L'O Love

Từ cảm hứng Nhật cổ đến xu hướng tiêu dùng đại chúng: Sự trỗi dậy của giày Tabi mũi xẻ

Khi đôi bốt Tabi lần đầu xuất hiện vào năm 1988, chúng ngay lập tức trở thành biểu tượng huyền thoại. Martin Margiela đã tạo nên một khoảnh khắc kỳ diệu trong làng thời trang khi cho người mẫu sải bước qua lớp sơn đỏ trước khi lên sàn diễn, khiến tất cả không thể rời mắt. Đối với khán giả phương Tây, đây là lần đầu tiên họ chứng kiến một đôi giày với mũi xẻ độc đáo, mang đến cho Tabi vẻ đẹp nửa con người, nửa sinh vật, khơi gợi sức hút kỳ bí đầy siêu nhiên.

Martin Margiela không phải người sáng tạo ra tabi, nhưng chính tài năng cảm thụ và tái hiện những hình thức sẵn có từ trước mới là điểm đặc biệt của ông. Với tabi, Margiela lấy cảm hứng từ đôi giày của công nhân Nhật Bản có từ thế kỷ 15, khởi nguồn là một loại tất với thiết kế tách ngón cái nhằm tăng cường sự cân bằng và minh mẫn, như một chiến lược phản xạ học giúp gắn kết tinh thần và cơ thể. Ban đầu, tabi chỉ dành riêng cho giới thượng lưu do sự khan hiếm của bông, nhưng khi giao thương mở rộng, chúng trở nên phổ biến hơn. Màu sắc cũng thể hiện sự phân biệt giai tầng xã hội rõ rệt: tím và vàng cho quý tộc, màu khác cho samurai, và xanh lam cho người thường dân. Đến đầu những năm 1900, đế cao su được thêm vào, tạo thành jika-tabi, một phiên bản vẫn được sử dụng rộng rãi bởi công nhân Nhật Bản.

Ngày nay, tabi đã được tái hiện với nhiều phiên bản hiện đại khác. SOU-SOU, thương hiệu Kyoto ra đời năm 2002, sản xuất tabi với đủ kiểu dáng và màu sắc, giá chỉ bằng một phần nhỏ so với Margiela. Nike cũng tạo ra phiên bản thể thao riêng – Air Rift – và gần đây, Vetements do Demna Gvasalia (cựu nhân viên của Margiela) sáng tạo, cũng đã giới thiệu tabi của riêng họ. Dù vậy, không một đôi nào có sức hút đặc biệt như phiên bản của Margiela. Những đôi Tabi của Margiela đặc biệt đến mức chúng được săn lùng trên các trang đấu giá với giá cao, trở thành món đồ đáng sở hữu ngay cả khi một số mẫu phối màu đã ngừng sản xuất.

Vậy điều gì khiến những “chiếc móng guốc” này lại hấp dẫn đến vậy, khiến giới mộ điệu ám ảnh đến mức sẵn sàng trả giá đắt chỉ để sở hữu một đôi tabi huyền thoại?

person clothing dress fashion formal wear gown art painting face head
dress fashion formal wear gown adult female person woman robe face

Martin Margiela khao khát sáng tạo nên một đôi giày đem lại cảm giác như đang bước đi trên đôi chân trần, nhưng vẫn phảng phất phong cách táo bạo và đầy chất nghệ. Với phần gót lớn, cao ở bên hông nhưng thanh thoát phía trước, cùng chất liệu da vốn thường chỉ dành cho nam giới, thiết kế này mang tinh thần phá cách mạnh mẽ. Những chiếc móc cài bên trong giày không chỉ tôn thêm vẻ độc đáo mà còn tri ân đôi tabi nguyên bản của Nhật Bản, nơi Margiela vừa có chuyến đi tìm cảm hứng.

Trước khi sáng lập thương hiệu riêng vào năm 1988, ông từng làm việc cho Jean Paul Gaultier và cũng có dòng giày riêng. Tuy nhiên, khi quyết định đưa tabi vào bộ sưu tập đầu tiên của Maison Martin Margiela, đa số các xưởng đóng giày đều từ chối vì thiết kế mũi giày xẻ quá khác thường. Như một sự sắp đặt của số phận, Geert Bruloot - nhà bán lẻ đầu tiên giới thiệu giày Margiela tại cửa hàng Cocodrillo ở Antwerp - đã giới thiệu ông với Zagato, người thợ đóng giày người Ý. Tại bữa tối, khi Bruloot mang ra mẫu tabi, đôi mắt của Zagato lấp lánh, như vừa bắt gặp một điều phi thường.

adult female person woman male man face head cinema
coat adult female person woman shoe lady overcoat face man
lady person clothing coat formal wear suit adult male man face

Những đôi tabi huyền thoại ấy lần đầu xuất hiện vào năm 1988 trong buổi trình diễn ra mắt của Margiela, gây chấn động giới thời trang. Đúng 4:40 chiều, người mẫu sải bước vào Café de la Gare ở Paris, chân đi tabi, tay áo điểm xuyết ruy băng, và chẳng cần đến áo ngực. Trên sàn catwalk thô mộc, từng người mẫu tiếp nối khoác trên mình bộ lưới màu da với họa tiết nghệ thuật Polynesia, mạng che mặt chiffon phảng phất bí ẩn, và đôi chân trần hoặc tabi được sơn móng đỏ đầy táo bạo. Margiela biến cơ thể con người thành một chất liệu nghệ thuật, tạo nên một chuẩn mực mới về tinh giản và tinh tế, khác biệt hoàn toàn với vẻ hào nhoáng, xa hoa của thập niên đó.

Khoảnh khắc kinh điển nhất là khi người mẫu bước ra trong áo khoác trắng giống trang phục đội ngũ của Margiela, giày họ nhúng trong sơn đỏ, để lại những dấu vết kỳ lạ trên sàn diễn. Đó không chỉ là dấu chân, mà là một dấu ấn nghệ thuật, đầy sức biểu đạt. Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi tại triển lãm MoMu Antwerp “Foot Print: The Tracks of Shoes in Fashion,” Margiela giải thích: “Tôi muốn khán giả phải chú ý đến đôi giày mới này. Và có cách nào rõ ràng hơn là để lại dấu chân của chúng?”

Margiela đã tinh tế đưa khái niệm "Uncanny valley" (thung lũng kỳ dị) vào thời trang ngay từ lần ra mắt đầu tiên. Thay vì gợi nhớ đến những con robot na ná con người, ông làm điều đó qua một đôi giày mang vẻ giản đơn. Đôi tabi vừa đủ hài hòa để không phá vỡ tổng thể trang phục, nhưng khi nhìn kỹ, chúng trở thành tâm điểm đầy mê hoặc, thách thức cảm nhận của người xem. Những gam màu của tabi cũng gợi lên cảm giác rối bời: đôi giày da màu be trông tựa như cặp móng guốc bí ẩn, vừa lạ lẫm vừa quyến rũ lạ kỳ – một hiệu ứng thôi miên khi chiêm ngưỡng một đôi tabi kim loại sáng bóng hoặc họa tiết hoa văn tinh tế.

Buổi diễn thứ hai Thu/Đông 1989 của Margiela cũng táo bạo và đáng nhớ không kém gì lần ra mắt đầu tiên. Tổ chức tại một sân chơi ngoại ô Paris, show đã chứng kiến mọi người trèo tường để vào, còn những đứa trẻ trong khu phố thì ngồi hàng ghế đầu, hò reo cổ vũ các người mẫu. Một khán giả kể lại khoảnh khắc mà ranh giới giữa biên tập viên và người dân địa phương mờ đi - mọi người cùng hoà lẫn trong niềm hân hoan, chứng kiến sự kỳ diệu của thời trang. Cuối show, những đứa trẻ cùng người mẫu diễu hành trên sàn diễn, trên chân là những đôi tabi tái chế. Raf Simons, người đã lẻn vào buổi diễn cùng Walter von Beirendonck, đã rơi nước mắt. Đó là khoảnh khắc xúc động, truyền cảm hứng thôi thúc Raf Simons đi theo con đường thiết kế.

Margiela dệt nên một vở kịch lãng mạn trên nền đôi tabi và lớp vải áo mỏng manh, sờn rách, biến tấu những chi tiết quen thuộc thành thứ gì đó đầy xa lạ. Tabi của ông như một bí mật công khai - những ai hiểu được đều trân quý, còn những người chưa quen vẫn e ngại trước vẻ đẹp lạ lẫm, thậm chí bối rối trước niềm say mê của người hâm mộ. Đôi tabi có thể khiến bạn say đắm hoặc bối rối, nhưng chắc chắn, chúng sẽ buộc bạn phải đứng về một phía.

Tabi đã thành công đến mức Maison Margiela liên tục mở rộng dòng giày này thành vô số biến thể như giày lười, bốt cao bồi, hay giày cao gót nhỏ - tất cả đều toát lên vẻ lạnh lùng đầy lôi cuốn. Giữa thế giới giày gây tranh cãi như winklepicker bóng đá của Martine Rose hay đôi Big Yellow Croots của MSCHF, Tabi ngày nay lại có vẻ bớt khiêu khích hơn trước. Dua Lipa, Zendaya, và Cardi B đều đã gia nhập hội những người yêu thích đôi giày này.

Dẫu vậy, với các tín đồ thời trang, đôi Tabi vẫn có thể khiến họ e ngại như việc mang đôi Vibram FiveFingers. Tabi trở thành biểu tượng táo bạo dành riêng cho sinh viên Central Saint Martins hay những nhân viên của Dover Street Market, những người luôn tìm cách tách biệt khỏi đám đông “clean girls” và “giới siêu giàu kín tiếng". Và rõ ràng, Tabi không hề rẻ (những đôi Ballerinas Tabi khởi điểm từ 650 bảng Anh), nhưng cái giá này chưa là gì so với vốn liếng thời trang đẳng cấp mà nó mang lại. Khi diện đôi Tabi, bạn không chỉ muốn chứng tỏ mình hiểu về thời trang - hay muốn mọi người nghĩ vậy - mà còn sẵn sàng chấp nhận những ánh nhìn tò mò trên đường phố. 

Người nổi tiếng được đặc quyền thử nghiệm trang phục vượt khỏi mọi chuẩn mực thông thường - khi tiếp cận gần với hào quang danh vọng, họ tự do phá bỏ ranh giới xã hội mà không lo bị dè bỉu. Và đôi Tabi trở thành dấu ấn tinh tế đưa họ vào thế giới của thời trang sành điệu. Thế nhưng, khi những gương mặt đại chúng nhất đều xuất hiện cùng Tabi, một phần sức hút bí ẩn của nó dường như đã phai nhạt. Nhưng đó không phải điều tiêu cực. Văn hóa thay đổi và những thiết kế táo bạo luôn được duy trì nhờ các nhà sáng tạo như Abraham Ortuño, người đã thổi hồn cho Jonathan Anderson và Loewe qua các mẫu giày cao gót hay derby đúc hình bàn chân Scooby Doo 3D. Đó là dạng sáng tạo kỳ lạ, vừa quyến rũ vừa thách thức, nơi các mẫu giày “khó tiêu hóa” nhất lại được chiêm ngưỡng như biểu tượng gợi cảm đầy cuốn hút.

Ảnh: Getty Images, nurbilenyavuzer, holliemercedes, holliemercedes, accidentalinfluencer, christina_stougaard, mafaldapatricio 

Recommended posts for you