Giải mã sức hấp dẫn của quân phục (P1): Những item thời trang đến từ quân đội
Sức ảnh hưởng của những item mang màu sắc quân ngũ đã không còn là điều mới mẻ khi phong cách của người lính đã tạo dấu ấn trong thời trang đại chúng từ 30 năm trước. Tuy vậy, kể từ những năm 1950, trang phục được quân đội Mỹ và Anh giới thiệu đã trở nên quen thuộc với người dân và trở thành “tư liệu tham khảo” của rất nhiều NTK đến từ khắp nơi trên thế giới.
Phom dáng thời trang quân đội, chất liệu vải và các chi tiết hình in, trang trí thậm chí đã trở nên quá phổ biến trong cộng đồng thời trang đến mức rất nhiều người mua hàng, nhãn hàng hiện nay không hề biết rõ về câu chuyện cũng như những cột mốc lịch sử thời trang quân đội từng trải qua. Sau đây là danh sách những item thời trang đã thành công “sống sót” qua những trận chiến, làm thay đổi cục diện thời trang, và thậm chí bước vào tủ đồ của người trẻ hiện đại.
Chất liệu vải kaki
Xuất hiện như một “vị cứu tinh” của quân đội khi có tác dụng xua tan bầu không khí oi bức của những buổi tập huấn và thời tiết khắc nghiệt, kaki hay “Khaki” trong tiếng anh là danh từ riêng chỉ những loại vải có màu vàng hung, xanh lá hoặc xanh lá ngả vàng. Tuy kaki đã trở nên phổ biến từ lâu, nhưng ít ai để ý rằng loại vải này có nguồn gốc từ quân đội và màu sắc của chúng có tác dụng đặc trưng đối với người lính trong thời chiến.
Năm 1847 và 1848, Sir Harry Lumsden – quân nhân người Anh đã từng hoạt động trong cuộc chiến tranh Anh-Sikh lần thứ nhất (cuộc chiến diễn ra giữa đế chế Sikh và công ty Đông Ấn của Anh vào năm 1845 và 1846, dẫn đến sự thất bại và khuất phục một phần vương quốc Sikh, đồng thời nhượng lại Jammu, Kashmir thành 2 quốc gia tư nhân riêng biệt dưới quyền thống trị của Anh) chỉ huy Corps of Guides (quân đoàn Hướng Dẫn) tìm kiếm những người lính Anh tiềm năng và binh lính người Ấn để phục vụ tại vùng biên giới Tây Bắc Ấn Độ. Khi dẫn đầu trung đoàn này, Lumsden để ý rằng địa hình họ đang theo đuổi là một khu vực với bụi mịn và bão cát xảy ra luân phiên. Như vậy, binh lính nước Anh với bộ quân phục truyền thống màu trắng rất dễ bị nhận biết khi di chuyển và thực hiện nhiệm vụ.
Như một giải pháp tạm thời, những người lính dưới trướng Lumsden bắt đầu nhuộm vải đồng phục của họ bằng nước trà hoặc đất bùn. Từ đó, vải kaki ra đời và gắn bó với người lính dưới vai trò là loại chất liệu tối ưu.
Tuy vậy, tới tận sau năm 1945, khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, gần 100 năm sau khi loại vải này xuất hiện, kaki mới trở nên phổ biến đối với thời trang đại chúng. Việc chiến tranh chính thức khép lại và các chiến binh dần dần trở lại trường đại học mang theo chiếc quần kaki của họ khiến thế hệ trẻ bắt đầu hào hứng với những item này. Không lâu sau đó, kaki trở thành chất liệu thường thấy ở trường đại học và được những NTK như Ralph Lauren và Thom Browne ưa chuộng tới tận ngày nay.
Áo khoác phi công hay áo khoác bomber
Được quân đội Mỹ tiêu chuẩn hoá vào năm 1927, áo khoác phi công được làm từ da cừu với chi tiết khuy cài phía trước. Chiếc áo lúc này được biết đến rộng rãi vởi tên gọi “type A-1”, cấu trúc của chiếc A-1 bao gồm 2 túi hộp với nắp đậy ở 2 bên hông, phần cổ áo, cổ tay và đường viền dưới được bo thun dày kết hợp lớp lót satin cho toàn bộ mặt trong chiếc áo. Tới năm 1931, áo khoác A-1 được nâng cấp với tên gọi mới “type A-2”. Về cơ bản, hai chiếc áo khoác này không có nhiều điểm khác biệt, tuy nhiên chiếc A-2 có công năng cản gió tốt hơn cùng phần khuy cài với chiếc khoá kéo giấu bên trong. Bên cạnh đó, cổ áo bo thun cũ được thay bằng cổ áo da thuộc.
Áo khoác phi công A-2 được ưa chuộng trong suốt quãng thời gian thế chiến thứ II diễn ra. Song song với chiếc áo này, mẫu thiết kế M422A cũng ra đời và được yêu thích không kém. Tới năm 1943, lực lượng không quân Mỹ bắt đầu cân nhắc và sử dụng chiếc B-10, một phiên bản tiếp tục được nâng cấp từ “type A-2”. Chiếc B-10 bỏ phần khuy cài tuy nhiên giữ lại chiếc khoá kéo và được làm với da đến từ cừu alpaca cao cấp.
Sự cải tiến lớn tiếp theo từ mẫu B-10 là chiếc B-15 với phần cổ được làm toàn bộ bằng lông động vật. Sau đó, với sự phát triển không ngừng của công nghệ cũng như đáp ứng nhu cầu từ phía quân đội, áo MA-1 ra đời với những chi tiết hỗ trợ lính nhảy dù.
Sự thay đổi lớn nhất của những chiếc áo khoác không quân đặc trưng này chính là bản ra mắt năm 1972: CWU 36/P và 45/P. Những mẫu áo khoác này vẫn còn được sử dụng rộng rãi ở thời điểm hiện tại cùng những chức năng tích hợp từ loạt mẫu cũ, và thậm chí, chiếc CWU 36/P và 45/P còn có khả năng giữ được độ bền cao trong môi trường hoả hoạn.
Quần Cargo
Năm 1938, học viện quân đôi Anh cải tiến bộ “Battle Dress Uniform” hay còn được gọi là BDU (đồng phục chiến đấu nguỵ trang tiêu chuẩn của Mỹ). Trong thế chiến thứ II, trung tướng William P. Yarborough tiếp tục cải tiến chiếc quần trong BDU thành một phiên bản tiện dụng hơn, thiết kế trở thành một phần của những cải tiến Yarborough mang tới cho bộ jumpsuit quân đội truyền thống. Quân đội nhận thấy sự bất tiện của jumpsuit và đã tách riêng phần áo và quần đồng thời bổ sung những chiếc túi siêu lớn lên dọc chiếc quần, những chiếc túi lớn này giúp ích cho người lính rất nhiều trong vấn đề sinh tồn, mặc dù họ đã mang trên vai chiếc balo với đầy đủ vũ khí nhưng trong trường hợp cần thiết, túi quần vẫn tiện dụng hơn cả.
Sau khi nhận ra hiệu quả của những mẫu đồng phục mới, quân đội Mỹ giới thiệu những chiếc quần cargo cho toàn bộ binh lính của mình vào năm 1943. Chiếc quần quân đội tiếp tục trải qua những năm tháng với phong độ ổn định trong quân ngũ cho tới những năm 60, chúng lại một lần nữa được cải tiến bởi Yarborough và lần này, thay vì 4 túi thông thường, quần cargo có tới 7 chiếc túi tất cả.
Quần cargo bắt đầu được mặc rộng rãi bởi thế hệ cựu binh và cả người dân vào những năm 1970 tuy nhiên, chúng nhanh chóng bị “từ chối” bởi ở thời điểm đó, rất đông người dân Mỹ mất thiện cảm với binh lính của họ vì những cuộc chiến tranh giữa chính phủ Mỹ và người dân Việt Nam. Hình ảnh lính Mỹ trở nên tiêu cực trong mắt dân chúng khiến số đông từ chối chấp nhận những item xuất phát từ quân đội. Phải tới 20 năm sau, khi làn sóng thời trang đường phố xâm chiếm thị trường và những ký ức đau thương của chiến tranh đã phai nhạt phần nào, những năm 1980 và 1990 chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của quần cargo vì tính tiện dụng và phù hợp với những người dân của tiểu văn hoá từ trước đến nay luôn gắn liền với streetwear: Hip-Hop.