Vì sao giới thời trang không còn quan tâm tới Vietnam International Fashion Week? (phần 2)
Tiếp tục tìm hiểu những lý do khác về việc VIFW, sân khấu thời trang lớn nhất thị trường nội địa, giờ đây lại được coi là “thoái trào” trong lòng giới mộ điệu. Thay vì hiệu ứng bùng nổ, sự kiện này lại thu về những rắc rối truyền thông không đáng có.
Tổ chức casting model, rồi chọn TikToker diễn runway
Giữa rất nhiều gương mặt mẫu tiềm năng và giàu kinh nghiệm, hot TikToker Lê Bống lại được lựa chọn sải bước trên sàn diễn. Không những thế, để phần trình diễn thêm "nổi bật”, cô nàng lựa chọn phong cách catwalk theo chuyển động của robot. Nhiều tranh cãi nổ ra về việc Lê Bống không sở hữu chiều cao lý tưởng và tỷ lệ "chân ngắn lưng dài" kiêng kỵ của một model. Tuy câu chuyện đấu tranh về một vẻ đẹp "không chuẩn" trên sàn diễn đã tồn tại nhiều năm nay, khi người ta nói rằng trên thực tế, không phải khách hàng nào cũng có thể sở hữu thân hình chuẩn mực, nhưng điều đáng nói ở đây không hẳn đến từ thân hình "lệch chuẩn" của Lê Bống, mà chính là việc cô đang không hiểu vai trò của mình khi xuất hiện như người mẫu.
Có thể nói, từ khi TikTok lên ngôi, nhiều gương mặt như Lê Bống hay Trần Thanh Tâm đã ôm giấc mộng người mẫu hay có dự định tiến sâu hơn vào thế giới thời trang. Một chút ngoại hình, một chút danh tiếng và chưa được đào tạo bài bản về người mẫu, Lê Bống và Trần Thanh Tâm đã vội mang danh xưng "model" và nhận phải nhiều phản hồi tiêu cực. Thái độ trái chiều của khán giả của cộng đồng mạng là lời cảnh tỉnh của những TikToker muốn lấn sân sang lĩnh vực "tưởng dễ nhưng không dễ" này.
Với chuyên môn "trái ngành", việc TikToker trở thành một người mẫu thực thụ trên sàn diễn cần nhiều hơn sự trau dồi và đào tạo bài bản, thay vì chỉ mang tính "viral" để thu hút truyền thông. Điều này đòi hỏi những nhà thiết kế hay ban tổ chức như Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam cần siết chặt hơn ở khâu quản lý người mẫu để không ảnh hưởng đến hình ảnh chung của một sự kiện thời trang đẳng cấp như vậy.
Trên thực tế, nhiều nhà mốt lớn trên thế giới từng nhiều lần mới người nổi tiếng hiện diện trên sàn diễn, tuy nhiên mục đích chủ yếu là để phong thái nghệ sỹ tôn lên tinh thần của bộ sưu tập, bởi họ là những người sẽ thổi một nét tính cách mới cho bộ trang phục. Việc lựa chọn Lê Bống trình diễn có thể là ý đồ của nhà thiết kế muốn tiếp cận thế hệ trẻ. Tuy nhiên, mặt trái của "tiết mục" trình diễn runway của TikToker lại khiến người xem quá chú ý vào cá nhân mà không hề để ý đến thiết kế cô đang mặc trên người. Điều này trên thực tế không mang đến tinh thần "fashion", và phần nào đó cho thấy sự thiếu tôn trọng nhà thiết kế.
Lựa chọn KOL/Influencer tạo hiệu ứng lan toả...
Front Row đóng vai trò quan trọng trong những show diễn thời trang. Nhưng điều gây tranh cãi là trong Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam, hot TikToker Phạm Thoại lại là một trong những khách mời khó hiểu của hàng ghế "quyền lực" này. Không chỉ riêng Phạm Thoại, tại sự kiện năm nay, khán giả còn nhìn thấy đông đảo các TikToker bên cạnh các ca sĩ, diễn viên, siêu mẫu, và ngôi sao hạng A như thường lệ. Sự đổ bộ dày đặc này khiến cho không ít các tín đồ thời trang đích thực tự hỏi từ lúc nào hàng ghế quyền lực hàng đầu của Tuần lễ Thời trang lại trở nên dễ dãi đến nổi ai cũng có thể ngồi vào được.
Trong các show diễn thời trang từ trước đến nay, ở quốc tế lẫn thị trường Việt Nam, hàng ghế đầu luôn nắm giữ vai trò quan trọng liên quan trực tiếp đến danh tiếng của show diễn. Đây là hàng ghế được sinh ra để dành cho những nhân vật có địa vị và quyền lực nhất định đối với nền công nghiệp thời trang. Họ phải là các nhân vật ưu tú trong ngành thời trang, ngành giải trí, đại diện cho truyền thông. Những người ngồi tại hàng ghế đầu trong mỗi buổi diễn thời trang đều đóng góp không ít thì nhiều vào hiệu ứng truyền thông, bộ mặt thương hiệu của chương trình và nhà thiết kế.
Do đó, việc lựa chọn gương mặt ngồi vào vị trí Front Row là một bài toán kỹ lưỡng đối ban tổ chức của chương trình thời trang. Từ người nổi tiếng, cánh báo chí, khách hàng,... những chiếc ghế hàng đầu sẽ thể hiện sự tôn trọng cũng như thiện chí của phía tổ chức đối với khách mời. Thậm chí, dù có nhiều tiền đến mấy, việc mua một tấm vé ở vị trí Front Row dường như là điều bất khả thi.
Được biết, vị trí Front Row sẽ được chia thành 3 phần: những ghế đầu dành cho khách hàng và đại diện truyền thông, phần giữa sẽ dành cho các người nổi tiếng, cuối đường băng sẽ là địa hạt của các nhà phê bình, giám tuyển hay biên tập viên báo chí.
Song, tại Việt Nam, hàng ghế đầu dường như không được chăm chút một cách chu toàn, khi bất kỳ nhân vật nào dù quyền lực hay không quyền lực, miễn có khả năng thu hút truyền thông đều sẽ được ngồi tại vị trí Front Row.
Đáp ứng được tiêu chí "tạo hiệu ứng truyền thông", câu chuyện giữa Phạm Thoại và Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam là chuỗi những sự kiện dài hơi. Nổi tiếng nhờ việc ăn mặc "dị", Phạm Thoại dường như đã trở thành "con chốt truyền thông" của Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam vì mỗi lần xuất hiện đều tạo làn sóng dư luận mạnh mẽ.
Chia sẻ trên mạng xã hội, Phạm Thoại cho rằng sự xuất hiện của mình tại vị trí Front Row đến từ "điểm khuyết" của chương trình. Anh phê phán khâu tuyển chọn người mẫu "không đủ tiêu chuẩn" và một số thiết kế "giống đầm hot girl ngoài đường". Từ đó, Phạm Thoại tuyên bố vị trí Front Row của các TikToker như anh là "đủ tiêu chuẩn" với Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam.
Hoa hậu "đắt show" làm Vedette
Thực tế, các người mẫu xuất hiện tại những vị trí lớn như First-face hoặc Vedette tại VIFW năm nay hầu như đều do các gương mặt từ các cuộc thi hoa hậu đảm nhận. Hoa hậu H'Hen Niê, Kim Duyên, Khánh Vân,... được xem là những các tên "đắt show" của Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam, dẫn đến sự lu mờ dần của những người mẫu có đủ cả chuyên môn lẫn tuổi nghề ở những vị trí cao quý.
Từ VIFW, sàn diễn thời trang không còn là địa hạt của những người mẫu chuyên nghiệp mà thay vào đó là các nàng Hoa hậu - Á hậu. Điều này cho thấy ranh giới giữa hai danh xưng người mẫu và hoa hậu thực sự mong manh trong thị trường thời trang Việt Nam. Những người mẫu "chưa mang danh hoa hậu" dường như chỉ đảm nhận vị trí bình thường trong các bộ sưu tập. Thậm chí, những người mẫu đã có tên tuổi như Thùy Dương, Quỳnh Anh hay Hà Kino cũng chỉ xuất hiện trong vị trí "diễn lót" hoặc cao nhất là vị trí First-face chứ chưa chạm đến ngưỡng Vedette.
Điều này là hoàn toàn trái ngược với sàn diễn quốc tế, khi vị trí Vedette chỉ dành cho những tên tuổi dày dặn kinh nghiệm trong làng mẫu, và Hoa hậu dường như chưa bao giờ xuất hiện trên sàn diễn trừ khi dưới tư cách khách mời. Điều này sẽ tránh được tình trạng thay vì tôn vinh các thiết kế mới, sàn diễn thời trang lại vô tình trở thành "đêm diễn đăng quang" của một vị Hoa hậu nào đó. Qua đó, như những gì chúng ta chứng kiến tại VIFW 2022, các thiết kế được diện bởi các ngôi sao được xem là "trang phục tôn người mẫu" thay vì concept cố hữu là "người mẫu tôn trang phục".
Truyền thông thời trang quá chú trọng "viral" mà quên đi "đẳng cấp"
Tương tự như các sự kiện thời trang lớn đều có các chủ đề, khách mời khi đến tham dự sẽ lựa chọn trang phục dựa trên cách họ "giải đề" ra sao, hoặc chỉ đơn giản là diện trang phục của nhà thiết kế của đêm diễn. Lấy chủ đề "ReFashion", Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2022 được trông đợi sẽ là không gian tôn vinh thời trang bền vững. Tuy nhiên, từ dàn khách mời đến các người mẫu trong các trang phục của nhà thiết kế, tinh thần "ReFashion" được thể hiện mờ nhạt, là một tuyên ngôn mang tính chất "làm hình ảnh" hơn là đi sâu vào tận cùng thông điệp.
Theo đó, trong khi các khách mời được mong chờ sẽ diện những trang phục thời trang bền vững và xanh, thì cái chúng ta nhận được là một thảm đỏ "hào nhoáng" quá mức cần thiết. Thông tin về tính bền vững của các bộ sưu tập thời trang mang tinh thần "ReFashion" không được dư luận chú ý và nằm "mờ nhạt" trong hàng chục thông cáo báo chí được gửi ra. Các team truyền thông về chương trình sai cách, chỉ nhấn nhá vào thần thái ngôi sao hay... những cú té trên sàn catwalk.
Những gương mặt như Thanh Hằng, Võ Hoàng Yến, Anh Thư,... luôn được đông đảo khán giả chú ý vì thần thái cùng lối trình diễn "đẳng cấp" khác biệt, đều bị hào quang của các ngôi vị Hoa hậu - Á hậu lấn át tất cả mọi thứ, kể cả trang phục họ đang mặc trên người.
Vốn dĩ là một show diễn thời trang quy mô nhất Việt Nam, có đủ sức tác động đến cả cộng đồng làm thời trang nói chung, những năm gần đây, Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam lại dần trở thành nơi các nhà thiết kế đến thể tham gia chỉ để quảng bá tên tuổi. Do đó, những nhà thiết kế lớn đã chỗ đứng nhất định sẽ dần nói lời "tạm biệt" với chương trình. Sự vắng bóng của những tên tuổi như Công Trí hay Thủy Nguyễn cho thấy sự chuyển đổi sang các show diễn riêng đã giúp các nhà thiết kế gặt hái nhiều thành công mà không cần gán mác trình diễn tại một tuần lễ thời trang quốc tế lớn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiệu ứng truyền thông sau sự kiện cũng khá nhạt nhòa khi không có nhiều thông tin về chủ đề, khách mời và các nhà thiết kế tham dự trên các đầu báo chính thống nói chung và các đầu báo uy tín về thời trang nói riêng. Nguồn cảm hứng làm nên bộ sưu tập của các nhà thiết kế cũng được đề cập khá mờ nhạt.
Tổng hợp tất cả các lý do như thông điệp chung bị "ngó lơ", truyền thông về tinh thần thời trang sai cách, sáng tạo của các nhà thiết kế không được coi trọng, nhiều người cho rằng Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam đang mất dần vị thế vốn có trong làng thời trang nội địa.