Les Petite Mains – “những đôi tay nhỏ” trực tiếp hiện thực hoá haute couture
Năm 2016, The MET đã chứng minh cho giới mộ điệu thấy công nghệ và con người hoàn toàn có thể kết hợp qua buổi triển lãm với chủ đề “Manus x Machina: Thời trang trong kỷ nguyên công nghệ”, với sự kích hoạt đến từ não bộ tự nhiên, máy móc đã hiện đại tới mức dựa trên lập trình của người dùng và tự lên rập, vẽ hoạ tiết với độ chính xác hoàn hảo.
Mặc dù máy móc đã can thiệp rất sâu vào thời trang, giới mộ điệu vẫn phải thừa nhận rằng haute couture là một lĩnh vực, một toà thành vững chắc mà sự xâm lăng của công nghệ chưa bao giờ chạm tới. Bản thân từ “couture” được dùng để chỉ nghệ thuật may đo thủ công, và chính vì vậy, ở lĩnh vực xa hoa bậc nhất của thời trang, nơi mọi trang phục đều được may đo bằng tay, những người thợ may giỏi chính là một trong những “động cơ” cốt lõi vận hành haute couture phát triển.
Không phải thương hiệu nào cũng có thể dùng chiếc nhãn haute couture, và đồng thời, không phải người nghệ nhân nào cũng sẽ được làm việc cho một nhà mốt couture nổi tiếng. Tại Chanel, con số petite mains lên tới 2000 người và quá trình làm việc của họ cho một bộ sưu tập haute couture bắt đầu từ rất sớm. Làm việc trực tiếp tại các atelier, những người thợ may này đề cao tính trung thành và đa số họ đều gắn bó với một nhà mốt duy nhất, những gì đội ngũ thợ may đã làm cho nhà mốt chính là sự cống hiến một cách chân thành và tận tâm nhất.
Tuỳ vào nhà mốt và số lượng thiết kế cho mỗi mùa mà số lượng các petite mains có thể thay đổi, tuy nhiên, lúc nào cũng sẽ có 20 tới 25 người thợ thường trực trong atelier để xử lý đơn hàng đến từ những vị khách xa hoa. Một cái tên chắc hẳn đã quá quen thuộc với giới mộ điệu – Karl Lagerfeld - là nhà thiết kế rất gắn bó với đội ngũ petite mains của mình. Thời kỳ còn đảm nhiệm vị trí giám đốc sáng tạo của Chanel, Lagerfeld đã mang những người thợ của mình lên sàn diễn haute couture thu đông 2016 một cách đầy tự hào.
Không chỉ có nhiệm vụ may, những người thợ cũng có quyền đưa ra ý kiến góp ý và hiện thực hoá “giấc mơ” của nhà thiết kế. Không phải nhà thiết kế nào cũng giỏi kỹ thuật, và lúc này, công việc của người thợ chính là giải mã những bản vẽ, tìm ra cách xây dựng và phát triển chúng một cách hoàn hảo nhất. Càng nhiều chi tiết xuất hiện trên bộ đồ thì những đường kim mũi chỉ càng phải đạt tới trình độ cao hơn, sự cao cấp nằm ở chính những chi tiết nhỏ nhất được may đo thủ công tỉ mỉ.
Thuật ngữ “tailleur” – những atelier couture chuyên tạo nên những thiết kế với chất liệu cứng cáp và nặng, tồn tại song song với “flou” – atelier của những trang phục couture với chất liệu bay bổng, ren, lụa và lông vũ là những ví dụ tiêu biểu. Sự phân chia này cũng đồng thời cũng dành cho đội ngũ những người thợ. Mỗi cá nhân lại có lợi thế ở một chất liệu vải khác nhau. Không phải ai cũng có thể may đẹp với tấm vải lụa trơn trượt hay vải dạ thô cứng, và những chiếc lông vũ đôi khi có thể trở nên rất phiền phức.
Hiểu về chất liệu và có những chất liệu yêu thích chắc chắn là điều mỗi petite mains nắm rõ hơn bất kì ai, thậm chí, kiến thức về vải của họ còn có thể sâu và rộng hơn chính bản thân nhà thiết kế. Họ làm việc không chỉ như người thợ may mà còn là người cố vấn cho mỗi thiết kế haute couture.
Khách hàng có thể không nhận thức được khối lượng công việc đổ dồn lên một chiếc áo choàng hai lớp họ đã đặt mua ngay trong thời kì những bí mật về haute couture đã được bật mí rộng rãi cho truyền thông trên toàn thế giới, nhưng nhà thiết kế thì chắc chắn không thể không nắm rõ. Để tôn vinh những người thợ của mình, vào khoảnh khắc Karl Lagerfeld mang những người thợ đứng đầu 4 công xưởng của Chanel (2 tailleur và 2 flou) tại số nhà 31 đường Cambon, Paris lên sàn diễn haute couture thu đông 2016, và họ cùng cúi chào khán giả trong không gian trình diễn tái hiện hình ảnh một atelier bận rộn. Cả khán phòng bùng nổ trong tiếng vỗ tay của những vị khách trước hình ảnh người thợ may trực tiếp tạo nên trang phục haute couture nhưng ăn vận hết sức đơn giản cùng bộ kim chỉ hay chiếc thước dây vẫn còn treo quanh hông hay trên cổ áo.