làn sóng phẫn nộ, kéo theo đó là đám đông chỉ trích, nhân cơ hội nhắc lại những ồn ào cũ từng gây sóng gió và kêu gọi tẩy chay nữ reviewer.
Cái “được” và “mất” của quyền lực ảo
Mạng xã hội cho phép từ bác sĩ, kỹ sư tốt nghiệp loại ưu đến những anh xe ôm công nghệ, chị bán hàng rong đến một đứa trẻ mới tập tành tiếp xúc công nghệ đều có quyền bày tỏ quan điểm và đăng tải công khai những cảm xúc cá nhân và đưa ra quan điểm một cách “tự do”. Và khi tự do đang được số hóa, không có gì là tuyệt đối với khái niệm “viral”. Đối với một chủ đề, bạn có thể đồng thuận hoặc phản bác, đối với một cá nhân, bạn có thể yêu hoặc ghét, đó chính là sự thoải mái công khai tạo nên sự bình đẳng trên không gian ảo của mỗi người.
Có thể nói, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 khi sức ảnh hưởng trên không gian mạng là một thứ có thể cân đo đong đếm và tạo nên những bản hợp đồng hàng trăm triệu, Hà Linh đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Với góc nhìn của một chuyên gia marketing hay từ các đơn vị truyền thông, Hà Linh là một cái tên hầu như mọi thương hiệu đều thèm khát. Hà Linh trở thành người dẫn dắt và bán ý tưởng thành công trên mọi nền tảng cô góp mặt, dù khi tiên phong lựa chọn chủ đề cô muốn theo đuổi từ những ngày đầu tiên, có lẽ cô đã từng không dưới một lần nghĩ đến viễn cảnh của ngày hôm nay.
Câu hỏi đặt ra là, trước dược phẩm Hoa Linh, người hâm mộ và nhãn hàng đã thành công “book” Hà Linh có trách móc cô nàng không? Hiện tại, trang mạng TikTok quy định người dùng có thể bật chế độ kiếm tiền nếu trên 18 tuổi, có hơn 10.000 người theo dõi và ít nhất 100.000 lượt xem trong 30 video gần nhất. Vậy cứ thử áp dụng vào Hà Linh, con số sẽ khủng đến mức nào. Chúng ta có thể phê phán thái độ của Hà Linh khi bị quyền lực ảo chi phối, nhưng việc vạch trần những lời khen và quảng cáo hoa mỹ từ những đối tượng bán hàng kém chất lượng xuất phát từ sự tử tế mà cô mang lại cho những người tiêu dùng và đặc biệt những đối tác của mình là không thể chối cãi.
Dù sao đi nữa, các công ty và nhãn hàng đều sẽ xoay quanh câu hỏi đầu tiên khi lựa chọn Hà Linh: Bao nhiêu sản phẩm sẽ được bán ra khi buổi livestream kết thúc?
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức"
Thông qua vụ việc lần này, người ta có thể tìm đến những group anti Hà Linh vì chỉ trích thái độ “xéo xắt” của cô, hay bài trừ cách cô kiếm tiền "toxic" thông qua các phương tiện truyền thông, cộng hưởng với đó còn là sự hả hê của những đối thủ, những cá nhân bán lẻ từng bị nữ Tiktoker vạch trần, hay đơn giản chỉ vì tò mò và hóng “drama”. Với những tâm thế khác nhau, người sử dụng mạng xã hội đang tìm kiếm những gia vị thỏa mãn cảm xúc thuần tuý với đối tượng họ nhắm đến.
Nếu tua ngược lại quãng thời gian đầu tiên khi Hà Linh chưa quá nổi tiếng, bạn sẽ tìm thấy ở mỗi video cô đăng tải đều kèm châm ngôn “không nhận booking quảng cáo” như một phong cách thương hiệu mà cô đã xây dựng từ những ngày đầu tiên. Cô được mọi người yêu mến và ủng hộ bởi sự nhiệt tình, thẳng thắn, dám khen dám chê để mang lại cảm nhận thực tế nhất. Lựa chọn trải nghiệm sản phẩm một cách chân thực, không ít lần chính sự độc hại của các món đồ không nguồn gốc từ những người bán không có tâm cũng khiến cô trả giá - tất cả chỉ vì lời hứa hẹn về một nội dung chân thực, không quảng cáo dành cho người hâm mộ.
Sau những ngày cảm nhận rõ rệt cú ngã ngựa đầu tiên, Hà Linh đã chính thức nói lời xin lỗi. Có lẽ Hà Linh đang bị “bắn hạ”, hoặc có thể không. Sự mắng mỏ có thể khiến cô nản lòng, nhưng điều đáng khen là cô đã không phớt lờ chúng.
Một bài học kinh nghiệm ở đời cho bất kể ngành nghề nào đó là, “lửa thử vàng gian nan thử sức”. Trước bão giông, có lẽ Hà Linh sẽ thấm thía câu nói này hơn ai hết. Sự thành công luôn dẫn đến ngạo mạn và có thể tạo nên con dao hai lưỡi. Nhưng bước đến thành công nào dễ dàng đến vậy. Có lẽ Hà Linh đang lún sâu vào “quyền lực ảo” bởi chính những thành tích lập được ở độ tuổi 30, nhưng tin rằng cô chưa bao giờ quên đi xuất phát điểm: sống thật với chính kiến của mình.
"Từ một reviewer mở rộng sang mảng livestream. chắc chắn là mình còn rất nhiều điều cần phải học hỏi. Bản thân Linh khi làm reviewer thì không được lòng nhà sản xuất, khi livestream lại không được lòng nhà phân phối… Với tư cách là reviewer, Linh vẫn cảnh báo cho người xem kênh các sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe" - Hà Linh chia sẻ.
Từ nói thật đến kiếm tiền và xây dựng uy tín còn rất nhiều điều phải học hỏi. Hà Linh phải chấp nhận những cảm giác không dễ chịu để quảng cáo nội dung mình đăng tải. Mặc dù không thể phủ nhận những kẽ hở, nhưng với vai trò người làm kinh doanh, bản chất là phải luôn đối mặt với rủi ro và ứng biến linh hoạt.
Sau sự kiện này, thực tại đáng buồn là những lỗ hổng trong vận hành của các doanh nghiệp bán lẻ vẫn chưa thực sự chặt chẽ, nhưng điều khả quan hơn hết là các doanh nghiệp sẽ tìm thấy cơ hội thấu hiểu sản phẩm của chính mình, định vị thương hiệu và hướng tiếp cận người tiêu dùng lành mạnh trong thời đại số.
Bài học rút ra cho các KOC là gì?
Đừng ngại đi ngược đám đông
"Mình đang đi ngược lại số đông, chỉ với mong muốn đóng góp những điều có ích cho cộng đồng”, Hà Linh từng chia sẻ. Đây cũng là một trong những tư duy vượt trội mà Hà Linh đã áp dụng thành công. Quyền tự do ngôn luận đã giúp thiết lập vị thế của cô như một chuyên gia (đến trước khi scandal bùng nổ). Bạn có thể không được đào tạo bài bản, nhưng sáng tạo vốn không có khuôn khổ. Ở nền tảng của riêng mình, bạn có thể trung thành với phong cách cá nhân, nhưng thỉnh thoảng thử nghiệm các ý tưởng nội dung mới và trái ngược đám đông cũng không tệ, hãy nhớ rằng khán giả của bạn mong đợi điều gì đó cụ thể từ nội dung của bạn.
Để thu hút khán giả, trước tiên bạn phải hiểu điều mình đang làm là gì, Hà Linh cũng vậy. Khi nói đến việc xác định đối tượng thích hợp cho video thương hiệu, Hà Linh đã xác định được cô đang cần nói chuyện với ai, nói cái gì và tại sao khán giả lại quan tâm những gì cô nói.
Cơ hội (và rủi ro) vốn không báo trước
Nếu ai cũng biết rõ thời điểm khai phá khả năng của mình, thì chắc chẳng có nhiều sự phân biệt đến vậy. Khi cơ hội đến, bạn không được báo trước. Tất cả những gì bạn cần làm là nắm bắt nó. Liệu bạn có tiếp tục nổi tiếng, giữ vững vị thế hay sẽ bị cuốn trôi? Bất kể bản chất của xu hướng là gì, luôn có một cơ hội rất nhỏ để bạn tận dụng được nó khi tốc độ là yếu tố then chốt: trở thành người đầu tiên và độc bản. Bất kể nội dung bạn lựa chọn là gì, loại hình kinh doanh bạn đang theo đuổi ra sao, bạn sẽ không bao giờ hoàn thành đích đến một cách dễ dàng. Ở thời đại ai cũng nơm nớp lo so bởi dự đoán suy thoái kinh tế, bạn không có nhiều thứ để quan tâm đến vậy.
Cuối cùng, nếu bạn là kẻ sống sót, thì bạn đã chiến thắng và vượt qua rất nhiều người.
Tầm quan trọng của “selling yourself” là bạn không cần phải là ứng viên tài năng hay giàu kinh nghiệm nhất, bạn phải thuyết phục người đối diện, mà cụ thể ở đây là người hâm mộ ở phía sau màn hình của Hà Linh. Điều này cũng vô cùng đúng trong một buổi pitching sản phẩm hay phỏng vấn ứng viên. Nếu bạn bắt đầu kinh doanh, bạn phải thuyết phục mọi người mua sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Nếu bạn là một kiến trúc sư, bạn phải đảm bảo bán được thiết kế của mình cho khách hàng. Nếu bạn là Hà Linh, bạn phải tạo khả năng chốt đơn chạm (hoặc vượt) mức cam kết với đối tác.
Từ nói thật đến kiếm tiền và tạo uy tín còn rất nhiều điều phải học hỏi.
Khả năng chịu trách nhiệm cho hành động của mình
Có những bài học sẽ ở lại với bạn theo bất kỳ cách nào trong hành trang nghề nghiệp của bạn. Bán hàng và tiếp thị liên kết thông qua livestream dạy cho Hà Linh phải chịu trách nhiệm cho hành động và lời nói của mình, ở một cấp độ cao hơn khi danh tiếng cô càng tăng lên.
Cô sẽ không thành công nếu không chịu trách nhiệm 100% cho mọi việc mình làm. Điều này bắt đầu với việc bạn hiểu rõ tiếng nói bên trong mình, chẳng dễ dàng gì khi nhận sai với bản thân hay bộc lộ nhược điểm trước mắt người khác. Chịu trách nhiệm cho các hành động của chính mình (ngay trong những sinh hoạt thường nhật) và chịu trách nhiệm khi mọi thứ diễn ra không theo quỹ đạo là điều quan trọng trong tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp.
Thành công đến từ sự nhất quán
“Thành công không đến từ những gì bạn chỉ làm một cách thỉnh thoảng. Nó đến từ những gì bạn làm một cách nhất quán.” Việc tăng lượng khán giả trung thành, đặc biệt là qua các kênh nhanh như Tiktok có thể rất mệt mỏi và không mang lại hiệu quả. Nhưng Hà Linh đã chứng minh sức bền của mình. Điều quan trọng nhất là cô đã không được bỏ cuộc khi biến con số vài trăm lên đến vài triệu. Đi lên từ căn phòng trọ 10m2, 33 tuổi tự mở công ty, mua nhà, tậu xe.
Phải rút kinh nghiệm cho những gì phải xảy ra , nhưng nếu hỏi Hà Linh có thành công không? Câu trả lời là CÓ.
Đi từ con số 0, nỗ lực vì người tiêu dùng, Hà Linh có thực sự đáng trách?