#CraftsmanshipIssue Sắc chàm đen nhánh trên trang phục truyền thống người Nùng U
Nếu như chàm được ví như thứ vàng xanh ở các miền sơn cước khác, những nền văn hoá khác trên thế giới thì ở bản Đao hẻo lánh chàm được gọi là Vàng Đen. Vì sắc chàm trên trang phục truyền thống của người Nùng U bản xứ không xanh dương, cũng không xanh tím mà đen nhánh.
Sau 5 ngày siêu bão Yagi đi qua, không một mẩu tin tức nào từ Hoa và cộng đồng của em tôi đã trộm nghĩ bản Đao có thể đã chung số phận với bản Nủ vì đều nằm ở khu vực hiểm trở của huyện Bảo Yên thuộc tỉnh Lao Cai. Con gái Hoa - cháu Thư hiện đang học ở thành phố cứ nức nở mỗi lần nhắn tin cho tôi rằng cháu vẫn chưa liên lạc được với ai hết ở quê. Trong cơn bĩ cực, tôi đã nghĩ ra đủ cách để có thể biết tình hình của bản Đao, của Hoa. Tôi gọi cho uỷ ban xã, cho cả homestay gần đó. Vẫn biệt vô, âm tín vì đường điện bị mất và đường vào bản bị sạt lở không thể tiếp cận.
“Chị ơi! Chị ơi! Nhà cửa, ruộng nương trôi đi hết rồi. Đồi quế, đồi sắn, luống chàm cũng chảy theo đất đá đi đâu mất rồi. Chị ơi!!!”. Tôi vỡ oà khi nghe thấy tiếng Hoa từ đầu bên kia. Tôi mừng quýnh lên vì được biết em, gia đình em và cả bản của em vẫn còn sống. Sau từng ấy ngày dán mắt vào các bản tin thời sự với hy vọng mong manh sẽ biết được số phận của bản Đao thì việc em bảo với tôi những mất mát về của ở trên không làm tôi hoảng loạn lắm. Vì ngày nào cũng thế, tôi đã chứng kiến quá nhiều qua màn hình, qua những thước video, những bức ảnh về thiệt hại thảm khốc mà đồng bào trung du và miền núi phía bắc phải gánh chịu những ngày qua.
Vàng Đen
Nếu như chàm được ví như thứ vàng xanh ở các miền sơn cước khác, những nền văn hoá khác trên thế giới thì ở bản Đao hẻo lánh chàm được gọi là Vàng Đen. Vì sắc chàm trên trang phục truyền thống của người Nùng U bản xứ không xanh dương, cũng không xanh tím mà đen nhánh.
Vải chính cho trang phục của người Nùng U là vải bông. Ngày nay, còn rất ít người tự trồng cây bông và xe sợi ở bản Đao. Họ hầu như đi mua sợi xe sẵn về dệt thậm chí họ mua luôn vải mộc từ các nhóm dân tộc thiểu số khác hoặc các nhà cung cấp dưới xuôi rồi nhuộm chàm và cắt, khâu. Cây chàm được canh tác tại chỗ và được chế biến thành cao với số lượng rất hạn chế vì còn rất ít người mặc vải nhuộm chàm. Cao chàm thường được để dành nhuộm dần hoặc để bán hay trao đổi hàng hoá giữa các nghệ nhân. Đồi núi ở bản Đao cũng như nhiều nơi trong vùng phủ kín bóng quế. Quế chính là cây kinh tế của bản Đao nên những thứ cây như cây chàm thường bị xem nhẹ. Nhất là khi vải chàm chỉ được dùng để may những trang phục truyền thống. Trang phục hàng ngày nơi này đã hoàn toàn bị hàng may sẵn rẻ tiền, tiện lợi chiếm lĩnh. Thứ “vàng đen” vốn đã hiếm nay lại bị đe doạ tuyệt chủng vì hiệu quả kinh tế thấp. Đấy là chưa nói đến phương pháp tốn công, hao sức để làm ra nó.
Hoa và công cuộc tìm lại vàng đen
Tráng Thị Hoa và Lý Xuân Lâm là một cặp vợ chồng trai tài gái sắc của vùng thâm sơn, cùng cốc này. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy họ ngay trước căn nhà sàn của họ. Đúng lúc xế chiều, mái nhà phía sau đang nghi ngút khói bếp khiến họ như thể vừa bước ra từ một thước phim đen trắng. Hoa có đôi mắt một mí luôn hấp háy ánh vui, sống mũi dọc dừa, khuôn mặt bầu bĩnh và dáng người tròn trịa trong khi Lâm dong dỏng, mái tóc hơi quăn hất cao để lộ vầng trán rộng và chiếc mũi thẳng hơi hếch càng khiến khuôn mặt như khắc của em vừa cương trực, vừa hiền hoà. Hoa và Lâm có với nhau ba mặt con, hai gái một trai, đứa nào cũng rạng lên nét rắn rỏi của vùng sơn cước.
Năm 2022 tôi gặp Hoa, em đã rất lưỡng lự khi tôi ngỏ ý với em về việc khôi phục lại nghề làm vải của đồng bào Nùng U ở bản em. Em lo lắng đã quên hết cách làm vì đã bỏ lâu rồi. Em lo hơn vì sự khan hiếm của nguyên liệu. Kể cả mẹ chồng Hoa, bà Lý Thị Sen vẫn còn thuộc lòng các công thức từ dệt vải đến nhuộm vải, đến thêu thùa từng loại hoa văn cũng không làm em yên tâm. Sau hơn sáu tháng cân nhắc Hoa cuối cùng cũng rục rịch sắm sửa lại đồ nghề. Góc nương sắn của gia đình em đã dành để gieo chàm. “Chàm lên đẹp lắm chị ơi! Lần tới em không phải đi xa để mua cao chàm nữa rồi! Vui quá!”. Khi tôi lên thăm em lần gần đây, em rối rít khoe với tôi khu nhuộm vải được kê ngay phía dưới gầm nhà sàn. Em đưa tay khẽ lùa xuống lớp nước chàm mới gây đặc quánh, đôi mắt vốn nheo vui của em càng bừng lên như bông hoa ban đang bung nở đầu ngõ.
Tinh luyện Vàng Đen
Những nghệ nhân nhuộm chàm chính là những nhà giả kim. Để nhuộm ra màu chàm đậm đã rất khó, màu chàm đen càng cực nhọc hơn. Quy trình nhuộm chàm đen kéo dài đến vài tháng. Sau khi nhúng vải vào thùng nhuộm chàm từ 20 đến 30 lần chia đều 2 lần mỗi ngày thì vải tiếp tục được ngâm và vò kỹ với nước vắt từ củ nâu. Một số nghệ nhân lão luyện còn thêm những hợp chất từ thảo dược khác và những bí truyền mà chỉ họ nắm giữ. Nhựa từ củ nâu làm vải nhuộm chàm lâu ngày thẫm lại và cứng đanh. Để làm mềm tấm vải người Nùng U sử dụng một bộ dụng cụ mài rất đặc trưng: một miếng đá mịn đủ lớn để đặt tấm vải lên và một thanh tre tròn có gắn một viên sỏi mịn ở chính giữa. Người nghệ nhân cầm hai đầu thanh tre đều đặn miết phần gắn sỏi lên tấm vải cho đến khi chỗ vải đó dần dần óng lên và mềm ra. Được mẻ củ nâu chín đỏ cộng với thao tác thành thục thì độ bóng của vải càng láng. Nhìn từ xa như những lá vàng đen lấp lánh. Chưa dừng ở đó, vải đã mài được xếp thành ly bằng tay đều tăm tắp, được buộc lại cẩn thận và lấy đá đè lên. Sau vài tháng thậm chí vài năm vải mới được rỡ ra để làm áo váy, tạp dề, khăn, túi.
Xúng xính trang phục vàng đen
Trang phục truyền thống của phụ nữ Nùng U lộng lẫy bậc nhất. Nó kết hợp hoàn chỉnh giữa sự bóng bẩy của vải vóc, kỹ thuật xếp ly, thêu đính cùng phụ kiện và những bộ trang sức bằng bạc cầu kỳ. Chiếc áo cánh của người Nùng U có cấu trúc ôm sát, xẻ cao hai bên sườn, cổ khít trang trí tỉ mẩn với hàng cúc bạc trạm trổ tinh xảo. Bộ khăn vấn của người Nùng U có cấu tạo rất sáng tạo, phần đầu khăn được xe bằng lông đuôi ngựa rung rinh theo mỗi bước đi. Nhưng điều khiến cho trang phục của người Nùng U trở nên độc nhất vô nhị lại là cách mặc. Chân váy xoè xếp ly sắc đanh được gập, cuốn thành một búi ở ngay sau hông như một cái u gồ lên. Cái u vừa khiến trang phục của họ có phần lạ kỳ vừa giúp họ di chuyển dễ dàng trên những địa hình hiểm trở mà vẫn giữ cho gấu váy tránh được lấm bẩn. Cái tên Nùng U để phân nhánh cũng để nhấn mạnh tính tạo hình độc đáo này trong nét văn hoá phục trang của họ. Vào dịp lễ tết phụ nữ bản Đao từ khắp nơi đổ về sáng loá trong những tà áo, váy như những con công say mê điệu xoè hoa. Tiếng những chiếc bông tai, vòng tay, vòng cổ, khánh, trâm bằng bạc va vào nhau xen lẫn tiếng cười khúc khích xáo động cả một miệt rừng. Phía bản Đao đâu đó vang lên tiếng thoi đưa lách cách, tiếng vải mài kin kít, tiếng bà Sen sột soạt khâu vội vạt áo mới cho đứa cháu kịp đi chơi hội. Xứ vàng đen dưới những bàn tay tài hoa mặc cho bão lũ xô đẩy vẫn sừng sững giữa trùng điệp.