Đừng cố gắng cân bằng cuộc sống và công việc, hãy thử cách khác
Khi chúng ta cố gắng để sống cân bằng đồng nghĩa với việc nỗ lực làm việc hiệu quả, gia tăng năng suất. Những nỗ lực để công việc chỉ dừng lại ở văn phòng là chưa đủ để đảm bảo bạn sẽ đạt được sự cân bằng. Trong thực tế, ít nhiều chúng ta đã từng rơi vào cái bẫy mất cân bằng.
Tại sao bạn khó đạt được sự cân bằng?
Đầu tiên cần nhìn lại khái niệm cân bằng cuộc sống và công việc (tiếng anh là work-life balance) đã ám chỉ công việc và cuộc sống là hai mảnh hoàn toàn riêng biệt. Sự cân bằng đạt được khi thời gian “cố định” dành cho hai mảnh này không va chạm vào nhau. Đây là một khái niệm tương đối cứng nhắc.
Đồng nghĩa với việc thời gian để làm việc chỉ dành cho công việc, hết giờ làm việc là thời gian dành cho cuộc sống cá nhân. Sự phân chia rạch ròi kiểu 50/50 này khiến cho việc nếu khung thời gian cho hai mảnh đó bị chệch đi, bạn sẽ rơi vào tình trạng mất cân bằng. Mà trong thực tế, việc thời gian đan xen là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, khái niệm cân bằng công việc – cuộc sống ám chỉ mô hình làm việc kiểu truyền thống với sự phân địch rạch ròi giữa hai bên. Thay vì môi trường làm việc linh hoạt cho phép người lao động có khoảng trống (thời gian, tâm trí) để giải quyết các việc cá nhân, thì người làm việc phải tự chịu trách nhiệm cho các ưu tiên trong cuộc sống của mình. Người lao động sẽ gặp khó khăn và nhiều áp lực hơn khi phải tự xoay sở, ít nhất là về mặt thời gian khi muốn duy trì được sự cân bằng đó.
Trong thực tế môi trường làm việc như vậy ngày nay vẫn còn nhiều, nhưng với sự biến đổi nhanh chóng của xã hội số, đặc biệt sau cú hích đại dịch Covid-19. Ranh giới về mặt thời gian và vật lý giữa công việc và cuộc sống đã ngày càng bị làm mờ đi. Chúng ta càng khó xác định liệu thât sự có thể đạt được sự cân bằng lý tưởng hay không. Chúng ta cần một khái niệm linh hoạt hơn.
Thay vào đó hãy hướng tới mục tiêu sống trọn vẹn trong công việc và cuộc sống
Một mục tiêu khác được nhắc tới như một cách giúp giảm bớt căng thẳng so với mục tiêu cân bằng đó là sự trọn vẹn trong công việc và cuộc sống (work-life fulfillment).
Khi chúng ta nói về sự trọn vẹn trong công việc, chúng ta đang nói về việc tìm kiếm mục đích, tăng cường trao quyền, tự chủ, cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cố gắng làm các nhiệm vụ có ý nghĩa hơn và loại bỏ những nhiệm vụ có giá trị thấp hơn.
Nhưng thật sự, “trọn vẹn” là một loại cảm giác hài lòng khi bạn hoàn thành hay đạt được một kết quả cụ thể, đặc biệt là có mục đích và có ý nghĩa.
Tiến sĩ Britt Andreatta, tác giả của Wired to Grow và Wired to Connect nói rằng “hạnh phúc của chúng ta được kết nối trực tiếp với sự hoàn thành của chúng ta - chất lượng của các mối quan hệ trong cuộc sống, ý thức về ý nghĩa từ công việc tạo ra, những tác động và thách thức của sự phát triển”. Đây là những động lực chính cho sự trọn vẹn của cả cuộc sống cá nhân và sự nghiệp.
Với cách hiểu như trên thì sự trọn vẹn không hề khó đạt được, ngược lại đây là một khái niệm tương đối linh hoạt và dễ thở hơn nhiều so với mục tiêu cân bằng cuộc sống công việc. Điều quan trọng là khái niệm của người này sẽ khác với người kia, bạn cần phải tự hỏi bản thânvề Mục tiêu - cá nhân và nghề nghiệp - và làm cách nào để chúng ta phân bổ thời gian tốt nhất để đạt được những mục tiêu đó và để có một cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa và hiệu quả hơn.
Một vài lời khuyên để theo đuổi sự viên mãn trong công việc và cuộc sống
1. Ưu tiên làm điều quan trọng
Thời gian của mỗi người là như nhau, nhưng có người hoàn thành được nhiều việc hơn người khác. Bí quyết nằm ở chỗ họ theo đuổi những việc quan trọng với cuộc sống của họ và loại bỏ những việc không cần thiết. Xác định các mục tiêu cuộc sống quan trọng nhất (cá nhân và nghề nghiệp) và tập trung làm điều đó. Đó có thể là thời gian vui vẻ, chăm sóc bản thân, học tập và phát triển bản thân, thời gian dành cho cá nhân, đi du lịch hoặc bất cứ điều gì đáp ứng mục đích của bạn
2. Đặt ranh giới của riêng bạn
Hãy thông minh với những gì bạn cam kết và bảo vệ thời gian của bạn - đó là tài nguyên quý giá nhất của bạn và nó không thể tái tạo. Thông thường, chúng ta cố gắng làm hài lòng mọi người bằng cách nói “có” với các yêu cầu dễ dàng hơn là nói “không”. Vì vậy cần tỉnh táo với các cám dỗ có thể ảnh hưởng tới mục tiêu của bạn.
3. Tích hợp cuộc sống vào cuộc sống, tại sao không?
Chánh niệm và tập trung hoàn toàn cho công việc là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng cũng không nên tạo áp lực phải “rạch ròi” quá mức tạo ra những căng thẳng không đáng có. Một nghiên cứu gần đây cho thấy những nhân viên cố tình tách bạch rõ ràng công việc và cuộc sống gia đình về mặt nhận thức cuối cùng sẽ đối diện với cảm giác tội lỗi, căng thẳng hơn và thậm chí làm việc kém hiệu quả hơn. Hãy linh hoạt và cho phép bản thân được tích hợp hai mảnh ghéo lại, đôi khi chúng mang đến những niềm vui bạn không ngờ tới.