Không để kinh tế cản trở "lối sống xa hoa", người trẻ tận dụng mua đồ secondhand
Một số lượng kỷ lục Gen Z đang thúc đẩy sự bùng nổ của hàng xa xỉ bất chấp sự bất ổn về kinh tế ngày càng gia tăng, đó là mua đồ cũ để theo đuổi cuộc sống tốt đẹp hơn.
Khoảng 30% Gen Z - những người sinh từ năm 1997 đến 2012 đang tận dụng mua đồ cũ (secondhand) từ các thương hiệu cao cấp hơn, theo báo cáo của ThredUp, một nền tảng bán lại và cửa hàng thời trang trực tuyến. ThredUp đã sử dụng dữ liệu thu được từ cuộc khảo sát GlobalData với 3.012 người Mỹ trưởng thành vào tháng 12/2022 vừa qua.
Và không chỉ Gen Z, người Mỹ đã mua khoảng 1,4 tỷ bộ quần áo cũ vào năm ngoái mà lẽ ra họ phải mua mới, đánh dấu mức tăng 40% so với năm 2021.
Hai trong năm món đồ trong tủ quần áo của Gen Z trước đây thuộc sở hữu của người khác, theo báo cáo cho biết. Hơn nữa, 64% đối tượng được khảo sát của Gen Z cho biết họ tìm kiếm một món đồ đã qua sử dụng trước khi mua mới hoàn toàn.
Báo cáo nêu rõ, lạm phát cao kéo dài và lo ngại về suy thoái kinh tế là những động lực chính dẫn đến những sở thích thay đổi này.
"Giá trị của món đồ là động lực số 1 ảnh hưởng đến quyết định mua hàng," báo cáo cũng cho biết.
Nhiều người trẻ cho biết họ mua những món đồ xa xỉ vì coi chúng như những khoản đầu tư cho tủ quần áo và cuộc sống của mình - đây là những món đồ sẽ không thể mua được nếu chi hàng ngàn USD tiền thuê nhà mỗi tháng.
Báo cáo tái thương mại hàng năm lần thứ hai từ eBay cũng nhấn mạnh rằng người tiêu dùng trẻ tuổi là lực lượng mới nổi chính trên thị trường đồ cũ với 80% Gen Z mua hàng cũ. Gần 1 trong số 3 người cùng độ tuổi bắt đầu bán hàng vào năm ngoái, khiến họ trở thành nhóm thế hệ lớn nhất chiếm 32% số người bán mới trong năm 2022.
Trong khi đó ở châu Âu, cửa hàng hàng đầu hiện cung cấp khu vực quần áo thiết kế đã qua sử dụng được gọi là WornWell. Dưới các sự hợp tác, cửa hàng hiện bán nhiều mặt hàng từ các thương hiệu như YSL và Burberry với giá chỉ 20 bảng Anh. Những mặt hàng này có nguồn gốc toàn cầu và được lựa chọn về chất lượng và nguồn gốc của chúng, hay thậm chí nơi đây còn tìm thấy các mặt hàng từ những năm 70, 80 và 90.
Các mặt hàng đã qua sử dụng thường có thể được mua với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá bán lẻ. Người tiêu dùng có thể sẵn sàng mua những mặt hàng xa xỉ vẫn nằm trong ngân sách của họ hay còn gọi là những mặt hàng “sang trọng giá cả phải chăng”.
Dù còn quá sớm, nhưng các thương hiệu đã tìm ra cách kiếm tiền từ thị trường thời trang secondhand. Oscar de la Renta đang bán các mặt hàng đã qua sử dụng được tân trang lại dưới nhãn hiệu Encore by Oscar de la Renta. Trong khi đó, Gucci – dưới nhãn hiệu Vault đang thâm nhập vào một khu vực thử nghiệm hơn, nơi họ bán nhiều sản phẩm Gucci cổ điển, sản phẩm hợp tác và các dự án metaverse. Alexander McQueen đề nghị mua lại các mặt hàng để đổi lấy tín dụng của cửa hàng và sau đó bán lại các mặt hàng đó trên Vestiaire Collective.
Tại Việt Nam, chúng ta cũng thấy mọc lên rất nhiều trang cá nhân với nhu cầu mua đi bán lại từ những người chơi hàng hiệu thứ thiệt. Và điều đặc biệt là những trang mạng xã hội (phần lớn từ Instagram) này luôn đạt lượng followers rất cao và sold out nhanh chóng các món hàng hiệu qua sử dụng, một minh chứng của việc Gen Z ngày càng quan tâm hơn đến thế giới thời trang xa xỉ.
Việc mua đi bán lại cũng mang đến cho các thương hiệu cơ hội thể hiện thông điệp về tính bền vững
Thực chất, việc mua đi bán lại cũng mang đến cho các thương hiệu cơ hội thể hiện thông điệp về tính bền vững của họ. Khi thị trường ngày càng trở nên quan tâm và có ý thức về môi trường, các thương hiệu và người bán đồ secondhand lại có thể bắt đầu các sáng kiến với cái được gọi là sự sang trọng tuần hoàn chẳng hạn.
Về mặt người mua, khả năng chi trả hàng hóa thời trang có nguồn gốc bền vững có thể là một thách thức đối với các thế hệ bị ảnh hưởng bởi mức giá thấp của thời trang nhanh. Một báo cáo về tính bền vững trong bán lẻ thời trang của Nosto chỉ ra rằng, chưa đến 1/3 người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chọn mua và bán đồ cũ cho phép người tiêu dùng dễ dàng cập nhật tủ quần áo của họ và thể hiện thiện ý tốt đẹp hơn.
Thương hiệu phát triển nhờ sự đặc biệt và khan hiếm. Vì vậy, nếu chỉ xét về mặt lợi, thị trường đồ cũ xa xỉ vẫn sẽ tồn tại và sự tăng trưởng của người tiêu dùng mua sắm hứa hẹn sẽ tạo nên cơn sốt và động lực cho các thương hiệu trong tương lai.