Hành trình của "Phù thủy váy cưới" Vera Wang trước khi quyết định bán thương hiệu
Năm 2019, Vera Wang được tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách những nữ doanh nhân tự thân giàu nhất, xếp hạng 45 với khối tài sản ước tính 460 triệu USD.
Nhà thiết kế gốc Hoa Vera Wang (Vương Vi Vi), sau 35 năm điều hành thương hiệu cá nhân, vừa thông báo bán thương hiệu của mình cho công ty quản lý thương hiệu WHP Global. Hiện tại, WHP Global đã sở hữu quyền sở hữu trí tuệ của Vera Wang. Là một phần của thỏa thuận, Vera Wang sẽ tiếp tục giữ vai trò Giám đốc Sáng tạo (Chief Creative Officer) của thương hiệu, đồng thời trở thành cổ đông của WHP Global.
Vera Wang thông báo bán thương hiệu cá nhân
WHP Global hiện sở hữu nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng khác như Rag & Bone, G-Star, Isaac Mizrahi, Anne Klein, Bonobos và Joe’s Jeans. Ngoài ra, công ty này còn sở hữu chuỗi bán lẻ đồ chơi Toys “R” Us và mới đây vào tháng 6 đã mua lại thương hiệu trung tâm mua sắm Express.
Chia sẻ về lần hợp tác này, Vera Wang bày tỏ: “Đây thực sự là quyết định đúng đắn vào thời điểm thích hợp. WHP Global đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, năng lượng, tham vọng và sự nhiệt huyết của họ đã truyền cảm hứng cho tôi. Tôi thật may mắn khi nhận được sự tin tưởng từ họ dành cho thương hiệu của mình.”
Ở phía ngược lại, Chủ tịch kiêm CEO của WHP Global, Yehuda Shmidman, cũng khẳng định: “Vera Wang là một huyền thoại. Tên tuổi của bà đại diện cho sự hiện đại và nghệ thuật. Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác cùng bà và mong muốn mở rộng di sản phi thường của thương hiệu này thông qua các cơ hội kinh doanh mới.”
Mặc dù Vera Wang không rời xa hẳn thương hiệu, nhưng động thái lần này của bà đã gây ít nhiều sự hoang mang cho người hâm mộ. Tuy nhiên, nếu nhìn lại chặng đường phát triển sự nghiệp của "Phù thủy váy cưới", bạn sẽ hiểu rằng đây chỉ là một bước chuyển mình nhỏ trong chuỗi những quyết định đầy tham vọng và có chiến lược trước đó của bà.
Từ vận động viên trượt băng đến danh xưng “Phù thủy váy cưới”
Cha của Vera Wang, ông Vương Trừng Thanh, tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và sau khi di cư sang Mỹ vào những năm 1940, ông thành lập một công ty dược phẩm. Mẹ của bà, bà Ngô Xích Phương, từng làm phiên dịch viên cho Liên Hợp Quốc, còn ông ngoại của bà là Ngô Tuấn Thăng, một quân phiệt nổi tiếng ngang hàng với Trương Tác Lâm. Ngay từ khi còn nhỏ, Vera Wang đã có cơ hội thường xuyên cùng mẹ đến Paris tham dự các buổi trình diễn thời trang danh giá. Chính những trải nghiệm quý giá ấy đã âm thầm gieo mầm đam mê trở thành nhà thiết kế thời trang của bà sau này.
Trở thành nhà thiết kế thời trang không phải là ước mơ ban đầu của Vera Wang. Thuở nhỏ, bà từng nuôi dưỡng khát vọng trở thành vận động viên trượt băng nghệ thuật và đã bắt đầu tập luyện từ năm 8 tuổi. Với tài năng nổi bật, bà từng tham gia Giải vô địch trượt băng đôi toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, thất bại trong vòng tuyển chọn Olympic đã khép lại giấc mơ Thế vận hội. Chính bước ngoặt này lại mở ra cánh cửa mới, đưa bà đến với thế giới thời trang.
Váy cưới Vera Wang và người nổi tiếng
Sau khi từ bỏ sự nghiệp trượt băng, Vera Wang gia nhập Vogue với vai trò biên tập viên thời trang cao cấp. Bằng sự nhạy bén với cái đẹp và gu thẩm mỹ tinh tế, bà nhanh chóng trở thành nhân vật chủ chốt tại Vogue khi chỉ mới 23 tuổi. Ở độ tuổi mà nhiều người còn đang loay hoay định hướng sự nghiệp, Vera Wang đã sớm khẳng định vị thế của mình trong giới thời trang. Năm 1987, bà rời vị trí biên tập viên tại Vogue, chuyển sang làm Giám đốc thiết kế tại Ralph Lauren và bắt đầu tập trung vào lĩnh vực thiết kế phụ kiện.
1 năm sau đó, Vera Wang quyết định mở cửa hàng váy cưới cao cấp đầu tiên trên Đại lộ Madison, New York. Lấy cảm hứng từ phong cách thanh lịch của những thương hiệu thời trang cao cấp như Carolina Herrera và Christian Dior kết hợp với gu thẩm mỹ cá nhân, Vera Wang đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành váy cưới.
Kể từ đó, không biết bao nhiêu người nổi tiếng đã lựa chọn những chiếc váy cưới do đích thân Vera Wang thiết kế riêng, bao gồm Mariah Carey, Victoria Beckham, Gwen Stefani, Ivanka Trump, Hailey Bieber, Ariana Grande, Son Ye-jin, và cả các nhân vật trong "Sex and the City" như Carrie Bradshaw và Charlotte.
Kho tàng thiết kế giàu có
Tuy nhiên, sự kiện đưa Vera Wang trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu chính là bộ trang phục đính pha lê thủ công mà bà thiết kế cho vận động viên trượt băng nghệ thuật Nancy Kerrigan tại Thế vận hội mùa đông năm 1994. Từ đó, Vera Wang dần mở rộng đế chế thời trang của mình sang các lĩnh vực như váy dạ hội, nước hoa, nội y, sản phẩm gia dụng và thậm chí cả món tráng miệng. Thiết kế của bà không chỉ xuất hiện trên sàn diễn mà còn trở thành tâm điểm của thảm đỏ Hollywood, được nhiều ngôi sao như Charlize Theron, Halle Berry yêu thích.
Vera Wang thậm chí còn hợp tác với thương hiệu thời trang bình dân Kohl’s để ra mắt dòng sản phẩm Simply Vera, đưa thiết kế của mình đến gần hơn với cuộc sống hàng ngày của công chúng. Bà cũng kết hợp với Zales và David’s Bridal để biến những chiếc váy cưới trở thành giấc mơ mà nhiều cô dâu có thể sở hữu.
Năm 2019, Vera Wang được tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách những nữ doanh nhân tự thân giàu nhất, xếp hạng 45 với khối tài sản ước tính 460 triệu USD.
Hơn cả thành công thương mại, điều khiến người ta ngưỡng mộ ở Vera Wang chính là thái độ kiên định, vững vàng và không bao giờ chạy theo số đông. Ở bà, người ta thấy một tầm vóc không bị ràng buộc bởi xu hướng. Bà có thể là biểu tượng của váy cưới cao cấp nhưng cũng sẵn sàng trở thành người tiên phong đưa thời trang bình dân lên tầm cao mới.
Trải qua 37 năm trong ngành thiết kế, Vera Wang vẫn là biểu tượng tiên phong trong thế giới thời trang. Nhìn lại những cột mốc trong sự nghiệp của bà - từ vận động viên trượt băng nghệ thuật đến nhà thiết kế váy cưới, từ cửa hàng cao cấp dành cho giới thượng lưu đến hợp tác với các thương hiệu bình dân - Vera Wang đã chứng minh rằng: sự thanh lịch thực sự không bao giờ có giới hạn.
Ảnh: HBO, Vera Wang, Gwen Stefani, The Game