Documentary

Phải Xanh: Liệu "thrifting" có còn là thói quen mua sắm có đạo đức?

Mặt trái của thrifting và hậu quả mang tính toàn cầu của chúng. 

accessories bag handbag purse hugging person

Những năm gần đây, thrift stores (cửa hàng bán đồ cũ) đã trở thành một trào lưu trên mạng xã hội, chủ yếu nhờ vào sự yêu thích của Gen Z. Mua sắm đồ second-hand giờ đây không chỉ là một hành động tiêu dùng mà còn mang tính chất chính trị, cho phép người trẻ vừa thể hiện cam kết với môi trường vừa khẳng định phong cách cá nhân thông qua những món đồ độc nhất vô nhị.

Tuy nhiên, liệu xu hướng này có thực sự đạo đức và bền vững? Bộ phim tài liệu Very Bad Fripes do France 2 phát sóng gần đây đã phơi bày mặt tối của ngành công nghiệp đồ cũ - thị trường được định giá 1,16 tỷ euro tại Pháp, theo L’Écho. Cùng với các số liệu từ The Guardian, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những vấn đề tiềm ẩn của thị trường đồ cũ đang phát triển mạnh mẽ.

Điểm mấu chốt của những vấn đề này nằm ở một thách thức chung: quản lý chất thải. Dù được quảng bá là một giải pháp bền vững hơn, ngành công nghiệp này đang đối mặt với áp lực lớn từ chính khối lượng rác thải mà nó cố gắng tái sử dụng. 

Ngành công nghiệp hàng dệt may cũ đang âm thầm tạo ra một cuộc khủng hoảng rác thải toàn cầu, với phần lớn khối lượng bị đẩy sang các quốc gia thuộc thế giới thứ ba. The Guardian tiết lộ rằng, tại các cửa hàng đồ từ thiện, chỉ khoảng 20% số quần áo được quyên góp thực sự được bán. Phần còn lại nhanh chóng rơi vào tay các nhà thu mua quốc tế, sau đó được xuất khẩu hàng loạt, chủ yếu đến Ghana – quốc gia nhập khẩu quần áo đã qua sử dụng lớn nhất thế giới.

Tại đây, hầu hết những lô hàng này đổ về Chợ Kantamanto ở Accra, nơi được mệnh danh là chợ quần áo cũ lớn nhất hành tinh. Một số ít trong đó được tái sử dụng và bán lại, nhưng phần lớn bị bỏ đi và trở thành rác thải. Những đống rác khổng lồ này thường xuyên bị đốt cháy trái phép hoặc trôi dạt ra môi trường, len lỏi vào dòng sông Odaw, phá Korle, và cuối cùng là đại dương. Tất cả kết thúc bằng những mảng rác dệt may khổng lồ phủ kín các bãi biển, để lại hậu quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái.

Nói một cách phũ phàng, các nước phương Tây đang lén lút chuyển giao khối lượng chất thải thời trang khổng lồ của mình đến những quốc gia kém phát triển hơn, nơi người dân địa phương – do không có đủ nguồn lực xử lý – buộc phải vứt bỏ hoặc đốt chúng, đẩy gánh nặng ô nhiễm lên chính môi trường sống của họ.

Ban đầu, các cửa hàng đồ cũ ra đời với mục đích nhân văn, cung cấp quần áo giá rẻ để hỗ trợ những người có thu nhập thấp. Nhưng ngày nay, chúng đang trở thành một phần của cuộc đua sang trọng hóa. Sự phổ biến quá mức của thời trang vintage khiến nhu cầu tăng cao và đẩy giá cả vượt xa tầm tay của những người thực sự cần. Những món đồ từng là biểu tượng của sự tiết kiệm giờ đây đang được bán với giá gần tương đương hàng mới, biến những Thrift shop thành điểm đến xa xỉ, xa rời sứ mệnh ban đầu. 

Nói như vậy, không có nghĩa chúng ta lên án việc mua đồ cũ hay tặng đồ đã qua sử dụng. Thực tế, những lựa chọn này còn đáng hoan nghênh hơn so với việc liên tục mua sắm sản phẩm từ các thương hiệu thời trang nhanh. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ tiêu thụ quá mức. Dù là thời trang nhanh hay đồ cũ, vấn đề cốt yếu là việc mua sắm những món đồ chỉ được mặc vài lần trước khi bị bỏ đi. Cho đến nay, khái niệm "ethical fashion" (thời trang đạo đức) dường như vẫn còn mơ hồ, gần như là một nghịch lý. Ngành công nghiệp này cần nỗ lực hơn nữa để định nghĩa lại thời trang đạo đức, không chỉ tập trung vào đạo đức, mà còn phải bao gồm khả năng tiếp cận và tính bao trùm.

Ảnh: @linmick, @irisloveunicorn, @sofiamcoelho, @vikieyen, @lissyrodyy

Recommended posts for you