Phái đẹp nên chuẩn bị gì cho kế hoạch tài chính cá nhân?
Kế hoạch tài chính cá nhân quan trọng nhưng thường bị lãng quên. Phụ nữ thường có nhiều những khoản chi tiêu và tiết kiệm hơn, còn bạn đã chuẩn bị gì cho kế hoạch tài chính của mình chưa?
Trong 8 khía cạnh của mô hình “Wheel life” (bánh xe cuộc đời), để bánh xe có thể lăn cần đảm bảo các yếu tố như: Sự nghiệp, sức khỏe thể chất & tinh thần, mối quan hệ, sự phát triển cá nhân,.. và tất nhiên tài chính cũng là một phần không thể thiếu. Thế nhưng, trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường chỉ tập trung cho việc “kiếm tiền” mà bỏ quên việc quản lý hoặc lên kế hoạch tài chính cho bản thân.
Trò chuyện với một số người phụ nữ, hầu hết mọi người cho rằng: họ nên tiết kiệm hoặc đầu tư tiền nhưng lại chưa có một lộ trình hay kế hoạch thật sự cụ thể cho việc này. Khi chúng ta chỉ nhìn tổng quát và chung chung sẽ rất khó để có đạt được những mục tiêu tài chính mà mình mong muốn, cũng như thường gặp phải các sai lầm như: Chi tiêu theo cảm xúc, chưa có kế hoạch quản lý thu chi rõ ràng, bị lừa vào các mô hình đầu tư khi chưa có sự am hiểu, không thiết lập các quỹ tài chính dự phòng, phụ thuộc vào một nguồn thu nhập,...
Chính những sai lầm này dẫn đến nhiều hệ lụy như việc mất tiền oan uổng, gặp phải cơn ác mộng của nợ tín dụng, hoặc có cuộc sống thiếu cân bằng (quá lãng phí hay quá dè xẻn),... Đó là lý do tại sao chúng ta cần có một lộ trình tài chính và kiến thức rõ ràng, giúp bạn có được sự vững vàng cho cuộc sống cá nhân hoặc xa hơn là gia đình của mình.
3 giai đoạn tài chính cá nhân
Để bắt đầu một kế hoạch tài chính bền vững, trước hết bạn cần xác định được những mong muốn/ mục tiêu tài chính theo lộ trình thời gian để từ đó tạo ra các cột mốc phù hợp.
Giai đoạn 1: Đầu tư cho bản thân
Đây là giai đoạn sau khi tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm khoảng vài năm, thu nhập lúc này của bạn lúc này thường được dùng cho việc trau dồi kiến thức, kỹ năng để nâng cao chất lượng công việc và tăng thu nhập.
Đây cũng là thời điểm bạn chưa gặp nhiều gánh nặng về kinh tế gia đình, cho nên là cơ hội lý tưởng để thực hành lập kế hoạch tài chính cá nhân.
Giai đoạn 2: Quản lý tài chính gia đình
Đây là thời kỳ quản lý tài chính phức tạp nhất. Vì bạn có thể phải chi tiêu cho các quyết định lớn như đám cưới, mua nhà, sinh con,...Tài chính của bạn lúc này có thể cao hơn nhưng kèm theo đó các khoản chi tiêu cũng nhiều hơn (chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng bố mẹ,...).
Chính vì thế, kế hoạch tài chính của bạn cần gia tăng nguồn thu, các quỹ bảo hiểm trong tình huống khẩn cấp, quỹ tiết kiệm, quỹ đầu tư... để từng bước giảm thấp những rủi ro. Ngoài ra, việc quản lý thu - chi của gia đình cũng là yếu tố cần được ưu tiên hàng đầu.
Giai đoạn 3: Tài chính cho giai đoạn trung niên trở đi
Đây là giai đoạn chủ yếu chuẩn bị cho cuộc sống già. Thu nhập lúc này của bạn khá cao và ổn định. Bạn có thể căn cứ tình hình các thành viên trong gia đình để sắp xếp các quỹ tài chính. Lúc này những chi phí cơ bản giảm nên có thể linh hoạt phân phối. Ngoài ra, bạn cần giữ một nguồn quỹ dùng cho bệnh tật đột xuất
6 bước lập kế hoạch tài chính cá nhân:
“Tài chính cá nhân” giống như tên gọi, đó sẽ một thứ rất “cá nhân” của mỗi người, phục vụ mục đích, lối sống của từng người, nên thường rất khó để có một khuôn mẫu chính xác cho bạn. Tuy nhiên những gợi ý dưới dây sẽ giúp bạn có thêm góc nhìn cho kế hoạch riêng của mình.
Bước 1: Đánh giá tình hình tài chính cá nhân hiện tại
Điều đầu tiên mà bạn nên làm đó là xác nhận tình hình tài chính cá nhân hiện tại, liên quan đến các khoản thu nhập, khoản đầu tư và các khoản vay trong vòng 1 tháng. Với việc thống kê rõ ràng sẽ giúp bạn nhìn nhận được “sức khỏe tài chính” hiện tại của bản thân. Nếu đang có những khoản nợ tiêu dùng, nợ xấu hãy ưu tiên trả trước.
Bước 2: Đặt ra các mục tiêu tài chính cần đạt được
Mục tiêu tài chính có thể là mục tiêu chi tiêu, mục tiêu đầu tư, mục tiêu tích lũy,... Bạn cần điền tên cụ thể và và giá trị đạt được tương ứng cùng khoảng thời gian thực hiện.
Bước 3: Quản lý thu chi theo ngày
Ghi chép đầy đủ các khoản chi tiêu mỗi ngày. Sau đó rà soát và điều chỉnh các khoản chi chưa hợp lý và loại bỏ những khoản chi không thực sự cần thiết.
Bước 4: Đề ra thứ tự ưu tiên cho kế hoạch
Nhiều bạn nghĩ rằng lập kế hoạch tài chính là mang tiền đi đầu tư, nhưng thực tế kế hoạch này giúp bạn xác định mục tiêu ưu tiên trong từng giai đoạn. Một lộ trình mà bạn nên tham khảo là:
- Xây dựng quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp
- Xây dựng quỹ tiết kiệm (6-12 tháng chi phí sinh hoạt cá nhân)
- Phân bổ tài chính theo các kênh đầu tư để giảm rủi ro
Đối với các cá nhân đầu tư nhỏ, bạn có thể phân bổ cho các kênh đầu tư an toàn trước và sau đó là đầu tư mạo hiểm. Bạn cần tạo ra các quỹ để đảm bảo duy trì và ổn định cho cuộc sống. Đừng vội vàng đầu tư khi chỉ vừa tiết kiệm được một ít tiền.
Bước 5: Xác định thời gian cụ thể
Đề ra các cột mốc và thời gian phù hợp với mục tiêu. Ví dụ: Chi phí sinh hoạt của bạn là 10 triệu/tháng, mục tiêu của bạn là lập được quỹ tiết kiệm 6 tháng, tương đương 60 triệu. Hiện tại thu nhập của bạn là 20 triệu/tháng, tính đơn giản, trừ đi chi phí sinh hoạt, bạn còn dư 10 triệu/tháng để tiết kiệm. Vậy bạn sẽ cần 6 tháng sẽ đạt được mục tiêu lập quỹ tiết kiệm.
Bước 6: Tuân thủ theo kế hoạch chi tiêu
Để chi tiêu được đảm bảo theo đúng kế hoạch, bạn cần rèn luyện cho mình tính kỷ luật, nghiêm túc thực hiện. Nếu bạn bỏ giữa chừng sẽ chẳng có kế hoạch nào được diễn ra, không có cơ hội đạt đến sự tự chủ về tài chính.
Tham khảo: Generali, tạp chí tài chính
Ảnh bìa: Alexander Wang