#PressDay: Xu hướng "làm báo không miễn phí" và những giá trị cần giữ trong thời digital
Đối với nhiều nhà xuất bản, một trong những ưu tiên hàng đầu là tăng doanh thu từ độc giả. Mà sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các mạng xã hội trong sản xuất tin tức khiến các nhà xuất bản buộc phải tìm kiếm các dòng doanh thu mới. Trong những năm gần đây, sự gia tăng của hình thức tường phí (paywalls) và thu phí bài viết (subscription) đã trở thành xu hướng nổi bật trong ngành truyền thông.
Mô hình báo chí thu phí phù hợp với giai đoạn mới
Thu phí báo điện tử (Digital Subscription) là hình thức cung cấp nội dung nhất định, có thể là một số bài báo hoặc nội dung không giới hạn trên các trang thông tin, báo chí điện tử tới những người trả tiền (subcribers), những người này cũng có thể có quyền truy cập ứng dụng của nhà xuất bản. Thông thường mô hình đem lại những điểm đặc biệt như trải nghiệm độc đáo, nội dung không quảng cáo, các bài phỏng vấn độc quyền hay bài chuyên sâu.
Ngày nay mô hình thu phí được coi là xu hướng tất yếu của ngành báo chí. Một phần do doanh thu từ quảng cáo sụt giảm mạnh buộc các nhà sản xuất phải có hướng đi tìm doanh thu mới. Trong đó báo thu phí đem lại một nguồn doanh thu tương đối ổn định. Theo báo cáo “Các xu hướng và dự báo về Báo chí, Truyền thông và Công nghệ năm 2020” của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (RISJ), hơn một nửa (52%) lãnh đạo các cơ quan báo chí tại 29 quốc gia khẳng định thu phí báo điện tử sẽ là trọng tâm tạo doanh thu của họ trong thời gian tới.
Trên thế giới đã chứng kiến những cú chuyển mình mạnh mẽ từ các tạp chí hàng đầu thế giới nhờ mô hình thu phí báo điện tử. Thậm chí ngay cả khi đại dịch COVID-19 diễn ra, những nhà xuất bản tin tức hàng đầu vẫn tăng doanh thu đáng kể nhờ mô hình này.
Tính tới cuối năm 2020, tờ New York Times cán mốc 7.5 triệu thuê bao trả phí (theo Weforum), ước chừng doanh thu đạt khoảng 100 triệu đô từ việc bán bài viết online ( với mức phí 0.25 đô/ tuần trong 1 năm). Bên cạnh NYT còn có những tên tuổi khác The Washington Post, WSJ, Financial Times, The Economist… Tại Việt Nam, tạp chí Ngày Nay và VietnamPlus là những cái tên đầu tiên theo đuổi mô hình trả phí.
Sự cần thiết về nguồn nội dung chất lượng cao
Covid-19 diễn ra tạo cú hích mạnh mẽ về nội dung số, kéo theo đó là những nội dung tràn lan, giả mạo hoặc không đáng tin cậy. Điều này càng khẳng định mạnh mẽ báo chí điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp những nguồn thông tin đáng tin cậy.
Người đọc giờ đây cảm thấy “kiệt sức” trước vô số nội dung được tiếp cận một cách quá dễ dàng và nhanh chóng được trên internet, đặc biệt từ các mạng xã hội. Theo Báo cáo về tình hình báo chí kỹ thuật số năm 2019 của Viện Nghiên cứu Reuters, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng tin tức “cảm thấy kiệt sức với lượng tin tức hiện nay”.
Đồng thời xu hướng chuyển đổi số đang được phát huy mạnh mẽ tại Việt Nam, đi kèm là cuộc cách mạng về nội dung số cũng tạo ra nhu cầu mở rộng hơn về nội dung. Giờ đây ngoài tin tức nhanh, người ta còn muốn nhiều hơn thế. Điều này tạo ra một nhóm độc giả ngày càng đề cao những thông tin xác thức, nội dung có hàm lượng tri thức cao, hay những câu chuyện tử tế và nhân văn, và giúp tạo ra những giá trị cho người đọc nhiều hơn. Câu hỏi ở đây là liệu những người đọc đã sẵn sàng trả phí cho những giá trị đó hay chưa?
Việc thu hút độc giả trả phí đòi hỏi phải đầu tư vào nội dung chất lượng cao và tập trung đáp ứng nhu cầu của độc giả mà điều đầu tiên đó là cần thu hút được những cây viết chất lượng cao, những cây viết chuyên sâu.
Mô hình thúc đẩy và thu hút các cây viết chất lượng cao
Ở các nước khác thì độc giả đã và đang sẵn sàng trả tiền cho những bài viết chất lượng từ các cây viết uy tín. Tại Việt Nam đây vẫn còn là câu hỏi mở, tuy nhiên không thể phủ nhận về một mô hình lý tưởng vừa đem lại doanh thu ổn định cho nhà xuất bản mà cũng đem lại thu nhập tốt cho các cây viết chất lượng cao mà chúng ta nên theo đuổi.
Những trang tin tức uy tín với nội dung được trả tiền như vậy sẽ thu hút được những cây viết chất lượng cao. Thực tế thì các cây viết/nhà báo đều mong muốn có thêm các nguồn thu nhập đều đặn và ổn định hơn. Đứng dưới góc độ các nhà xuất bản, để có được các bài viết sâu sắc và đa chiều thì không thể chỉ dựa vào đội ngũ phóng viên và biên tập cố định, mà cần sự hợp tác của những cộng tác viên. Mà để làm được như vậy thì buộc phải có một cơ chế về nhuận bút tốt hơn cho người viết. Mô hình báo chí điện tử thu phí nếu làm tốt sẽ giải quyết được vấn đề này.
Lấy ví dụ từ các nền tảng nội dung trả tiền khác ngoài báo chí như Medium và Substack. Hai mô hình tiên phong và đang ngày càng mở rộng. Theo đó, độc giả trên các nền tẳng này nếu cảm thấy nội dung có giá trị sẽ đăng kí theo hình thức trả tiền và số tiền sẽ được chuyển trực tiếp đến tay người viết, một phần trong số đó sẽ trích lại cho các nền tảng trên. Những nội dung đem lại trải nghiệm cao, chuyên sâu và hữu ích, hoàn toàn không có quảng cáo là đặc điểm nổi bật của các nền tảng này. Hình thức này không chỉ được đánh giá là đem lại nguồn thu nhập tốt cho cây viết, mà còn mang đến uy tín cho họ (bài viết chất lượng, được người đọc trả tiền là một minh chứng tốt nhất cho uy tín của một cây viết).
Tuy mô hình mới đang ở giai đoạn chớm nở tại Việt Nam. Nhưng đã đến lúc các tạp chí cần đẩy mạnh các nội dung chuyên sâu để thu hút các cây viết chất lượng hơn. Những nội dung này sẽ đến cho độc giả sự lựa chọn nội dung ý nghĩa, đúng nhu cầu hơn và không bị cuốn vào dòng thông tin cuồn cuộn trên các mạng xã hội.